Các bước dạy học theo phương pháp bàn tay nặn bột

“Bàn tay nặn bột” được hiểu là phương pháp tạo cho học sinh tích cực, chủ động trong học tập. Học sinh phải tự làm các thực nghiệm để tiếp thu các kiến thức khoa học. Các em tiếp cận tri thức khoa học như một quá trình nghiên cứu của chính bản thân. Trong đó vai trò của giáo viên ở phương pháp này không phải là truyền thụ những kiến thức khoa học dưới dạng thuyết trình, trình bày mà là giúp xây dựng kiến thức bằng cách cùng hành động với học sinh.

Mục tiêu hàng đầu của phương pháp là giúp học sinh tiếp cận dần các khái niệm khoa học và kỹ thuật thực hành, kèm theo sự vững vàng trong diễn đạt nói và viết.  Phương pháp "Bàn tay nặn bột" đưa ra một tiến trình ưu tiên cho việc xây dựng tri thức bằng hoạt động, thí nghiệm và thảo luận. Đó là sự thực hành khoa học bằng hành động, hỏi đáp, tìm tòi, thực nghiệm, xây dựng một tập thể học tập tốt và thu được kiến thức cơ bản để hiểu biết thế giới tự nhiên và kĩ thuật.

  I)  Phương pháp “Bàn tay nặn bột” đã đưa ra 10 nguyên tắc như sau :

    1) Trẻ quan sát một sự vật, hiện tượng của thế giới thực tại, gần gủi với chúng, dễ cảm nhận và tiến hành thực nghiệm về chúng.

    2) Trong quá trình học tập, học sinh lập luận và đưa ra các lý lẽ, thảo luận những ý nghĩ và các kết quả của họ, xây dựng kiến thức cho mình, một hoạt động hoàn toàn chỉ dựa trên sách vở là không đủ.

    3) Các hoạt động giáo viên đề ra cho học sinh được tổ chức theo các giờ học nhằm đến một sự tiến bộ trong học tập. Các hoạt động này gắn với chương trình và dành phần lớn quyền tự chủ cho học sinh.

   4) Cần một thời lượng tối thiểu là 2giờ/tuần dành cho một đề tài và nó có thể kéo dài trong nhiều tuần. Tính liên tục của các hoạt động và những phương pháp sư phạm được đảm bảo trong toàn bộ hoạt động của nhà trường.

    5) Mỗi học sinh có một quyển vở thí nghiệm và họ trình bày trong đó bằng ngôn ngữ của riêng mình. Vở thực hành là một công cụ quan trọng của phương pháp “Bàn tay nặn bột”. Đó là nơi hội tụ của suốt quá trình học khoa học và nắm bắt ngôn ngữ. Bởi vì ở trong đó, các em viết ra những suy nghĩ, thể hiện những hiểu biết, những việc làm và diễn đạt bằng chính ngôn ngữ của mình, có sự điều chỉnh, sửa chữa, giữ lại những vết tích của những thử nghiệm liên tiếp và như thế các em đánh giá được sự tiến bộ của mình (sự tiến bộ trong sử dụng ngôn ngữ, trong chất lượng của lý lẽ và trong nhận thức khoa học).

    6) Mục tiêu chính là sự chiếm lĩnh dần dần các khái niệm khoa học và kỹ thuật được thực hành, kèm theo sự vững vàng trong diễn đạt nói và viết.

         7) Gia đình, địa phương ủng hộ các hoạt động này của nhà trường.

         8) Các nhà khoa học (ở các trường đại học, viện nghiên cứu) tham gia công việc ở lớp học bằng khả năng của mình.

        9) Các cơ sở đào tạo giáo viên giúp các giáo viên về kinh nghiệm sư phạm và didactic.

         10) Giáo viên có thể tìm thấy trên Site Internet những bài học đã được thực hiện, những ý tưởng về các hoạt động, những giải đáp thắc mắc. Họ cũng có thể trao đổi với các đồng nghiệp, các nhà sư phạm và với các nhà khoa học. Giáo viên là người chịu trách nhiệm giáo dục và đề xuất những hoạt động của lớp mình phụ trách

Phương pháp này đặt học sinh vào vị trí của một nhà nghiên cứu khoa học. Các em tự mình tìm tòi, khám phá ra kiến thức của bài học thông qua việc tiến hành các thí nghiệm khoa học, trao đổi, thảo luận nhóm dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Học sinh học tập nhờ hành động, các em học tập tiến bộ dần bằng cách tự nghi vấn. Bạn bè trao đổi quan niệm về một vấn đề khoa học nào đó với nhau và được kiểm tra (sự đúng sai) bằng cách tiến hành làm các thao tác thực nghiệm. Trong phương pháp “Bàn tay bặn bột”, học sinh được thoải mái đưa ra quan điểm của mình về sự vật, hiện tượng. Đó là những hiểu biết ban đầu của học sinh. Những hiểu biết này có thể đúng, chưa đầy đủ, hoặc có thể sai, đôi khi là ngây thơ, ngờ nghệch nhưng vẫn được tôn trọng, động viên và khích lệ. Khi học sinh đưa ra biểu tượng ban đầu của mình về vấn đề đặt ra, giáo viên không đưa ra lời nhận xét đúng sai mà để các em tự nhận thấy được trong quá trình kiểm tra giả thuyết

II) Để sử dụng phương pháp Bàn tay nặn bột thực sự có hiệu quả, đòi hỏi giáo viên và học sinh cần tuân thủ theo các nguyên tắc sau:

Các em cần được quan sát một số sự vật, hiện tượng của thế giới thực tại, gần gũi, dễ cảm nhận và tiến hành thực nghiệm về chúng.

Trong quá trình học tập, các em tự lập luận và đưa ra các lý lẽ, thảo luận những ý nghĩ và các kết quả đạt được trên cơ sở xây dựng kiến thức cho mình. Một hoạt động mà hoàn toàn chỉ dựa trên sách vở là không đủ.

Các hoạt động giáo viên đề ra cho học sinh được tổ chức trong các giờ học nhằm đến một sự tiến bộ trong học tập. Các hoạt động này gắn với chương trình và dành phần lớn quyền tự chủ cho học sinh.

Mỗi học sinh có một quyển vở ghi chép thí nghiệm và các em trình bày trong đó bằng ngôn ngữ của riêng mình.

Mục tiêu chính là sự chiếm lĩnh dần dần các khái niệm khoa học và kĩ thuật được thực hành, kèm theo sự vững vàng trong diễn đạt nói và viết.

Học theo phương pháp Bàn tay năn bột, học sinh có thể tiến hành những nghiên cứu dẫn đến sự hiểu biết.

Nhưng các em cần được hướng dẫn và giúp đỡ bởi các câu hỏi của thầy giáo và hoạt động trong khuôn khổ một đề tài đã được xây dựng chứ không phải chỉ lựa chọn theo các “cơ hội”.

Trong quá trình nghiên cứu, học sinh phải sử dụng tất cả các giác quan để tìm ra tri thức mới. Các em cần có vở ghi chép cá nhân để ghi lại những ý tưởng của mình, những điều đã được sửa chữa lại, cho phép giữ lại vết tích của những thử nghiệm liên tiếp, đánh dấu được tiến trình nghiên cứu.

Vở ghi chép được học sinh giữ suốt trong thời gian học tiểu học và cuối cấp học sẽ hình thành một tập vở ghi nhớ đặc biệt.

Dạy học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột” không đòi hỏi phải sử dụng những dụng cụ thí nghiệm phức tạp, hiện đại, đắt tiền mà đa số dễ kiếm và dễ sử dụng, không nặng nề.

Các thao tác trên những dụng cụ thí nghiệm cũng hết sức đơn giản và không cần có hiểu biết kĩ thuật gì đặc biệt. Các em có thể thử nghiệm nhu cầu của cây trồng bằng cách thay đổi các thông số: Đất, nước, ánh sáng, nhiệt độ, không khí, bằng cách so sánh và phân tích kết quả thực nghiệm.

Từ đó, phát hiện ra rằng: Chỉ cần thay đổi mỗi lần một thông số là có thể có những kết luận khác nhau. Và trong quá trình ấy, học sinh sẽ đặt ra những câu hỏi thắc mắc: Tại sao có những loại cây sống bám trên cây khác mà không cần đến yếu tố đất? Tại sao sự nảy mầm không chỉ xảy ra trong đất mà còn cả trên nhựa, tờ giấy?... Như vậy trong hạt có gì? Cây trồng có ăn đất không?  Tại sao lại bón phân cho cây?....

III) Lưu ý sử dụng Bàn tay nặn bột trong môn Khoa học

Trong quá trình học sinh thực hành, giáo viên phải khéo léo theo dõi, quan sát học sinh xem các em đang nghĩ gì về vấn đề mà mình đặt ra để nắm được tình hình. Nếu có điều gì không khớp với dự định ban đầu thì cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Các biểu tượng học sinh đưa ra có thể đúng, có thể sai nhưng giáo viên không đánh giá và cũng không đưa ra câu trả lời. Giáo viên chỉ gợi ý hay đặt thêm những câu hỏi dẫn dắt học sinh đi tìm câu trả lời cho câu hỏi của chính các em chứ không làm thay.

Ví dụ: Theo em, nó sẽ như thế nào? Em nghĩ (làm) thử xem? Em tìm cách làm nào đó để xem có đúng không?...

Hoặc, khi học sinh lọc nước mà kết quả vẫn đục, giáo viên chỉ gợi ý: Các em thử xem thiết bị thí nghiệm có vấn đề gì không? Xem lại các bước tiến hành lọc nước của các em...

Trong trường hợp thí nghiệm cần đến các điều kiện, giáo viên phải giúp học sinh xác định được điều kiện của thí nghiệm, ví dụ: Về mặt thời gian, môi trường, nhiệt độ...

Bước đầu, học sinh có thể gặp khó khăn nhưng thực hiện nhiều lần các em sẽ quen dần trong việc đặt điều kiện cho thí nghiệm để đảm bảo độ chính xác cao.

Phương pháp Bàn tay nặn bột nếu chỉ dừng lại ở việc đánh giá bằng điểm số thì chưa đủ mà cần phải phối hợp đánh giá về năng lực quan sát, năng lực tư duy, khả năng suy luận và phán đoán, kỹ năng làm thí nghiệm, cách sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt (kể cả trong khi nói và viết), sự hứng thú tìm tòi, sự tò mò ham hiểu biết, sự tham gia tích cực trong giờ học...

Tất cả những điều đó nhằm kích thích, lôi kéo các em khám phá thế giới không ngừng, tạo ra sự cân đối ở các em giữa kiến thức và kỹ năng, giữa lý thuyết và thực hành. Bên cạnh đó, không chia nhóm học sinh quá đông, mỗi nhóm chỉ từ 2, 4 đến 6 em và từ hai bàn ghép lại.

Không nên cho học sinh biết trước kiến thức của bài học một cách tiêu cực mà phải để cho các em tự khám phá ra chúng.

Không để các em sử dụng sách giáo khoa để trả lời câu hỏi mà giáo viên đưa ra vì như vậy sẽ làm cho học sinh có thói quen ỷ lại không chịu suy nghĩ, tìm tòi trong học tập.

Sách giáo khoa có thể chỉ được sử dụng làm tài liệu quy chiếu với các kết quả nghiên cứu của học sinh ở cuối tiết học.

Không nêu tên bài học trước khi học (với những bài thể hiện nội dung bài học ở đề bài).

Lựa chọn hoạt động phù hợp với phương pháp Bàn tay nặn bột để áp dụng, không nhất thiết hoạt động nào cũng áp dụng phương pháp này.

IV) Đề xuất quy trình dạy học môn Khoa học ở tểu học với Bàn tay nặn bột

Quy trình dạy học môn Khoa học ở tểu học bằng phương pháp Bàn tay nặn bột với 4 bước.

Bước 1: Giao nhiệm vụ. Giáo viên chia lớp thành các nhóm, thường thì mỗi nhóm có 2, 4 hoặc 6 học sinh; sau đó, giao nhiệm vụ cho các nhóm; phát cho từng nhóm những phương tiện cần thiết để làm thí nghiệm; làm thực nghiệm khoa học theo yêu cầu; quan sát hiện tượng xảy ra rồi ghi chép lại; giải thích hiện tượng và rút ra kết luận khoa học .

Bước 2: Học sinh thực hiện nhiệm vụ. Ở bước này, học sinh thảo luận đề xuất các phương án giải quyết; sau đó, lần lượt thử các phương án đề xuất. Trong trường hợp thành công, các em ghi lại diễn biến của thí nghiệm vào sổ. Học sinh tập giải thích hiện tượng và rút ra kết luận khoa học (đây chính là tri thức khoa học mà học sinh tìm ra).

Bước 3: Trình bày kết quả. Một nhóm học sinh trình bày kết quả thí nghiệm trước lớp. Các nhóm khác đặt câu hỏi mà nhóm mình quan tâm thắc mắc. Các nhóm khác có thể tiếp tục làm thí nghiệm nếu có cách giải quyết khác.

B­ước 4: Tổng kết, đánh giá: Giáo viên kết luận, khẳng định kết quả thí nghiệm đúng và kết luận khoa học tương ứng mà học sinh phát hiện.

              Phương pháp “Bàn tay nặn bột” đòi hỏi nhiều trang thiết bị dạy học như: thiết bị thí nghiệm, tranh ảnh, mô hình, sa bàn, sách vở tài liệu, báo chí…. Nếu tổ chức không khéo, không chu đáo đẽ tốn nhiều thời gian, không thực hiện đúng kế hoạch dạy học thâm chí xảy ra tai nạn hoặc dẫn đến kết quả sai, ảnh hưởng đến niềm tin của học sinh về chân lý của vấn đề. Để đạt hiệu quả cao khi áp dụng phương pháp Bàn tay nặn bột vào các hoạt động học, giáo viên cần lưu ý những vấn đề sau:

- Nghiên cứu nội dung chương trình, lựa chọn các bài học và nội dung kiến thức có thể áp dụng phương pháp Bàn tay nặn bột.

- Tổ chức lớp học tốt ngay từ đầu. - Tình huống xuất phát giáo viên đưa ra phải ngắn gọn, gần gũi, dễ hiểu với học sinh.

- Câu hỏi nêu vấn đề phải phù hợp với trình độ, gây mâu thuẫn nhận thức và kích thích tính tò mò, thích tìm tòi, nghiên cứu của học sinh, dùng câu hỏi mở, không dùng câu hỏi đóng. Giáo viên cần khéo léo lựa chọn một số biểu tượng ban đầu khác biệt trong lớp để giúp học sinh so sánh. Từ đó giúp học sinh đặt câu hỏi liên quan đến nội dung bài học.

- Ưu tiên thực hiện thí nghiệm trực tiếp trên vật thật.

 - Cần chuẩn bị trước các thí nghiệm dự kiến để có kết quả như mong muốn.

- Vận dụng tối đa những nguyên liệu sẵn có, dễ kiếm để thực hiện thí nghiệm.

- Sử dụng công nghệ thông tin cho bài dạy áp dụng phương pháp Bàn tay nặn bột đúng lúc, đúng chỗ, hợp lí.

- Giao cho học sinh chuẩn bị các vật liệu đối với thí nghiệm đơn giản.

 - Sắp xếp bàn ghế phù hợp với số học sinh, chia nhóm 4 – 6 em/nhóm.

- Có chỗ dành riêng để vật liệu lớp học.

 Trong quả trình giảng dạy khi áp dụng phương pháp Bàn tay nặn bột : không sử dụng SGK, không nêu tên bài học trước khi học (với những bài thể hiện nội dung bài học ở đề bài), không nhất thiết hoạt động nào cũng áp dụng phương pháp này. Tóm lại, phương pháp "Bàn tay nặn bột" là một phương pháp dạy học có nhiều ưu điểm, là một trong những con đường nhằm tích cực hóa hoạt động nhận thức của học sinh. Các em đang sống giữa thời đại mà thông tin bùng nổ một cách nhanh chóng, lối học tập theo kiểu nhồi nhét tri thức đã trở nên lỗi thời và lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu của người học. Cái mà người học cần ở đây là một phương pháp học tập đúng đắn, cần "một cái đầu khôn ngoan" chứ không phải là "một cái đầu nhồi nhét cho đầy". Khi ở cương vị là người chủ động thiết kế và thực hiện công việc, học sinh có điều kiện nâng cao năng lực quan sát, phát triển trí tưởng tượng, lối tư duy sáng tạo, biết cách tiếp cận và khám phá tri thức, rèn luyện kỹ năng kỹ xảo thực hành cũng như việc sự vững vàng trong lập luận, trên góp phần quan trọng trong việc rèn luyện con người để đáp ứng với thời đại mới.