Báo cáo viên chính tiếng anh là gì năm 2024

“Chính phủ Việt Nam sử dụng luật ‘có chọn lọc’ như một công cụ để nhắm vào một số đối tượng nhất định,” ông Surya Deva, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về quyền phát triển, nói với các phóng viên tại buổi họp báo hôm 15/11 tại văn phòng LHQ tại Hà Nội.

Sự kiện này khép lại 10 ngày làm việc của ông Deva tại Việt Nam, nơi ông đánh giá các nỗ lực của nước này trong việc thực hiện quyền phát triển, các mục tiêu phát triển bền vững, và xác định những thách thức còn tồn tại.

Ngày làm việc cuối cùng của ông Surya Deva diễn ra trùng với sự kiện được cho là chấn động chính trường Việt Nam khi chính phủ nước này bắt ông Lưu Bình Nhưỡng, phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của báo cáo viên đặc biệt LHQ tới Việt Nam kể từ lần gần đây nhất là sáu năm trước (2017).

Một bộ phận ‘bị bỏ lại phía sau’

Ông Surya Deva thừa nhận chính phủ Việt Nam đã đạt tiến bộ đáng kể trong một số mục tiêu phát triển bền vững, với tỷ lệ người dưới mức nghèo giảm từ 9,2% năm 2016 xuống còn 3,6% năm 2022 - ‘về mặt dữ liệu’.

Tuy nhiên, ‘tiến độ’ phát triển không giống nhau và ‘không phải ai cũng được hưởng lợi như nhau trong xã hội”, theo đánh giá bước đầu của ông Surya Deva và đoàn chuyên gia LHQ.

Một số thành viên nhất định trong xã hội bị bỏ lại phía sau, điển hình là dân tộc thiểu số, ông Surya Deva nói trong cuộc họp báo.

Cam kết chính trị của chính phủ và Đảng CS là đảm bảo các dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau, “trên giấy tờ chắc chắn là có”, ông Surya Deva nói

“Nhưng có khoảng cách giữa cam kết trên giấy tờ và thực tế,” ông Surya Deva nhận định.

Ông nói rằng phần lớn người dân tộc thiểu số ở các vùng sâu vùng xa vẫn tụt hậu, dẫn đến duy trì tình trạng nghèo đói, thất nghiệp và hạn chế tiếp cận các dịch vụ công.

Về quy trình phê duyệt các dự án phát triển địa phương hay quốc tế, điều mà ông Surya Deva nhận thấy ‘có sự đồng thuận’ trong các cuộc họp với tất cả các bên liên quan ở Hà Nội và các tỉnh thành, là chúng đều rất ‘rườm rà’, không chỉ vài tháng, mà có thể nhiều năm.

Có giải thích rằng nguyên nhân có thể là do chiến dịch chống tham nhũng đang làm tê liệt các quan chức chính phủ, khiến họ ngại đưa ra quyết định.

Hoặc có thể là do nhiều cơ quan cấp bộ cùng tham gia vào một số quyết định khiến quá trình này kéo dài, ông Surya Deva nói trong cuộc họp báo mở trên Zoom từ Văn phòng LHQ tại Hà Nội trước khi rời đi, hôm 15/11.

‘Dùng luật để nhắm vào một số người’

“Có những hạn chế đối với báo chí. Các bạn có thể suy ngẫm về điều đó. Bạn có gặp phải những hạn chế đó hay không?”

Câu hỏi này được ông Surya Deva đặt ra với các phóng viên có mặt trong khán phòng ở Hà Nội khi ông nhận định rằng Việt Nam thiếu một ‘hệ sinh thái’ để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia và tư vấn trong các quá trình ra quyết định.

“Đó cũng là những hạn chế đối với những gì các tổ chức phi chính phủ có thể làm.

“Các hạn chế về quyền tự do ngôn luận và biểu đạt cả trên mạng và ngoài đời.

“Và tôi cũng cảm thấy rằng luật đã được sử dụng có chọn lọc để nhắm vào một số người bảo vệ nhân quyền, nhà hoạt động khí hậu hoặc nhà bảo vệ môi trường.”

“Tôi không nói rằng nếu ai đó phạm tội, trốn thuế hay tội gì khác, họ không phải chịu trách nhiệm pháp lý, mà họ phải chịu trách nhiệm. Nhưng quan điểm của tôi là tại sao một số người nhất định lại bị truy tố mà không phải những người khác.

“Vì vậy, tôi nghĩ việc sử dụng luật có chọn lọc này có thể là một vấn đề tiềm ẩn mà chính phủ nên xem xét.

“Và tôi tin rằng hệ thống chính trị hiện tại của Việt Nam có khả năng chấp nhận những quan điểm khác nhau.

“Bởi vì không phải ai có quan điểm khác cũng đang cố gắng lật đổ đảng hay nhà nước. Vì vậy, tôi nghĩ chính phủ nên chấp nhận các quan điểm khác nhau để tạo ra một xã hội toàn diện và bền vững hơn, từ đó tạo ra một hệ sinh thái tham gia tốt hơn.

“Nếu không, một số người nhất định sẽ tiếp tục bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.”

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vụ việc bắt giữ ông Nhưỡng trong bối cảnh dường như chính phủ Việt Nam có xu hướng bắt một số tiếng nói đối lập nổi bật trong các chuyến thăm quan trọng của nguyên thủ hoặc đối tác nước ngoài, ông Surya Deva cho hay ông chưa nắm được thông tin vụ việc.

Tuy nhiên, ông nói rằng đánh giá chung của ông sau chuyến thăm là chính phủ Việt Nam áp dụng pháp luật một cách thiếu nhất quán và không theo chuẩn mực của luật pháp của tế.

Cần thay đổi tình trạng lấy đất của dân

Ông Surya Deva nói rằng ông được báo cáo về nhiều trường hợp chính phủ Việt Nam lấy đất của dân cho các mục đích phát triển rồi đền bù với giá rẻ và bán lại cho các doanh nghiệp với giá đắt.

Ông Surya Deva nhận định rằng đất đai cần cho phát triển, nhưng cũng cần cho sinh kế của người dân. Do đó nảy sinh xung đột khi chính phủ thu hồi đất.

Ông Surya Deva nói ông hiểu rằng chính phủ Việt Nam đang sửa đổi luật đất đai, nhưng ông ‘không thể hiểu đầy đủ vì không có bản tiếng Anh’ để ông đọc.

Dù vậy, ông hi vọng đây sẽ là cơ hội vàng để đạt được sự cân bằng, để người dân không bị bỏ lại phía sau, hoặc nếu đất bị thu hồi thì giá mà họ được bồi thường tương đương với giá mà chính phủ bán đất đó cho các công ty tư nhân.

Đề cập đến Thỏa thuận Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) trị giá hơn 15,5 tỷ USD mà Việt Nam ký kết với G7 và các đối tác để chuyển từ than sang năng lượng sạch, ông Surya Deva nhấn mạnh đến chữ ‘công bằng’.

Ông nói thỏa thuận này có thể sẽ trở nên ‘không công bằng’ khi mà những tiếng nói phản biện bị bắt giữ.

“Chính phủ Việt Nam cần hiểu từ ‘công bằng’ này một cách toàn diện,’ ông nói.

Về các cam kết môi trường của Việt Nam, ông Deva nói rằng đó phải là một cam kết lấy hành tinh làm trung tâm. Nghĩa là chính phủ Việt Nam phải đảm bảo quá trình phát triển của mình không bỏ lại phía sau người dân, động vật, và cây cỏ.

“Nhưng tôi chưa thấy điều đó [ở Việt Nam].

“Việc này nên là một phần của cả quá trình ‘làm bánh’. Chứ không chỉ là quả anh đào trên mặt bánh, để trông cho nó đẹp hơn,” ông Deva nói.

Mục đích chuyến thăm

Trong chuyến thăm lần này, ông Deva đánh giá các nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện quyền phát triển, việc thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững, và xác định những thách thức còn tồn tại.

Ông cũng tìm hiểu việc chính phủ thúc đẩy và đảm bảo sự tham gia hiệu quả của người dân vào quá trình xây dựng chính sách, và ra quyết định liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa.

Chuyến thăm của Báo cáo viên đặc biệt nhằm hỗ trợ chính phủ Việt Nam củng cố luật pháp, chính sách và thực hành phù hợp với Tuyên bố về Quyền phát triển (năm 1986) và các tiêu chuẩn liên quan khác.

Báo cáo viên đặc biệt đã thăm Hà Nội, Hà Tĩnh và thành phố Hồ Chí Minh.

Báo cáo viên đặc biệt của LHQ là ai

Báo cáo viên chính tiếng anh là gì năm 2024

Nguồn hình ảnh, Surya Deva X

Chụp lại hình ảnh,

Tiến sỹ Surya Deva

Ông Surya Deva bắt đầu đảm nhận vai trò Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về Quyền phát triển từ ngày 1/5/2023.

Ông là Giáo sư tại Trường Luật Macquarie, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Luật Môi trường tại Đại học Macquarie, Australia. Ông tiến hành nghiên cứu về các lĩnh vực kinh doanh và quyền con người, luật hiến pháp so sánh, luật quốc tế về quyền con người, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và bình đẳng giới.

Ông từng là thành viên của Nhóm làm việc của LHQ về Kinh doanh và Quyền con người (2016-2022).

Ông cố vấn cho các cơ quan LHQ, các chính phủ, các tổ chức về quyền con người ở các quốc gia, các tập đoàn đa quốc gia, công đoàn, và các tổ chức xã hội dân sự về các vấn đề liên quan đến kinh doanh và quyền con người.

Các Báo cáo viên đặc biệt là một phần của Thủ tục đặc biệt (Special Procedures) của Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Thủ tục đặc biệt, cơ quan lớn nhất gồm các chuyên gia độc lập trong hệ thống Nhân quyền của LHQ, là tên gọi chung để chỉ các cơ chế độc lập của Hội đồng nhằm giám sát và tìm hiểu tình hình thực tế để giải quyết các tình huống cụ thể của quốc gia, hoặc các vấn đề chuyên đề ở tất cả các khu vực trên thế giới.

Các chuyên gia của Thủ tục đặc biệt làm việc trên cơ sở tình nguyện; họ không phải là nhân viên LHQ và không nhận lương khi làm việc. Họ độc lập không liên quan đến bất kỳ chính phủ hoặc tổ chức nào, và thực hiện công việc với tư cách cá nhân.