Phước chủ may thầy nghĩa là gì

GN - Hồi nhỏ ở quê, thường nghe bố kể các câu chuyện xưa. Bố có một kho tàng toàn những chuyện hay ho kỳ lạ, thỉnh thoảng có dịp đem ra kể cho các con hoặc người thân trong họ nghe chơi.

Những câu chuyện về làm thuốc cứu người, về những thú vị trong chữ nghĩa... được bố tâm đắc nhất. Câu chuyện sau đây mang cả nội dung chữa bệnh cứu người và chữ nghĩa.

Đang trong đợt căng thẳng giãn cách chống dịch Covid-19, lục lại tàng thư thấy đề tài chữa bệnh cứu người dường như chưa bao giờ thoát khỏi dòng thời sự của nhân gian...

Xưa có ông thầy thuốc, có cửa hàng thuốc ở vùng quê, làm thuốc giúp dân cư trong vùng chừng một vài thôn xóm thôi. Nhưng rồi dạo kia người vợ ông bị bệnh, mà ông cắt thuốc mấy lần vẫn không khỏi. Người vợ cứ bệnh rề rề mãi, ông chồng bứt rứt khó chịu, nghĩ mình làm thuốc mà không chữa được cho vợ, thiệt là khó nói.

Thế rồi một hôm có ông bán thuốc dạo gánh một gánh thuốc qua nhà. Hồi xưa thường có những người không làm thuốc nhưng có kiến thức về dược liệu, họ đi hái, đào, phơi sao, chế biến sơ bộ rồi gánh đi bán. Thông thường là các món thông dụng, người dân có thể mua về tự uống hoặc các tiệm thuốc mua bổ sung vào phần dược liệu của cửa hàng. Ông bán thuốc dạo ghé lại tiệm thuốc ông kia, mua bán xong thì người bán dạo thấy có vẻ ông chủ nhà không vui, bèn hỏi: Hình như ông có gì bứt rứt trong bụng chăng, tui thấy ông có vẻ không vui? Ông chủ nhà đáp, ừ, nói thiệt là vợ tui đang bị bệnh mà tui chữa không được, nghĩ mình làm thuốc mà chữa cho vợ không khỏi, thiệt là khó chịu trong người.

Ông bán thuốc dạo để gánh thuốc đó ngồi uống nước, lát sau nói, hay là ông cho phép tui xem mạch cho bà nhà thử. Tui thì kiến thức không bao nhiêu, nhưng biết đâu tui góp ý được cho ông thì sao. Ông chủ nhà nghĩ bụng: Mình làm thuốc có cửa hàng mà chữa bệnh cho vợ không xong, ông này bán thuốc dạo không biết trình độ tới đâu… Nhưng mà thôi kệ, người ta đề nghị thì mình đồng ý cho xem mạch cũng có mất gì đâu.

Ông bán thuốc dạo vào xem mạch cho vợ ông chủ tiệm thuốc, xem xong trịnh trọng lấy tờ giấy ghi lời chẩn bệnh, ghi xong đưa cho ông chủ nhà, ông chủ đọc thấy dòng chữ như sau [chữ Hán, sau đây là phiên âm]: Tâm can tì phế hiền, như hiền tạng thị đại hư dã; Ông chủ nhà nghĩ bụng: Ông này bán thuốc dạo là đúng rồi, vì chữ thận [腎] bị viết lộn thành chữ hiền [賢] mà lộn đến 2 lần trong một câu, người trình độ như vầy thì chữa bệnh thế nào.

Nghĩ vậy nên ông chủ nhà quay sang hỏi: Bệnh này ông chữa được không? Ông bán thuốc dạo đáp: được. Nhưng rồi ông ta nói thêm: Có điều này, tui nói cho ông biết rằng bệnh bà nhà đây không chỉ bị đau thận không đâu, mà còn bị “mắc đàng dưới” nữa. Theo tui thì ông nên tìm một ông thầy pháp cùng đến lập đàn cúng cấp, phần tui làm thuốc, thầy pháp cầu đảo, thì bà nhà chắc khỏi.

Ông chủ nhà nghĩ bụng: Cái ông bán thuốc dạo này chữ nghĩa lem nhem, lại còn vẽ ra chuyện cầu đảo cúng cấp, không biết có ý gì không nữa. Nhưng rồi nghĩ bụng: Ông ta kêu mình tìm thầy pháp, chứ đâu phải ông ta tìm. Nên có lẽ nghe theo lời xem sao. Nghĩ rồi ông chủ nhà sai người đi sang làng bên mời một ông thầy pháp.

Đến nhà, hai ông thầy hội ý, một bên làm thuốc, sắc thuốc, một bên lập bàn thờ cầu cúng. Khi ông thầy pháp lập bàn thờ xong, ông chủ nhà lên xem, thấy bài vị trên bàn thờ viết câu thế này [cũng chữ Hán]: Cung chư cửu long thần nữ chi vị. Lại một phen thất vọng. Vì ông thầy pháp này cũng có một chỗ viết nhầm chữ thỉnh [請] thành chữ chư [諸]. Ông chủ nhà tiếp tục băn khoăn, một ông bán thuốc đã dốt chữ, lại thêm một ông thầy cúng cũng dốt chữ, không biết rồi có nên cơ sự gì không. Nhưng mà thôi, đã phóng lao thì cũng theo xem thế nào.

Vậy mà hai bên vừa thuốc vừa cúng, nội trong một tuần bảy ngày thì bà vợ ông thầy thuốc đã khỏe trở lại. Tiếp tục đến ngày thứ mười thì bà lành bệnh hẳn. Ông chủ nhà mừng rỡ, theo lệ người xưa ông làm bữa cơm đàng hoàng để tạ hai ông thầy trước khi chia tay. Trong bữa cơm ấy, ông chủ nhà đọc cho hai ông thầy nghe câu đối: Phúc đáo tâm linh, bất luận hư hiền hư thận; Hữu cầu tất ứng, hà tu cung thỉnh cung chư. Ý nói phúc đức mà còn, thì dù có chẩn bệnh ghi lộn chữ thận thành chữ hiền gì gì cũng vẫn chữa khỏi; nếu tâm thành cầu mà được ứng, thì bài vị ghi nhầm cung thỉnh thành cung chư cũng hiệu nghiệm thôi.

Câu chuyện này hồi đó bố mình kể, ý nghĩa sâu xa, rằng chuyện chữ nghĩa là quan trọng như vậy đó, nhưng ở đời còn có những cái quan trọng hơn chữ nghĩa nữa kia. Cái đó là tâm thành, là kiến thức chuyên môn, chứ không chỉ bàn chữ nghĩa suông là quan trọng đâu.

06:55, 01/03/2009 [GMT+7]

Dân gian vùng Quảng Nam xưa từng lưu hành nhiều câu đối nói về cái nghề “cứu nhân độ thế” đầy vinh dự mà cũng lắm may rủi. Những câu đối được giới thiệu dưới đây do ông Dương Quốc Thạnh [nay đã qua đời], biệt hiệu Sơn Hồ, người làng Quá Giáng, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng sưu tầm và đọc cho người viết bài này chép lại.

Bảng hiệu trước nhà cổ Diệp Đồng Nguyên – một trong những tiệm thuốc Bắc đầu tiên ở Hội An xưa. [Ảnh minh họa của VTL].

Có một thầy đồ ở Hội An đã cho học trò lén dán trước cửa tiệm thuốc Bắc có tiếng nọ một vế xuất đối, trong đó ghép toàn thành ngữ để giễu cợt tài bốc thuốc của ông lang chủ tiệm như sau:

“Chủ có phước, thầy được may”, đâu phải “thầy hay thuốc giỏi”!

Ông thầy thuốc cũng chẳng phải tay vừa, liền viết ngay vế đối lại, dán bên cạnh: “Bệnh không thuyên, tiền trả lại”, khỏi lo “tiền mất tật còn”!

Vế xuất đối đã hay mà vế đối lại cũng thật xuất thần. Ông lang vừa khẳng định tài chẩn bệnh và phục dược của mình vừa đưa ra một lời cam kết với bệnh nhân. Đồn rằng, sau chuyện đối đáp trên, hai ông hay chữ này đã phục tài nhau và kết tình tri kỷ.

Một ông thầy thuốc ở Tam Kỳ, từng nhiều lần bị bệnh nhân quỵt tiền công lẫn tiền thuốc sau khi chữa cho họ lành bệnh, mới nghĩ ra đôi câu đối và cho dán trước cửa nhà mình. Vế xuất đối ngầm ý chê trách người đời: “Đau tiếc thân, lành tiếc của”: Thói ở bạc đã quen! Vế đối lại là tuyên bố rạch ròi nhằm phòng hờ chuyện “mất cả chì lẫn chài”: “Được lòng trước, mất lòng sau”: Ai có tiền thì hốt!

“Hốt” [thuốc] là tiếng miền Trung, như từ “bốc” [thuốc] miền Bắc, chỉ tổng quát chuyện chẩn bệnh, kê đơn và bán thuốc. Hóa ra đâu phải đến bây giờ các bác sĩ Tây y nhà ta mới vừa kê đơn vừa bán thuốc. Chuyện ấy đã có từ xửa từ xưa ở nước ta rồi!

Các thầy thuốc xưa đã biết cách “tự giới thiệu” với bàn dân thiên hạ bằng những bài hò vè, câu đối dễ thuộc, dễ nhớ [đâu phải ngày nay mới có]. Một thầy lang ở huyện Điện Bàn thông báo nguyên tắc chữa bệnh của mình ra trước cửa: Chẩn bệnh khách, khách mô cũng khách/ Lấy tiền ai, ai cũng như ai. Thầy khẳng định rằng, mọi người đều bình đẳng trước... thầy thuốc. Từ quan chí dân, từ sang đến hèn, hễ đến với thầy là đều được chăm sóc như nhau.

Một thầy thuốc khác khoa trương tài nghệ của mình bằng câu đối: Sanh thục dược tài do ngã thủ/ Cao đơn hoàn tán tại ngô môn. Ý bảo, tự tay mình bào chế các loại thuốc sống chín gì cũng đủ cả, cửa hàng thì có đầy các dạng thuốc được tẩm sao và đóng gói từ cao đến viên, từ hoàn đến tán. Đồng thời thầy tự tin khẳng định nguyên tắc “kê đơn bán thuốc” của mình: Lên xuống rạch ròi không áp giá/ Bán mua liều lượng có kê đơn.

Thật là một kiểu “tự đánh bóng mình” không chê vào đâu được. Có điều, chẳng rõ sau khi đọc các câu đối ấy, bệnh nhân xứ Quảng xưa có thật mặn mà với thầy hay cũng như người thời nay, luôn “trừ bì” trước các lời quảng cáo ngon ngọt?

Giỏi Hán văn, thông y lý, các thầy thuốc xưa đã để lại nhiều câu đối hay về nghề “cứu nhân độ thế”. Song hành với đó, dân gian cũng đóng góp nhiều câu đối làm phong phú cho những buổi trà dư tửu hậu.

Một ông nọ lớn tuổi lắm mới có được một mụn con trai. Nào ngờ, bạo bệnh đã cướp mạng trẻ thơ khiến nhìn thấy cảnh ông lão gục bên mộ khóc con, ai cũng thương cảm. Câu đối mang tên các vị thuốc “địa cốt bì”, “bán hạ”, “thiên môn”, “thương nhĩ tử”, “ bạch đầu ông”… vừa thương cho đứa bé xấu số, vừa ái ngại cho ông lão đầu tóc bạc phơ trơ trọi trong nhà không ai phụng dưỡng: Địa cốt khởi trường mai, bán hạ khả liên thương nhĩ tử!/ Thiên môn nan khiếu tố, đường trung thùy phụng bạch đầu ông? Tạm dịch: Cốt đất táng dài lâu, giữa hạ khá thương thân trẻ thảm! Cửa trời khôn khiếu kiện, trong nhà ai dưỡng kẻ già nua?

Biết bao giai thoại đã được dựng lên từ cái nghề Đông y cao quý mà cũng đầy may rủi ấy! Nói may rủi, bởi người xưa đã từng đúc kết: Vận khứ, hoài sơn năng trí tử/ Thời lai, thanh thủy khả thôi sinh. Lúc [thầy thuốc] đến vận đen, chỉ phục một vị thuốc bổ như hoài sơn, tưởng chừng vô hại mà có thể làm cho con bệnh mạng vong; khi [thầy thuốc] gặp thời, một chén nước trong cũng có thể khiến người thập tử nhất sinh sống lại.

Nhưng khốn nỗi, túi tiền của bệnh nhân thì “ai chẳng giống ai”; vì thế mới nảy ra bao chuyện châm biếm về chuyện thầy thuốc phân biệt người bệnh sang hèn. Và do đó, những câu đối vui về thầy thuốc và thuốc như trên xem chừng sẽ còn được người bình dân làm ra dài dài để cảnh tỉnh những “lương y bất như từ mẫu”.

PHÚ BÌNH 

Bao giờ hết “phước chủ may thầy”?

Nguyễn Quang Bình [*]

Ông bạn tôi phải chịu mỗ van tim đã bảy tám năm nay, hiện vẫn còn sống sờ sờ. Trước khi đi nước ngoài trị bệnh, ổng đã từng khám chữa, cửa công tư đều có, kế hoạch A lẫn B đầy đủ, đến không biết bao nhiêu bác sĩ chuyên khoa giỏi…Tất cả quý thầy đều thấy được bệnh, cần đại phẫu, nhưng chẳng ai dám đứng ra chịu trách nhiệm. Thế là có vị bác sĩ mách bảo cho bệnh nhân này cứ đi nước ngoài thử xem sao…Ông bạn tôi bấy giờ bỏ ngay mấy trăm triệu đồng đi tìm đường cứu mạng.

Ông kể rằng vừa đến nước bạn, có bác sĩ chuyên khoa ra đón ngay tận sân bay, đưa về bệnh viện và hai tiếng đồng hồ sau là hội đồng đè ổng ra mổ ngay. Không biết tình tiết có thêm thắt gì không, chứ nay, ông bạn tôi cứ sống nhởn nhơ. Lại nhận thêm “quả” bảo đảm nếu có chuyện gì cũng phải mười năm sau! Về nước một thời gian sau phẫu thuật, ổng cầm vợt ra sân tennis, khoe dấu cắt vết sẹo: quá ớn! Đám bạn già ai cũng lên tiếng cho rằng may mắn, không phải “toi”. Thật phước chủ may thầy!

Không biết từ bao giờ, cái nghề khám chữa bệnh ở nước ta được gán câu “phước chủ may thầy”! Tại nhiều nơi, từ thành phố lớn đầy tiện nghi đến thôn làng cách trở, khi nghe có thầy nào “mát tay”, là đúng y như rằng có vị thần phòng hộ bệnh tật… và công việc kinh doanh, khám chữa bệnh của vị ấy cũng “phất” đến phải nể. Thầy không đủ giờ ăn, chẳng có giờ ngủ. Ngày xưa, nghề y được tôn quý vô kể nên thanh niên cứ đua chen vào học ngành này. Nên mới có câu: “nhất y nhì dược, tạm được bách khoa…” Ngày nay, tuy có giảm đôi chút, vẫn chưa mất hết trọng vọng.

Trong số vài trăm ngàn, có khi đến cả triệu người làm trong ngành y, chắc chắn trình độ bắt mạch, khám chữa, điều trị, chăm sóc và theo dõi bệnh nhân mỗi người có một tay nghề trình độ, mỗi nơi một khác do phân cấp… Nhưng, tôi vẫn cảm giác có cái gì đó khác với xưa. Càng lúc, mật độ thầy thuốc giỏi, tên tuổi như Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Đỗ Xuân Hợp, Phạm Biểu Tâm, Ngô Gia Hy… càng mỏng. Có hôm, trong lúc trà dư tửu hậu, tôi may mắn gặp được vị nguyên là giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Phương tại TP. Hồ Chí Minh, bác sĩ Phan Quý Nam. Tuy nay không còn đeo “ống nghe” đều đặn nữa, ông vẫn rất xót xa đối với những thiếu sót “chết người” trong thời gian vừa qua tại một số bệnh viện. Trong một lần họp tại Quảng Ngãi sau một tai biến sản khoa tại một bệnh viện tỉnh này, ông cũng khuyên bệnh viện chớ có chạy theo thành tích, chớ nên giấu nhẹm các tai biến vì vô hình trung sẽ mất đi những “mẫu” tai biến cần học hỏi.

Tôi xin ngắt lời bác sĩ Nam và nói cái cảm giác của mình rằng tuy thầy thuốc có nhiều loại, nhiều hạng nhưng nhìn chung hiện nay chủ yếu còn hai hạng. Hạng một là các thầy thuốc được truyền “tâm ấn”, chữa bệnh bằng cả trái tim, khối óc, những người dùng “y thuật” đúng nghĩa để chữa bệnh. Đối với một người bệnh, khi vào phòng khám, có khi thầy thuốc quan sát, nhìn rất kỹ bệnh nhân và đoán bệnh…trước khi ra toa điều trị. Hạng khác là nghiên hẳn về “học thuật”, kiến thức…và cứ nghĩ rằng chừng bấy là đủ để can thiệp chữa bệnh. Rất tiếc, những người có tâm ấn nay càng lúc càng ít đi vì nhiều lý do như cuộc sống quá bận rộn, ồn ào, thực phẩm độc hại, môi trường sống nhiều cạm bẫy… làm cho thầy thuốc trẻ, đời mới không tìm được một chút yên tĩnh, lặng yên với chính mình để khả dĩ thấy, hiểu hết con bệnh. Còn lại, hầu hết ỷ vào chuyện học và kiến thức, đành phải nhờ máy móc, kỹ thuật để can thiệp trong chữa, điều trị bệnh.

Có lần tôi đến khám tại một bệnh viện tư. Một chị trạc 30 tuổi vào gặp vị bác sĩ trực phòng khám. Vừa khi chị đem kết quả nội soi lên, bác sĩ lệnh ngon ơ rằng xuống phòng, cắt bỏ túi mật… không một lời giải thích, như thử chị cắt tiết con gà nhà chị. Thế là chị đi một lèo và không biết có quay lại phòng khám không nữa. Dẫu biết rằng, thế nào chị cũng phải cắt quăng túi mật, nhưng quyết định nghề nghiệp khảng khái của vị bác sĩ ấy đã đổ bệnh, cái mà người bình dân cho là “bệnh nghề nghiệp”. Tôi cũng lại thấy có nhiều vị bác sĩ rất giỏi, khi đến nước khác như Mỹ hay châu Âu, đều bị buộc phải lấy thêm bằng sử dụng thiết bị kỹ thuật y khoa. Bằng không, nước ấy không cấp phép hành nghề.

Đáng tiếc, đầu tư cho ngành y, cũng như rất nhiều ngành kinh tế khác, quá manh mún, không tập trung, thiếu chuyên sâu. [Cứ giống như tỉnh này có sân bay thì tỉnh kia cũng đòi cho có vậy]. Rất đau lòng khi thấy một số bệnh viện ở tuyến dưới nhận máy về chỉ để cho nhện giăng tơ, không có kỹ thuật viên đã đành, cũng chẳng có kinh phí bảo trì.

Tuy dần dần hết cái thời của khám bệnh với “tâm ấn”, nghề y hiện đại hình như lụy máy móc, kỹ thuật rất nhiều. Ngày xưa, đi khám nha chu, nha sĩ lấy kềm lấy nạy, đau muốn chết! Ngày nay, lấy nước xịt êm ái nhẹ nhàng, có khi lại ghiền, muốn đến thăm nha sĩ hoài hoài.

Thử hỏi trong “ca” tim của ông bạn tôi, nếu không có máy móc để can thiệp, nhỡ khi vì một sự cố nhỏ không có thiết bị hỗ trợ, hay giữa chừng thiết bị hỏng hóc, mất điện… thì toi rồi chứ còn gì. Cái chỗ phức tạp với bao nhiêu đường dây mối nhợ chằng chịt, như cái chùm dây điện thoại giăng như đống bùi nhùi trên cột điện, khó tìm để nối mạch khi hữu sự. Trách sao được các thầy giỏi, tránh là phải rồi!

Cho nên người giàu có đành phải ôm tiền chạy sang nước khác chữa bệnh. Nghe đâu tổng kết hàng năm tiêu tốn cho đi khám chữa bệnh ở nước ngoài lên cả trên tỉ đô la. Người nghèo chỉ biết hên xui. Người giàu có tiền trong tay, rất cần sự chắc chắn. Huống chi là chuyện sống còn của chính họ.

Rõ ràng, không phải có máy móc thiết bị là hết tai biến, không có thương vong. Một thế hệ thầy thuốc chữa bằng y thuật đúng nghĩa đang giảm dần. Thế hệ thầy thuốc đời mới đang tăng nhanh. Họ chỉ hành nghề khả dĩ thành công chủ yếu nhờ vào kỹ thuật, cần máy móc can thiệp. Đầu tư dàn trải, không tập trung trong ngành y có lẽ sẽ không tạo được thầy thuốc giỏi nữa vì thời đại đã khác. Lơ đãng đầu tư, không tập trung đồng bộ, thì khám chữa bệnh nay mai cũng chỉ “phước chủ may thầy” thôi.

____________________________________

[*] Giám đốc Công ty TNHH CTA Việt Nam

Video liên quan

Chủ Đề