Mồi câu cá chép hồ dịch vụ mùa đông

Theo tôi có 2 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến 70% tỷ lệ lên cá, lên hàng của cần thủ vào mùa đông đó là thời gian đi câu và địa điểm câu. Ngoài ra, 30% còn lại là mồi câu và sự may mắn của người câu nữa chứ…

Mồi câu cá chép hồ dịch vụ mùa đông
Kinh nghiệm câu cá chép mùa đông (Hình ảnh minh họa)

Bài viết này chúng ta cùng bàn luận về 2 yếu tố đó chính là thời gian và địa điểm câu cá thôi nhé, vấn đề bài mồi câu thì chúng ta sẽ cùng bàn luận ở một bài viết khác. Đồng ý không các cụ?

Yếu tố đầu tiên là thời gian đi câu cá:

Vấn đề chọn đúng ngày đi câu cá là cực kỳ quan trọng, bởi vì sao, bởi vì đi câu vào ngày cá đi ăn thì mới có cá mà câu chứ phải không các cụ? Đi câu vào ngày chẳng con cá nào chịu ló mặt ra tìm mồi thì xác định là rụng răng thôi, cá thì cứ nằm 1 chỗ trú lạnh, còn cần thủ thì cứ co ro mà ôm cần trong sự chờ đợi mù quáng.

Vấn đề lựa chọn thời gian, ngày đi câu thì tôi cũng đã có viết một bài rồi, các cụ tham khảo bài viết “Kinh nghiệm câu cá mùa đông” nhé. Chứ bắt tôi gõ lại nữa chắc chết quá, mùa đông mà, tay tôi lúc này chỉ muốn cho vào trong chăn thôi, cũng như cá, lạnh là phải tìm chỗ ấm mà rúc mà trú chứ. Với lại cá chép thì cũng giống như những loài cá khác thôi, việc chọn thời gian đi câu cá chép hoàn toàn giống các loài cá khác.

Ngoài ra tôi bổ sung thêm 1 ý nữa cho đầy đủ, đó là vào mùa đông cá thường đi ăn muộn hơn so với các mùa khác. Cá thường đi ăn vào khoảng 10h – 13h và 14h – 17h. Hai khoảng thời gian này là thời điểm nước ấm nhất nên cá chép củ sẽ đi ăn mạnh, các cụ chú ý, chứ đi sớm quá nước còn lạnh sun vòi thì chỉ ngồi ngắm cần, ngắm mặt nước thôi.

Yếu tố thứ 2 là chọn địa điểm để câu cá chép hiệu quả vào mùa đông:

Vấn đề này hay các cụ ạ, nó là sự kết hợp của kinh nghiệm và sự am hiểu về đặc tính của từng loài cá. Dưới đây là một số đúc kết của tôi, mang ý kiến chủ quan của cá nhân, vì vậy có gì sai sót mong các cụ bỏ qua và góp ý cho tôi. Tôi sẽ tiếp thu bất kì một ý kiến nào, bởi đó là kinh nghiệm tuyệt vời của các cụ. Kinh nghiệm của mỗi người là khác nhau, sự trải nghiệm là khác nhau nên kết quả đúc kết cũng sẽ khác nhau phải không các cụ.

Riêng về cá chép, đặc biệt là chép củ chúng có tập tính là nạp năng lượng vào những ngày cuối thu để chuẩn bị cho những ngày đầu đông lạnh buốt. Nhưng theo tôi chúng làm sao mà chúng có thể như gấu bắc cực, nạp năng lượng rồi ngủ cả mấy tháng mùa đông được, vì vậy đến ngày thời tiết phù hợp là chúng sẽ mò ra lùng sục tìm sinh vật phù du và thức ăn ở gần bờ, bụi. Tại sao lại là gần bờ nhỉ? Bởi vì mùa đông nguồn thức ăn cũng vô cùng khan hiếm, cho nên lùng sục hết ở giữa sông, hồ, ao thì chúng phải tiếp tục lùng sục gần bờ để cố gắng bù và nạp đủ năng lượng cho những ngày đông lạnh giá khác. Hơn nữa, những ngày nắng ấm, đẹp trời cá chép sẽ đi ăn những nơi nước ấm, khu vực sâu nước lạnh cá chép sẽ ít ăn hơn.

Câu cá chép vào mùa đông tôi rất ít khi chọn những địa điểm có mực nước quá sâu hay quá nông, tôi thường câu những địa điểm gần chân cầu, nơi khuất gió, những nơi có trà bèo, rau muống…và có mực nước từ 1,5m – 2,5m. Theo tôi đây là những địa điểm lý tưởng mà cá chép thường trú lạnh và quanh quẩn tìm thức ăn ở đó.

Kết luận

Hừm!!!!!!!Ngồi nghĩ một hồi mà không nghĩ ra còn thiếu cái gì cần bổ sung nữa các cụ ạ. Thôi chắc tôi cũng phải kết thúc bài viết này tại đây vậy. Khi nào nhớ ra còn thiếu vấn đề gì tôi sẽ viết tiếp vậy. Các cụ cũng có thể bình luận góp ý ở bên dưới bài viết nhé, chúng ta cùng chia sẻ cho nhau kinh nghiệm riêng để cùng tổng hợp và đúc rút ra một kinh nghiệm, tạm gọi là “Kinh nghiệm chung” của các cần thủ.

Chúc các cụ vào mùa đông này sẽ lên được nhiều hàng, đặc biệt là chép củ nhé!

Dưới đây tôi cũng có một tí gọi là nhớt chép năm nay ạ.

Mồi câu cá chép hồ dịch vụ mùa đông
Con cá chép đầu tiên của mùa đông năm nay

Cá cụ thông cảm, quê em giờ kích điện tử rồi thì kéo điện đáy rồi thì lưới úp đáy…ngày nào họ cũng quần nên số lượng cá sụt giảm, đặc biệt là cá chép củ giờ còn rất ít, con này hơn cân thôi mà quê em phải liệt vào chép hàng, chép củ rồi các cụ ạ.

Xin chào các cụ đam mê câu cá! Ngày hôm qua tôi đã có một bài viết về “Kinh nghiệm câu cá chép mùa đông” để thảo luận cùng các cần thủ bốn phương. Tuy nhiên trong bài viết còn một phần khá quan trọng nữa đó là “Mồi câu cá chép mùa đông” thì tôi chưa kịp biên soạn lại. Để tiếp tục tạo ra nơi giao lưu thảo luận giữa các cần thủ, hôm nay tôi xin phép được tiếp tục phần còn lại và cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng để các cần thủ có thể lên hàng chép cụ, chép củ, chép to như quả đu đủ trong những ngày đông lạnh giá.

Thôi không dông dài, chém gió lung tung nữa. Tôi vào chủ đề chính của ngày hôm nay đó là “Làm thế nào để câu được chép củ và bài mồi để câu các chép củ hiệu quả nhất vào mùa đông”.

Nói thật với các cụ tôi là một cần thủ nghèo các cụ ạ, vì là cần thủ nghèo nên không thể suốt ngày đi giải trí bằng cách câu cá hồ được, mà không đi được nó sẽ rất là vật. Cái thú vui nó biến thành đam mê và dần già nó trở thành những cơn nghiện ngập từ bao giờ không hay. Vì vậy, để chống vật cho những ngày rảnh rỗi ở nhà cho nên tôi đã tìm đến bộ môn câu đài, đi săn những con cá chép củ vàng ruộm ở những khúc sông quê ngoằn ngoèo và thơ mộng.

Khi mới bắt đầu tìm hiểu về bộ môn săn chép sông tôi cũng như bao nhiêu người mới khác chẳng hiểu mẹ gì về cá chép sông tự nhiên cả. Hồi đó đến việc đặc tính, thức ăn, cách thức ăn của cá chép tôi còn chẳng biết nữa chứ đừng nói đến việc biết được mùa hè cá ăn mồi khác với mùa thu, mùa thu ăn mồi khác với mùa đông, mùa đông lại ăn mồi khác với mùa xuân…

Sau 4 năm vừa tự tìm hiểu, học hỏi, mày mò, thử nghiệm, thất bại rồi quay trở lại học hỏi, mày mò, thử nghiệm rồi lại thất bại…đến nỗi mà giờ tôi cũng chẳng biết tôi đã thất bại bao nhiêu lần nữa thì cuối cùng tôi cũng đúc rút ra được một số kinh nghiệm nhỏ để làm mồi câu cá chép sông.

Dưới đây là một bài mồi câu theo tôi là vừa đơn giản mà lại hiệu quả nhất vào mùa đông khi các cụ muốn săn chép củ, chép cụ.

Bài mồi câu như sau:

Khoai lang ruột đỏ luộc giã nhuyễn 5 phần, ớt đỏ cay 1 quả giã nát, bột nếp 2 phần, mẻ chua ngấu 1 phần, thính gạo (loại dùng làm nem) 1 phần, tôm hoặc tép đồng tươi 1 phần. Tất cả giã nhỏ, đánh thêm quả trứng gà, trộn đều vê vừa tay không dính là ok.

Lưu ý các cụ nên để bột thính và bột nếp trộn sau cùng để độ kết dính của mồi vùa đủ khô, bở. Cá chép rất thích khoai lang, đặc biệt là chép củ. Nhiều khi săn chép củ thì chỉ cần 1 củ khoai luộc chín kỹ bỏ tủ lạnh rồi cắt ra thành từng miếng câu, vừa chỉ săn cá chép vừa tránh cá con.

Ớt đỏ cay trong thành phần của nó có CHITIN là chất tạo nên vẩy, xương, vây cá, tăng cường hệ thống tiêu hóa (Cá chép không có dạ dày nên tiêu hóa kém và kén ăn, cá càng to càng kén mồi). Mặt khác tinh dầu từ ớt cũng khuếch tán rất tốt trong nước để dụ cá chép. Tôm tép, trứng gà cung cấp protein rất nhiều cho cá, đó là một nguồn năng lượng chính cho cá hoạt động. Mẻ cung cấp nấm men và vi khuẩn hỗ trợ tiêu hóa. Thính gạo và bột nếp một phần giúp mồi có độ kết dính, một phần giúp mồi tạo một lớp mù sương kích thích cá hút mồi khi ở dưới nước.

Đây là một trong những bài mồi tâm đắc nhất mà tôi đã từng sử dụng để săn cá chép. Bài mồi không phải do tôi nghĩ ra, cũng đều là do tìm tòi, học hỏi và cóp nhặt kiến thức của các bậc tiền bối đi trước mà thôi. Tuy nhiên cũng có một số ít biến tấu để phù hợp hơn với khẩu vị của cá ở khu vực tôi sống.
Gi vọng bài mồi này sẽ giúp cho các cần thủ mới vào nghề lên thật nhiều hàng chép củ, chép khủng, chép to như cái mủng vào mùa đông năm nay.

Ngoài ra tôi sẽ chia sẻ một chút đặc tính của loài cá chép ở phần dưới để người mới hiểu hơn về loài cá chép tự nhiên nhé.

Đặc tính của cá chép tự nhiên

Cá chép là loài cá khá tinh khôn bởi cả năm cơ quan thính giác, thị giác, khứu giác, xúc giác và vị giác đều phát triển cho chúng có khả năng cảm nhận cực kì tốt.

Cá chép có ba cơ quan nghe là tai trong, hai đường thụ cảm bên sườn thính nhạy và một cơ cấu gọi là weber, gồm một số xương nhỏ và dây chằng nối các vây bơi với tai trong để khuếch đại các dao động nhận được rồi truyền lên não. Nhờ vậy chúng phát hiện nguy hiểm nhanh và nhạy hơn nhiều so với các loài cá khác.

Cá chép thích sục bùn kiếm mồi. Trời lâm thâm mưa, hoặc đang nắng chợt đổ mưa vẫn câu được cá chép. Nhưng nếu có sấm sét thì không nên câu vì chỉ cần một ánh chớp lên và tiếng sấm ầm vang thì những con chép dạn dĩ nhất cũng bơi xuống các hốc bùn, rễ cây.

Cá chép không có răng, chạm mồi rất nhẹ, bập, táp nhẹ vài lần thử mồi rồi mới đớp mồi. Ngay khi chạm mồi nếu bất chợt nhận ra nguy hiểm, nó sẽ bỏ mồi để trốn và những con khác đang quanh quẩn xung quanh cũng có hành vi tương tự.

Mưa tạnh xong khoảng 5 – 10 phút, nước mát, ô-xy nhiều, cá chép lại đi ăn, có khi còn mạnh hơn trước. Đi câu cá chép nên giấu mình, lặng lẽ. Đừng để cá chép phát hiện mình. Đừng nói to hay gọi nhau ầm ĩ. Tiếng động hay bóng in trên mặt nước sẽ làm cá chép cảnh giác, thủ thế và ngừng ăn. Nên thả mồi thật nhẹ nhàng, tránh gây động nước. Cá chép thường ăn chìm sát đáy hoặc cách đáy 15 – 20 cm.

Kết luận

Đây là một chút kinh nghiệm nhỏ của tôi về bài mồi câu cá chép mùa đông. Tôi không nghĩ bài mồi câu này là hay nhất, hiệu quả nhất, tuy nhiên theo tôi đây cũng là một bài mồi câu cá chép khá đơn giản nhưng lại cực kỳ hiệu quả và rất phù hợp với anh em nào đam mê câu kéo nhưng mà điều kiện kinh tế eo hẹp như tôi.

Tôi cũng xin kết thúc bài viết này tại đây thôi. Chúc các cụ có một mùa đông 2018 lên được thật nhiều cá chép khủng để thỏa cái thú vui nghiện ngập này.

Các cụ cũng đừng quên để lại bình luận bên dưới, đóng góp ý kiến cũng như chia sẻ các kinh nghiệm của các cụ để anh em cùng giao lưu, học hỏi và nâng tầm đam mê nhé.

Bài mồi nên đánh luôn còn ủ thì cá trôi thích hơn. 

em đánh cá sông ít dùng mồi dụ thường lấy luôn mồi câu. lấy bằng quả trứng vịt thôi. khi câu bác căn thời gian giật cho rơi mồi câu ra để làm mồi xả luôn. còn nếu bác thích xả riêng thì cứ ngâm thóc gạo thối trộn đất xả 1 tiếng rồi câu em đảm bảo có chép củ là ăn ngay.

tôi miền nam cũng hay câu chép. Tôi chỉ đánh cám chim, bánh mì, cám tanh, vân dính chép con khoảng 3kg là hết sức

câu đơn câu đài, lăng xê cũng được, nếu đánh lục: dùng vê link rất hay ạ! chứ dùng nó xả ổ không hợp lý ậ