Trẻ bị sốt virus có nên truyền nước không

Truyền dịch để hạ sốt cho trẻ: Sai lầm

Trong tình hình thời tiết nắng nóng, dễ mắc bệnh hiện nay, nhiều bác sĩ nhi khoa cho biết, hầu như ngày nào họ cũng nhận được yêu cầu từ phía người nhà bệnh nhi xin truyền dịch để giúp trẻ... hạ sốt, bồi bổ cơ thể

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Phó Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), vào thời điểm nắng nóng, do lượng trẻ bị sốt virus nhiều hơn, nên ngoài việc cho trẻ đi khám và điều trị tại các cơ sở y tế, không ít bậc phụ huynh tìm cách hạ sốt nhanh cho trẻ bằng phương pháp truyền dịch. Sốc dịch truyền gia tăng Hiện mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 10- 20 trẻ bị sốt virus, trong đó có không ít trường hợp bị sốc do truyền dịch. Bất chấp điều này, bác sĩ Hoàng Minh Thu, Trưởng Khoa khám Nhi Bệnh viện Xanh pôn (Hà Nội), cho biết có rất nhiều phụ huynh còn nói với nhau và gợi ý phương pháp điều trị cho bác sĩ rằng, truyền được chai nước vào người là mọi thứ sốt, thậm chí sốt ác tính cũng giảm ngay mà lại không có hại đối với trẻ nhỏ... Và thực tế, cũng không ít cháu bé được nhập viện khi trước đó đã được truyền một vài chai nước nhưng không thấy đỡ. Trường hợp chị Thanh Hà, ngụ tại quận Hai Bà Trưng - Hà Nội, là một ví dụ. Chị Hà cho biết, mỗi khi bé gái nhà chị sốt nhẹ, chị đều mời y tá ở phường đến truyền 2- 3 chai dịch để “giải nhiệt” cho cháu. Sau khi truyền dịch, cháu hạ sốt rất nhanh, nhưng lần này đột nhiên cháu bị sốc, người tím tái, khó thở, toát mồ hôi... nên phải đưa tới bệnh viện cấp cứu. Theo bác sĩ Thu, đây không phải là trường hợp điển hình, mặc dù những năm gần đây, hiện tượng sốc do truyền dịch đã giảm đi rất nhiều, do chất lượng dịch truyền tốt hơn, dụng cụ tiêm truyền cũng bảo đảm vô trùng hơn, nhưng hằng năm vẫn có nhiều trường hợp cấp cứu do sốc truyền dịch. Hầu hết, đó là những trường hợp được truyền dịch tại nhà, các phòng khám tư nhân hay trung tâm y tế xã, phường. Có thể gây ra nhiều biến chứng

Theo các chuyên gia nhi khoa, cho đến nay chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh dịch truyền là biện pháp hiệu quả trong hạ sốt ở trẻ em. Ngoài những phản ứng phụ đối với sức khỏe, theo bác sĩ Thu, chi phí cho dịch truyền, dụng cụ truyền, công truyền cũng phải 40.000- 50.000 đồng/lần, trong khi đó tác dụng không hơn gì cho trẻ uống nước. Nếu cháu bé bị sốt do viêm phổi, việc truyền dịch còn làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh. “Bản chất truyền dịch không phải cắt sốt, hạ sốt, chỉ khi sốt kéo dài bác sĩ mới chỉ định truyền dịch. Tuy nhiên, do quan niệm sai lệch của không ít người, nên việc truyền dịch đang có xu hướng bị lạm dụng, nhất là ở các phòng khám tư”- bác sĩ Thu nhấn mạnh. Đồng ý với quan điểm này, bác sĩ Lê Thanh Hải, Trưởng Khoa Cấp cứu lưu Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết sốt là phản ứng tự bảo vệ của cơ thể. Khi có tác nhân có hại từ bên ngoài, cơ thể sẽ tăng chuyển hóa giúp bảo vệ cơ thể chống đỡ bệnh tật nhanh và tốt hơn. Nếu chỉ sốt dưới 38,50C thì không quá nguy hiểm. Chỉ khi trẻ sốt cao tới 39- 400C, cơ thể bị mất nước và suy kiệt mới cần những can thiệp đặc biệt. Khi đó, quan trọng nhất là cho trẻ nằm ở nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng, chườm khăn ấm khoảng 35- 370C, đồng thời, cho trẻ uống nước đầy đủ theo nhu cầu để bù lại lượng nước đã mất. Cách làm này có thể giảm nhiệt hiệu quả tới 60%, trong khi đó, truyền dịch chỉ hiệu quả trong 25%, hơn nữa sẽ rất nguy hiểm nếu trẻ bị sốc và nhiễm trùng. Bên cạnh đó, nó sẽ gây những tác động không tốt đối với trẻ như đau đớn, sợ hãi...

Quan trọng nhất là bù nước bằng đường uống

Bình thường một trẻ trung bình cần khoảng 100 ml nước/kg cân nặng. Trong trường hợp sốt, nhu cầu nước sẽ tăng hơn bình thường nên lượng nước có thể cần khoảng 120 ml nước/kg. Do đó, đối với bệnh nhi mới sốt, theo TS Khu Thị Khánh Dung, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để bù nước là cho trẻ uống nước, sữa, nước hoa quả, nước canh, dung dịch oresol... Chỉ nên truyền dịch khi trẻ sốt quá cao, bị tiêu chảy, nôn nhiều dẫn tới cơ thể mất nước. Ngoài các nguy cơ sốc dẫn đến tử vong, nếu sát khuẩn không tốt, truyền dịch có thể dẫn đến lây nhiễm các bệnh nhiễm trùng như viêm gan siêu vi. Thậm chí, nếu lượng dịch truyền quá nhiều, cơ thể trẻ lại bị mất nước ưu trương, teo tế bào não rất nguy hiểm.

Bài và ảnh: A.Thư

Trẻ sốt virus có tắm được không là câu hỏi mà đa số các bậc phụ huynh quan tâm, nhất là với những bà mẹ trẻ có con đầu lòng. Được biết đây là một trong những căn bệnh dễ lây qua đường hô hấp với các triệu chứng ban đầu như ho, chảy mũi. Bài viết này sẽ giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc trên cũng như tìm hiểu kỹ hơn về sốt virus ở trẻ.

1. Những điều cần biết về sốt virus ở trẻ

Trước khi tìm hiểu xem trẻ sốt virus có tắm được không, chúng ta cùng xem sốt virus ở trẻ là bệnh gì.

Theo các bác sĩ Chuyên khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, sốt virus là hiện tượng bé bị sốt do các loại siêu vi trùng như: virus cúm, Rhinovirus,… gây nên. Hiện tượng này xảy ra do có sự phản ứng của cơ thể đối với các loại virus gây bệnh từ môi trường bên ngoài.

Biểu hiện của trẻ bị sốt virus

Trẻ em là đối tượng dễ mắc sốt virus nhất bởi sức đề kháng của bé còn yếu. Khi bé không may bị các loại virus này xâm nhập vào cơ thể, trẻ thường có các biểu hiện cụ thể như sau:

  • Sốt cao: Đây là biểu hiện đầu tiên khi bé mắc bệnh, nhất là vào buổi tối. Ở thời điểm ban đầu, có khi cơn sốt lên đến mức 41 độ C. Tình trạng sốt cao kéo dài trong khoảng từ 3 đến 4 ngày và sẽ giảm dần vào những ngày tiếp theo.

  • Rối loạn tiêu hóa: Một trong những biểu hiện của sốt virus ở trẻ là tình trạng bé thường xuyên đi vệ sinh, phân ở dạng lỏng. Với một số trường hợp, rất có thể bé sẽ bị rối loạn tiêu hóa trong suốt những ngày bị sốt.

  • Nổi ban đỏ: Đây là biểu hiện không mang tính phổ biến, không phải bé nào bị sốt virus cũng dẫn đến hiện tượng nổi ban đỏ khắp người. Những nốt phát ban sẽ biến mất trong khoảng từ 2 đến 3 ngày.

  • Có biểu hiện của viêm đường hô hấp: Ngoài những cơn sốt về đêm thì ho, sổ mũi, nôn trớ,… cũng là biểu hiện của tình trạng bé bị sốt virus. Lúc này mẹ cần lưu ý đừng nhầm tưởng với việc trẻ bị mắc bệnh về đường hô hấp.

Sốt và sốt cao là một trong những biểu hiện đặc trưng của các loại siêu vi khuẩn xâm nhập

Sốt virus ở trẻ em có nguy hiểm không?

Bên cạnh vấn đề trẻ sốt virus có tắm được không thì mức độ ảnh hưởng, nguy hiểm khi con không may bị mắc bệnh này cũng là điều được các bậc phụ huynh quan tâm.

Cơ thể trẻ sẽ xuất hiện các biểu hiện dữ dội trong vòng 3 đến 5 ngày sau nhiễm virus. Tuy nhiên, có một số trường hợp bé không có các biểu hiện nhận biết rõ ràng, chỉ sốt và ho nhẹ nên gây ra tâm lý chủ quan cho các bậc phụ huynh. Điều này gây nên hệ lụy ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến sức khỏe con yêu của bạn, trẻ có thể gặp phải một số biến chứng nặng như viêm phổi, viêm cơ tim, thậm chí là gây nên sự bất thường ở não bộ.

2. Vậy khi trẻ sốt virus có tắm được không?

Vấn đề có nên tắm gội khi bé không may bị sốt virus gây khá nhiều tranh cãi trái chiều. Nhiều bậc phụ huynh vẫn quan niệm rằng, khi trẻ bị sốt do virus thì không nên tắm, bởi sẽ khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn. Tuy nhiên, các bác sĩ Chuyên khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC nhận định rằng, việc không tiến hành tắm cho bé khi bị sốt virus là hết sức sai lầm. Bởi khi trẻ bị sốt, cơ thể sẽ tiết ra rất nhiều mồ hôi, nếu phụ huynh kiêng nước, không cho bé tắm rửa thì vô tình sẽ gây ra cảm giác ngứa ngáy, khó chịu trên da bé, từ đó rất dễ dẫn đến tỷ lệ mắc các bệnh về da liễu cao như: Viêm da, mẩn đỏ,…

Các bậc phụ huynh nên lưu ý rằng, việc điều trị sốt do các loại siêu vi khuẩn xâm nhập chủ yếu là giảm sốt, bù nước cho bé kết hợp với nghỉ ngơi. Các mẹ cần yên tâm bởi việc trẻ bị sốt virus sẽ không gây nguy hiểm đến tính mạng và sẽ tự hết sau thời gian ngắn.

Bé cần được tắm rửa cẩn thận hơn khi không may bị sốt virus

3. Lưu ý cách tắm cho bé khi bị sốt virus

Đến đây chắc hẳn chúng ta cũng đã có câu trả lời cho vấn đề trẻ bị sốt virus có tắm được không. Tuy nhiên, việc vệ sinh, tắm rửa cho bé lúc bị bệnh phải thật cẩn thận và có sự điều chỉnh hơn so với lúc cơ thể bé khỏe mạnh. Mẹ cần lưu ý một số điều dưới đây để đảm bảo sức khỏe cho bé yêu.

Đo thân nhiệt

Trước khi đưa bé vào tắm, mẹ cần đảm bảo thân nhiệt của bé bằng cách liên tục cặp nhiệt độ. Cần theo dõi nhiệt độ cơ thể thường xuyên để có phương án tắm gội hợp lý. Có khá nhiều bậc phụ huynh mang tâm lý chủ quan, không quan tâm đến vấn đề này nên đã vô tình gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến sức khỏe bé.

Mẹ cần tiến hành đo thân nhiệt trước khi tắm cho bé

Có sự chuẩn bị trước khi cho bé tắm

Ngoài việc kiểm tra thân nhiệt của con thì sự chuẩn bị nước, dụng cụ, phòng tắm cũng là vấn đề cần được quan tâm. Mẹ cần chủ động đóng kín cửa phòng tắm, không để có gió lùa vào lúc con đang tắm. Nhiệt độ của nước cần phải ổn định, cần thấp hơn khoảng 2 độ C so với thân nhiệt của bé. Ngoài ra, khi bé đang bị bệnh mà có sự xuất hiện của các nốt ban đỏ, mẹ không nên cho bé sử dụng nhiều với sữa tắm bởi dễ bị kích ứng da.

Tiến hành tắm cho bé

Câu hỏi trẻ sốt virus có tắm được không? Câu trả lời là có thể vẫn cho bé tắm. Tuy nhiên, việc tắm cho bé lúc bị ốm sẽ phải có sự thay đổi hơn so với lúc cơ thể bé khỏe mạnh. Mẹ cần lưu ý quy trình tắm gội cho bé như sau:

  • Gội đầu: Mẹ cần gội đầu cho bé thật nhanh, dùng khăn mềm lau các vùng mặt, má, cổ cho bé. Cuối cùng là dùng khăn khô để lau khô toàn đầu, điều này giúp nước không bị đọng lại trên đầu bé, tránh làm cho bệnh tiến triển nặng hơn.

  • Vùng thân: Khi bé bị sốt virus tuyến mồ hôi hoạt động mạnh hơn dẫn đến cơ thể bị bí bách, khó chịu. Mẹ cần tắm rửa cẩn thận cho bé, để bé ngồi trong chậu hoặc bồn tắm và dùng vòi hoa sen để dội nước ấm lên toàn cơ thể. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về da do sự nhiễm khuẩn gây nên.

Rút ngắn thời gian gội đầu và lau khô người bé sau khi tắm là điều rất quan trọng mà mẹ cần lưu ý

Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về vấn đề trẻ sốt virus có tắm được không cũng như các vấn đề liên quan đến bệnh này ở trẻ. Hy vọng bài viết có thể cung cấp cho quý bạn đọc một số thông tin hữu ích để giúp các mẹ có thêm kinh nghiệm khi chăm sóc bé yêu.

Tổng đài hỗ trợ giải đáp mọi thắc mắc về sức khỏe, y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC: 1900565656.