Các kỹ năng xử lý điểm nóng chính trị xã hội kỹ năng nào là quan trong nhất vi sao

 

(ThanhtraVietnam) - Tình hình khiếu nại, tố cáo (gọi chung là khiếu kiện) trong những năm qua diễn biến hết sức phức tạp; trong đó khiếu kiện liên quan đến quản lý, sử dụng, thu hồi đất đai, thu chi ngân sách và thu các loại phí, lệ phí ở cơ sở chiếm tỷ lệ khá lớn. Tính chất phức tạp của khiếu kiện thể hiện ở số lượng vụ việc gia tăng; thái độ khiếu kiện bức xúc, gay gắt; nhiều đoàn khiếu kiện đông người kéo lên Trung ương, nhất là vào các dịp diễn ra sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.

Thực tiễn giải quyết khiếu kiện thời gian qua cho thấy, để xử lý tốt điểm nóng khiếu kiện, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ngoài việc nắm vững một số vấn đề cơ bản về điểm nóng khiếu kiện cần có những kinh nghiệm sau: 

Thứ nhất, về việc nhận diện điểm nóng khiếu kiện và điểm nóng chính trị - xã hội

Nếu điểm nóng khiếu kiện có đặc điểm là đời sống xã hội ở một địa bàn nào đó đang trong tình trạng không bình thường, bất ổn định, rối loạn, diễn ra sự xung đột, chống đối của những người khiếu kiện với các hành vi không tự kiềm chế được, đã vượt ra ngoài hoặc có khả năng vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật trong thời gian nhất định và có khả năng lan rộng sang nơi khác thì điểm nóng chính trị - xã hội lại khác ở mục đích của việc chống đối là nhằm vào những người nắm giữ quyền lực chính trị, cơ quan quyền lực nhà nước... Nếu xử lý điểm nóng khiếu kiện không tốt sẽ chuyển sang thành điểm nóng chính trị - xã hội. Vì vậy, khi điểm nóng khiếu kiện xảy ra, cần phải tập trung phối hợp các lực lượng chức năng xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật, không để chuyển sang thành điểm nóng chính trị - xã hội.

Thứ hai, về những nguyên nhân dẫn đến điểm nóng khiếu kiện

Nguyên nhân dẫn đến điểm nóng khiếu kiện có thể phát sinh từ tranh chấp dân sự, không được giải quyết thấu đáo; có thể phát sinh từ khiếu kiện của người dân lâu ngày không được giải quyết, để tích tụ gây bức xúc, bùng phát hoặc có thể phát sinh từ hoạt động ngấm ngầm của các thế lực thù địch. 

Ở nơi nào, cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương quan tâm đến đời sống xã hội của người dân, đến quyền lợi của người dân, tuân thủ các quy định của pháp luật trong quản lý nhà nước ở địa phương, kịp thời giải quyết tốt những vấn đề tranh chấp xảy ra trong nội bộ nhân dân, những khiếu kiện bức xúc của người dân ngay tại cơ sở, kịp thời trấn áp các đối tượng lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kích động thì sẽ hạn chế phát sinh điểm nóng khiếu kiện, từ đó điểm nóng chính trị - xã hội khó có thể xảy ra.

Thứ ba, về phương pháp tiếp cận điểm nóng khiếu kiện

Để tiếp cận điểm nóng khiếu kiện, cần phải tuân thủ các bước cơ bản sau:

Bước 1: Phải phân tích, đánh giá, nhận định được yêu sách của những người khiếu kiện và các vấn đề phía sau các yêu sách đó. Thực chất là những người khiếu kiện đòi hỏi vấn đề gì; về phía chính quyền có điểm gì chưa đúng không; đòi hỏi của người khiếu kiện có chính đáng không; phía sau các yêu sách đó có ẩn chứa vấn đề gì về chính trị không.

Bước 2: Phân tích về người cầm đầu khiếu kiện để thấy được tính chất của điểm nóng khiếu kiện; người cầm đầu xuất hiện hay giấu mặt, đặc điểm nhân thân ra sao, quan hệ xã hội như thế nào, có phức tạp không, có biểu hiện bị móc nối, kích động, lợi dụng, mua chuộc không...

  Bước 3: Phân tích trạng thái tâm lý đám đông, từ đó đi đến kết luận:

- Bản chất mâu thuẫn ở đây là gì, có vấn đề địch - ta hay chỉ là mâu thuẫn quyền lợi trong nội bộ nhân dân.

- Đưa ra những quan điểm, phương châm, nguyên tắc chỉ đạo xử lý.

- Đưa ra phương pháp giải quyết (trấn áp, tuyên truyền hay thuyết phục).

Nếu nhận xét, đánh giá, xác định sai bản chất của mâu thuẫn sẽ đưa ra phương pháp giải quyết sai lầm, hậu quả lớn dễ xảy ra. 
 

Các kỹ năng xử lý điểm nóng chính trị xã hội kỹ năng nào là quan trong nhất vi sao
 

   Thứ tư, về những yêu cầu khi xử lý điểm nóng khiếu kiện

Việc xử lý điểm nóng khiếu kiện phải đạt được các yêu cầu sau đây:

- Làm thế nào để điểm nóng khiếu kiện không lan sang nơi khác. Để làm được điều này đòi hỏi phải kịp thời, mau lẹ, chính xác, hạn chế tối đa những thiệt hại về người và của có thể xảy ra.

- Phải ổn định được chính trị - xã hội vì đây là tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội (ổn định bền vững lâu dài, ổn định để phát triển, ổn định tạm thời).

- Điểm nóng khiếu kiện không có cơ hội tái phát.

- Xử lý xong điểm nóng khiếu kiện, cơ sở chính trị phải mạnh thì lòng dân mới an, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. 

Thứ năm, về quy trình, giải pháp xử lý điểm nóng khiếu kiện

Bước 1: Nắm tình hình, phân tích nguyên nhân và nhận dạng mâu thuẫn

Bước này đòi hỏi phải nắm được thành phần tham gia khiếu kiện. Việc nắm tình hình phải thường xuyên, liên tục, phải biết dựa vào dân, chính quyền cơ sở, vào lực lượng công an, vào cơ sở bí mật… Sau khi nắm vững tình hình, phải phân tích được các nguyên nhân cơ bản sau:

- Nguyên nhân chủ quan hay khách quan.

- Nguyên nhân bên trong hay nguyên nhân bên ngoài.

- Nguyên nhân sâu xa và trực tiếp.

Bước 2: Áp dụng các biện pháp để tránh lan khiếu kiện sang nơi khác

- Chỉ huy thống nhất và biết phối hợp các lực lượng của hệ thống chính trị để vận động, thuyết phục người khiếu kiện, sự thống nhất phải từ Trung ương đến địa phương.

- Phải tính toán, cân nhắc kỹ việc sử dụng các lực lượng Công an, Quân đội sao cho đúng chức năng. Đặc biệt phải biết giữ, bảo vệ và sử dụng phương tiện thông tin đại chúng (Đài phát thanh, Đài truyền hình) để vạch trần những âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu, tuyên truyền, giải thích chính sách, pháp luật để người khiếu kiện hiểu rõ.

Bước 3: Phải biết sử dụng các lực lượng để giải tán đám đông

Để giải tán được đám đông, có thể áp dụng một trong các phương án:

- Chấp nhận, cam kết giải quyết yêu sách của đám đông nếu yêu sách đó là chính đáng. Nội dung nào của yêu sách có thể giải quyết ngay được thì giải quyết, nội dung nào chưa thể giải quyết ngay được thì phải cam kết sẽ giải quyết và yêu cầu giải tán đám đông.

- Tuyên truyền chính sách, pháp luật và thuyết phục để người khiếu kiện trở về địa phương.

   Bước 4: Xử lý người cầm đầu

Cần phải đối thoại với người cầm đầu, trong trường hợp người cầm đầu có biểu hiện vi phạm pháp luật thì phải có biện pháp khống chế, tuy nhiên chỉ áp dụng biện pháp này trong trường hợp cần thiết và phải có sự phân tích thật kỹ lưỡng, khoa học vì nếu không người dân sẽ kéo đến cản trở, gây áp lực làm cho điểm nóng càng thêm phức tạp. Khi bắt giữ phải tuân theo các quy định của pháp luật do cơ quan Công an tiến hành. 

Bước 5: Ổn định tình hình và khắc phục hậu quả sau khi điểm nóng khiếu kiện được dập tắt

- Khôi phục lại các hoạt động bình thường (công sở, trường học, bệnh viện…); củng cố chính trị để phát triển kinh tế; khắc phục hậu quả (công trình cơ sở hạ tầng bị số người quá khích đập phá…).

- Phải xử lý cả hai đầu (cán bộ có sai phạm và người cầm đầu, người quá khích) theo đúng quy định của pháp luật. Nếu bênh vực, bao che cán bộ có sai phạm thì người dân không tin, không phục, dễ tiếp tục khiếu kiện, chống đối. Đối với người cầm đầu, quá khích, đôi khi do họ quá bức xúc mà mất kiểm soát hành vi nên phải biết tuyên truyền, giải thích chính sách, pháp luật để họ biết. 

Bước 6: Rút kinh nghiệm, dự báo tình hình và áp dụng giải pháp để không tái diễn điểm nóng.

- Rút kinh nghiệm về cán bộ và công tác cán bộ: Ai là người gương mẫu chấp hành pháp luật, khôn khéo hay nhút nhát, thiếu tinh thần trách nhiệm, không có kinh nghiệm xử lý điểm nóng khiếu kiện để củng cố chính quyền, xây dựng đội ngũ cán bộ, cất nhắc cán bộ.

- Rút kinh nghiệm về cơ chế, chính sách và việc thực hiện cơ chế, chính sách ở cơ sở. Nhiều khi do những bất hợp lý của cơ chế, chính sách hoặc việc thực hiện không đúng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bức xúc, khiếu kiện trở thành điểm nóng. Vì vậy phải rút kinh nghiệm để hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phù hợp và chấn chỉnh việc thực hiện chính sách ở cơ.

- Rút kinh nghiệm về quan điểm, lập trường của chính quyền cơ sở. Nếu cán bộ cơ sở xa dời dân, quan liêu, tiêu cực, lãng phí, tham nhũng, thiếu quan tâm đến đời sống xã hội của người dân thì dễ xảy ra khiếu kiện.

- Làm tốt công tác dự báo tình hình.

Tóm lại, muốn xử lý tốt điểm nóng khiếu kiện phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trên nhưng phải hết sức thận trọng, sáng tạo, linh hoạt, phải tham khảo kinh nghiệm của những địa phương xử lý tốt vấn đề này, phải mẫn cảm chính trị, phát hiện sớm mâu thuẫn, giải quyết kịp thời để không trở thành điểm nóng. Bất cứ trường hợp nào cũng phải biết dựa vào dân, tin dân, kính dân, yêu dân đi đôi với kiên nhẫn, kiên quyết./.

 (*) Bài viết có kế thừa nội dung nghiên cứu của GS.TS. Lưu Văn Sùng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

                                           Ths. Hoàng Ngọc Dũng

Phó Vụ trưởng Vụ I, Văn phòng Chính phủ