Ba Mẫu giờ Chầu Thánh the

CHẦU THÁNH THỂ

CHÚA NHẬT MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ, 02-6-2013

Ba Mẫu giờ Chầu Thánh the

MẪU SỐ 1 (Phù hợp hơn với Cộng đoàn Giáo xứ) 

MẪU SỐ 2 (Phù hợp hơn với Cộng đoàn quen suy tư)

MẪU SỐ 3 

MẪU SỐ 1

(Phù hợp hơn với Cộng đoàn Giáo xứ)

A. KHAI MẠC

1. Đặt Mình Thánh Chúa.

Hát kính Thánh Thể (Con thờ lạy hết tình – Adoro Te devote)

2. Lời nguyện mở đầu:

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin và thờ lạy Chúa đang hiện diện giữa chúng con. Chúa đã yêu thương chúng con đến cùng, và đã trao ban chính Mình Máu Chúa cho chúng con được sống; Chúa còn mời gọi chúng con đến với Chúa để được Chúa dạy dỗ… chúng con xin dâng lời chúc tụng tri ân. Trong thời khắc đặc biệt này, cùng với dân Chúa khắp nơi trên thế giới cùng cử hành Giờ Chầu Thánh Thể, tuyên xưng sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa. Xin cho chúng con biết cùng nhau lắng nghe lời Chúa, suy niệm và cầu nguyện, noi theo gương mẫu của cộng đoàn tín hữu đầu tiên “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42).

3. Hát: Xin cho con biết lắng nghe

B. LẮNG NGHE LỜI CHÚA

SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN

Kết thúc thông điệp Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể (17.4.2003), Chân phước Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã viết: “Kính chào thân xác thật sinh ra từ cung lòng Trinh Nữ Maria, thực sự đã chịu đau khổ, được hiến tế trên thập giá vì loài người!”. Đây là kho tàng của Giáo Hội, quả tim của thế giới, bảo chứng của ngày cuối cùng mà mọi người đều mong mỏi, dù không ý thức. Vĩ đại thay mầu nhiệm này. Chắc chắn nó vượt xa chúng ta và nó thử thách cam go những khả năng của trí óc chúng ta đòi buộc phải đi xa hơn những dáng vẻ bên ngoài. Nơi đây, giác quan của chúng ta bất lực –” thị giác, xúc giác, vị giác đều phải lụn bại”, thánh thiAdoro Te devote (Con thờ lạy hết tình) đã nói như thế, nhưng chỉ cần đức tin của chúng ta đâm rễ sâu vào Lời Chúa Kitô được các Tông Đồ truyền lại, đủ cho chúng ta. Xin cho phép tôi lặp lại với Chúa Kitô, nhân danh tất cả Giáo Hội, nhân danh mỗi người trong anh chị em, như Thánh Phêrô vào cuối diễn từ về Bí Tích Thánh Thể trong Tin Mừng thánh Gioan: “Lạy Chúa, bỏ Chúa chúng con đi với ai? Chúa có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). […] Hơn hết hãy lắng nghe Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, nơi Mẹ, hơn ai hết, Mầu Nhiệm Thánh Thể tỏa sáng như một mầu nhiệm sự sáng. Khi quay hướng về Mẹ, chúng ta biết đượcsức mạnh làm biến đổi của Bí Tích Thánh Thể. Trong Mẹ chúng ta nhìn thấy thế giới được canh tân trong tình yêu. Khi chiêm ngắm Mẹ, Đấng hồn xác Lên Trời, chúng ta khám phá ra cái gì đó của “trời mới, đất mới”, sẽ mở ra trước mắt chúng ta khi Chúa Kitô quang lâm. Bí Tích Thánh Thể là bảo chứng ngay từ trần gian này và một cách nào đó là nếm trước sự quang lâm đó: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” (Kh 22,20). [Ecclesia de Eucharistia, số 59 và 62].

[Để cộng đoàn tham dự Giờ Chầu cách tích cực, chúng ta cùng nhau lần chuỗi 50, suy niệm Năm Sự Sáng. Mỗi mầu nhiệm sẽ có một đoạn Tin Mừng, cộng đoàn đứng lắng nghe; tiếp đến im lặng cầu nguyện riêng vài phút, rồi lần chuỗi: 1 kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng, 1 kinh Sáng Danh; sau đó là lời nguyện và bài hát thích hợp].

Lần chuỗi, suy niệm Năm Sự Sáng

Thứ nhất: Đức Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan – Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa.

+ Tin Mừng Chúa Giêsu-Kitô theo thánh Matthêô (3,13-17)

Bấy giờ, Đức Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!”. Nhưng Đức Giêsu trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”. Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Người.

Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”.

(Im lặng cầu nguyện riêng)

Kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Tin Mừng giữa lòng thế giới thành nắm men làm cho cả khối bột dậy lên; xin đưa mắt nhìn xem tất cả những ai đang sống giữa cảnh đời huyên náo nhưng lòng vẫn thiết tha đáp lại ơn gọi làm kitô-hữu: xin cho tâm hồn họ luôn được Thần Khí Đức Kitô thiêu đốt, để họ vừa chu toàn bổn phận người công dân, vừa tích cực mở mang Nước trời. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Hát:  Được Chúa kêu mời.

Thứ hai: Đức Chúa Giêsu dự tiệc cưới Cana – Ta hãy xin cho được vững tin vào quyền năng của Ngài.

+ Tin Mừng Chúa Giêsu-Kitô theo thánh Gioan (2,1-11).

Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”.Đức Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến”.Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.

Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Đức Giêsu bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!”. Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ”.Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.

(Im lặng cầu nguyện riêng)

Kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh

Lạy Chúa, chính Chúa đã tạo lập gia đình để trở thành tổ ấm cho tình thương và sự sống phát triển; xin ban cho hết mọi gia đình biết noi gương Thánh Gia Thất để lại, mà ăn ở theo lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc lẫn nhau trong tình bác ái, hầu được chung hưởng niềm vui vĩnh cửu. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Hát: Vinh phúc thay

Thứ ba: Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối – Ta hãy xin cho được hoán cải và đón nhận Tin Mừng.

+ Tin Mừng Chúa Giêsu-Kitô theo thánh Marcô (1,14-15)

Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

(Im lặng cầu nguyện riêng)

Kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh

Lạy Chúa, Chúa đã gửi ánh sáng thật đến cho thế gian khi ban cho thế gian chính Con Một Chúa; xin đổ tràn Thần Khí Chúa trên khắp cõi địa cầu: chính Ngài gieo vãi hạt giống chân lý trong tâm khảm con người, giúp con người sẵn sàng đón nhận đức tin; xin cho hạt giống Thần Khí đã gieo vãi sớm nảy mầm và sinh hoa kết quả. Bấy giờ hết thảy mọi người được tái sinh trong cùng một đức tin, sẽ nhờ Đức Kitô mà thành một dân mới. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Hát: Thần Linh Chúa trên tôi

Thứ bốn: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi – Ta hãy xin cho được lắng nghe và thực hành lời Chúa.

+ Tin Mừng Chúa Giêsu-Kitô theo thánh Luca (9,28-36)

Khoảng tám ngày sau khi nói những lời ấy, Đức Giêsu lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê. Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môisen và ông Êlia. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem. Còn ông Phêrô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giêsu, và hai nhân vật đứng bên Người. Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giêsu, ông Phêrô thưa với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môisen, và một cho ông Êlia”. Ông không biết mình đang nói gì. Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!”. Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giêsu. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.

(Im lặng cầu nguyện riêng)

Kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh

Lạy Chúa, Chúa đã quy tụ chúng con lại để chúng con cùng nhau tìm ý Chúa; xin khơi dậy trong lòng chúng con niềm khát vọng đi tìm sự thật, xin dẫn chúng con đi trong ánh sáng của Chúa và giúp chúng con sống trong tình thần yêu chuộng hòa bình; và một khi chúng con biết được điều Chúa đòi hỏi, xin cho chúng con một lòng một ý và mau mắn thực hành. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Hát: Lắng nghe Lời Chúa

Thứ năm: Đức Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể – Ta hãy xin cho được năng kết hợp cùng Chúa Giêsu Thánh Thể.

+ Tin Mừng Chúa Giêsu-Kitô theo thánh Luca (22,14-17.19-20)

Khi giờ đã đến, Đức Giêsu vào bàn, và các Tông Đồ cùng vào với Người. Người nói với các ông: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa”.

Rồi Người nhận lấy chén, dâng lời tạ ơn và nói: “Anh em hãy cầm lấy mà chia nhau. Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”. Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em”.

(Im lặng cầu nguyện riêng)

Kinh Lạy Cha, 10 kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh

Lạy mục tử nhân lành, bánh đích thực, xin thương xót chúng con; xin nuôi dưỡng chúng con, che chở chúng con, xin cho chúng con nhìn thấy thiện hảo tuyệt vời trong cõi đất dành cho kẻ sống. Chúa biết và có thể làm mọi sự, Chúa là lương thực của chúng con trên trần gian này, xin đem chúng con lên cõi cao xanh để là thực khách và thừa kế muôn đời trong gia đình các thánh. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

Hát: Con muốn chúc mừng mầu nhiệm

Im lặng thờ lạy Thánh Thể.

Cùng đọc kinh cầu Trái tim Chúa Giêsu.

Kinh Cầu Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu

Xin Chúa thương xót chúng con. đ/

Xin Chúa Kitô thương xót chúng con. đ/

Xin Chúa thương xót chúng con. đ/

Chúa Kitô nghe cho chúng con.

đ/ Chúa Kitô nhậm lời chúng con.

Ðức Chúa Cha ngự trên trời là Ðức Chúa Trời thật.

đ/ Thương xót chúng con.

Ðức Chúa Con chuộc tội cứu thế là Ðức Chúa Trời thật. đ/

Ðức Chúa Thánh Thần là Ðức Chúa Trời thật. đ/

Ba Ngôi cũng là một Ðức Chúa Trời. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu Con Ðức Chúa Cha hằng có đời đời. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần đã dựng nên trong lòng Rất Thánh Ðức Mẹ Ðồng Trinh. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu hợp làm một cùng Ngôi Thứ Hai cho trọn. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu oai vọng vô cùng. đ/

Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu là đền thánh Chúa Trời. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu là toà Ðấng cực cao cực trọng. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu là đền đài Chúa Trời và là cửa Thiên Ðàng. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu là lò lửa mến hằng cháy. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu gồm sự công chính và sự thương yêu. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu đầy sự nhân lành cùng sự yêu dấu. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu là vực đầy mọi nhân đức. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu rất đáng ngợi khen mọi đàng. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu là Vua lòng mọi người và là chốn phải hướng về thay thảy. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu là kho của mọi sự khôn ngoan thông thái. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu là nơi trót tính Ðức Chúa Trời ngự. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu là chốn Ðức Chúa Cha lấy làm ưng ý mọi đàng. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu là mạch đầy dẫy hằng chảy ơn lành cho mọi người chúng con. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu các thánh trên trời khao khát. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu hay nhịn hay thương vô cùng. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu hay ở rộng rãi cùng những kẻ nguyện xin. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu là cội rễ cho chúng con được nên lành nên thánh. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu là của lễ đền tội chúng con. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu đã phải xấu hổ nhuốc nha bội phần. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu đã phải tan nát vì tội chúng con. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu đã vâng lời cho đến chết. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu đã phải lưỡi đòng thâu qua. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu là nguồn mọi sự an ủi. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu là sự sống cùng là sống lại chúng con. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu ban cho chúng con được bằng an và làm lành cùng Ðức Chúa Trời. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu dâng mình chịu phạt cho kẻ có tội. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu hay cứu chữa kẻ trông cậy. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu hay làm cho kẻ mong sinh thì được cậy trông. đ/

Trái Tim Ðức Chúa Giêsu hay làm cho các thánh được vui mừng. đ/

Chúa Kitô chuộc tội cứu thế.

đ/ Tha tội chúng con.

Chúa Kitô chuộc tội cứu thế.

đ/ Nghe cho chúng con.

Chúa Kitô chuộc tội cứu thế.

đ/ Thương xót chúng con.

Lạy Ðức Chúa Giêsu rất hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

đ/ Xin uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa.

Chúng con lạy ơn Ðức Chúa Trời phép tắc vô cùng hằng có đời đời, chúng con xin Chúa trông đến Trái Tim Con rất yêu dấu Chúa, cùng những lời ngợi khen, và những việc lành Người dâng thay cho kẻ có tội, mà nguôi cơn giận mà tha thứ cho những kẻ ăn năn kêu van. Vì Ðức Giêsu Kitô Con Chúa, là Ðấng hằng sống hằng trị làm một cùng Chúa và Ðức Chúa Thánh Thần đời đời chẳng cùng. Amen.

C. KẾT THÚC

1. Này con là Đá. Lời nguyện cầu cho Đức giáo hoàng.

2. Đây nhiệm tích. Lời nguyện và phép lành MTC.

3. Xin vâng.

***

]

MẪU SỐ 2

(Phù hợp hơn với Cộng đoàn quen suy tư)

A. Khai mạc

1. Đặt Mình Thánh Chúa. Hát kính Thánh Thể.

2. Lời nguyện mở đầu:

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin và thờ lạy Chúa đang hiện diện giữa chúng con. Chúa đã yêu thương chúng con đến cùng, và đã trao ban chính Mình Máu Chúa cho chúng con được sống; Chúa còn mời gọi chúng con đến với Chúa để được Chúa dạy dỗ… chúng con xin dâng lời chúc tụng tri ân. Trong thời khắc đặc biệt này, cùng với dân Chúa khắp nơi đồng cử hành Giờ Chầu Thánh Thể, tuyên xưng sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa. Xin cho chúng con biết cùng nhau lắng nghe lời Chúa, suy niệm và cầu nguyện, noi theo gương mẫu của cộng đoàn tín hữu đầu tiên “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42).

Hát: Xin cho con biết lắng nghe

B. Lắng nghe Lời Chúa – suy niệm và cầu nguyện.

I. Bí tích Thánh Thể, mầu nhiệm mà chúng ta tin

3. Bài đọc I: “Người sẽ ban cho các ngươi của ăn mà các ngươi và cha ông các ngươi chưa từng biết tới”.

Trích sách Ðệ Nhị Luật (8,2-3.14b-16a).

Ông Môisen nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi hãy nhớ tất cả đoạn đường mà Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã dẫn đưa các ngươi qua sa mạc suốt bốn mươi năm, để rèn luyện và thử thách các ngươi, để biết các điều bí ẩn trong lòng các ngươi và xem các ngươi có tuân giữ lề luật của Người hay không? Người đã để các ngươi vất vả thiếu thốn, và ban cho các ngươi manna làm của ăn mà các ngươi và cha ông các ngươi chưa từng biết tới, để tỏ cho các ngươi thấy rằng: Con người sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

“Các ngươi hãy nhớ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, Ðấng đã dẫn đưa các ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Và Người là Ðấng đã dẫn các ngươi vào nơi hoang địa mênh mông và kinh khủng có nhiều rắn hổ lửa, bò cạp, rắn lục, và không có một giọt nước nào; Người đã khiến nước từ tảng đá cứng rắn vọt ra. Trong hoang địa, Người đã nuôi các ngươi bằng manna mà cha ông các ngươi chưa từng biết tới”.

Ðó là lời Chúa.

4. Ðáp Ca: Tv 147, 12-13. 14-15. 19-20.

đ/ Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa (c. 12a).

x. Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa.

Hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion!

vì Người giữ chặt các then cửa ngươi,

Người chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội. đ/

x. Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai,

và lời Người lanh chai chạy rảo.

Người khiến tuyết rơi như thể lông cừu,

Người gieo rắc sương đông như tro bụi trắng. đ/

x. Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp,

những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel.

Người đã không làm cho dân tộc nào như thế,

Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người. đ/

5. Suy niệm 1: Bí tích Thánh Thể, nguyên lý nhân quả của Hội Thánh – Bí tích Thánh Thể và sự hiệp thông trong Hội Thánh (Đức Bênêđictô XVI, tông huấn Sacramentum Caritatis, ngày 22.02.2007, số 14 và 15)

Qua Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đưa tín hữu vào trong “Giờ” của Người; theo cách thức đó, Người cho chúng ta thấy liên hệ mà Người muốn có giữa Người với chúng ta, giữa cá nhân Người với Hội Thánh. Thật vậy, chính Đức Kitô, trong hy tế thập giá, đã sinh ra Hội Thánh như Hiền thê và Thân thể của Người. Các giáo phụ suy gẫm cách say mê về liên hệ giữa nguồn gốc của Evà xuất phát từ cạnh sườn ông Ađam đang say ngủ (x. St 2,21-23) với Evà mới là Hội Thánh xuất phát từ cạnh sườn bị khai mở của Đức Kitô đang chìm trong giấc ngủ của cái chết: như thánh Gioan trình thuật, từ cạnh sườn bị đâm thâu tuôn chảy máu và nước (x. Ga 19,34) biểu trưng cho các bí tích. Một cái nhìn chiêm ngắm “Đấng mà cạnh sườn bị đâm thâu” (Ga 19,37) sẽ giúp chúng ta suy niệm về liên hệ nhân quả giữa hy tế của Đức Kitô, Bí tích Thánh Thể và Hội Thánh. Thật vậy: “Hội Thánh sống nhờ Bí tích Thánh Thể”. Vì trong bí tích này hy tế cứu độ của Đức Kitô thực sự hiện diện, buộc mọi người phải chân nhận “có một ảnh hưởng nhân quả của Bí tích Thánh Thể vào chính nguồn gốc của Hội Thánh”. Bí tích Thánh Thể chính là Đức Kitô, Đấng tự hiến ban chính mình cho chúng ta và không ngừng xây dựng chúng ta trở thành thân thể của Người. Vì thế, trong liên hệ hỗ tương giữa Bí tích Thánh Thể là bí tích xây dựng Hội Thánh, với chính Hội Thánh là nơi “làm nên” Bí tích Thánh Thể, nguyên nhân thứ nhất được diễn tả trong công thức đầu tiên: Hội Thánh có thể cử hành và thờ phượng mầu nhiệm Đức Kitô hiện diện trong Bí tích Thánh Thể chính vì Đức Kitô đã tự hiến trước cho Hội Thánh trong hy tế thập giá. Việc Hội Thánh có khả năng “làm nên” Bí tích Thánh Thể hoàn toàn bắt nguồn từ sự tự hiến của Đức Kitô cho Hội Thánh. Nơi đây, chúng ta khám phá một phương diện hết sức thuyết phục trong công thức của thánh Gioan: “Người đã yêu chúng ta trước” (x. 1Ga 4,19). […] Cho đến mãi muôn đời, Người vẫn là Đấng đã yêu thương chúng ta trước!

Bí tích Thánh Thể là yếu tố nền tảng cho sự hiện hữu và hoạt động của Hội Thánh. Vì thế, Kitô giáo vào thời kỳ đầu thường dùng chung một cách diễn tả là Corpus Christi (Mình Chúa Kitô) để nói về thân xác do Đức Trinh Nữ Maria sinh ra, về Mình Chúa trong Bí tích Thánh Thể và về thân thể Hội Thánh của Đức Kitô. Dữ kiện được lưu truyền giúp chúng ta có được một ý thức rõ ràng về sự bất phân ly giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Chúa Giêsu, khi tự hiến mình cho chúng ta làm của lễ hy sinh, trong hồng ân của Người đã loan báo một cách hữu hiệu mầu nhiệm Hội Thánh. Điểm đặc biệt, Kinh Nguyện Thánh Thể II liên kết lời cầu xin cho sự hiệp nhất của Hội Thánh với lời kinh khẩn cầu Chúa Thánh Thần sau khi truyền phép, bằng công thức như sau: “Chúng con nài xin Chúa cho chúng con khi thông phần Mình và Máu Đức Kitô, được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần”. Công thức này cho thấy rõ ràng hiệu quảcủa Bí tích Thánh Thể là sự hiệp nhất của các tín hữu trong sự hiệp thông Hội Thánh. Như thế Bí tích Thánh Thể tỏ hiện là nền tảng của Hội Thánh là mầu nhiệm Hiệp thông.

Trong thông điệp “Hội Thánh sống nhờ Thánh Thể” (Ecclesia de Eucharistia), Chân phước giáo hoàng Gioan-Phaolô II giúp chúng ta chú ý đến liên hệ giữa Bí tích Thánh Thể và hiệp thông. Ngài nói việc cử hành tưởng niệm Đức Kitô là “cách thể hiện cao cả nhất dưới dạng bí tích sự hiệp thông trong Hội Thánh”. Sự duy nhất của hiệp thông Hội Thánh biểu lộ cách cụ thể trong các cộng đoàn kitô hữu và được lập lại trong cử hành Thánh Thể, việc làm này vừa kết hợp họ lại và làm cho họ khác biệt nhau trong các Giáo Hội địa phương, “trong và nhờ những Giáo Hội địa phương này Hội Thánh công giáo duy nhất được thể hiện”. Chính thực tại của một Bí tích Thánh Thể duy nhất được cử hành trong từng giáo phận vây quanh vị Giám mục của riêng mình giúp chúng ta hiểu rõ làm thế nào những Giáo Hội từng vùng tồn tại trong và từ Hội Thánh. “Sự đơn nhất và bất khả phân ly của Thân Thể Chúa trong Bí tích Thánh Thể đòi buộc sự đơn nhất của Thân thể nhiệm mầu là Hội Thánh duy nhất và không phân chia. Chính từ trung tâm Bí tích Thánh Thể mới có được sự cởi mở cần thiết của từng cộng đoàn đang cử hành, của từng Giáo hội địa phương: được lôi kéo bởi những cánh tay rộng mở của Chúa, mà người ta được tháp nhập vào thân thể duy nhất và không phân chia”. Từ nền tảng này, trong việc cử hành Bí tích Thánh Thể, mỗi tín hữu thấy mình hiện diện trong Hội Thánhcủa Người, có nghĩa là Hội Thánh của Đức Kitô. Trong quan niệm đúng đắn như thế về Bí tích Thánh Thể, sự hiệp thông Hội Thánh tự minh chứng là một thực tại công giáo tự bản chất. Nhấn mạnh đến căn nguyên của sự hiệp thông Hội Thánh xuất phát từ Bí tích Thánh Thể, có thể đóng góp đầy hiệu năng cho việc đối thoại đại kết với các Giáo Hội và các Cộng Đoàn giáo hội chưa hiệp thông trọn vẹn với Ngai Tòa thánh Phêrô. Bí tích Thánh Thể kết nối một cách khách quan mối dây liên kết bền chặt giữa Hội Thánh công giáo và các Giáo Hội Chính thống, là những Giáo Hội còn nắm vững bản chất không sai lệch và nguyên vẹn của mầu nhiệm Bí tích Thánh Thể. Đồng thời, việc nhấn mạnh đến đặc tính giáo hội của Bí tích Thánh Thể cũng có thể trở thành một yếu tố quan trọng trong việc đối thoại với các cộng đoàn phát sinh từ cuộc Cải Cách.

6. Hát: Xin hiệp nhất chúng con.

II. Thánh Thể, mầu nhiệm được cử hành

7. Bài Ðọc II: “Máu Chúa Kitô tẩy sạch lương tâm chúng ta”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái (9, 11-15).

Anh em thân mến, Chúa Kitô xuất hiện như vị Thượng tế cầu bầu mọi phúc lành tương lai. Người đi qua nhà tạm rộng rãi và hoàn hảo hơn, không phải do tay người phàm xây dựng, nghĩa là không thuộc về trần gian này, cũng không nhờ máu dê bò, nhưng nhờ chính máu của Người mà vào Cung Thánh chỉ một lần và đem lại ơn cứu độ muôn đời. Vì nếu máu dê và tro bò mà người ta rảy trên kẻ ô uế còn thánh hoá được thân xác nên trong sạch, huống chi máu của Ðức Kitô, Ðấng đã nhờ Thánh Thần mà hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng lên Thiên Chúa; máu đó sẽ tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc sinh sự chết, khiến chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống. Vì vậy Chúa Kitô là trung gian của Tân Ước, vì nhờ sự chết của Người để cứu chuộc tội phạm dưới thời Cựu Ước, mà những kẻ được kêu gọi, đến lãnh lấy gia nghiệp đời đời đã hứa cho họ.

Ðó là lời Chúa.

8. Ðáp Ca: Tv 115, 12-13. 15-16bc. 17-18

đ/ Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa (c. 13).

x. Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa,

để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi?

Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. đ/

x. Trước mặt Chúa thật là quý hoá,

cái chết của những bậc thánh nhân Ngài.

Tôi là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tì Ngài,

Ngài bẻ gãy xiềng xích cho tôi. đ/

x. Tôi sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ,

và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa.

Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa,

trước mặt toàn thể dân Ngài. đ/

9. Suy niệm 2: Mối liên hệ nội tại giữa cử hành và việc thờ phượng – Thói quen chầu Thánh Thể (Đức Bênêđictô XVI, tông huấn Sacramentum Caritatis, ngày 22.02.2007, số 66 và 67)

Một trong những giây phút đánh động nhất của Thượng Hội Đồng Giám mục khóa thường kỳ lần thứ 11 về Bí tích Thánh Thể, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ của Hội Thánh (vào tháng 10 năm 2005) là khi chúng tôi họp nhau tại Đền Thờ Thánh Phêrô để chầu Thánh Thể cùng với đông đảo các tín hữu. Trong hành động cầu nguyện này, và không chỉ bằng lời, sự họp nhau của các Giám mục đã nói lên mối liên hệ nội tại giữa cử hành Thánh Thể và chầu Thánh Thể. Khía cạnh đầy ý nghĩa này trong đức tin của Hội Thánh được đánh giá ngày càng cao, điều đó là một phần quan trọng trong kinh nghiệm của chúng tôi ở những năm tiếp theo sau cuộc canh tân phụng vụ của Công đồng Vaticanô II. Trong những giai đoạn đầu của cuộc canh tân, mối liên hệ cố hữu giữa Thánh Lễ và chầu Bí Tích Cực Thánh đã không phải lúc nào cũng được hiểu rõ đầy đủ. Ví dụ, trong thời gian đó đã có sự phản đối rất phổ biến cho rằng bánh Thánh Thể không phải để ngắm nhìn, nhưng để ăn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm cầu nguyện của Hội Thánh soi sáng, sự chia đôi như vậy là sai lầm. Như thánh Augustinô đã nói: “Không ai ăn thịt này mà trước đó đã không thờ lạy; nếu không thờ lạy chúng ta sẽ có tội”. Trong Bí tích Thánh Thể, Con Thiên Chúa đến thăm chúng ta và khao khát trở nên một với chúng ta; chầu Thánh Thể đơn giản là hiệu quả tự nhiên của cử hành Thánh Thể, và chính Thánh Lễ là hành vi thờ phượng tối cao của Hội Thánh. Rước lễ là thờ lạy Đấng chúng ta đón nhận. Duy chỉ bằng cách này chúng ta trở nên một với Người, và một cách nào đó được ban cho nếm hưởng trước vẻ đẹp của phụng vụ thiên quốc. Hành động thờ lạy ngoài Thánh Lễ kéo dài và làm sâu sắc thêm tất cả những gì diễn ra trong chính cử hành Thánh Thể. Thật vậy, “một sự tiếp nhận chân thật và sâu sắc chỉ có thể chín chắn trong việc thờ lạy. Và chính sự gặp gỡ cá nhân với Chúa củng cố sứ vụ xã hội hàm chứa trong Bí tích Thánh Thể, một bí tích cố phá vỡ không chỉ bức tường ngăn cách Chúa với chính chúng ta, mà còn và đặc biệt là những bức tường ngăn cách chúng ta với nhau”.

Do đó, cùng với Thượng Hội Đồng, tôi tha thiết kêu gọi các vị mục tử của Hội Thánh và Dân Chúa hãy thực hành chầu Thánh Thể, vừa chầu riêng vừa chầu chung trong cộng đoàn. Nhiều ơn ích sẽ được phát sinh nhờ vào việc dạy giáo lý cách đúng đắn giải thích được tầm quan trọng của việc thờ phượng này, một hành động làm cho các tín hữu có khả năng cảm nghiệm việc cử hành phụng vụ một cách trọn vẹn và hiệu quả hơn. Bất cứ nơi nào có thể, đặc biệt trong những vùng tập trung dân cư, thiết lập những nhà thờ hoặc nguyện đường dành riêng cho việc chầu Thánh Thể là điều thích đáng. Tôi cũng đề nghị rằng các trẻ em, trong thời gian học giáo lý và cách riêng khi đang chuẩn bị rước lễ lần đầu, được dạy về ý nghĩa và nét đẹp của những giây phút ở bên Chúa Giêsu, và được giúp đỡ để vun trồng tâm tình ngưỡng mộ trước sự hiện diện của Người trong Bí tích Thánh Thể.

Ở đây tôi muốn diễn tả sự ngưỡng mộ và nâng đỡ tất cả các Hội dòng sống đời thánh hiến đã có các thành viên dâng một phần thời gian đầy ý nghĩa để chầu Thánh Thể. Bằng cách này họ nêu lên một mẫu gương về đời sống được nhào nặn bởi sự hiện diện thật của Chúa. Tôi cũng muốn động viên các hiệp hội dành cho các tín hữu và các đoàn thể dấn thân đặc biệt cho việc chầu Thánh Thể; họ phục vụ như là men chiêm niệm cho toàn thể Hội Thánh và như một lời kêu gọi các cá nhân và cộng đoàn hãy đặt Đức Kitô ở trung tâm cuộc đời họ.

10. Ca tiếp liên “Lauda Sion: Hỡi Sion, hãy ngợi khen” (do hai người đọc đối-đáp)

Hỡi Sion, hãy ngợi khen Ðấng cứu độ ngươi, Ðấng lãnh đạo và mục tử của ngươi, với những bài vãn và những khúc ca!

– Ngươi có sức chừng nào, hãy rán ngợi khen chừng nấy, vì Người vĩ đại hơn mọi lời khen ngợi, và ngươi cũng không đủ sức ngợi khen Người.

Ðề tài của sự ngợi khen đặc biệt, đó là bánh sống và tác thành sự sống, ngày hôm nay đã đặt ra cho ngươi.

– Ðó là bánh mà trên bàn tiệc thánh, cho đoàn thể mười hai người anh em, Chúa đã ban tặng chẳng khá nghi ngờ.

Hãy xướng lên lời ca khen ngợi đầy đủ, lời ca hoan hỉ và râm ran, tâm thần hãy vui mừng rạng rỡ!

– Vì đây là ngày trọng thể, ngày kỷ niệm bàn tiệc thánh lần đầu tiên được thiết lập ra.

Tại bàn tiệc này của Ðấng Tân Vương, lễ Vượt Qua mới theo luật pháp mới, chấm dứt lễ Vượt Qua của thời đại cũ.

– Lễ nghi cũ nhường chỗ cho sự thực; đêm tối tăm nhường chỗ cho sự sáng sủa.

Ðiều mà Chúa Kitô đã làm trong bữa tiệc ly, thì Người đã ra lệnh cho thực thi điều đó để nhớ lại Người.

– Nhờ lời thánh huấn của Người dạy bảo, chúng ta làm phép cho bánh và rượu trở nên lễ vật hy sinh ban ơn cứu độ.

Ðây là tín điều dạy người Kitô hữu rằng bánh trở nên thịt Chúa, và rượu trở nên máu Người.

– Ðiều bạn không hiểu, không xem thấy, thì đức tin mạnh mẽ xác nhận xảy ra, ngoài luật lệ thiên nhiên.

Dưới những hình sắc khác nhau, chúng chỉ là biểu hiệu, không còn thực chất, có ẩn nấp những thực tại cao siêu.

– Thịt Chúa là của ăn, máu Người là thức uống, nhưng Chúa Kitô vẫn còn đầy đủ dưới mỗi sắc hình.

Người không bị kẻ lãnh nhận nghiền nát, không bị bẻ gẫy, không bị phân chia, nhưng Người được thiên hạ lãnh nhận toàn thân.

– Một người lãnh nhận, ngàn người lãnh nhận, những người này cũng lãnh bằng những người kia, thiên hạ ăn thịt Người mà Người không bị tiêu hao.

Người lương thiện lãnh, kẻ ác nhân cũng lãnh, nhưng số phận họ không đồng đều: hoặc được sống hay là phải chết.

– Kẻ ác nhân phải chết, người lương thiện được sống; hãy coi, cùng một của ăn như nhau, mà kết quả khác xa biết mấy.

Hình bánh bị vỡ, chớ khá lo âu, nhưng hãy nhớ rằng, trong miếng vỡ cũng như trong toàn thể, Chúa vẫn hiện diện đầy đủ như nhau.

– Bản chất không hề bị bẻ vỡ, duy có biểu hiệu bị phân chia, nhưng không giảm thiểu tình trạng và dáng vóc của Ðấng ẩn dật bên trong.

Này đây bánh của các thiên thần, biến thành lương thực của khách hành hương; thực là bánh của những người con cái, không nên ném cho loài khuyển.

– Bánh này đã được báo trước bằng hình ảnh, khi người ta sát tế Isaac, chiên của lễ vượt qua đã được kể ra, khi cha ông chúng ta được tặng manna.

Lạy Chúa Giêsu là mục thủ tốt lành, là bánh thực, xin Người thương xót, chăn nuôi và bảo vệ chúng con; xin Người ban cho chúng con nhìn thấy những điều thiện hảo trong cõi nhân sinh.

– Chúa là Ðấng thông biết và có thể làm nên mọi sự, Chúa nuôi dưỡng chúng con trong đời sống tạm gửi này, trên cõi cao xanh, xin cho chúng con được trở nên thực khách đồng bàn của Chúa, đồng thừa kế và đồng danh phận với những công dân thánh của nước trời. Amen. Alleluia.

III. Thánh Thể, mầu nhiệm để sống

11. Tin Mừng: “Hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời”.

+ Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (6,22-35).

Hôm sau, đám người còn ở lại bên kia biển thấy rằng không có thuyền nào khác, duy chỉ có một chiếc, mà Chúa Giêsu không lên thuyền đó với các môn đệ, chỉ có các môn đệ ra đi mà thôi. Nhưng có nhiều thuyền khác từ Tibêria đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh. Khi đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền kia và đến Capharnaum tìm Chúa Giêsu.

Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?”. Chúa Giêsu đáp: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống đời đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Ðấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu”. Họ liền thưa lại rằng: “Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?”. Chúa Giêsu đáp: “Ðây là công việc của Thiên Chúa, là các ngươi hãy tin vào Ðấng Ngài sai đến”.

Đám đông thưa Chúa Giêsu: “Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: “Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời”. Chúa Giêsu đáp: “Thật Ta bảo thật các ngươi, không phải ông Môisen đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian”. Họ liền thưa với Ngài rằng: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi”. Chúa Giêsu nói: “Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta sẽ không hề đói; ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”.

12. Suy niệm 3: Thánh Thể và sứ vụ – Thánh Thể và việc làm chứng (Đức Bênêđictô XVI, tông huấn Sacramentum Caritatis, ngày 22.02.2007, số 84 và 85)

Trong bài giảng Thánh Lễ khởi đầu cách lọng trọng Thừa tác vụ trên Ngai Toà Phêrô, Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói: “Chẳng có gì đẹp hơn việc được gặp gỡ và được cuốn hút bởi Tin Mừng, bởi Đức Kitô. Chẳng có gì đẹp hơn việc nhận biết Đức Kitô và thông truyền cho người khác tình bạn với Người”. Khẳng định này sẽ đạt tới một cường độ mạnh mẽ nếu chúng ta nghĩ đến mầu nhiệm Thánh Thể. Thật vậy, chúng ta không thể chỉ giữ cho riêng mình tình yêu mà chúng ta cử hành trong Bí tích này. Tự bản chất, Bí tích này đòi được thông truyền cho mọi người. Điều mà thế giới cần chính là tình yêu Thiên Chúa, là gặp gỡ Đức Kitô và tin vào Người. Chính vì thế, Thánh Thể không chỉ là nguồn suối và chóp đỉnh đời sống của Hội Thánh; Thánh Thể cũng là nguồn suối và chóp đỉnh sứ vụ của Hội Thánh: “Một Hội Thánh thật sự sống Thánh Thể là một Hội Thánh truyền giáo”. Chính chúng ta có bổn phận phải nói cho anh chị em chúng ta với niềm xác tín: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi” (1Ga1,3). Thực tế, chẳng có gì đẹp hơn việc gặp gỡ Đức Kitô và thông truyền Đức Kitô cho mọi người. Hơn nữa, chính việc thiết lập Thánh Thể báo trước trọng tâm sứ vụ của Chúa Giêsu: Người được Chúa Cha sai đến để cứu chuộc thế gian (x. Ga 3,16-17; Rm 8,32). Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu ủy thác cho các môn đệ Bí tích hiện tại hóa hy tế mà chính Người đã thực hiện, bởi vâng phục Chúa Cha, vì phần rỗi của tất cả chúng ta. Chúng ta không thể đến gần Bàn tiệc Thánh Thể mà không để cho mình được dẫn đưa vào trong việc thi hành sứ vụ, một sứ vụ bắt nguồn từ chính trái tim của Thiên Chúa và muốn liên kết mọi người lại với nhau. Vì thế, định hướng truyền giáo là yếu tố cấu tạo nên khuôn mẫu Thánh Thể của đời sống kitô hữu.

Sứ vụ đầu tiên và căn bản, bắt nguồn từ những Mầu nhiệm thánh mà chúng ta cử hành, là làm chứng bằng chính đời sống của chúng ta. Sự kinh ngạc thích thú trước hồng ân mà Thiên Chúa ban tặng chúng ta trong Đức Kitô in sâu vào đời sống chúng ta một sự năng động mới, thúc đẩy chúng ta trở nên những chứng nhân cho tình yêu của Ngài. Chúng ta chỉ trở nên những chứng nhân khi có một Đấng khác tỏ hiện và thông truyền qua hành động, lời nói và thái độ của chúng ta. Chúng ta có thể nói rằng việc làm chứng là phương thế nhờ đó chân lý về tình yêu của Thiên Chúa gặp gỡ con người trong lịch sử, mời gọi họ tự do đón nhận tính mới mẻ triệt để này. Trong việc làm chứng, Thiên Chúa chấp nhận chuốc lấy nguy cơ, nếu có thể nói như thế, trước tự do của con người. Chính Chúa Giêsu là vị chứng nhân trung thành và chân thực (x. Kh 1,5; 3,14); Người đã đến để làm chứng cho sự thật (x. Ga 18,37). Ở đây, tôi rất muốn lặp lại một khái niệm quý báu đối với những người kitô hữu tiên khởi, nhưng cũng liên quan đến tất cả chúng ta, những người kitô hữu hôm nay: làm chứng đến tự hiến chính mình, đến cả việc tử đạo, luôn được xem là chóp đỉnh của việc phượng tự thiêng liêng mới: “Hãy hiến dâng thân mình anh em” (Rm 12,1). Chẳng hạn, thử nghĩ đến trình thuật về sự tử đạo của thánh Polycarpe thành Smyrne, một đồ đệ của thánh Gioan: mọi diễn tiến bi thảm đều được diễn tả như một phụng vụ, mà chính vị tử đạo muốn nên như Thánh Thể. Chúng ta cũng nghĩ đến ý thức Thánh Thể mà thánh Inhaxiô thành Antiôkia mô tả nhắm đến cuộc tử đạo của mình: ngài tự coi mình như là “hạt lúa mì của Thiên Chúa”, và qua cuộc tử đạo ngài muốn trở nên “tấm bánh tinh tuyền của Đức Kitô”. Người kitô hữu hiến dâng mạng sống mình qua việc tử đạo bước vào trong sự hiệp thông trọn vẹn với cuộc Vượt qua của Đức Giêsu Kitô, và như thế họ trở nên Thánh Thể cùng với Người. Ngày nay vẫn còn đó những vị tử đạo giữa lòng Hội Thánh, nhờ họ tình yêu Thiên Chúa được bày tỏ cách chóp đỉnh. Cho dù chúng ta không phải chịu thử thách tử đạo, nhưng chúng ta vẫn biết rằng việc phượng tự đẹp lòng Chúa đòi hỏi tận trong sâu thẳm sự sẵn sàng này, và phải được thể hiện qua chứng tá đầy vui mừng và tin tưởng trước thế giới bằng một đời sống kitô hữu nhất quán trong những môi trường mà Chúa mời gọi chúng ta loan báo Ngài.

13. Lời nguyện chung với 6 ý nguyện. Mỗi ý nguyện được người xướng nêu lên lời kêu mời; cộng đoàn thinh lặng cầu nguyện giây lát, rồi chủ sự đọc lời nguyện.

1. Anh chị em thân mến, ta hãy cầu nguyện cho Hội Thánh Chúa đang cử hành Năm đức tin. Xin cho Hội Thánh được hiệp nhất và bình an, được Chúa bảo toàn ở khắp nơi trên hoàn cầu.

Lạy Chúa, Chúa đã dùng quyền năng Thánh Thần,

sai Ngôi Lời của Chúa đến rao giảng Tin Mừng

cho người nghèo khó,

xin cho chúng con, khi hướng mắt nhìn lên Người,

luôn biết chân thành sống tình bác ái,

vì đã được đặt làm những người rao giảng

và làm chứng cho Tin Mừng trên toàn thế giới.

Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. đ/ Amen.

2. Ta hãy cầu nguyện cho Ðức Thánh Cha T… Chính Chúa đã chọn người giữa hàng giám mục, xin Chúa cũng ban cho người luôn an khang để lãnh đạo toàn thể dân thánh.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,

Chúa an bài mọi sự cách khôn ngoan lạ lùng.

Chính Chúa đã tuyển chọn Ðức giáo hoàng T…

và trao cho người nhiệm vụ lãnh đạo dân thánh Chúa.

Xin nhận lời chúng con cầu nguyện,

mà ân cần săn sóc giữ gìn người;

để nhờ người, đức tin của mọi tín hữu luôn bền vững sắt son.

Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. đ/ Amen.

3. Ta hãy cầu cho Ðức Giám Mục T. của Giáo Phận chúng ta, cho hàng Giám Mục, linh mục, phó tế, cũng như mọi người phục vụ dân thánh, và cho toàn thể cộng đoàn tín hữu khắp địa cầu.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Thánh Thần Chúa

luôn hướng dẫn và thánh hoá toàn thể Hội Thánh.

Này chúng con tha thiết nguyện cầu:

xin Chúa thương cho mỗi thành phần Hội Thánh

biết theo ơn đặc sủng Chúa ban

để trung thành phụng sự Chúa.

Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. đ/ Amen.

4. Ta hãy cầu cho mọi anh chị em cùng tin vào Ðức Kitô, và đang cố gắng sống theo sự thật, xin Chúa thương quy tụ và gìn giữ tất cả trong Hội Thánh duy nhất của Người.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,

Chúa muốn làm cho những ai ly tán được trở về đoàn tụ,

và những kẻ sum vầy được luôn luôn hiệp nhất.

Xin Chúa thương nhìn đến đoàn chiên của Ðức Kitô,

và cho mọi người đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy

được mãi mãi đoàn kết với nhau,

nhờ sống cùng một đức tin toàn vẹn,

và chia sẻ một đức ái vững bền.

Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. đ/ Amen.

5. Ta hãy cầu cho những người ngoài Kitô giáo. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng dẫn đưa họ vào đường cứu độ.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,

xin cho những người tuy không tin vào Ðức Kitô,

nhưng trước mặt Chúa vẫn ăn ngay ở lành,

được hồng ân tìm thấy chân lý.

Xin cũng ban cho chính chúng con,

ngày càng biết tương thân tương ái

và thiết tha sống kết hợp với Chúa,

để trước mặt thế gian,

chúng con có thể minh chứng rằng Chúa chính là tình thương.

Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. đ/ Amen.

6. Anh chị em thân mến, ta hãy cầu xin Thiên Chúa là Cha toàn năng, dủ lòng thương giải thoát thế giới khỏi mọi sai lầm, khử trừ muôn bệnh tật, xua đuổi cơn đói kém, mở cửa ngục tù, bẻ tan xiềng xích, giữ gìn lữ khách được bình an, đưa kẻ tha hương về xứ sở, chữa lành các bệnh nhân, ban ơn cứu độ cho người đang hấp hối.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,

Chúa hằng an ủi kẻ ưu phiền,

ban sức mạnh cho người vất vả lầm than.

Xin nghe tiếng nhân loại khổ đau nài van Chúa,

và ban cho những người lâm cơn hoạn nạn

được vui mừng cảm thấy Chúa nhân hậu phù trì.

Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. đ/ Amen.

C. Kết thúc

14. Này con là Đá. Lời nguyện cầu cho Đức giáo hoàng.

15. Đây nhiệm tích. Lời nguyện và phép lành MTC.

16. Xin vâng.

***

MẪU SỐ 3

CHẦU THÁNH THỂ

LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ, 02/6/2013

Dẫn nhập

Kính thưa cộng đoàn,

Chúng ta đang sống trong Năm Đức Tin, và lễ Mình Máu Thánh Chúa trong Năm này phải là cơ hội giúp chúng ta bày tỏ, củng cố niềm tin vào Chúa Giêsu đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Vì thế, vào 17g00 hôm nay tại Rôma, tức là 22g00 tại Việt Nam, Đức giáo hoàng Phanxicô chủ sự Giờ Chầu Thánh Thể đặc biệt, và ngài kêu gọi tất cả chúng ta cùng cử hành Giờ Chầu Thánh Thể với ngài, ngay tại địa phương của mình.

Giờ Chầu Thánh Thể này là cơ hội để chúng ta cùng với Đức giáo hoàng, tôn thờ Chúa Giêsu đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể vì yêu thương chúng ta. Giờ Chầu này còn là cơ hội để tất cả chúng ta hiệp nhất với Đức giáo hoàng và với tất cả anh chị em tín hữu trên toàn thế giới trong cùng một đức tin, đức cậy và đức mến.

Xin Chúa Thánh Thần giúp cộng đoàn chúng ta cử hành Giờ Chầu này cách sốt sắng như Hội Thánh ước mong.

Hát : Cầu xin Chúa Thánh Thần

Chủ sự đặt Mình Thánh Chúa

Thờ lạy Thánh Thể

Hát : Thờ lạy Chúa (Thờ lạy Chúa uy quyền khả ái….) hoặc bài khác tương tự.

I. CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ, HIỆN THÂN CỦA LÒNG THIÊN CHÚA THƯƠNG XÓT

Lời Chúa (Mt 14,13-14)

(Đứng)

Nghe tin ông Gioan bị chém đầu, “Chúa Giêsu lánh khỏi nơi đó, đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người. Ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và Người chữa lành nhiều bệnh nhân”.

Gợi ý suy niệm

(Ngồi)

Chúa Giêsu là hiện thân của lòng Thiên Chúa thương xót vì Người là quà tặng tình yêu của Chúa Cha : “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi hiến ban Con Một, để những ai tin vào Con của Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).

Chúa Giêsu là hiện thân của lòng Thiên Chúa thương xót

vì trong cuộc sống trần thế,

Người không ngừng bày tỏ dung mạo Thiên Chúa

là Cha giàu lòng thương xót.

Sách Tin Mừng nhiều lần ghi nhận :

“Chúa Giêsu chạnh lòng thương”.

Người chạnh lòng thương khi nhìn thấy đám dân bơ vơ,

không người hướng dẫn.

Người chạnh lòng thương khi nhìn thấy các bệnh nhân

và chữa lành cho họ.

Người chạnh lòng thương những kẻ tội lỗi và bị mọi người xa tránh, nên đồng bàn với họ.

Người chạnh lòng thương cả những kẻ gây đau khổ cho Người,

và Người xin Chúa Cha tha cho họ vì họ lầm không biết.

Ở đỉnh cao của lòng thương xót, Chúa Giêsu hiến ban chính thân mình làm của ăn và của uống cho chúng ta : “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con. Các con hãy cầm lấy mà ăn. Này là Máu Thầy, đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”.

Trong thinh lặng, chúng ta hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể để khám phá lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho mỗi chúng ta và toàn thể nhân loại.

Thinh lặng

Cùng với Mẹ Maria, chúng ta ca tụng lòng Chúa thương xót.

(Quỳ)

Đọc 10 Kinh Kính Mừng

Hát : Tình yêu Thiên Chúa (Nguyễn Duy) hoặc bài khác tương tự.

II. CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ, NGUỒN HIỆP THÔNG TRONG HỘI THÁNH

Lời Chúa (1Cor 10, 16-17)

(Đứng)

“Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một Thân Thể”.

Gợi ý suy niệm

(Ngồi)

Thánh Augustinô gọi bí tích Thánh Thể là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái. Khi rước lễ, chúng ta được kết hợp chặt chẽ với Chúa Giêsu Thánh Thể. Nhờ kết hợp với Chúa Giêsu, chúng ta cũng được kết hợp với nhau, vì tuy nhiều người, nhưng tất cả chúng ta cùng đón nhận Chúa Giêsu, vì thế được nên một với nhau. Chúa Giêsu Thánh Thể thật sự là nguồn sự hiệp thông trong Hội Thánh. Hội Thánh được hiệp nhất không phải vì những tính toán và kế hoạch của loài người, nhưng vì Hội Thánh hiệp nhất với Chúa Giêsu.

Nếu có sự chia rẽ trong Hội Thánh, đó là vì mỗi chúng ta chưa liên kết chặt chẽ với Chúa Giêsu. Mỗi chúng ta còn lấy bản thân ích kỷ của mình làm trung tâm và bắt mọi người phải phục vụ mình; từ đó sinh ra bất hòa và chia rẽ. Còn nếu mỗi người thật sự liên kết với Chúa, thì cũng sẽ nên một với nhau trong Chúa.

Chúa Giêsu tha thiết cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong Hội Thánh :

“Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con. Để tất cả nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong Chúng Ta. Như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17, 20-21).

Trong thinh lặng, chúng ta nhìn lại xem mình đã sống sự hiệp nhất trong gia đình, giáo xứ, Giáo Hội như thế nào.

Thinh lặng

Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Maria, Mẹ Hội Thánh, chúng ta cầu xin cho sự hiệp nhất trong Hội Thánh.

(Quỳ) Đọc 10 Kinh Kính Mừng

Hát : Xin hiệp nhất chúng con (Thành Tâm)

III. TRONG CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ, TRỞ NÊN KHÍ CỤ CỦA TÌNH YÊU HIỆP NHẤT

Lời Chúa (Lc 6, 36-38)

(Đứng)

“Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em bằng đấu đủ lượng, đã dằn đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy”.

Gợi ý suy niệm

(Ngồi)

Chúa Giêsu Thánh Thể là hiện thân của lòng Thiên Chúa thương xót, nên Người cũng muốn những ai tin vào Người phải sống lòng thương xót : Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em là Đấng giàu lòng thương xót.

Đức giáo hoàng Phanxicô là người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu và là tấm gương cụ thể cho chúng ta. Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, tưởng niệm việc Chúa lập phép Thánh Thể, thay vì dâng lễ tại Đền Thánh Phêrô, Đức giáo hoàng đã đến thăm và dâng lễ cho những thanh thiếu niên phạm pháp, đang bị giam giữ trong nhà tù. Ngài đã quỳ xuống rửa chân cho các em rồi hôn chân. Ngài muốn bày tỏ lòng thương xót của Chúa cho những người bị xã hội lên án.

Còn chúng ta, chúng ta đã sống lòng thương xót như thế nào? Chúa Giêsu Thánh Thể là nguồn hiệp thông trong Hội Thánh, nên Người cũng muốn chúng ta góp phần xây dựng sự hiệp nhất, bằng cách đừng xét đoán ai, đừng lên án ai, nhưng hãy biết cho đi, biết tha thứ.

Đức giáo hoàng Phanxicô cũng căn dặn chúng ta như thế. Ngài nói : “Trả thù là một cơn cám dỗ tự nhiên, nhưng các Kitô hữu phải làm theo gương Chúa Giêsu. Đức tin của chúng ta chính là tin vào Chúa Giêsu, Đấng đã dạy chúng ta yêu thương và yêu thương tất cả mọi người. Bằng chứng của tình yêu ấy là khi chúng ta cầu nguyện cho kẻ thù của mình. Ai không cầu nguyện và tha thứ cho kẻ thù của mình sẽ là những Kitô hữu ‘thua cuộc’. Đã có nhiều Kitô hữu buồn chán, thất vọng vì họ không biết kiên nhẫn chịu đựng và chiến thắng bằng tình yêu. Vì thế, chúng ta hãy xin Đức Mẹ chuyển cầu cho mọi người công giáo được ơn biết chịu đựng và yêu thương”.

Trong thinh lặng, chúng ta hãy nhìn lại mình xem : chúng ta có thật sự là khí cụ bình an và hiệp nhất của Chúa không?

Thinh lặng

Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ, xin Chúa cho chúng ta biết sống lòng thương xót.

(Quỳ)

Đọc 10 Kinh Kính Mừng.

Hát : Kinh Hòa Bình

IV. CẦU NGUYỆN TRƯỚC THÁNH THỂ

(Quỳ)

Chủ sự :

Anh chị em thân mến,

Trong giây phút này, chúng ta đang sống sự hiệp thông sâu xa với Chúa Giêsu Thánh Thể, và nhờ Chúa Giêsu, chúng ta hiệp nhất với Đức giáo hoàng và với tất cả anh chị em tín hữu trên toàn thế giới. Chúng ta cùng dâng lên Chúa những tâm tình nguyện xin.

Ý cầu nguyện

(Sau mỗi ý nguyện, cộng đoàn đáp : Xin Chúa nhậm lời chúng con)

1. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con chúc tụng và tạ ơn Chúa, vì Chúa đã đến trần gian để mặc khải cho chúng con Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Xin Chúa tha thứ cho chúng con vì những lần đã không dám tin vào tình yêu của Cha trên trời.

2. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con chúc tụng và tạ ơn Chúa, vì Chúa đã hiến ban chính mình làm lương thực nuôi sống chúng con. Xin cho Đức giáo hoàng Phanxicô, các giám mục và các thừa tác viên trong Hội Thánh, cũng biến đời mình thành tấm bánh bẻ ra cho sự sống của muôn người.

3. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con chúc tụng và tạ ơn Chúa, vì Chúa đã liên kết tất cả chúng con nên một trong gia đình Hội Thánh. Xin cho tất cả chúng con biết gìn giữ và vun trồng sự hiệp nhất trong Hội Thánh, để nhờ đó mọi người sẽ đón nhận Tin Mừng của Chúa.

4. Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con chúc tụng và tạ ơn Chúa, vì Chúa đã sai chúng con ra đi rao giảng và làm chứng về lòng thương xót. Xin Chúa biến đổi tất cả chúng con thành khí cụ bình an và những chứng nhân tình yêu của Chúa.

Chủ sự :

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Xin thương đón nhận những ý nguyện chân thành cộng đoàn chúng con dâng lên Chúa.

Xin Chúa ban Thần Khí Chúa xuống trên chúng con, để chúng con đủ sức thi hành những điều chúng con cầu xin.

Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Hát : Cầu cho Đức giáo hoàng

Tantum ergo

Phép lành Mình Thánh Chúa

Hát kết thúc : Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ đồng trinh…

Lam Hồng sưu tầm

Post Views: 1.752