Nguyên nhân ngộ độc khí than

Thói quen nguy hại…

Từ lâu, việc đốt than củi, than hoa hay than tổ ong để sưởi ấm đã trở thành một thói quen phổ biến ở vùng nông thôn. Nhiều gia đình có phụ nữ sau sinh, người cao tuổi hoặc trẻ nhỏ thường đốt than trong phòng ngủ, phòng tắm để sưởi ấm vào mùa lạnh. Theo nhiều người, ngoài việc làm ấm cơ thể, sưởi bằng than còn giúp tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, đây là thói quen nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy nổ và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người.

 

Ngộ độc khí than hay còn gọi là khí CO (carbon monoxide) thường xảy ra vào mùa đông. Nguyên nhân là do người dân đốt than để sưởi ấm trong không gian chật hẹp, kín gió. Bởi, than khi cháy trong điều kiện thiếu oxy sẽ sinh ra loại khí cực độc là CO. Chính vì thế, than đốt trong phòng kín, thiếu oxy, càng làm tăng khả năng gây ngộ độc khí CO cho người sưởi. Người ngộ độc thường hôn mê, bất tỉnh, để lại di chứng về trí tuệ, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.

Sử dụng than củi, than tổ ong để đốt nhằm sưởi ấm là thói quen xuất phát từ nhận thức, điều kiện kinh tế của nhiều người ở các vùng nông thôn, miền núi. Chị Nguyễn Thị Hậu, ở Hà Giang, nơi thường xuyên phải hứng chịu tác động mạnh mẽ của không khí lạnh, chia sẻ: “Nhiều hộ dân trong bản, nhất là nhà có trẻ em, người già, có hoàn cảnh khó khăn, thường dùng than hoặc củi sưởi để xua đi cái lạnh khắc nghiệt của màu đông. Mặc dù biết rõ sự nguy hiểm nhưng đây là cách vừa có thể sưởi ấm vừa giúp các hộ gia đình khó khăn tiết kiệm chi phí…”.

Nguy hiểm rình rập…

Thực tế cho thấy, khoảng 1 tháng qua, nhiều người đã phải nhập viện do ngộ độc khí than. Theo thống kê của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), từ khi miền Bắc bước vào đợt rét đỉnh điểm, Trung tâm Chống độc thường xuyên tiếp nhận trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc khí CO. Cụ thể, mới đây, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng hôn mê sâu, phải thở máy và tổn thương thần kinh. Nguyên nhân được xác định là do ngộ độc khí CO, khí đốt than trong phòng kín. Tương tự, tại tỉnh Quảng Bình, ghi nhận 2 trường hợp đã tử vong liên quan đến việc đốt than, đốt củi trong phòng kín để sưởi ấm…

Tiếp cận dưới góc độ y tế, ngộ độc khí CO là tác nhân gây nên các bệnh lý liên quan đến hô hấp, tim mạch; làm tổn thương đến các tế bào vận động mạnh như: Não, tim, phổi… một trong những nguyên nhân gây tử vong cao ở người.

Chia sẻ với báo chí, TS, Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Thời tiết mùa đông, người dân tuyệt đối không được đốt các nhiên liệu than, củi trong phòng kín, không gian chật hẹp để sưởi ấm. Đối với trường hợp cấp thiết, bắt buộc phải đốt than, củi để sưởi, cần phải đảm bảo môi trường thông thoáng để tạo điều kiện lưu thông không khí. Khi phát hiện người có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, khó thở… thì cần mở tất cả các cửa phòng để cung cấp oxy và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất”.

Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe người dân, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo một số biện pháp an toàn để làm ấm cơ thể trong mùa lạnh như: Thường xuyên tập luyện thể thao; thêm gia vị vào các món ăn như gừng, tiêu, tỏi; sử dụng trà quế, trà gừng, vừa giữ ấm cơ thể, vừa làm tăng sức đề kháng hiệu quả.

Có thể thấy, mặc dù đã được cơ quan chuyên môn và các phương tiện truyền thông cảnh báo, song vẫn xuất hiện không ít trường hợp người dân bị ngộ độc, thậm chí tử vong do việc đốt than tổ ong, than củi sưởi ấm vào mùa đông lạnh. Chính vì vậy, thay vì dùng than, người dân nên sử dụng các thiết bị sưởi ấm an toàn hơn để phòng, chống nguy cơ cháy nổ và bảo vệ sức khỏe. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng ở địa phương, nhất là vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, sử dụng than đốt sưởi ấm đúng cách, để bảo vệ an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình; tránh xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản./.

Đặc biệt, tại các khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, nền nhiệt xuống rất thấp chỉ khoảng 5-7 độ C, vùng núi 2-5 độ, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ và khả năng cao xảy ra băng giá, mưa tuyết.

Để chống chọi với giá rét, nhiều người đã sử dụng các biện pháp sưởi ấm, trong đó có việc đốt than, củi. Tuy nhiên, cách sưởi ấm này không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm, thậm chí đã có trường hợp tử vong, nguy kịch do ngộ độc khí.

Hiện Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho 4 bệnh nhân bị ngộ độc khí CO xảy ra ở vụ ngộ độc riêng lẻ.

Thứ nhất là một bệnh nhân (62 tuổi, ở Thanh Hóa), đã bị ngộ độc cách đây 1,5 tháng, hiện tại đến viện trong tình trạng có biến chứng não, biểu hiện rối loạn tâm thần kinh. Đây là di chứng nặng nề của ngộ độc khí CO. Người chồng của bệnh nhân này đã tử vong tại nhà ngay hôm xảy ra ngộ độc.

Vụ thứ hai xảy ra vào tối 20-2-2022, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận 3 bệnh nhân trong một gia đình cùng nhập viện do ngộ độc khí CO, gồm Lường Thị D. (mẹ 68 tuổi), Lường Thị H. (con gái 26 tuổi) và Lường Mạnh T. (cháu trai 7 tuổi). Ba bệnh nhân là người dân tộc Thái, có địa chỉ ở Tuần Giáo, Lai Châu, hiện đang thuê nhà ở Hà Nội để học tập và chữa bệnh. Phòng trọ rộng chừng 10m2, được xây khép kín.

Chị Lường Thị H. cho biết, khoảng 19 giờ tối 20-2, sau khi tắm xong, cháu Lường Mạnh T. rét quá nên chị đã đưa bếp than tổ ong vào trong phòng và đóng kín cửa để sưởi. Đến 22 giờ, cháu T. có biểu hiện buồn nôn và đau đầu. Sau đó chị và mẹ cũng tiếp tục có biểu hiện tương tự. Cả gia đình đã được đưa đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu ngay trong đêm.

Qua kiểm tra, các bác sĩ thấy bệnh nhân có biểu hiện nôn nhiều, đau đầu, kiểm tra nồng độ CO trong máu cao. Các bệnh nhân đã được cấp cứu kịp thời, hiện tình trạng đã dần ổn định.

Trao đổi về vấn đề trên, TS, BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo người dân tuyệt đối không đốt củi để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín, kể cả dùng khí gas bởi khi đốt, oxy sẽ tiêu hao dần, trong khi CO độc hại sẽ ngày càng tăng. Phản ứng đốt cháy trong điều kiện thiếu oxy, sẽ hình thành CO ngày càng nhiều. Hai tác động đồng thời này là nguy cơ khiến những người trong phòng kín nhanh chóng tử vong.

TS, BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, CO không màu, không mùi vị nên rất khó phát hiện. Khi hít phải CO sẽ nhanh chóng ngấm vào máu và “cướp” mất oxy trong máu, làm nạn nhân đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, thấy yếu, buồn nôn, đau ngực và lẫn lộn.

Hít phải lượng lớn khí CO có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mãn tính. 40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…

Do ảnh hưởng của đợt rét đậm kéo dài, liên tục trong những ngày vừa qua, cuộc sống của người dân từ thành phố đến nông thôn, đặc biệt là vùng núi cao bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong cái lạnh như cắt da cắt thịt, nhiều người đã phải “cố thủ” trong nhà.

Để hạn chế tai nạn đáng tiếc xảy ra từ việc sử dụng các biện pháp sưởi ấm không đúng cách, các chuyên gia y tế khuyên người dân trong điều kiện thời tiết lạnh rét mùa đông tuyệt đối không được sưởi than củi và đóng kín cửa trong nhà hoặc ngay cả lúc sưởi ấm để tắm cũng rất nguy hiểm.

Từ trước đến nay, đã có rất nhiều sự việc đau lòng xảy ra do sưởi ấm bằng than củi, than tổ ong… Những vụ việc đau lòng từ việc đốt than, củi để sưởi ấm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh người dân cần nâng cao ý thức trong việc sử dụng các biện pháp sưởi ấm mùa đông.

Bài và ảnh: THÁI SƠN - MAI THANH