Bí quyết điểm cao môn văn tuyển sinh 10 năm 2024

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang đã chỉ ra 5 lỗi sai học sinh thường mắc phải khi làm bài thi môn Ngữ văn. Cụ thể: Thứ nhất, không xác định đúng dạng đề nghị luận xã hội/nghị luận văn học.

Thứ hai, lỗi trình bày, diễn đạt. Học sinh trình bày chưa đúng bố cục bài văn/đoạn văn; sắp xếp ý lộn xộn, triển khai luận điểm thiếu mạch lạc, chặt chẽ; diễn đạt lặp ý, lan man, dài dòng không đúng trọng tâm, diễn đạt văn nói.

Bí quyết điểm cao môn văn tuyển sinh 10 năm 2024
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022 - 2023 tại Hà Nội.

Thứ ba, lỗi kiến thức. Chẳng hạn, học sinh sai kiến thức cơ bản về tác phẩm; nhầm lẫn kiến thức (tên tác giả, hoàn cảnh sáng tác, thể loại, phương thức biểu đạt…); chưa phân biệt đúng các khái niệm (ẩn dụ và hoán dụ, các kiểu câu…).

Thứ tư, lỗi dùng từ. Học sinh dùng từ không phù hợp về sắc thái ý nghĩa; sai chính tả, thiếu dấu, thiếu nét (câu chuyện); viết sai do đọc chệch âm/vần (lãng mạn - lãng mạng/ trách nhiệm - trách nghiệm…); dùng từ chưa trau chuốt, lặp từ, bí từ.

Thứ năm, lỗi sử dụng dẫn chứng. Theo đó, bài làm thiếu dẫn chứng cụ thể, đưa chung chung; dẫn chứng không tiêu biểu, thuyết phục cho luận điểm; dẫn chứng chủ quan, cảm tính.

Chắt chiu từng 0,25 điểm

Theo cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội gồm 2 phần. Phần I gồm đọc hiểu văn bản trong sách giáo khoa và tạo lập đoạn văn nghị luận văn học (nghị luận về thơ, truyện), chiếm khoảng 60 - 70% số điểm.

Bí quyết điểm cao môn văn tuyển sinh 10 năm 2024
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang.

Đây là phần yêu cầu học sinh nắm vững kiến thức đã học và kỹ năng tạo lập đoạn văn nghị luận về thơ, truyện mà các em đã được rèn luyện hàng ngày. Bên cạnh đó là kỹ năng đọc hiểu và trả lời các câu hỏi đọc hiểu: Tác giả, hoàn cảnh sáng tác, ý nghĩa nhan đề, tình huống truyện, ngôi kể, nhân vật, mạch cảm xúc bài thơ, biện pháp tu từ, chi tiết nghệ thuật….Vì thế, khi ôn tập trọng tâm, học sinh lưu ý ôn theo đặc trưng thể loại của từng kiểu bài.

Phần II chiếm từ 30 đến 40% số điểm, gồm đọc hiểu văn bản ngoài sách giáo khoa và tạo lập đoạn văn nghị luận xã hội.

Đây là phần yêu cầu học sinh có kỹ năng đọc hiểu tốt vì với văn bản học sinh chưa tiếp cận bao giờ, ngoài các câu hỏi đọc hiểu về phương thức biểu đạt của văn bản, chủ đề, các phép liên kết câu, lý giải các chi tiết… là yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội (tư tưởng đạo lý hay hiện tượng đời sống) dưới dạng đề trực tiếp hoặc đề gián tiếp (ý kiến, câu nói, nhận định….).

Học sinh cần trang bị cho mình kỹ năng đọc hiểu hiệu quả, đọc kỹ yêu cầu đề bài, gạch chân từ khóa quan trọng nêu rõ yêu cầu đề tránh bỏ sót ý, tìm ý ra nháp trước khi làm bài, trang bị kiến thức xã hội để hiểu rõ hơn về vấn đề.

Đặc biệt, cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang lưu ý học sinh hãy chắt chiu từng 0,25 điểm khi trả lời những câu hỏi đọc hiểu nhỏ, trả lời rõ ràng bằng câu văn đủ chủ ngữ, vị ngữ, bám sát yêu cầu câu hỏi để trả lời; đồng thời tìm ý/luận điểm trước khi viết đoạn văn; hoàn thành được hết các câu hỏi đọc hiểu và tạo lập đoạn văn hiệu quả; nâng cao kỹ năng đọc hiểu và kiến thức xã hội.

"Trong giai đoạn nước rút, học sinh nên tổng hợp kiến thức theo sơ đồ tư duy, học theo đặc trưng thể loại. Cùng với đó rèn kỹ năng làm đề thi mỗi ngày; hệ thống hóa lại kiến thức; giữ gìn sức khỏe và tâm lý thi vững vàng, tin vào bản thân", cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang nhắn nhủ.

Theo cô Đỗ Khánh Phượng, học sinh nên để ý yếu tố thẩm mỹ, tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc viết văn khi làm bài thi môn Ngữ Văn vào lớp 10.

Cô Phượng cho biết thêm, nhiều học sinh khi viết bài dù mạch văn rất ổn, triển khai đủ ý nhưng vẫn bị điểm thấp là do vi phạm các nguyên tắc trình bày bài thi. Do đó, để cải thiện điểm số trong các kỳ quan trọng như thi vào lớp 10, học sinh nên chau chuốt cả về mặt nội dung và phần trình bày chuẩn xác, sạch đẹp.

Nữ giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI đưa ra một số lời khuyên như sau:

Yếu tố thẩm mỹ

Theo chia sẻ của cô Phượng, thẩm mỹ là một trong những yếu tố rất quan trọng khi trình bày bài thi Ngữ văn bởi đó là ấn tượng đầu tiên của người chấm thi. "Việc học sinh có thể 'lấy lòng' giám khảo chấm thi hay không phụ thuộc rất lớn vào sự tỉ mỉ, chỉn chu khi trình bày bài văn", cô nhấn mạnh.

Điểm đầu tiên cần lưu ý là căn trừ lề. Việc này cần phù hợp với tờ giấy thi, gọn gàng, cân đối, tránh "ăn gian" viết sâu vào bên trong để kéo dài bài viết gây phản cảm.

Tiếp theo, học sinh nên phân tách đoạn văn rõ ràng, lùi vào ở đầu đoạn và chấm xuống dòng khi kết thúc để nhìn rõ từng phần cụ thể. Đặc biệt, các em nên hạn chế tối đa việc tẩy xóa. Trong trường hợp viết sai, học sinh có thể lấy thước kẻ đặt lên và gạch một đường thẳng gọn gàng, đúng vị trí, tránh việc tô đi tô lại chỗ sai khiến bài thi bị mất thẩm mỹ.

Bí quyết điểm cao môn văn tuyển sinh 10 năm 2024

Cô Đỗ Khánh Phượng - giáo viên môn Ngữ Văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thứ ba, mặc dù không cần đều, đẹp nhưng chữ viết phải rõ ràng, dễ đọc và không được viết tắt, ngoại trừ những từ được công nhận và sử dụng rộng rãi như WHO, WTO...

Cô Phượng chia sẻ thêm, nhiều học sinh hiện nay có thói quen sử dụng tiếng lóng của các bạn trẻ ngay cả trong khi làm bài thi Ngữ văn. Đây là một trong những lỗi khiến các em bị mất điểm trong mắt giám khảo.

Đúng nguyên tắc

Cô Phương cho biết, nhiều học sinh mất điểm vì không đọc kỹ yêu cầu của đề, nhầm lẫn giữa bài văn và đoạn văn.

Với đoạn văn, đầu đoạn cần viết hoa và lùi vào một ô và chấm câu ở cuối. Trong trường hợp có trích thơ, học sinh cần lưu ý những chữ tiếp theo có thể viết hoa hoặc không (tùy trường hợp) nhưng tuyệt đối không lùi dòng bởi sẽ làm mất đi tính liền mạch, trọn vẹn của đoạn văn. Với những lỗi như vậy, học sinh có thể bị từ 0,25 đến 0,5 điểm.

Bí quyết điểm cao môn văn tuyển sinh 10 năm 2024

Ảnh mẫu một đoạn văn được trình bày đúng quy tắc. Ảnh: HOCMAI

Khác với đoạn, bài văn bao gồm ba phần là mở bài, thân bài và kết bài. Riêng phần thân bài sẽ gồm nhiều đoạn khác nhau, thậm chí có thể lên đến 6 - 7 đoạn tùy vào hệ thống ý cần triển khai.

Nhiều học sinh có thói quen xấu là viết phần thân bài thành một đoạn duy nhất. Điều này sẽ khiến bố cục bài văn bị sai lệch, dẫn đến bị mất điểm hình thức. Trong trường hợp gần hết giờ nhưng bài văn vẫn chưa được triển khai hết ý, học sinh cũng nên bình tĩnh để có thể xử lý khéo léo bằng cách viết ngắn gọn phần thân bài và nhanh chóng kết luận để đảm bảo cấu trúc đủ ba phần.

Cô Phượng cũng lưu ý thêm, học sinh khi trình bày bài thi Ngữ văn cần thống nhất trong cách xưng hô từ đầu tới cuối. Ngoài ra, khi viết bài nếu cảm thấy bí ý tưởng, các em cũng cần cố gắng suy nghĩ, dù bài viết có thể không hay, điểm không cao nhưng vẫn tốt hơn so với việc để giấy trắng.

Bên cạnh đó, để đạt được điểm cao môn Ngữ văn, học sinh bắt buộc phải có hệ thống dàn ý đầy đủ, logic cũng như hướng triển khai hợp lý. Để bổ sung tất cả những kiến thức này, học sinh và phụ huynh có thể tham khảo khóa học HM10 Tổng ôn tại Hocmai.vn. Khóa học xây dựng bởi các thầy cô giàu kinh nghiệm, giúp học sinh ôn tập toàn diện kiến thức, phương pháp làm bài theo từng chuyên đề, bám sát cấu trúc đề tuyển sinh THPT không chuyên toàn quốc những năm gần đây.

Cô Phượng khẳng định, với cấu trúc ba phần gồm bài giảng, bài tập tự luyện và các đề kiểm tra chuyên đề, học sinh có thể tiếp thu tốt hơn, tự tin bước vào kỳ thi tuyển sinh THPT và đạt được kết quả tốt. Phụ huynh và học sinh có thể xem thêm thông tin về khóa học tại đây.