Các phương pháp kiểm tra đánh giá chứng cứ

  1. Thư viện số
  2. 1. Tài liệu dạng văn bản
  3. Tư pháp
  4. Phân quyền - Tư pháp

Please use this identifier to cite or link to this item:https://thuvienso.quochoi.vn/handle/11742/30344

Title: Một số vấn đề lý luận về phương pháp thu thập, kiểm tra đánh giá chứng cứ trong vụ án hình sự Authors: Trần Quang Tiệp Keywords: Pháp luật Việt Nam Vụ án hình sự Luật hình sự Abstract: Trên cơ sở thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử và lý luận tố tụng hình sự, có thể thấy trong việc thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, thường sử dụng biện pháp: quan sát; thực nghiệm; So sánh đối, chiếu và cuối cùng là phương pháp đo lường, miêu tả Publisher: Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Viện Nhà nước và Pháp luật Date Created: 2007 Issue Date: 2007 Type: 2007 Format: tr. 54 - 57,.pdf Source: Nhà nước và Pháp luật (State and law review). Năm 2007. Số 5(229) Spatial: Văn phòng Quốc hội Right: Access limited to members Appears in Collections:Phân quyền - Tư pháp

Files in This Item:

Items in DSpace are protected by copyright, with all rights reserved, unless otherwise indicated.

(LSVN) - Đối với Luật sư, kỹ năng thu thập, kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ trong tố tụng hình sự là yếu tố quan trọng đầu tiên bảo đảm sự thành công của hoạt động tranh tụng trong vụ án hình sự. Do vậy, hoạt động này cần được tiến hành một cách cẩn trọng, chính xác, khách quan, đảm bảo giá trị của chứng cứ khi sử dụng để bảo vệ một cách tốt nhất các quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng trước Tòa án. Đây cũng là một trong những kỹ năng nghề nghiệp quan trọng của một Luật sư, thể hiện năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của Luật sư với chức năng cao cả được luật định: "Bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh" (1).

Các phương pháp kiểm tra đánh giá chứng cứ

Ảnh minh họa.

Các quy định của pháp luật liên quan đến vai trò của Luật sư khi tham tố tụng hình sự đã có nhiều sửa đổi, bổ sung dựa trên định hướng có tính chiến lược được thể hiện trong Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp trong thời gian qua và các văn bản khác của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp trong tình hình mới. Đến nay, những thay đổi, chuyển biến tích cực về vai trò của Luật sư khi tham tố tụng hình sự đang được cũng cố và phát huy rõ nét ở các nội dung sau: i) Luật sư được tham gia tố tụng từ giai đoạn tiền tố tụng; ii) Luật sư được thu thập, kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ ở bất kỳ giai đoạn nào của hoạt động tố tụng vụ án hình sự; iii) Luật sư được thực hiện các kiến nghị cần thiết để bảo đảm các hoạt động tố tụng hình sự tuân thủ theo trình tự được luật định nhằm góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án; iiii) Luật sư được tranh tụng một cách sòng phẳng, bình đẳng với bên buộc tội;... Trong các nội dung trên, có thể khẳng định rằng, hoạt động thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ là một trong những thước đo về hiệu quả hoạt động nghề nghiệp của Luật sư, thể hiện vai trò cần thiết, tích cực, không thể thiếu được của Luật sư trong tố tụng hình sự, là nhân tố quan trọng góp phần giải quyết vụ án hình sự được khách quan, toàn diện, như định hướng, mong muốn của các nhà làm luật và của xã hội.

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 ghi nhận quyền của Luật sư tương đối bình đẳng hơn so với bên buộc tội trong việc thu thập, kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ. Đây cũng là xu hướng tố tụng bình đẳng được đề cập trong các nghiên cứu theo pháp luật các nước. Mô hình tiến bộ này có ý nghĩa rằng: “hạn chế quyền lực của các cơ quan,... nhấn mạnh một quy trình tìm kiếm bằng chứng nặng tính hình thức thông qua tranh tụng”(2). Tuy vậy, do đặc thù nghề nghiệp, Luật sư thực hiện bảo vệ quyền lợi cho người phạm tội nên thường gặp những khó khăn, trở ngại. Từ đặc điểm chuyên biệt, đòi hỏi Luật sư phải chủ động phát huy năng lực thu thập, kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ theo cách riêng của mình để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng.

Chứng cứ được thu thập bằng nhiều nguồn khác nhau, theo trình tự, thủ tục tố tụng. Hoạt động thu thập chứng cứ phải bảo đảm tính khách quan, toàn diện. Các chứng cứ được thu thập phải có giá trị chứng minh và được lưu giữ, bảo quản trong quá trình tố tụng, nhằm đảm bảo việc lưu giữ những thông tin có giá trị chứng minh có hay không có sự việc phạm tội. Người tham gia tố tụng nói chung, Luật sư nói riêng, được pháp luật trao quyền thu thập chứng cứ là các tài liệu, đồ vật, tình tiết có liên quan đến vụ án (Điều 88, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) để bảo đảm cho các mục tiêu này.

Thực tiễn hoạt động thu thập chứng cứ của Luật sư, có thể tạm chia thành 02 phương thức tiếp cận chứng cứ như sau:

Thứ nhất, Luật sư chủ động tiếp xúc với bị can, bị cáo mà mình bào chữa, người bị hại, người làm chứng và những người khác (kể cả các cơ quan nhà nước) biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa,... Xuất phát từ quyền thu thập, đưa ra chứng cứ, đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ,... được quy định theo khoản 1, Điều 73, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Thứ hai, Luật sư tiếp xúc, thu thập chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, do các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập được. Thông thường các chứng cứ này được thực hiện có tính hệ thống, chặt chẽ, theo các kế hoạch của hoạt động điều tra. Song, do những hạn chế tham gia tố tụng, cũng như nhận thức chủ quan từ phía chủ thể điều tra về việc tránh rò rỉ chứng cứ, việc tiếp cận chứng cứ đầy đủ theo luật ở giai đoạn này chỉ được thực hiện khi có kết luận điều tra.

Chứng cứ của Luật sư thu thập và đưa ra mang tính phản biện đối với chứng cứ buộc tội và luận điểm của cơ quan tiến hành tố tụng. Do vậy, Luật sư với những hoạt động thu thập chứng cứ trên cơ sở đó đưa ra những kiến nghị điều tra bổ sung, điều tra lại, đình chỉ điều tra, rút quyết định truy tố, thay đổi tội danh,... để góp phần bào chữa có hiệu quả, để đảm bảo sự thật khách quan của vụ án. Qua đó, giúp các cơ quan tố tụng xem xét vụ án một cách khách quan, đầy đủ, toàn diện, tránh tình trạng oan sai vẫn còn xảy ra trong thực tiễn tố tụng hình sự. Trong trường hợp này Luật sư thực thi trách nhiệm của mình trên nguyên tắc, không làm xấu đi tình trạng của bị can, qua việc tập trung thu thập các chứng cứ chứng minh sự vô tội, hoặc không đến mức nguy hiểm như tài liệu trong hồ sơ vụ án thể hiện; các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can mà Cơ quan điều tra chưa tiến hành xác minh, điều tra, lưu vào hồ sơ vụ án.

Tuy vậy, khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ chính đáng này, Luật sư vẫn bị không ít những rào cản, làm hạn chế về vai trò của mình. Cụ thể qua thực tiễn tham gia tố tụng như sau: (i) Khi tham gia vào việc lấy lời khai của người bị tạm giữ, bị can, Luật sư chỉ được hỏi khi điều tra viên đồng ý; (ii) Các hoạt động điều tra khác như: đối chất, nhận dạng, khám xét, thực nghiệm điều tra, khám nghiệm hiện trường, thu thập vật chứng,... vai trò của Luật sư rất mờ nhạt; (iii) Việc tiếp xúc người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam trong giai đoạn điều tra vẫn đang rất khó khăn; (iv) Tiếp cận ban đầu những tài liệu trong hồ sơ vụ án chỉ được chấp thuận sau khi kết thúc điều tra, nên Luật sư gần như không có thông tin về diễn biến của vụ án; (v) Các chứng cứ mới, có giá trị chứng minh sự vô tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự do Luật sư xuất trình tại tòa rất ít khi được chấp nhận, xuất phát từ tính phức tạp của việc xem xét các thuộc tính, đặc biệt là thuộc tính hợp pháp của chứng cứ để đánh giá, làm cơ sở để giải quyết vụ án; (vi) Các cơ quan nhà nước thường không cung cấp kịp thời thông tin, tài liệu liên quan, nên hiệu quả sử dụng chứng cứ về sau chưa cao.

Điều này dẫn đến hệ quả là, không ít phán quyết của Tòa án không thật sự phản ánh những điểm tiến bộ của hoạt động cải cách tư pháp, các chứng cứ được xem xét đa chiều, dựa trên các kết quả chân thực nhất của hoạt động tố tụng công khai tại phiên tòa. Đồng nghĩa rằng, khi mọi chứng cứ không được tiếp cận xem xét toàn diện, kết quả oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự vẫn còn tiếp diễn như các khuyến cáo.

Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát vẫn luôn có xu hướng hay định hướng chú trọng tập trung vào thu thập các chứng cứ buộc tội. Trong khi đó, Luật sư với xu hướng thu thập chứng cứ gỡ tội, trong đó bao gồm các tình tiết, chứng cứ góp phần chứng minh sự thật khách quan của vụ án hoặc giảm nhẹ hình phạt. Do vậy, rất khó để được xem xét một cách khách quan, đầy đủ nếu vụ án hình sự không có sự có mặt của Luật sư trong các giai đoạn tố tụng, để thực hiện vai trò thu thập, kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ. Qua thực tế hoạt động xét xử, có thể thấy lời bào chữa của Luật sư dù được lập luận sắc bén, thuyết phục nhưng thường chỉ được ghi nhận một cách chung chung trong bản án. Trong hầu hết các trường hợp, khi chứng cứ buộc tội thiếu thuyết phục thì Hội đồng xét xử khi đó mới quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo hướng củng cố các chứng cứ buộc tội, thay vì bao hàm cả những chứng cứ gỡ tội.

Theo quy định tại Điều 88 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: “Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền hỏi người bị hại, người làm chứng và những người biết về vụ án nếu được những người này đồng ý; có quyền thu thập, đưa ra tài liệu, đồ vật”. Song thực thi quyền này trong thực tiễn tố tụng hình sự đạt được ở mức độ nào; giải quyết các trường hợp nếu người bị hại, người làm chứng không hợp tác theo chiều hướng nào, các quy định theo Luật Việt Nam hiện nay còn bỏ ngỏ. Kinh nghiệm từ một số nước (Nhật Bản, Hàn Quốc,..) cho thấy, việc triệu tập người làm chứng ra tòa khai báo rất phổ biến. Còn tại Việt Nam, thực tế rất nhiều phiên tòa vắng mặt nhân chứng, thậm chí vắng mặt nhân chứng quan trọng có ý nghĩa quyết định đến bản chất vụ án, nhưng vẫn được các Tòa chấp nhận, chỉ công bố lời khai có sẵn trong quá trình điều tra.

Thực tiễn qua các vụ án oan sai cho thấy, khi phúc tra, tại phiên tòa nhân chứng lại khai khác với bản khai ở cơ quan điều tra, tạo ra những thay đổi mang tính căn cơ đối với vụ án. Nhu vậy, nếu mở rộng quyền cho phép Luật sư xét hỏi, đồng thời có quy định buộc (một số trường hợp) người làm chứng phải có nghĩa vụ phải trả lời, khai báo trước tòa thì cũng là giải pháp hiệu quả để đảm bảo tính khách quan, toàn diện về thu thập, kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ của vụ án hình sự.(3)

Pháp luật tố tụng hình sự cũng quy định tuỳ theo mỗi giai đoạn tố tụng, khi thu thập được các tài liệu liên quan đến vụ án thì người bào chữa phải có trách nhiệm giao cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc giao chứng cứ nhưng không có một cơ chế pháp lý đảm bảo cho quá trình này được diễn ra chặt chẽ, hiệu quả và đúng giá trị thực của chứng cứ. Quá trình giao nhận rất dễ dẫn đến tình trạng thiếu sót, làm sai lệch hoặc vô hiệu hoá chứng cứ được Luật sư thu thập. Do vậy, với vai trò và vị trí là người bảo vệ cho người “yếu thế” trong vụ án hình sự, không ít Luật sư đã lựa chọn phương thức hoặc thời điểm công khai chứng cứ mà theo họ là phù hợp nhất trong quá trình tố tụng của vụ án để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ. Thay vì đưa chứng cứ thu thập được ra sớm hơn thì họ chọn thời điểm mà họ cho rằng thích hợp nhất theo chủ quan của họ. Cách làm này không thể tránh khỏi những trở ngại, làm cho vụ án kéo dài, nếu chứng cứ đó cần thiết phải được thẩm tra, xác minh, tiến hành lại hoạt động tố tụng ngay từ giai đoạn điều tra.

Hiện nay, trên tinh thần cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49/NQ-TW và tiếp tục thực hiện cải cách tư pháp trong tình hình mới hướng đến xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Toà án vẫn luôn giữ vai trò trọng tài, đảm bảo quyền tranh tụng bình đẳng khi xét xử. Phán quyết của toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa và những người có quyền và lợi ích hợp pháp để ra bản án, quyết định đúng pháp luật. Điều này, đòi hỏi Luật sư phải được thực hiện, khai thác có hiệu quả các quyền thu thập chứng cứ. Về nguyên tắc, mục đích thực hiện các quyền này của Luật sư là nhằm bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp cho khách hàng, không được làm xấu đi tình trạng pháp lý của thân chủ, do vậy, các chứng đó phải thực sự có giá trị, giúp ích cho hoạt động xét xử tại Tòa.

Hoạt động kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ là bước tiếp theo khâu thu thập chứng cứ. Đây là hoạt động tư duy gắn liền với kỹ năng của chủ thể tiến hành tố tụng và các chủ thể khác có liên quan trong việc tiến hành xem xét, kiểm tra các chứng cứ đã thu thập được, qua đó, nhằm xác định: Tính xác thực, độ tin cậy và giá trị chứng minh của các chứng cứ đã được thu thập; tính chất, ý nghĩa và mức độ liên quan giữa các chứng cứ trong hệ thống chứng cứ; giá trị của từng chứng cứ đối các vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án; hướng sử dụng hoặc tiếp tục kiểm tra, đánh giá chứng cứ,...

Một chứng cứ thuyết phục, có hàm lượng giá trị pháp lý đối với vụ án đòi hỏi Luật sư phải nắm vững kiến thức pháp lý về tội phạm và các chứng cứ chứng minh hành vi vô tội, hoặc có lợi cho người phạm tội trong vụ án mà mình tham gia bào chữa. Quy định về đánh giá tính xác thực, tính hợp pháp của chứng cứ, cũng như trách nhiệm của các bên liên quan trong việc kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ được cụ thể hóa tại Điều 108 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 chính thức ghi nhận quyền Luật sư tương đối bình đẳng hơn so với bên buộc tội trong việc thu thập, kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ. Đây cũng là xu hướng tố tụng bình đẳng được đề cập trong các nghiên cứu theo pháp luật các nước. Mô hình tiến bộ này có ý nghĩa rằng: “hạn chế quyền lực của các cơ quan,... nhấn mạnh một quy trình tìm kiếm bằng chứng nặng tính hình thức thông qua tranh tụng”(4). Tuy vậy, do đặc thù nghề nghiệp, Luật sư thực hiện bảo vệ quyền lợi cho người phạm tội nên thường gặp những khó khăn, bất trắc. Từ đặc điểm chuyên biệt, đòi hỏi Luật sư phải chủ động phát huy năng lực thu thập, kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ theo cách riêng của mình để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng. Cần khắc phục thực trạng Luật sư chỉ đánh giá và nghiên cứu những chứng cứ được các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập, qua các lời khai, biên bản hỏi cung, các kết luận giám định có sẵn trong hồ sơ vụ án hình sự.

Trong cách thức để Luật sư tham gia vào vụ án hình sự, các nhà làm luật đã trao một số quyền, trong đó có những quyền liên quan đến đánh giá chứng cứ (khoản 1, Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015), cụ thể như: “...Kiểm tra đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá”; “Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiền hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản”;... Với quyền năng này, Luật sư không chỉ đơn thuần dựa vào các tài liệu, chứng cứ sao chụp được của các cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ cho việc nghiên cứu, đánh giá của mình, mà đây chính là cơ sở để Luật sư phát huy có hiệu quả khả năng vận dụng, nắm bắt và xác định được mục tiêu hướng đến để thu thập, phát hiện ra những tình tiết chứng cứ quan trọng phục vụ cho việc bào chữa, mang lại hiệu quả, lợi ích cho khách hàng.

Về kỹ năng, khi xác định mục tiêu cụ thể, điều kiện tiên quyết là Luật sư cần nắm vững là định hướng mục đích của việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ có được trong vụ án. Trong thực tế, có trường hợp, Luật sư không được hoặc không nên chỉ sử dụng chứng cứ đã thu thập được, bởi nếu sử dụng chứng cứ đó có khả năng sẽ làm xấu đi số phận pháp lý của khách hàng – bị can, bị cáo của vụ án. Bằng cách nắm rõ mục đích hướng đến trong từng vụ, từng tình tiết khác biệt, Luật sư phân biệt được việc phải tìm ở đâu chứng cứ nhằm hướng mục đích của mình vào việc nghiên cứu, đánh giá chứng cứ đó, tránh tình trạng bị “vênh”, bị “lệch” so với các yêu cầu đặt ra cho Luật sư. Tuy vậy, như trên đã đề cập, dù cho mục đích hướng tới lợi ích của khách hàng như thế nào đi nữa thì việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ cũng phải luôn đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.

Để hoạt động bào chữa có hiệu quả, Luật sư phải có ý kiến phản biện (một phần hoặc toàn bộ) chứng cứ buộc tội đó, có những kiến nghị, đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng ra các quyết định phù hợp với từng hoàn cảnh, yêu cầu khác nhau như: điều tra bổ sung, điều tra lại, đình chỉ điều tra, rút cáo trạng, thay đổi tội danh nhẹ hơn, áp dụng hình phạt nhẹ hơn so với đề nghị nêu trong bản luận tội, để hội đồng xét xử cân nhắc khi định tội danh, quyết định hình phạt cho bị cáo. Điều này thể hiện rõ mục đích hướng đến của Luật sư khi hành nghề, đồng thời là tinh thần, trách nhiệm của Luật sư đối với khách hàng của mình, đảm bảo theo hướng có lợi nhất. Điều này không vi phạm nguyên tắc tuân thủ pháp chế, mà xuất phát từ chức năng truyền thống “gỡ tội” của Luật sư.

Quá trình điều tra vụ án hình sự có những đặc thù riêng, tác động nhất định đến hoạt động bào chữa công khai tại Tòa. Ở giai đoạn tố tụng này, do việc cho phép tiếp cận hồ sơ hạn chế, những thông tin, tài liệu chứng cứ làm cơ sở cho việc xác định sự thật của vụ án đối với Luật sư không nhiều nhưng lại rất quan trọng đối với việc bảo vệ quyền lợi cho bị can. Do vậy Luật sư cần phải biết tập trung thời gian, công sức trí tuệ để nghiên cứu, kiểm tra, đánh giá tính hợp pháp của những thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được bằng các kênh riêng, sẵn sàng phản đối các quyết định trái pháp luật. Chỉ khi tập trung kiểm tra, đánh giá có trọng điểm và chính xác những chứng cứ làm cơ sở cho việc xác định sự thật vụ án thì kết quả của hoạt động này mới trở nên có ý nghĩa. Nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan và những người tiến hành tố tụng, những người nói trên có nghĩa vụ phải đi thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ để thực hiện chức năng buộc tội, trong khi đó, Luật sư của người bị buộc tội có quyền thực hiện những hoạt động này mà không phải là một nghĩa vụ nhằm để chứng minh thân chủ của mình vô tội. Điều này đã dẫn đến một thực tế xung đột về nhận thức, tình cảm và cả hành động của bên buộc và bên gỡ tội. Sự xung đột này có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Luật sư không được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tham gia bào chữa và điều này đã góp phần không nhỏ vào việc dẫn đến những vụ án oan, sai với vai trò mờ nhạt của bên gỡ tội trong giai đoạn điều tra, truy tố. Mặc dù vậy, vẫn phải thừa nhận một thực tế là với sự cho phép của hệ thống luật thực định về việc bên gỡ tội được thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ và tranh tụng sòng phẳng tại tòa, cộng thêm sự nỗ lực và một chút của sự may mắn, bên gỡ tội đã góp phần chứng minh sự vô tội trong nhiều vụ án tưởng như đã tiệm cận với sự đúng đắn nhất. Thực tiễn hoạt động thu thập, kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ còn nhiều thiếu sót, bất cập của các cơ quan, người tiến hành tố tụng và vai trò mờ nhạt của Luật sư ở giai đoạn điều tra, truy tố trong “Vụ án vườn điều”(5) và nhiều vụ án oan, sai khác (Vụ Bùi Minh Hải, Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Trần Văn Chiến, Nguyễn Minh Hùng,…) là những ví dụ điển hình.

Giới hạn chứng minh trong vụ án hình sự là phạm vi các tình tiết, các dấu hiệu cần và đủ phải chứng minh để khẳng định một người phạm tội hay không phạm tội; giới hạn chứng minh một người phạm tội cụ thể nào đó bao giờ cũng rộng hơn giới hạn chứng minh người đó không phạm tội. Để chứng minh một người phạm tội cơ quan tiến hành tố tụng, người bị hại và Luật sư của người bị hại cần phải có đủ các chứng cứ để chứng minh là hành vi phạm tội của người phạm tội phải có đủ bốn yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm, còn để chứng minh người đó không phạm tội, bị can, bị cáo, người bào chữa cho bị can, bị cáo chỉ cần chứng minh là không có một trong bốn yếu tố cấu thành tội phạm đó. Nói một cách khác, để buộc tội cần phải có nhiều chứng cứ, còn để gỡ tội có khi chỉ cần một chứng cứ. Và Luật sư, hơn ai hết có điều kiện để vận dụng điều này để đưa ra những yêu cầu có lợi cho thân chủ mình, nếu Luật sư nắm được những chứng cứ thuyết phục.

Kiểm tra, đánh giá chứng cứ để phục vụ cho hoạt động bào chữa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Luật sư, nếu như đánh giá chứng cứ được thực hiện ở tất cả các giai đoạn tố tụng thì việc sử dụng chứng cứ cũng vậy. Trước hết, Luật sư kiểm tra, đánh giá chứng cứ để làm căn cứ đề xuất, kiến nghị với Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Toà án, thực hiện một công việc nào đó hướng tới. Trong phiên toà, Luật sư kiểm tra, đánh giá chứng cứ để phản bác một phần hay toàn bộ quan điểm của bên đối lập, khẳng định quan điểm của mình, đề nghị Viện Kiểm sát rút một phần hay toàn bộ truy tố, đề nghị Toà áp dụng điều luật hoặc những biện pháp có tính chất tố tụng đúng pháp luật.

Thực tế cho thấy, hoạt động chứng minh trong tố tụng hình sự hiện nay đang còn nhiều điều phải bàn cả về lý luận và thực tiễn. Đây không chỉ là hoạt động tuân thủ pháp luật qua thu thập, kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ, mà còn là hoạt động thể hiện trí tuệ, khoa học, lương tâm nghề nghiệp, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng, Luật sư và cả người tham gia tiến hành tố tụng khác.

Tóm lại, tác động của chủ trương cải cách tư pháp cùng với việc pháp luật ngày càng được bổ sung và hoàn thiện đã nâng tầm của hoạt động thu thập, kiểm tra, đánh giá vfa sử dụng chứng cứ ngày càng khách quan, thận trọng hơn. Các chủ thể tiến hành và tham gia tố tụng thực thi nhiệm vụ hoặc chứng minh sự tường minh để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Chỉ khi làm được như vậy, công lý mới được đảm bảo, công bằng mới được thực hiện, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mới được pháp luật bảo vệ, hạn chế và loại trừ đến mức thấp nhất việc làm oan, sai người vô tội cũng như bỏ lọt tội phạm, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Với những phân tích trên, cho thấy vai trò của Luật sư trong hoạt động thu thập, kiểm tra, đánh giá và sử dụng chứng cứ đã có những bước tiến bộ đáng kể. Song với các yêu cầu cải cách tư pháp, tranh tụng bình đẳng, hạn chế thấp nhất án oan sai vẫn còn xảy ra, cần lưu ý các vấn đề mang tính đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn các quy định này như sau:

1. Từ đặc điểm chuyên biệt, đòi hỏi Luật sư phải chủ động phát huy năng lực thu thập, kiểm tra, đánh giá và sử chứng cứ theo cách riêng của mình để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng. Cần khắc phục thực trạng Luật sư chỉ nghiên cứu những chứng cứ được các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập, qua các lời khai, biên bản hỏi cung, các kết luận giám định có sẵn trong hồ sơ vụ án hình sự.

2. Quyền tiếp cận nguồn tài liệu, chứng cứ để thực hiện trọng trách bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự cần được hiện thực hóa; không bị cản trở trên thực tế, làm hạn chế vai trò của Luật sư. Những cản trở thường xảy ra ở chính các cơ quan quản lý nhà nước thời gian qua gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực thu thập chứng cứ của Luật sư, cũng như kịp thời đưa chứng cứ vào vụ án, tránh những thiên lệch làm lạc hướng điều tra, gây ảnh hưởng đến quyền lợi tố tụng của bị can, bị cáo.

3. Mặt khác, với việc cho phép Luật sư tham gia bảo vệ các quyền lợi chính đáng ngay từ giai đoạn tiền tố tụng, cần phải có cơ chế thuận lợi cho việc Luật sư tham gia thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ kịp thời, không để xảy ra tình trạng Luật sư chỉ chứng kiến, xác nhận vào các chứng cứ là bản cung theo kế hoạch điều tra, không đảm bảo tính khách quan, dẫn đến nguy cơ tạo ra những bản cung có Luật sư làm chứng không đúng bản chất sự thật vụ án.

4. Trách nhiệm tiếp nhận và xử lý chứng cứ theo kiến nghị của Luật sư cần được tiến hành kịp thời, trên nguyên tắc đánh giá chứng cứ khách quan, tố tụng bình đẳng giữa bên buộc và bên gỡ tội. Trong hoạt động tố tụng, đặc biệt là tranh tụng tại tòa, nếu chứng cứ Luật sư cung cấp đã được xác thực, không cần thiết phải tiến hành lại các hoạt động tố tụng, tạo ra những ngờ vực không cần thiết. Ngay cả khi bác bỏ chứng cứ do Luật sư cung cấp, các phán quyết phải có những nhận định xác đáng, không được lược bỏ, làm thay đổi cách tiếp cận đánh giá chứng cứ ở các giai đoạn tố tụng tiếp theo. Đồng thời, các sửa đổi, bổ sung hay bác bỏ cần phải được xem xét thận trọng các thủ tục tố tụng đã bị vi phạm nghiêm trọng ở mức nào, tránh trường hợp các cơ quan, người tiến hành tố tụng cố ý lược bỏ chứng cứ, làm thay đổi tình tiết hay bản chất của vụ án.

Thu thập, kiểm tra, đánh giá, sử dụng chứng cứ, cũng như bảo vệ chứng cứ vụ án hình sự vừa là kỹ năng chuyên môn, nhưng cũng là trách nhiệm của Luật sư. Các quy định trao quyền cho phép Luật sư tiếp cận chứng cứ đồng nghĩa rằng, những chứng cứ đó chỉ được sử dụng duy nhất vào mục đích vụ án, được bảo mật tuyệt đối để bảo vệ trật tự tố tụng, quyền lợi của các bên liên quan. Các hành vi vi phạm cần được chế tài, xử lý nghiêm khắc, không chỉ dưới góc độ đạo đức nghề nghiệp, mà cả về phương diện pháp lý.

(1) Điều 3, Luật Luật sư (sửa đổi bổ sung năm 2012)

(2) Xem tại: Viện nghiên cứu khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp, Chuyên đề: Tư pháp hình sự so sánh, 1999, tr. 83

(3) Bình Minh, Tranh cãi chuyện Luật sư thu thập chứng cứ, 2013, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh Online, Xem tại: https://plo.vn/plo/tranh-cai-chuyen-luat-su-thu-thap-chung-cu-313707.html, truy cập ngày 8/7/2020

(4) Xem tại: Viện nghiên cứu khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp, Chuyên đề: Tư pháp hình sự so sánh, 1999, tr. 83

(5) Vụ án (xảy ra tại Bình Thuận) với hai lần xét xử sơ thẩm và hai lần xét xử phúc thẩm, sau đó đình chỉ vì thiếu chứng cứ buộc tội. Vụ án đã trở thành "điểm nóng" trong hoạt động tư pháp tại Việt Nam, khẳng định vai trò của các Luật sư trong việc đấu tranh, bào chữa có hiệu quả, bảo vệ tối ưu quyền lợi bị cáo. Xem thêm: Công Nghệ, “Vụ án vườn điều” và những bài học đắt giá, 2020. Xem: http://cand.com.vn/Khoa-hoc-Quan-su/Vu-an-vuon-dieu-va-nhung-bai-hoc-dat-gia-14075/, Công an nhân dân Online, truy cập ngày 8/7/2020

Danh mục tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020

2. Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi năm 2012

3. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

4. Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017

5. Nguyễn Duy Quý, Nguyễn Tất Viễn, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân: Lý luận và thực tiễn, 2010, Nxb. Chính trị Quốc gia

6. Viện nghiên cứu khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp, Chuyên đề: Tư pháp hình sự so sánh, 1999

7. Bình Minh, Tranh cãi chuyện Luật sư thu thập chứng cứ, 2013, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh Online. Xem tại: https://plo.vn/plo/tranh-cai-chuyen-luat-su-thu-thap-chung-cu-313707.html, truy cập ngày 08/7/2020

8. Công Nghệ, Vụ án vườn điều” và những bài học đắt giá, 2020, Công an nhân dân Online. Xem tại: http://cand.com.vn/Khoa-hoc-Quan-su/Vu-an-vuon-dieu-va-nhung-bai-hoc-dat-gia-14075/, truy cập ngày 08/7/2020