Nguyên nhân chỉ số PSA tăng

“Có phải khi xét nghiệm mà chỉ số PSA trong máu tăng cao là đồng nghĩa bị ung thư tuyến tiền liệt?” - Dương Soái (TP.HCM)

Nguyên nhân chỉ số PSA tăng

Ảnh minh họa: internet

BS-CK2. Phạm Hữu Đoàn (Trưởng khoa Niệu nữ và Niệu chức năng, Bệnh viện Bình Dân, TP.HCM): Nếu PSA trên 4 nanogram/ml thì người bệnh có nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, PSA tăng còn có thể do tuyến tiền liệt to hơn bình thường, quan hệ tình dục trước đó hoặc làm việc quá sức, bác sĩ đã khám tuyến tiền liệt qua hậu môn trước đó, đặt thông tiểu do đi tiểu khó, viêm tuyến tiền liệt…

Một số trường hợp cũng ghi nhận PSA tăng không rõ nguyên nhân. Do vậy, khi PSA tăng đừng vội lo lắng. Bác sĩ sẽ theo dõi xem tỷ trọng PSA có đặc biệt không, đồng thời khám tuyến tiền liệt để phát hiện khối ung thư, hoặc sâu hơn nữa là sinh thiết tuyến tiền liệt…

Ung thư tiền liệt tuyến là bệnh lý ác tính thường gặp ở nam giới cao tuổi. Theo số liệu của cơ quan thế giới nghiên cứu ung thư IARC, UTTTL có xuất độ cao thứ tư toàn cầu tính chung cả hai giới (sau ung thư phổi, vú, đại – trực tràng). Ở giai đoạn đầu ung thư tiền liệt tuyến không có triệu chứng rõ ràng nên rất khó phát hiện. Với sự hữu hiệu của xét nghiệm PSA và kỹ thuật sinh thiết tuyến tiền liệt, ngày càng có nhiều trường hợp UTTTL được tầm soát và chẩn đoán sớm. Chỉ số PSA được đánh giá là bước đột phá trong việc phát hiện và điều trị ung thư tiền liệt tuyến. 

Vậy chỉ số PSA là gì? Ý nghĩa của xét nghiệm PSA trong điều trị ung thư tiền liệt tuyến như thế nào? 

1. Những thông tin cơ bản về chỉ số PSA

PSA là một kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt, được tiết ra từ các tế bào biểu mô của tuyến tiền liệt.

Phần lớn PSA trong máu đều gắn với các protein huyết tương. Chỉ có khoảng 30% PSA tự do không gắn với các protein. Các PSA tự do này không có khả năng phân hủy protein. Đây chính là lý do chỉ số PSA được coi là dấu ấn của ung thư tiền liệt tuyến.

Tỷ lệ chỉ số PSA tự do/PSA toàn phần được dùng để chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến nếu nồng độ PSA tự do nằm trong khoảng 4 - 10 ng/ml. Nếu tỷ lệ PSA tự do/PSA toàn phần dưới 15%, nguy cơ bị ung thư tiền liệt tuyến là rất cao.

2. Khi nào nên thực hiện xét nghiệm PSA?

Thực tế, không phải ai cũng được thực hiện xét nghiệm PSA. Phương pháp này chỉ được áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt. Cụ thể như:

Nguyên nhân chỉ số PSA tăng

  • Khi muốn sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến. Nam giới từ 50 trở lên nên thực hiện xét nghiệm PSA hàng năm để sàng lọc và phát hiện bệnh sớm.

  • Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt cũng nên tiến hành sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến từ năm 40 tuổi trở đi.

  • Xét nghiệm PSA được dùng để theo dõi hiệu quả của quá trình điều trị ung thư tiền liệt tuyến cũng như nguy cơ tái phát bệnh. Tùy theo từng mức độ bệnh cụ thể, xét nghiệm PSA cần được theo dõi sau khi điều trị ung thư tiền liệt tuyến từ 6 đến 36 tháng.

3. Chỉ số PSA và những cảnh báo nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến

Đối với người bình thường, chỉ số PSA toàn phần trong máu sẽ rất thấp (dưới 4 ng/mL). Tuy nhiên, càng lớn tuổi kích thước của tuyến tiền liệt sẽ càng tăng cao.

Chỉ số PSA là dấu ấn của ung thư tiền liệt tuyến. Cụ thể như sau:

  • Khi nồng độ PSA trong máu tăng cao, nam giới có nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến. Giá trị giới hạn để chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt của chỉ số PSA toàn phần trong huyết tương ≥ 4ng/ml, độ đặc hiệu khoảng 91% và độ nhạy khoảng 21%.

  • Khi mắc ung thư tiền liệt tuyến tốc độ tăng PSA toàn phần trong máu sẽ tăng nhanh hơn bình thường. Những người có tốc độ tăng PSA toàn phần từ 0.75 ng/mL/năm trở lên sẽ có nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến cao hơn.

  • Những người có tốc độ tăng PSA < 0.75 ng/mL/năm có nguy cơ mắc bệnh tuyến tiền liệt lành tính.

Tuy nhiên, không phải cứ có nồng độ PSA trong máu tăng cao đồng nghĩa với việc bị mắc ung thư tiền liệt tuyến. Một số tình trạng bệnh lý khác cũng có thể dẫn đến tăng nồng độ PSA trong máu như: viêm tuyến tiền liệt, Phì đại tuyến tiền liệt lành tính , bí đái phải đặt sonde niệu đạo...

Do đó, để chẩn đoán chính xác hơn ung thư tiền liệt tuyến, người bệnh cần định lượng chỉ số PSA tự do và tỷ số PSA tự do/PSA toàn phần.

Thực tế, việc xác định tỷ số PSA tự do/PSA toàn phần giúp chẩn đoán và phân biệt hiệu quả những trường hợp bị ung thư tiền liệt tuyến.

Việc xác định tỷ số PSA tự do/PSA toàn phần giúp chẩn đoán và phân biệt hiệu quả những trường hợp bị ung thư tiền liệt tuyến

Nếu nồng độ PSA toàn phần huyết tương tăng từ 4 lên 10 ng/mL, tỷ số PSA tự do/PSA toàn phần ≤ 0,15 sẽ giúp chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến với độ đặc hiệu khoảng 56,5% và độ nhạy 85%.

Đặc biệt, có khoảng 23% bệnh nhân mắc ung thư tiền liệt tuyến có tỷ số PSA tự do/PSA toàn phần dao động từ 0,15-0,19. Khoảng 9% bệnh nhân bị ung thư tiền liệt tuyến có tỷ số PSA tự do/PSA toàn phần ≥ 0,20.

Để bảo vệ sức khỏe, nam giới đặc biệt là những người có độ tuổi từ 50 trở lên cần thăm khám và thực hiện những xét nghiệm cần thiết để phát hiện và điều trị ung thư tiền liệt tuyến hiệu quả.