Ghi lại ngắn gọn (khoảng 6 câu) suy nghĩ của em về những phẩm chất ấy của nhân vật

Đoạn văn cảm nhận về chị Dậu (6 mẫu)

Đoạn văn suy nghĩ về nhân vật chị Dậu trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ gồm hướng dẫn kèm theo 6 đoạn văn mẫu, giúp các bạn lớp 8 có thêm nhiều tài liệu tham khảo, trau dồi vốn từ, biết cách cảm nhận về nhân vật chị Dậu.

Thông qua 6 đoạn văn suy nghĩ về chị Dậu, sẽ giúp các em hiểu sâu sắc hơn về số phận, hoàn cảnh đáng thương của chị Dậu. Nội dung chi tiết mời các bạn cùng theo dõi vài viết dưới đây cảu Download.vn:

Đề bài: Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về nhân vật chị Dậu qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ.

Đoạn văn suy nghĩ về nhân vật chị Dậu trong Tức nước vỡ bờ

Để viết được đoạn văn nêu suy nghĩ về nhân vật chị Dậu thì các em cần lưu ý một số ý chính sau:

  • Là người phụ nữ thương yêu chồng, khi chồng gặp nạn đã đứng mũi chịu sào, chị vừa đảm đang, tháo vát, biết xoay biến với mọi tình thế
  • Người mẹ rất thương con, khi bắt buộc phải bán con đi chị đau đớn như đứt từng khúc ruột
  • Là người phụ nữ đảm đang, chịu nhẫn nhục giỏi
  • Là người phụ có sức mạnh tiềm tàng, khi tức nước vỡ bờ chị đã vùng lên chống lại bọn tay sai

Đoạn văn suy nghĩ về nhân vật chị Dậu - Mẫu 1

Đọc Tức nước vỡ bờ, ta càng hiểu thêm được sự trân quý trong nét đẹp của một người phụ nữ chân quê hết mực yêu thương chồng con và tiềm tàng sức mạnh phản kháng. Vì thương chồng, chị đã phải cắn răng nhịn nhục bán đi đàn chó và đứa con thơ chỉ để nộp đủ những loại sưu thuế vô lý để cứu được anh Dậu trở về. Nhưng rồi “ con giun xéo lắm cũng quằn”, anh Dậu bị đánh đập tới còn nửa cái mạng mà vừa trở về đến nhà, chưa kịp húp bát cháo, lũ tay sai đã lăm le tới bắt trói anh. Trước sự hống hách, nghênh ngang, độc ác của chúng, lúc này đây, chị Dậu đã không nhịn được nữa, chị đã đứng lên chống lại cường quyền, đánh nhau với chúng để bảo vệ được anh Dậu. Hành động của chị tuy là bộc phát nhưng nó đại diện cho những hình ảnh người nông dân trong chế độ nửa phong kiến nửa thuộc địa xưa khi bị dồn đến đường cùng. Họ là những con người dũng cảm, sẵn sàng đứng lên, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ những gì mà bản thân mình quý trọng nhất.

Đoạn văn suy nghĩ về nhân vật chị Dậu - Mẫu 2

Nhân vật chị Dậu trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ là một người phụ nữ hết lòng yêu thương chồng con. Hình ảnh của chị đã gợi lên trong lòng ta niềm thương xót ngậm ngùi về số phận bi thảm của chị cũng như của bao người nông dân lương thiện. Từ đó ta lại càng căm phẫn chế độ thực dân phong kiến, căm phẫn xã hội mục nát đầy bóng tối đã đưa đẩy con người đến bước đường cùng. Chị Dậu là nhân vật chính diện trong đoạn trích. Ở chị có sự xung đột nội tâm nhưng không biến đổi theo hoàn cảnh: trước sau vẫn là người đảm đang, chung thủy, thương chồng, thương con và căm thù bọn cường hào áp bức. Chị tiêu biểu cho người nông dân Việt Nam trước Cách mạng. Sức mạnh của chị cũng là sức mạnh của người lao động. Tuy vốn hiền lành, nhẫn nhục nhưng khi bị áp bức nặng nề thì người lao động, sẵn sàng vùng lên đấu tranh.

Đoạn văn suy nghĩ về nhân vật chị Dậu - Mẫu 3

Chị Dậu là một người yêu thương chồng con tha thiết, đảm đang, hiền dịu và tháo vát nhưng có sức sống mạnh mẽ, có tinh thần phản kháng tiềm tàng. Sau khi anh Dậu bị trói và cùm kẹp ở ngoài đình làng, bị bọn người nhà Hào Lí khiêng về. Chị đã nấu cháo, quạt cho nguội cháo rồi đi rón rén, ngồi xem chồng ăn có ngon miệng không. Qua đó, thể hiện chị Dậu là người phụ nữ đảm đang, dịu dàng và tận tụy hết lòng yêu thương chăm sóc chồng. Anh Dậu vừa được cứu, chưa tỉnh lại, bưng bát cháo được đưa lên miệng chưa kịp húp thì bọn cai lệ và người nhà lý trưởng từ ngoài sầm sập xông vào. Lúc đầu chị đã hết sức lễ phép, nhã nhặn vì chị biết chúng là “người nhà nước" còn chồng chị là kẻ cùng đinh có tội. Chị "run run" xin khất rồi vẫn tha thiết van nài. Đến lúc cai lệ sầm sập đến chỗ anh Dậu định trói, chị xám mặt chạy đến đỡ tay hắn và năn nỉ "cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc ông tha cho", nhưng đến khi chính mình bị đánh, chị Dậu tức quá không thể chịu được, liều mạng cự lại bằng lí xưng hô ngang hàng, chị đứng lên và nói: "Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ". Cai lệ tát vào mặt chị rồi hắn cứ nhảy vào chói anh Dậu, chị nghiến hai hàm răng: "Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem". Chị đã đứng lên với niềm căm phẫn ngùn ngụt tư thế đứng trên đầu kẻ thù đè bẹp đối phương đấu lực với chúng, bằng tất cả sức mạnh của lòng căm thù tức giận ấy, chị Dậu đã túm lấy cổ tên cai lệ ấn dúi ra cửa, lần lượt, người đàn bà lực điền này đã quật ngã tên cai lệ và người nhà lý trưởng. Trước những hành động hung bạo, độc ác, đểu cáng của bọn hào lý tham lam hống hách chị Dậu đã vùng dậy đứng lên đấu tranh để bảo vệ mạng sống cho chồng. Chị Dậu chính là đại diện tiêu biểu cho tầng lớp phụ nữ nông dân Việt Nam xưa thật giàu sức sống dưới ách áp bức của chế độ nửa thực dân nửa phong kiến khi chưa bắt gặp ánh sáng Đảng.

Đoạn văn suy nghĩ về nhân vật chị Dậu - Mẫu 4

Đọc Tức nước vỡ bờ, ta không chỉ thêm trân quý một người phụ nữ yêu chồng thương con hết mực mà chị Dậu còn là một người có sức sống tiềm tàng, sẵn sàng phản kháng và đấu tranh trước những áp bức bất công. Khi được bà lão hàng xóm mang cho bát gạo và khuyên chị nên cho chồng đi trốn, trước khi bọn cai lệ và tay sai đến. Chị đồng tình với bà nhưng vẫn muốn để chồng “ăn vài húp” vì "nhịn đói từ sáng hôm qua tới giờ" rồi chị xót thương, nhỏ nhẹ mời chồng ăn cháo. Chi tiết dù nhỏ ấy nhưng đã nói lên cả tấm lòng của người vợ tảo tần, một lòng thương và lo lắng cho chồng. Dù trải qua bao biến cố, phải chạy vạy khắp nơi để lo tiền sưu nhưng chị không để ý đến những cực nhọc, vất vả của bản thân để lo cho chồng con. Không những vậy, khi đám tay sai đến bắt anh Dậu, chị đã nài nỉ, van xin đến nhẫn nhịn, chịu cho bọn chúng đánh đập để xin tha cho chồng. Khi chúng quyết trói anh Dậu, bằng tất cả sự căm phẫn, uất ức phải chịu đựng, chị đã mạnh mẽ vùng dậy, đấu tranh “chúng bay tới trói chồng ta đi tao cho chúng mày biết tay”. Sự phản kháng của chị thể hiện một sức mạnh to lớn đối với cái bọn quan lại thối nát và không có nhân tính, chị dám đứng lên để bảo vệ mạng sống cho chồng. Hình ảnh của chị tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam truyền thống, luôn thương yêu và hi sinh tất cả vì gia đình dù điều đó có gây ra hiểm nguy cho chính bản thân.

Đoạn văn suy nghĩ về nhân vật chị Dậu - Mẫu 5

Đoạn văn “Tức nước vỡ bờ” được trích trong tác phẩm Tắt đèn là bức tranh chân thực và sống động về nhân vật chị Dậu – một người phụ nữ yêu chồng, thương con và hết lòng vì gia đình. Cuộc sống nghèo khổ, vì sưu thuế mà chị Dậu phải bán đàn chó và cả đứa con gái đầu lòng của mình, vậy mà cái đói vẫn cứ đeo bám lấy chị khi mà nhà chị phải đóng thêm suất sưu cho người em chồng đã chết. Anh Dậu bị trói và đánh đến độ “thập tử nhất sinh”. Sáng hôm sau, người nhà lí trưởng lại định đưa anh ra đình chịu trận. Thấy chồng trong thế hiểm nguy, chị van xin “hai ông làm phúc nói với ông lý cho cháu khất” nhưng bọn chúng nhất quyết không buông tha. Van xin không được, chị đành phải kháng cự: “chồng tôi đau ốm không được phép hành hạ”. Từ “cháu” – bề dưới chuyển sang xưng “tôi” – ngang hàng đã cho thấy sự kiên quyết của chị sau nhiều lần nhẫn nhịn, chịu đựng. Con giun xéo lắm cũng quằn, khi bị dồn vào thế chân tường, chị quyết dùng hành động để chống trả bọn cai lệ và lí trưởng. Chịu một cái tát giáng vào mặt, chị càng vùng dậy mạnh mẽ, quyết liệt, thách thức bọn cường hào quan lại: “Mày trói chồng bà đi, bà cho mày xem!”. Chị “túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa làm cho hắn ngã chỏng quèo trên mặt đất”. Khi người nhà lí trưởng giơ gậy chực đánh, chị “nắm lấy gậy hắn, chỉ hai bàn tay không”. Ban đầu, chỉ là lời van xin yếu ớt, sau là giọng nói đe dọa, tiếp đến là sự chống trả quyết liệt: “chị túm lấy tóc, lẳng một cái làm cho nó ngã nhào ra thềm”. Từ một người phụ nữ hiền lành, yếu ớt, vì chồng, chị sẵn sàng đứng dậy chống trả khi bị dồn nén đến đường cùng: “Thà ngồi tù chứ để cho chúng làm tình làm tội mãi, tôi không chịu được”. Tức nước ắt bờ cũng sẽ có lúc phải vỡ – đó là quy luật của cuộc sống. Hành động bộc phát của chị Dậu đại diện cho sức mạnh chưa được khai phá ở người nông dân bị áp bức. Điều này đặt ra một nhu cầu cấp thiết đó là cần phải có sự lãnh đạo của Đảng để thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh của ngường nông dân nói riêng và những con người bị chế độ thực dân đàn áp nói chung.

Đoạn văn suy nghĩ về nhân vật chị Dậu - Mẫu 6

Chị Dậu là điển hình cho sự chân thật, khỏe khoắn với những phẩm chất tốt đẹp của một người phụ nữ phong kiến xưa. Khi anh Dậu bị bọn tay chân cai lý đánh, chị không ngại hạ mình van xin, nài nỉ. Để cứu chồng chị phải bán con, bán chó, làm được như vậy chị Dậu đau đớn như đứt từng khúc ruột. Chị sẵn sàng vùng dậy đánh nhau với người nhà lý trưởng để đỡ đòn cho chồng. Người đàn bà mà Ngô Tất Tố gọi là “chị chàng nhà quê" ấy đã không ngần ngại làm tất cả để bảo vệ cài gia đình khốn khổ của chị. Với cá tính mạnh mẽ, lúc cứng lúc mềm. Ở chị đã hội tụ đầy đủ bản chất của người phụ nữ đôn hậu, đảm đang và thủy chung. Bên cạnh sự “cạn tàu ráo máng" của bọn quan lại và tay sai thì vẫn còn có những trái tim nhân hậu, biết đùm bọc chở che cho nhau. Hình ảnh bà lão, người đàn bà luôn đứng ra giúp đỡ gia đình chị Dậu, chị đã nói: “đó là ân nhân số một trong cuộc đời mình". Ở đây tác giả cũng muốn nói với người đọc trong cái khổ đau ta vẫn tìm thấy hạnh phúc dù cho nó có ít ỏi đi chăng nữa. Tình người quan tâm đến nhau trong cuộc sống lam lũ khó khăn là điều quý giá nhất.

Cập nhật: 15/09/2021

Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long

Văn mẫu lớp 9: Đoạn văn cảm nhận về Anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long gồm 6 đoạn, giúp các em học sinh lớp 9 tích lũy vốn từ để có thêm nhiều ý tưởng mới hoàn thiện đoạn văn cảm nhận của mình.

Sau khi học xong Lặng lẽ Sa Pa, nhân vật Anh thanh niên đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu sắc, khó phai. Sự cống hiến, hi sinh thầm lặng của anh thanh niên khiến chúng ta càng trân trọng và cảm phục hơn. Bên cạnh đó, thì cả bác lái xe, cô kỹ sư cũng để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây:

Viết đoạn văn cảm nhận về Anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa

Sau khi học xong văn bản Lặng lẽ Sa Pa, nhân vật anh thanh niên đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu sắc khó quên. Trước tiên anh thanh niên này đẹp ở tấm lòng yêu đời, yêu nghề, ở tinh thần trách nhiệm cao với công việc lắm gian khổ của mình. Trong lời giới thiệu với ông hoạ sỹ già và cô gái, bác lái xe gọi anh là “người cô độc nhất thế gian”. Dù cho công việc vất vả, có những đóng góp quan trọng cho đất nước nhưng người thanh niên hiếu khách và sôi nổi ấy lại rất khiêm tốn. Anh cảm thấy đóng góp của mình bình thường, nhỏ bé so với bao người khác. Bởi thế anh ngượng ngùng khi ông hoạ sỹ già phác thảo chân dung mình vào cuốn sổ tay. Với truyện ngắn này, phải chăng nhà văn muốn khẳng định: Cuộc sống của chúng ta được làm nên từ bao phấn đấu, hy sinh lớn lao và thầm lặng? Những con người cần mẫn, nhiệt thành như anh thanh niên ấy, khiến cuộc sống này thật đáng trân trọng, thật đáng tin yêu.

Đoạn văn cảm nhận về Anh thanh niên - Mẫu 2

Qua truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa", Nguyễn Thành Long đã xây dựng thành công nhân vật anh thanh niên với đầy đủ phẩm chất của một con người.  Trước tiên anh thanh niên này đẹp ở tấm lòng yêu đời, yêu nghề, ở tinh thần trách nhiệm cao với công việc lắm gian khổ của mình. Trong lời giới thiệu với ông hoạ sỹ già và cô gái, bác lái xe gọi anh là “người cô độc nhất thế gian”. Đã mấy năm nay anh “sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m bốn bề chỉ có cỏ cây và mây mù lạnh lẽo”. Vậy mà anh rất yêu công việc của mình. Công việc vất vả, có những đóng góp quan trọng cho đất nước nhưng người thanh niên hiếu khách và sôi nổi ấy lại rất khiêm tốn. Anh cảm thấy đóng góp của mình bình thường, nhỏ bé so với bao người khác. Bởi thế anh ngượng ngùng khi ông hoạ sỹ già phác thảo chân dung mình vào cuốn sổ tay anh thanh niên này thật đáng yêu ở nỗi “thèm người ”, lòng hiếu khách đến nồng nhiệt và sự quan tâm đến người khác một cách chu đáo. Ngay từ những phút gặp gỡ ban đầu , lòng mến khách, nhiệt tình của anh đã gây được thiện cảm tự nhiên đối với người hoạ sỹ già và cô kỹ sư trẻ.

Đoạn văn cảm nhận về Anh thanh niên - Mẫu 3

Anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long là hình ảnh đẹp về người lao động mới xã hội chủ nghĩa. Anh thanh niên mang trong mình đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của con người của cuộc sống mới. Ở tấm lòng yêu đời, yêu nghề, ở tinh thần trách nhiệm với công việc. Nói về hoàn cảnh sống và công việc của anh. Theo lời bác lái xe thì anh là người ”cô độc nhất thế gian” bởi đã mấy năm anh sống một mình trên đỉnh núi Yên sơn cao 2600m, bốn bề chỉ có cây cỏ và mây núi lặng lẽo, công việc của a là đo gió, đo mưa, đo nắng, đo chấn động mặt đất…. rồi ghi chép lại và báo về trung tâm, dựa vào việc báo trước thời tiết hàng ngày. Đây là một công việc đòi hỏi tính tỉ mỉ chính xác cao và có tinh thần trách nhiệm cao” nửa đêm đúng giờ thì dù mưa tuyết giá lạnh thế nào cũng phải trở dậy làm việc đã quy định: "4 giờ, 11 giờ, 7 giờ tối lại 1 giờ sáng” công việc đòi hỏi tính chính xác theo đúng thời gian lại rất gian khổ, anh phải đối chọi với thời tiết vô cùng khắc nghiệt, xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài chỉ trực đợi mình ra là ào ào xông tới”. Nhưng cái gian khổ nhất với anh là phải vượt qua sự cô đơn vắng vẻ, quanh năm suốt tháng trên đỉnh núi cao không một bóng người, đây là một hoàn cảnh đặc biệt. Anh chính là hình ảnh tiêu biểu cho những con người lao động mới đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm 70 cuối thế kỷ XX, cuộc sống đẹp đẽ và sự cống hiến hi sinh thầm lặng của anh thanh niên khiến ta trân trọng và cảm phục.

Đoạn văn cảm nhận về Anh thanh niên - Mẫu 4

Anh thanh niên đã để lại trong lòng người đọc một niềm yêu mến và cảm phục sâu sắc. Không yêu mến, cảm phục sao được một con người cởi mở, thân thiện, ngăn nắp... và đặc biệt là say mê, yêu quý và có trách nhiệm với công việc của mình như thế! Đối với phần mở đầu( khởi ngữ), anh hiện lên qua câu chuyện của bác lái xe với người họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ. Đó là một thanh niên hai mươi bảy tuổi, một mình làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao hơn hai ngàn mét. Nhưng trước hết, điều gây ấn tượng mạnh cho độc giả là chuyện "thèm người" của anh chàng "cô độc nhất thế gian" kia. Không phải anh ta "sợ người" mà lên làm việc ở đây, trái lại, anh ta từng chặt cây ngáng đường ngăn xe dừng lại để được gặp người "nhìn trông và nói chuyện một lát". Nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn của Nguyễn Thành Long đã để lại trong lòng người đọc những tình cảm thật tốt đẹp. Hình ảnh của anh đã và đang động viên thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục noi gương để đi theo bước chân dũng cảm, cao đẹp của cha anh ngày trước.

Đoạn văn cảm nhận về Anh thanh niên - Mẫu 5

Nhân vật anh thanh niên là 1 trong những nhân vật chính, làm nổi bật nội dung tư tưởng của câu chuyện. Ấn tượng đầu tiên mà người đọc cảm nhận khi tiếp xúc văn bản là hoàn cảnh sống và làm việc của anh thanh niên khá đặc biệt: một mình sống trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m, quanh năm suốt tháng sống “bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo”. Công việc của anh là đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất... phục vụ sản xuất và chiến đấu. Công việc tuy không nặng nhọc nhưng đòi hỏi tỉ mỉ, chính xác và phải có tinh thần trách nhiệm cao. Anh thanh niên là người có lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm về công việc. Anh đã tìm thấy niềm vui trong công việc và xem sách là bạn. Anh có suy nghĩ thật đúng và sâu sắc về công việc "Khi ta làm việc ta với công việc là đôi, sao coi là 1 được". Với anh, công việc là niềm vui, là lẽ sống. Hãy nghe anh tâm sự với ông họa sĩ: “Công việc của cháu gian khổ thế đấy chứ cất nó đi cháu buồn đến chết mất”. Anh còn biết sắp xếp một cuộc sống một cách khoa học. Ngôi nhà ba gian của anh lúc nào cũng sạch sẽ, đồ đạc được sắp xếp gọn gàng. Mặc dù, chỉ có một mình trên đỉnh núi cao, anh vẫn chủ động, sắp xếp cho mình một cuộc sống ngăn nắp, đầy đủ, phong phú và thơ mộng: trồng hoa, nuôi gà, đọc sách…Với anh, đọc sách không chỉ là nâng cao kiến thức mà còn để trò chuyện, để thanh lọc tâm hồn. Không những thế ở anh còn toát lên sự chân thành, cởi mở và lòng hiếu khách. Vì “thèm người” mà anh đã đẩy một khúc gỗ ra chắn giữa đường, buộc xe khách đi qua phải dừng lại. Anh vui mừng ra mặt khi có khách đến thăm. Từ hành động tiếp khách, tiễn khách nồng nhiệt, ân cần, chu đáo cũng thể hiện điều đó. Đặc biệt, anh còn là người sống khiêm tốn, thành thật. Anh hiểu được ý nghĩa công việc mình làm là lớn lao nhưng lại cho những đóng góp của mình là vô cùng nhỏ bé so với bao người khác. Có thể nói, qua cuộc gặp gỡ và trò chuyện, nhân vật anh thanh niên được khắc họa giản dị, khiêm nhường, đẹp trong suy nghĩ, trong cách sống và trong tâm hồn. Đó là nét vẽ đơn sơ, chân dung một con người có tầm vóc nhỏ bé mà nét mặt rạng rỡ.

Đoạn văn cảm nhận về Anh thanh niên chi tiết

 Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long là một tác phẩm đặc sắc, nhẹ nhàng, để lại trong lòng đọc giả nhiều rung động đẹp đẽ bởi hình ảnh “anh thanh niên”. Anh thanh niên, với vóc người nhỏ nhắn, mang biệt hiệu “người cô độc nhất thế gian” vì anh phải làm công tác khí tượng thủy văn kiêm vật lý địa cầu một mình trên đỉnh núi Yên Sơn cao hai nghìn sáu trăm mét, quanh năm mây mù lạnh lẽo. Ngày này, anh chỉ cô độc, làm bạn vói công việc “đo gió, đo mưa, đo nắng…” rồi mỗi ngày báo cáo về “nhà” bốn lần một cách chính xác. Những khắc nghiệt, băng giá của núi rừng Sa Pa, dù “mưa tuyết” hay “gió chực ào ào xô tới” chẳng thể nào khiến anh chùn bước. Tuy đấy là một công việc nhàm chán, buồn tẻ nhưng anh vẫn yêu, vẫn trân trọng cái nghề của mình. Anh đã dũng cảm vượt qua ngay chính nỗi cô độc và hiểm nguy luôn đối diện. Qua đó, chúng ta thấy toát lên một lý tưởng sống cao đẹp nơi anh. Vâng, giá trị đích thực ở con người anh là lẽ sống. Lý tưởng sống của anh cũng chính là lý tưởng sống của thế hệ thanh niên thời bấy giờ, luôn tìm được niềm vui giữa muôn khó khăn gian khổ. Điều lắng đọng nhất trong cả tác phẩm có lẽ là lời tâm sự của anh với bác họa sĩ: “Mình với công việc là đôi…”, “Công việc… gian khổ thế đấy… chứ cất nó đi… buồn đến chết mất…”, “Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc?” Đấy là những dòng tâm sự chân thành xuất phát từ tận đáy lòng. Và đấy cũng là những suy nghĩ lạc quan giúp anh vững vàng giữa khó khăn và thử thách lớn nhất là sự cô độc. Âm vang của cuộc sống Sa Pa lặng lẽ và khúc nhạc cuộc sống nhẹ vang đến người đọc từ chính tâm hồn anh, từ nụ cười của anh trong khó khăn, thử thách. Tuy sống một mình nhưng trong anh vẫn tràn đầy nghị lực, anh vẫn trồng hoa, đọc sách và tổ chức cuộc sống thật ngăn nắp với “căn nhà ba gian sạch sẽ”. Anh rất cởi mở, chân thành với mọi người, khát khao được gặp gỡ, trò chuyện. Anh luôn chu đáo, ân cần, quan tâm đến tất cả: “Củ tam thất … gửi bác gái … vừa ốm dậy …” Điều làm chúng ta xúc động mạnh trước anh là vẻ đẹp tâm hồn ngời sáng ẩn sau những nét ngoài tầm thường. Bác họa sĩ, với những suy nghĩ chín chắn, kỹ càng của tuổi về hưu, cũng phải khâm phục anh và chẳng thể nào thể hiện được trên bức chân dung vẻ đẹp ngời sáng của tâm hồn anh. Nhưng anh vẫn khiêm tốn, luôn cảm thấy những đóng góp của mình nhỏ bé so với người khác, như “ông kĩ sư vườn rau Sa Pa” hay “nhà nghiên cứu sét”. Anh thanh niên xuất hiện bất ngờ, chỉ kịp để chúng ta ấn tượng mạnh trước tâm hồn tuyệt đẹp của anh và cảm nhận được nhiệt huyết của sức trẻ thanh niên thời ấy, những con người không nhận bất cứ đãi ngộ nào của Tổ Quốc, chung tay xây dựng đất nước thêm giàu mạnh, tươi đẹp. Mọi suy nghĩ của anh về công việc hay đời thường đều thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước, con người. Anh là hình tượng tiêu biểu của lớp thanh niên xông pha vì Tổ Quốc. Tâm hồn và lý tưởng sống cao đẹp nơi anh khiến chúng ta khâm phục trước một con người cô độc mà không cô độc, giữa Sa Pa lặng lẽ mà không lặng lẽ.

Cập nhật: 05/01/2022