Cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là gì

Cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là một trong 227 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020. Các tổ chức không phải ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp phép cung ứng dịch vụ ví điện tử muốn cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải đáp ứng các điều kiện được quy định trong các luật có liên quan.

Căn cứ pháp lý

1. Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt;

2. Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán;

1. Điều kiện để hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

Theo khoản 2 Điều 15 Nghị định 101/2012/NĐ-CP và khoản 8 Điều 2 Nghị định 80/2016/NĐ-CP, để hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, các tổ chức không phải là ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp phép cung ứng dịch vụ ví điện tử phải đáp ứng được các điều kiện sau:

  • Có giấy phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;
  • Có phương án kinh doanh dịch vụ trung gian thanh toán được phê duyệt theo đúng quy định về thẩm quyền đầu tư tại điều lệ hoạt động của tổ chức;
  • Có vốn điều lệ tối thiểu là 50 tỷ đồng;
  • Đáp ứng điều kiện về nhân sự: Người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức đề nghị cấp phép phải có bằng đại học trở lên hoặc có ít nhất 03 năm làm việc trực tiếp tại một trong các lĩnh vực quản trị kinh doanh, kinh tế, tài chính, ngân hàng, luật; Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các cán bộ chủ chốt thực hiện Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (gồm Trưởng phòng (ban) hoặc tương đương và các cán bộ kỹ thuật) có bằng cao đẳng trở lên về một trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin hoặc lĩnh vực chuyên môn đảm nhiệm;
  • Đáp ứng điều kiện về kỹ thuật: Có cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin, giải pháp công nghệ phù hợp với yêu cầu của hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; hệ thống kỹ thuật dự phòng xây dựng độc lập với hệ thống chính đảm bảo cung cấp dịch vụ an toàn và liên tục khi hệ thống chính có sự cố và tuân thủ các quy định khác về đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng;

Ngoài ra, đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ bù trừ điện tử, tổ chức cung ứng dịch vụ phải được một tổ chức thực hiện quyết toán kết quả bù trừ giữa các bên liên quan; đối với dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán cho các khách hàng có tài Khoản tại nhiều ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ phải kết nối với một tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử được Ngân hàng Nhà nước cấp phép để thực hiện chuyển mạch và xử lý bù trừ các nghĩa vụ phát sinh trong quá trình cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán của tổ chức.

2. Quy trình xin cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

Các tổ chức không phải là ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp phép cung ứng dịch vụ ví điện tử sau khi đã đáp ứng các điều kiện nêu trên, tiến hành nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trước khi đi vào hoạt động.

  • Quy trình thực hiện:

Bước 1: Chuẩn bị 05 bộ hồ sơ

Bước 2: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Ngân hàng Nhà nước

Bước 3: Nhận kết quả

  • Thành phần hồ sơ:
    • Đơn đề nghị cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (mẫu Phụ lục số 01 Thông tư 39/2014/TT-NHNN);
    • Biên bản họp và Nghị quyết của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc Hội đồng quản trị (Đại hội đồng quản trị tùy theo thẩm quyền được quy định trong Điều lệ công ty hoặc căn cứ theo quy định Luật Doanh nghiệp 2020) đối với công ty cổ phần về quyết định thông qua Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;
    • Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán của doanh nghiệp;
    • Hồ sơ nhân sự của các người đại diện theo pháp luật, Giám đốc/Tổng giám đốc các nhân sự được chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Trong hồ sơ nhân sự phải chứng minh được năng lực nghiệp vụ cũng như trình độ chuyên môn qua các văn bằng, chứng chỉ;
    • Giấy phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Điều lệ công ty.
  • Thẩm quyền cấp phép: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Thời gian giải quyết: NHNN thẩm định và ra quyết định cấp giấy phép trong khoảng 60 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ