Tại sao phải chia sẻ công việc nhà

Chia sẻ việc nhà để gia đình hạnh phúc

08:06 | 09/06/2021
|

Theo quan niệm truyền thống, trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình là "tề gia nội trợ. Nhưng, ngày nay, quan niệm ấy đã dần thay đổi.

Theo quan niệm truyền thống, trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình là "tề gia nội trợ. Nhưng, ngày nay, quan niệm ấy đã dần thay đổi. Nhiều nam giới đã cùng tham gia vào công việc nội trợ, chăm sóc con cái, giúp người phụ nữ vơi đi phần nào gánh nặng việc nhà, góp phần thực hiện hiệu quả bình đẳng giới trong gia đình.

Tại sao phải chia sẻ công việc nhà
Anh Trần Huy Tâm, xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên thường xuyên làm việc nhà giúp vợ. Ảnh: Dương Chung

Được gọi là người đàn ông "đảm đang", bởi khả năng quán xuyến mọi việc từ nhà cửa đến con cái, nhưng anh Trần Huy Tâm, xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên luôn tỏ ra khiêm tốn và cho rằng đó là trách nhiệm của mình.

Anh Tâm cho biết: Vợ tôi là đầu bếp cho một công ty ở Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, nên thường phải đi làm từ sáng sớm và chiều muộn mới về nhà. Tôi cũng là đầu bếp, nên phần nào thấu hiểu sự vất vả của nghề này. Vì thế, hơn 10 năm nay, tôi luôn coi việc đưa các con đi học, đón các con về, nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa là niềm vui của mình.

Mỗi người có một công việc riêng, nhưng sự vất vả thì ngang nhau, nên nếu gánh vác được những việc không tên" giúp vợ, tôi luôn sẵn sàng để vợ tôi đi làm về có thời gian nghỉ ngơi, lấy lại sức khỏe sau 1 ngày làm việc mệt mỏi.

Hết giờ làm việc ở cơ quan, anh Nguyễn Quang Huy, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên không ngần ngại cùng vợ nấu cơm, tắm cho con, dọn dẹp nhà cửa. Khi vợ phải trực tại cơ quan thì anh còn kiêm luôn cả 2 thiên chức vừa làm bố, vừa làm mẹ chăm sóc cho 2 con nhỏ từ bữa ăn đến giấc ngủ. Hàng xóm, bạn bè, người thân ai cũng khen anh là người chồng tâm lý, chịu khó, có trách nhiệm với gia đình.

Ngày nay, nam giới làm việc nhà không còn là chuyện hiếm đối với nhiều gia đình, nhất là khi xã hội ngày một phát triển, văn minh, vấn đề bình đẳng giới được đề cao. Tuy nhiên, bên cạnh những người như anh Tâm, anh Huy, vẫn còn một bộ phận không nhỏ các ông chồng có tư tưởng gia trưởng, cho rằng việc nhà là của phụ nữ, đàn ông chỉ làm những việc lớn và họ phó mặc việc nhà cho vợ đảm đương, cáng đáng. Với quan niệm đó, nhiều ông chồng tỏ ra thờ ơ hoặc thậm chí không muốn động tay vào bất cứ việc gì mỗi khi về đến nhà.

Chị Nguyễn Thị Sen, phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên chia sẻ: "Tôi lập gia đình được 9 năm, cũng là 9 năm một mình chị làm hết việc nội trợ. Do hai vợ chồng ở cùng bố mẹ chồng và chồng chị lại được bố mẹ chiều từ bé nên chưa bao giờ chồng tôi giúp làm bất cứ một công việc gì trong gia đình. Đôi khi tôi có việc đột xuất ở cơ quan về muộn, việc cơm nước của gia đình anh cũng không động tay vào, nhất quyết chờ vợ về".

Thực tế hiện nay, phụ nữ làm việc như nam giới, họ cũng phải lao động kiếm tiền, tích cực tham gia công tác xã hội và trong số đó, không ít người đã trở thành trụ cột kinh tế chính của gia đình nhưng họ vẫn làm tròn thiên chức của người mẹ, người vợ. Vì thế, nếu được chồng thông cảm, chia sẻ công việc nhà, người phụ nữ sẽ cảm thấy được an ủi rất nhiều.

Gạt đi quan niệm, đàn ông là kiếm tiền lo cho gia đình, rất nhiều nam giới, trong đó, có không ít người thành đạt, có vị thế trong xã hội trở thành một người chồng, người bố có trách nhiệm, thường xuyên chia sẻ công việc gia đình cùng vợ con, biết tạo ra những điều mới mẻ trong cuộc sống gia đình, khiến gia đình luôn tràn ngập niềm vui.

Chị Trần Thúy Anh, Trưởng Ban Gia đình xã hội-kinh tế, Hội LHPN tỉnh cho rằng, để người chồng làm việc nhà một cách tự nguyện, thoải mái, người vợ nên lựa lúc vui vẻ để tâm sự, trao đổi với chồng về việc mình cảm thấy hạnh phúc và đỡ vất vả như thế nào khi có người chia sẻ việc nhà. Chồng tham gia làm việc nhà cùng cũng để làm gương cho con cái trong gia đình học tập.

Tuy nhiên, việc nhà cũng không nên phân chia rạch ròi, cứng nhắc mà cả vợ và chồng nên xử lý một cách linh hoạt. Đôi khi, nếu chồng bận công việc, hay vì lý do sức khỏe không thể giúp được, thì vợ cũng không nên cằn nhằn, trách móc.

Mặt khác, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, mỗi gia đình cần thống nhất, bố trí, sắp xếp việc nhà sao cho hợp lý để các thành viên trong gia đình đều có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày làm việc vất vả.

Bình đẳng giới trong gia đình là một xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, để bình đẳng trong gia đình đạt mức lý tưởng thì mỗi thành viên trong gia đình cần biết sống vì nhau, sống trách nhiệm và yêu thương nhau. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự nhận thức của mỗi người.

Minh Nguyệt