Giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm là gì năm 2024

Giấy chứng nhận hợp quy là một trong các cơ sở để xác định hàng hóa, sản phẩm đó có đáp ứng các điều kiện về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật theo quy định pháp luật hay không? Vậy giấy chứng nhận này xin cấp như thế nào? Không có Giấy chứng nhận hợp quy vẫn lưu thông hàng hóa có bị phạt hay không, hãy cùng NPLAW tham khảo thông qua bài viết dưới đây nhé!

I. Giấy chứng nhận hợp quy là gì?

1. Giấy chứng nhận hợp quy là gì?

Hiện tại, luật không quy định khái niệm về Giấy chứng nhận hợp quy là gì. Tuy nhiên, dựa vào khái niệm chứng nhận hợp quy tại khoản 7 Điều 3 Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006 thì: chứng nhận hợp quy là việc xác nhận đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm là gì năm 2024

Theo đó có thể hiểu Giấy chứng nhận hợp quy là giấy chứng nhận việc xác nhận đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

2. Nguyên tắc công bố hợp quy

Nguyên tắc công bố hợp quy được thực hiện theo Điều 12 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 02/2017/TT-BKHCN cụ thể:

  • Đối tượng của công bố hợp quy là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành hoặc được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật địa phương do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành. Công bố hợp quy là hoạt động bắt buộc.
  • Bộ quản lý ngành, lĩnh vực xác định sản phẩm, hàng hóa nhóm 2, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và biện pháp quản lý để công bố hợp quy quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Khoa học và Công nghệ.
  • Hoạt động công bố hợp quy đối với hàng hóa nhập khẩu quy định tại Thông tư này là việc tổ chức, cá nhân thực hiện quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu.
  • Việc công bố hợp quy dựa trên một trong các biện pháp sau:
  • Kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân (sau đây viết tắt là kết quả tự đánh giá);
  • Kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc được thừa nhận theo quy định của pháp luật;
  • Kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định
  • Việc thử nghiệm phục vụ công bố hợp quy được thực hiện tại tổ chức thử nghiệm đã đăng ký hoặc được thừa nhận theo quy định của pháp luật.

Trường hợp sử dụng kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài thì tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài phải được thừa nhận theo quy định của pháp luật hoặc được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chỉ định.

- Trường hợp sản phẩm, hàng hóa được quản lý bởi nhiều quy chuẩn kỹ thuật khác nhau thì tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc đăng ký bản công bố hợp quy tại các cơ quan chuyên ngành tương ứng và dấu hợp quy chỉ được sử dụng khi sản phẩm, hàng hóa đó đã thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý theo quy định, tại các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

3. Phương thức đánh giá hợp quy

Các phương thức đánh giá hợp quy được quy định tại Điều 5 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN như sau:

Việc đánh giá sự phù hợp được thực hiện theo một trong các phương thức sau đây:

  • Phương thức 1: Thử nghiệm mẫu điển hình;
  • Phương thức 2: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy trên thị trường;
  • Phương thức 3: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất;
  • Phương thức 4: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất và trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất;
  • Phương thức 5: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất;
  • Phương thức 6: Đánh giá và giám sát hệ thống quản lý;
  • Phương thức 7: Thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa;
  • Phương thức 8: Thử nghiệm hoặc kiểm định toàn bộ sản phẩm, hàng hóa.

Nội dung, trình tự và nguyên tắc sử dụng các phương thức đánh giá sự phù hợp được quy định tại Phụ lục II Thông tư 28/2012/TT-BKHCN.

II. Đối tượng nào cần phải có Giấy chứng nhận hợp quy?

Theo khoản 1 Điều 12 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 02/2017/TT-BKHCN quy định đối tượng của công bố hợp quy là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành hoặc được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật địa phương do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành. Công bố hợp quy là hoạt động bắt buộc.

III. Hồ sơ công bố hợp quy để được cấp Giấy chứng nhận hợp quy

Theo Điều 14 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 02/2017/TT-BKHCN quy định hồ sơ công bố hợp quy như sau:

+) Trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân (bên thứ nhất), hồ sơ công bố hợp quy bao gồm:

  • Bản công bố hợp quy (theo Mẫu 2. CBHC/HQ quy định tại Phụ lục III Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN và nội dung bổ sung quy định tại khoản 7 Điều 1 Thông tư 02/2017/TT-BKHCN);
  • Báo cáo tự đánh giá gồm các thông tin: Tên tổ chức, cá nhân; địa chỉ; điện thoại, fax. Tên sản phẩm, hàng hóa. Số hiệu quy chuẩn kỹ thuật. Kết luận sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật. Cam kết chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và kết quả tự đánh giá.

Báo cáo tự đánh giá dựa trên kết quả tự thực hiện của tổ chức, cá nhân hoặc dựa trên kết quả đánh giá của tổ chức đánh giá sự phù hợp đã đăng ký.

+) Trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc tổ chức chứng nhận được chỉ định (bên thứ ba), hồ sơ công bố hợp quy bao gồm:

  • Bản công bố hợp quy (theo Mẫu 2. CBHC/HQ quy định tại Phụ lục III Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN và nội dung bổ sung quy định tại khoản 7 Điều 1 Thông tư 02/2017/TT-BKHCN);
  • Bản sao y bản chính Giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng kèm theo mẫu dấu hợp quy do tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc tổ chức chứng nhận được chỉ định cấp cho tổ chức, cá nhân

IV. Quy trình, thủ tục cấp Giấy chứng nhận hợp quy

Quy trình, thủ tục cấp Giấy chứng nhận hợp quy thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Tổ chức, cá nhân công bố hợp quy lập hồ sơ công bố hợp quy đầy đủ theo Điều 14 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 02/2017/TT-BKHCN; có thể tham khảo Phần III bài viết này.

Giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm là gì năm 2024

Bước 2: Nộp hồ sơ

Tổ chức, cá nhân công bố hợp quy nộp trực tiếp hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu điện tới cơ quan chuyên ngành là cơ quan chuyên môn do Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ định, giao trách nhiệm.

Bước 3: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ

Hồ sơ công bố hợp quy được xử lý theo Điều 15 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN như sau:

+) Đối với hồ sơ công bố hợp quy không đầy đủ theo quy định tại Điều 14 của Thông tư 28/2012/TT-BKHCN, trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ công bố hợp quy, cơ quan chuyên ngành thông báo bằng văn bản đề nghị bổ sung các loại giấy tờ theo quy định tới tổ chức, cá nhân công bố hợp quy. Sau thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày cơ quan chuyên ngành gửi văn bản đề nghị mà hồ sơ công bố hợp quy không được bổ sung đầy đủ theo quy định, cơ quan chuyên ngành có quyền hủy bỏ việc xử lý đối với hồ sơ này.

+) Đối với hồ sơ công bố hợp quy đầy đủ theo quy định tại Điều 14 của Thông tư 28/2012/TT-BKHCN, trong thời gian 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ công bố hợp quy, cơ quan chuyên ngành tổ chức kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ công bố hợp quy:

  • Trường hợp hồ sơ công bố hợp quy đầy đủ và hợp lệ, cơ quan chuyên ngành ban hành Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy cho tổ chức, cá nhân công bố hợp quy (theo Mẫu 3. TBTNHS quy định tại Phụ lục III Thông tư 28/2012/TT-BKHCN).

Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy có giá trị theo giá trị của giấy chứng nhận hợp quy do tổ chức chứng nhận được chỉ định cấp hoặc có giá trị ba (03) năm kể từ ngày lãnh đạo tổ chức, cá nhân ký xác nhận báo cáo đánh giá hợp quy (đối với trường hợp tổ chức, cá nhân tự đánh giá hợp quy);

  • Trường hợp hồ sơ công bố hợp quy đầy đủ nhưng không hợp lệ, cơ quan chuyên ngành thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân công bố hợp quy về lý do không tiếp nhận hồ sơ.

V. Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về Giấy chứng nhận hợp quy

1. Lợi ích khi có Giấy chứng nhận hợp quy là gì?

  • Đảm bảo các sản phẩm có chất lượng và mức độ an toàn đạt chuẩn từ khâu sản xuất tới khâu sử dụng, tiêu thụ.
  • Là cơ sở chứng minh doanh nghiệp đã tuân thủ các quy định của nhà nước về sản xuất, kinh doanh sản phẩm.
  • Là bằng chứng chứng minh sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp có chỉ tiêu kỹ thuật đảm bảo an toàn, chất lượng và đáp ứng đúng các yêu cầu trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
  • Là công cụ giúp doanh nghiệp kiểm soát quá trình sản xuất một cách toàn diện và duy trì được chất lượng sản phẩm một cách ổn định.
  • Là cơ sở để doanh nghiệp có những thay đổi, điều chỉnh phù hợp giúp cải tiến năng suất hoạt động.
  • Giúp tối ưu hóa chi phí sản xuất kinh doanh do hạn chế được tối đa các chi phí xử lý sai sót, lỗi hỏng trong quá trình sản xuất.
  • Giúp doanh nghiệp phân bố các nguồn lực một cách hợp lý, giảm thiểu sự lãng phí và tăng năng suất hoạt động.
  • Là công cụ marketing hữu hiệu giúp doanh nghiệp tạo dựng được hình ảnh tốt đẹp và uy tín trong mắt khách hàng, đối tác. Sức mua sản phẩm vì thế mà cũng tăng cao hơn.
  • Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài có thể vượt qua các rào cản kỹ thuật để đưa sản phẩm vào thị trường Việt Nam và được khách hàng chấp nhận một cách dễ dàng.
  • Là cách doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của mình với cộng đồng về sản phẩm, hàng hóa của mình trong mối tương quan với các vấn đề xã hội ( ví dụ như ô nhiễm môi trường, tai nạn lao động,...)

2. Hoạt động chỉ định tổ chức chứng nhận hợp quy sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng được thực hiện theo quy định nào?

Theo Phần 4 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 16:2019/BXD về Sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng quy định như sau:

  • Hoạt động chỉ định tổ chức chứng nhận hợp quy, tổ chức thử nghiệm sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP.
  • Các tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp về thử nghiệm, chứng nhận theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2016/NĐ-CP, Nghị định số 62/2016/NĐ-CP và có năng lực đáp ứng yêu cầu về thử nghiệm, chứng nhận đối với sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng phù hợp với quy định tại QCVN 16:2019/BXD, lập hồ sơ đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, chỉ định là tổ chức chứng nhận hợp quy, tổ chức thử nghiệm.

3. Hàng hóa đáp ứng điều kiện gì được đóng dấu hợp quy?

Hàng hóa được đóng dấu hợp quy cần đáp ứng các điều kiện sau:

+) Yêu cầu cơ bản đối với đánh giá sự phù hợp theo Điều 40 Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006 bao gồm:

  • Bảo đảm thông tin công khai, minh bạch cho các bên có liên quan về trình tự, thủ tục đánh giá sự phù hợp.
  • Bảo mật thông tin, số liệu của tổ chức được đánh giá sự phù hợp.
  • Không phân biệt đối xử đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hoặc nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình.
  • Trình tự, thủ tục đánh giá sự phù hợp phải hài hoà với quy định của tổ chức quốc tế có liên quan.

+) Yêu cầu đối với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật dùng để đánh giá sự phù hợp theo Điều 42 Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006 thì: Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật dùng để đánh giá sự phù hợp phải quy định đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý cụ thể có thể đánh giá được bằng các phương pháp và phương tiện hiện có ở trong nước hoặc nước ngoài.

+) Các tổ chức chứng nhận sự phù hợp theo Điều 50 Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006 gồm:

  • Đơn vị sự nghiệp hoạt động dịch vụ kỹ thuật.
  • Doanh nghiệp.
  • Chi nhánh của tổ chức chứng nhận nước ngoài tại Việt Nam.

4. Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam có quyền cấp Giấy chứng nhận hợp quy đối với các sản phẩm phần mềm không?

Căn cứ vào khoản 5 Điều 2 Quyết định 1671/QĐ-BTTTT năm 2019 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam trực thuộc Cục An toàn thông tin do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành như sau: “Cấp và thu hồi giấy chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy đối với sản phẩm phần cứng, phần mềm, hệ thống thông tin, hệ thống quản lý, vận hành an toàn thông tin mạng theo quy định của pháp luật; thực hiện đánh giá hợp chuẩn, hợp quy về an toàn thông tin mạng phục vụ hoạt động quản lý nhà nước của Cục An toàn thông tin.”

Như vậy, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam có quyền cấp và thu hồi các loại Giấy chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy đối với sản phẩm phần cứng, phần mềm, hệ thống thông tin, hệ thống quản lý, vận hành an toàn thông tin mạng theo quy định của pháp luật.

5. Chưa có Giấy chứng nhận hợp quy và đăng ký hồ sơ chất lượng nhưng lưu thông hàng hóa bị phạt bao nhiêu tiền?

Căn cứ theo điểm c, d khoản 3 Điều 19 Nghị định 119/2017/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi điểm b khoản 33 Điều 2 Nghị định 126/2021/NĐ-CP quy định như sau:

"Điều 19. Vi phạm quy định về hợp quy

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong sản xuất sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải công bố hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng:

...

  1. Không sử dụng dấu hợp quy, sử dụng dấu hợp quy không đúng quy định đối với sản phẩm, hàng hóa đã được công bố hợp quy theo quy định khi đưa ra lưu thông trên thị trường;
  1. Không tự thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời khi phát hiện hàng hóa của mình đang lưu thông hoặc đã đưa vào sử dụng có chất lượng không phù hợp công bố hợp quy hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 3a và 4 Điều này được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau đây:

  1. Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu;
  1. Buộc thu hồi và tái chế hoặc thay đổi mục đích sử dụng;
  1. Buộc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, thủy sản nuôi, cây trồng và môi trường.”

Như vậy, nếu chưa được cấp Giấy chứng nhận hợp quy mà lưu thông hàng hóa ra thị trường sẽ chịu phạt vi phạm hành chính từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Có thể bị buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu, hoặc bị thu hồi, tiêu hủy, tái chế hoặc thay đổi mục đích sử dụng.

VI. Dịch vụ tư vấn và thực hiện thủ tục liên quan đến Giấy chứng nhận hợp quy

Các vấn đề liên quan đến Giấy chứng nhận hợp quy là một trong những vấn đề đòi hỏi về kinh nghiệm, sự hiểu biết về các quy định liên quan. Công ty Luật TNHH Ngọc Phú (NPLAW) là một trong những công ty Luật uy tín, với kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực pháp lý, cam kết tư vấn, giải quyết nhanh chóng, kịp thời, chất lượng dịch vụ tốt với mức phí phù hợp. Đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, làm việc tận tâm, nhiệt tình, giúp bạn đưa ra được cách giải quyết tốt nhất, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của bạn.


Trên đây là bài viết tham khảo về Giấy chứng nhận hợp quy, hy vọng sẽ giúp bạn có những kiến thức pháp lý hữu ích. Bạn còn vướng mắc cần được giải đáp, đừng ngần ngại liên hệ ngay NPLAW để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.

Chứng nhận hợp quy sản phẩm là gì?

Chứng nhận hợp quy là hoạt động đánh giá và xác nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật (chứng nhận hợp quy ). Đây là loại hình chứng nhận được thực hiện theo sự thỏa thuận của tổ chức, cá nhân có nhu cầu chứng nhận với tổ chức chứng nhận sự phù hợp (bên thứ ba).

Giấy chứng nhận sản phẩm là gì?

Chứng nhận sản phẩm - hàng hóa là hoạt động đánh giá và xác nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Đây là loại hình chứng nhận được thực hiện theo sự thỏa thuận của tổ chức, cá nhân có nhu cầu chứng nhận với tổ chức chứng nhận sự phù hợp (bên thứ ba).

Mẫu giấy chứng nhận hợp quy là gì?

Giấy chứng nhận hợp quy là văn bản xác nhận đối tượng hoạt động kinh doanh có đủ điều kiện và quy chuẩn phù hợp với kỹ thuật tương ứng hay không. Đây là một hình thức bắt buộc mà tất cả các cơ sở kinh doanh lớn bé cần có. Phương thức đánh giá có đạt tiêu chuẩn hay không còn phụ thuộc vào từng đối tượng cụ thể.

Giấy chứng nhận hợp chuẩn là gì?

Giấy chứng nhận hợp chuẩn là bằng chứng để doanh nghiệp chứng minh sản phẩm/ hàng hóa của mình đã được đánh giá, xác nhận là đáp ứng được các chỉ tiêu kỹ thuật mà tiêu chuẩn tương ứng quy định.