Nhan nhân trung là ai

Thân Nhân Trung: Người định nghĩa hiền tài

Từ Khôi

14:10 23/02/2017

"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” – câu này ngay sau khi xuất hiện năm 1484 trên tấm văn bia đầu tiên đề danh Tiến sĩ ở Văn miếu Quốc Tử Giám đến nay vẫn được coi như một “định nghĩa” chuẩn mực nhất về kẻ sĩ, trí thức Việt Nam. Người viết nên câu văn bia bất hủ ấy chính là Hàn lâm viện thừa chỉ, Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung.

Khai khoa làng Tiến sĩ

Thân Nhân Trung [1418 – 1499] - người khai khoa cho làng tiến sĩ Yên Ninh [nay là thị trấn Nếnh] huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ông tự là Hậu Phủ, đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu [1469] dưới triều vua Lê Thánh Tông khi đã 50 tuổi.

Tương truyền tên làng quê hương của Thân Nhân Trung, do vua Lê Thánh Tông sửa khi đi kinh lý qua đây. Thấy tên bảng đề chợ “Nánh”, vua băn khoăn hỏi và sau đó cho đổi là “Nếnh”.

Làng Nếnh xưa là vùng đất chiêm trũng xen lẫn rừng già. Nằm giữa hai dòng sông lớn là sông Cầu và sông Thương, lại sát đường quan lộ. Có sông Kẻ Mang bắt nguồn từ Lạng Giang chảy qua Giá Sơn, Dõng, Liên Hồi, chạy ôm lấy làng Nếnh rồi qua Quang Biểu đổ vào sông Cầu. Lại có một nhánh từ Nếnh chảy sang Hoàng Mai, Song Khê chảy vào cống Bún ra sông Thương. Các làng thuộc tổng Nếnh xưa như Nhật Minh, Sen Hồ, Ninh Khánh, Yên Ninh… bị các dòng chảy chia cắt. Trong đó Yên Ninh phía sau là các dòng chảy, phía trước là cánh đồng nước mênh mông. Do đó Nếnh là thế đất “tiền thủy hậu giang”.

Họ Thân châu Lạng xưa từng nối đời làm mục trưởng, làm phò mã. Đến năm 1469, Thân Nhân Trung đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Sau khi thi đỗ, Thân Nhân Trung được cho vào cung giúp các hoàng tử học, sau đó được giao làm Hàn lâm viện thị độc, rồi thăng Hàn lâm viện thừa chỉ, kiêm Đông các Đại học sĩ, kiêm Quốc tử giám tế tửu.

Thân Nhân Trung có hai con trai và cháu đều đỗ Tiến sĩ và làm quan dưới triều vua Lê Thánh Tông. Con trai cả là Thân Nhân Tín đỗ năm 1490, con trai thứ là Thân Tông Vũ đỗ năm 1481, và cháu Thân Cảnh Vân [con trai của Thân Nhân Tín] đỗ Thám Hoa năm 1487. Ngoài 4 cha con ông cháu họ Thân, Yên Ninh còn có 6 người khác đỗ Tiến sĩ.

Rạng rỡ trong vòng 150 năm với 10 Tiến sĩ, với ba người có chân trong hội Tao Đàn, suốt thời phong kiến về sau, làng Nếnh không còn người đỗ đại khoa nữa.

Hiện nay, phía sau chợ Nếnh, tại số nhà 36 phố Hoàng Công Phụ là di tích Đền thờ Tiến sĩ. Trong đền gian giữa có bức hoành phi nổi bật với dòng chữ “Phương danh thiên cổ”. Nghĩa là: Danh thơm ngàn năm. Hậu cung có tượng Hàn lâm viện thừa chỉ, kiêm Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung thờ ở ban chính. Bên cạnh là bài vị thờ các vị tiến sĩ khác.

Lời văn bất hủ

Hiếm có vị vua và bề tôi nào thân thiết với nhau như vua Lê Thánh Tông và Thân Nhân Trung. Trong một bài văn khóc khi vua băng hà, Thân Nhân Trung đã viết: “Vận số xui thành bạn tri âm”. Ông lại được giao soạn “Thánh Tông Chiêu Lăng bi minh”. Vua cho Thân Nhân Trung dự bàn nhiều việc cơ mật, thậm chí giao trọng trách. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, ghi về Thân Nhân Trung, vua Lê Thánh Tông đề cập tới 12/16 lần xuất hiện.

Ngày 15/8/1484, vua Lê Thánh Tông sai dựng bia từ khoa thi Nhâm Tuất [1442] đến khoa thi Giáp Thìn năm Hồng Đức thứ 15 [1484] gồm 10 khoa thi. Thân Nhân Trung được giao trọng trách soạn bài văn bia khoa thi năm 1442. Nhiều người đỗ đạt ở khoa thi quy củ này sau đó đã có nhiều đóng góp lớn cho đất nước như Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ, Thám hoa Lương Nhữ Hộc, Tiến sĩ Ngô Sĩ Liên. Việc được giao soạn văn bia 1442 còn đem tới nhiều cơ duyên lạ kỳ nữa. Ví như: Nguyễn Trãi – người cứu giúp mẹ con hoàng tử Lê Tư Thành là người chấm thi năm 1442 và cũng bị án oan năm 1442. Vua Lê Thánh Tông cũng sinh năm 1442. Tại khoa thi 1442, Nguyễn Trực đỗ Trạng nguyên. Đến năm 1469, Nguyễn Trực chấm thi lấy đỗ Thân Nhân Trung.

Là người sôi kinh nấu sử một thời gian dài, mãi đến năm 50 tuổi mới thi đỗ, chứng kiến nhiều sự hưng vong của các vị vua và sự ảnh hưởng của các đại thần, kẻ sĩ với vương triều nên Thân Nhân Trung đã viết nên những câu văn đầy chiêm nghiệm. Những dòng chữ vừa chiêm nghiệm, vừa sục sôi, đau đáu: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà vươn cao hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà xuống thấp. Vì thế các bậc thánh đế, minh vương, không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp đầu tiên…”.

Trước Thân Nhân Trung, nhiều bậc đại trí thức đều biết sự quan trọng của kẻ sĩ đối với quốc gia. Sĩ được xếp vào hàng đầu tiên trong xã hội: “Sĩ, nông, công, thương, binh”. Nhưng không ai gọi hiền tài là “nguyên khí”. Nhưng sau khi Thân Nhân Trung định danh “hiền tài” như vậy thì các đại trí thức đời sau đã tán đồng và sử dụng tư tưởng này.

Tượng thờ Đại học sĩ Thân Nhân Trung tại đền thờ các tiến sĩ ở thị trấn Nếnh.

Răn kẻ sĩ

Bên cạnh việc đề cao kẻ sĩ, văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi 1442 còn có những câu mang tính răn đe kẻ sĩ: “Ôi! Kẻ sĩ chốn trường ốc, lều tranh số phận thật nhỏ bé mà được triều đình đề cao như vậy thì cái chí của họ vì tự trọng bản thân mà phải lo báo đáp. Hãy đem tên họ những người đỗ trong khoa này mà kê lại. Những người đưa vào văn học chính sự tô điểm cho cảnh thịnh trị, thanh bình, vài chục năm trở lại đây, được quốc gia tin dùng, kể cũng nhiều vậy. Nhưng trong số đó cũng có kẻ vì hối lộ mà hư hỏng, hoặc sa ngã vào cùng loại với bọn gian ác, là bởi vì lúc họ sống chưa từng được nhìn thấy tấm đá trinh bạch này thôi. Giả sử hồi đó họ kịp nhìn thấy thì ắt hẳn lòng thiện sẽ tràn đầy, ý ác được ngăn chặn, đâu dám làm chuyện càn bậy. Thế thì việc dựng tấm bia đá này, ích lợi biết chừng nào. Kẻ ác lấy đó làm răn, người thiện theo đó mà cố gắng. Làm sáng tỏ những điều đã qua, mở rộng dạy bảo cho hậu thế. Một là để dài mãi tư chất danh tiết cho kẻ sĩ, hai là củng cố sự bền vững của quốc gia. Thánh thần làm như vậy đâu phải chuyện vô ích. Vậy ai nhìn thấy cũng nên hiểu rõ ý này.”.

Thân Nhân Trung cũng là người soạn văn bia đề danh tiến sĩ khoa thi Đinh Mùi [1487]. Đây cũng là cái duyên mà không nhà đại khoa bảng nào có được khi ông viết văn bia đề danh cháu ruột Thân Cảnh Vân đỗ Thám hoa. Bài văn bia này cũng đầy ý nghĩa sâu sắc. Ông răn dạy các tiến sĩ:“Họ nên lấy trung nghĩa mà rèn luyện, cho danh thực hợp nhau, thực hành điều sở học, làm nên sự nghiệp vĩ đại sáng ngời khiến cho mọi người đời sau kính trọng thanh danh, mến mộ khí tiết, may ra trên không phụ lòng nhân dưỡng dục của triều đình, dưới không phụ công học tập thường nhật thì việc khắc tên vào tấm bia này sẽ muôn thủa bất hủ vậy. Thảng hoặc chỉ tu sức văn vẻ bên ngoài, đức hạnh thiếu thốn bên trong, điều thấy không bằng điều nghe, việc làm trái với điều học, hạnh kiểm sa sút, danh giáo nhuốc nhơ, chỉ tổ bôi nhọ cho tấm bia này mà thôi… Than ôi! Nhỏ học lớn hành, có chí học giỏi để góp cho đời, ai cũng đều như thế. Những người đời này đời sau sinh ra ở cõi đời, đọc bài văn này, nhìn tấm bia này, chắc còn xúc động lắm…”.

Văn chương trùm đời

Văn thơ của Thân Nhân Trung rất nhiều nhưng đến nay còn lưu lại rất ít trong một số sách Hán Nôm. Tiến sĩ Hà Nhậm Đại triều Mạc có làm thơ vịnh ví ông là bậc văn chương trùm đời. Là người văn tài, ông được vua sắc dụ cho làm trưởng nhóm biên soạn sách “Thiên Nam dư hạ tập” và “Thân chinh ký sự”. Theo sử gia Phan Huy Chú viết Thiên Nam dư hạ tập gồm 100 quyển, nhưng đến thời Phan Huy Chú sưu tập thì chỉ còn 4-5 quyển.

Vua Lê Thánh Tông lập ra Tào Đàn và làm Nguyên súy và giao cho Thân Nhân Trung là Phó Tao đàn nguyên súy. Giữa vua tôi có nhiều bài xướng họa. Một hôm, vua Lê Thánh Tông cùng mấy vị trong Tao Đàn đến thăm cảnh chùa gần Quốc Tử Giám. Lắng nghe từ trong chùa tiếng ni cô đọc kinh, nhà vua đề hai câu thơ lên vách chùa:

Tới đây thấy cảnh thấy người
Tuy vui đạo Bụt,chưa khuây lòng người

Đề xong, vua ra lệnh cho các vị tùy giá làm một bài thơ ứng chế. Chưa ai làm được thì thi đàn Phó nguyên súy Thân Nhân Trung đã xin đọc:

Ngẫm sự trần duyên khéo nực cười
Sắc không tuy Bụt, hãy lòng người
Chày kình một tiếng tan niềm tục
Hồn bướm ba canh lẩn sự đời
Bể ái ngàn trùng mong tát cạn
Nguồn ân muôn trượng khó chơi vơi
Nào nào cực lạc là đât tá
Cực lạc là đây, chín rõ mười

Vua Lê Thánh Tông khen, nhưng sửa hai câu thực là:

Gió thông đưa kệ tan niềm tục
Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời.

Có thuyết nói người sửa hai câu thơ ấy là ni cô. Nhà vua mến tài sắc của ni cô nên mời về cung. Nhưng đến cửa Đại Hưng thì nàng biến mất. Vua bèn cho dựng lầu Vọng Tiên ở chỗ người đẹp biến mất. Sau này, nhà văn Khái Hưng có lấy tích “hồn bướm mơ tiên” này để đặt tên cho một cuốn tiểu thuyết của mình...

Chủ đề: hiền tài Thân Nhân Trung định nghĩa

Video liên quan

Chủ Đề