Nguyên nhân suy thận mạn

Bệnh suy thận mạn tính đặc trưng bởi sự mất dần chức năng thận theo thời gian. Có rất nhiều nguyên nhân suy thận, phổ biến nhất là bệnh đái tháo đường, huyết áp cao… Việc phát hiện và điều trị sớm có thể giúp bệnh thận mạn tính không trở nên tồi tệ hơn, tránh được nguy cơ phải chạy thận.

Người bị bệnh thận thường không có biểu hiện gì cho đến khi bệnh tiến triển nặng. Biến chứng của bệnh rất nguy hiểm, như huyết áp cao, thiếu máu, xương yếu, tổn thương thần kinh và bệnh tim mạch. Những ảnh hưởng này có thể xảy ra từ từ trong một khoảng thời gian dài. Vậy nguyên nhân bị suy thận là do đâu, hay tại sao bị suy thận và bí quyết nào giúp giảm nhẹ nguy cơ phải chạy thận?

Suy thận là gì?

Suy thận có thể là cấp tính hoặc mạn tính, đột ngột hoặc tiến triển âm thầm, từ từ. Một số người có thể mất tới 90% chức năng thận trước khi các triệu chứng bệnh biểu hiện ra bên ngoài. Bệnh xảy ra khi thận không còn đảm nhiệm đầy đủ chức năng bài tiết hết chất thải ra khỏi cơ thể và kiểm soát mức độ dịch trong cơ thể.

Người bị suy thận giai đoạn cuối cần chạy thận hoặc ghép thận để duy trì sự sống. Trong nhiều trường hợp, người bệnh không hề có các dấu hiệu của bệnh suy thận cho đến khi bệnh đã tiến triển ở giai đoạn cuối.

Nguyên nhân suy thận mạn

Nguyên nhân suy thận là gì?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận, bao gồm:

  • Cao huyết áp: Theo thời gian, tình trạng cao huyết áp có thể khiến các mạch máu nhỏ trong thận bị tổn thương, ngăn chặn thận hoạt động đúng cách dẫn đến suy thận. Ngược lại, thận cũng đóng góp vào việc điều chỉnh huyết áp của cơ thể, suy thận khiến huyết áp tăng lên theo thời gian.
  • Bệnh đái tháo đường týp 1 và 2: Việc có quá nhiều đường trong máu cũng có thể khiến các bộ lọc nhỏ trong thận bị hỏng. Một phần vì đường huyết cao cũng gây tổn thương mạch máu, phần vì thận phải gắng sức nhiều hơn nhằm loại bỏ đường dư thừa trong máu ra ngoài.
  • Cholesterol cao: Điều này có thể gây tích tụ mỡ trong các mạch máu cung cấp tới thận, làm hẹp động mạch thận, giảm lưu lượng máu nuôi thận. Vì vậy, đây cũng là nguyên nhân gây suy thận mà ít người nghĩ tới.
  • Nhiễm trùng thận
  • Mắc các bệnh ảnh hưởng hệ miễn dịch như lupus, HIV/AIDS…
  • Các bệnh do virus, diễn ra trong thời gian dài như viêm gan B và viêm gan C
  • Viêm bể thận, nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát nhiều lần có thể làm thận bị tổn thương, là nguyên nhân suy thận trực tiếp nhất.
  • Bệnh thận đa nang: Một tình trạng di truyền chỉ sự xuất hiện của nhiều u nang phát triển bên trong thận
  • Tắc nghẽn dòng chảy của nước tiểu: Sỏi thận hoặc tình trạng phì đại tuyến tiền liệt có thể làm tắc nghẽn đường ra của nước tiểu, lâu dần gây suy thận
  • Tác dụng phụ của một số thuốc hoặc nhiễm độc tố: Người thường xuyên sử dụng một số loại thuốc nhất định, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), nhiễm độc chì, một số loại ma túy… cũng có nguy cơ bị suy thận.
  • Dị tật bẩm sinh gây ra các bất thường về thận và đường tiết niệu như hẹp đường tiết niệu, khiến nước tiểu chảy ngược lên thận, ứ đọng và gây nhiễm trùng…

Người bệnh suy thận phải chạy thận khi nào? Tại sao?

Nguyên nhân suy thận mạn
Khi chức năng thận suy giảm nghiêm trọng, bệnh nhân cần phải chạy thận

Bệnh suy thận được chẩn đoán dựa vào chỉ số eGFR và một số yếu tố khác như độ tuổi, chủng tộc, giới tính… Chỉ số eGFR biểu thị tốc độ lọc cầu thận có được từ kết quả định lượng creatinine máu, dựa vào chỉ số này, bác sĩ có thể xác định bệnh thận của bạn đang ở giai đoạn nào.

Bệnh thận được chia thành 5 giai đoạn:

Nguyên nhân suy thận mạn

Nếu suy thận ở giai đoạn 4 hoặc 5, người bệnh còn phải chịu nhiều vấn đề khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe có thể nảy sinh như thiếu máu, hạ canxi, phosphate và các hóa chất khác trong máu. Từ đó, người bệnh rất dễ mệt mỏi do thiếu máu, loãng xương hoặc gãy xương do mất cân bằng canxi, phosphate. Đây là nguyên nhân suy thận nặng cần được chạy thận hoặc ghép thận, vì nguy cơ tử vong là rất cao.

Người bệnh suy thận mức độ nhẹ đến trung bình (giai đoạn 1 – 3) thường không cần điều trị chuyên khoa do thận có thể tự phục hồi với các tổn thương nhẹ. Người bị suy thận giai đoạn 4, 5 cần phải có sự trợ giúp của bác sĩ chuyên khoa nhằm giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Vì các bệnh thận mạn tính là nguyên nhân gây suy thận trực tiếp nhất. Vì vậy, nếu điều trị các bệnh này từ giai đoạn đầu có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình bệnh tiến triển thành suy thận mạn trong tương lai. Ở giai đoạn đầu, do tình trạng tổn thương thận ở mức nhẹ nên người bệnh hoàn toàn có thể khắc phục được bằng cách duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, chế độ dinh dưỡng hợp lý.

  • Uống nhiều nước: Nước có tác dụng thanh lọc, hỗ trợ quá trình giải độc trong cơ thể, giúp giảm bớt gánh nặng giải độc của thận. Cơ thể cần cung cấp ít nhất 2 lít nước/ngày. Vì vậy, bạn nên uống đủ lượng nước cần thiết.
  • Không nên nhịn tiểu thường xuyên: Việc nhịn tiểu quá lâu và quá thường xuyên sẽ khiến bàng quang bị căng tức, vô tình gây áp lực lên thận và là nguyên nhân gây ra bệnh sỏi thận.
  • Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý: Chế độ ăn hàng ngày của người bị suy thận nên bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin K, lòng trắng trứng, hạt mè, rau mùi… Người bị bệnh thận không được ăn mặn, hạn chế ăn những thực phẩm có tính cay nóng và nhiều gia vị.
  • Không sử dụng các chất kích thích: Việc sử dụng thuốc lá, rượu bia… và các chất kích thích khác là nguyên nhân khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng hơn. Một lưu ý là người bệnh cần tránh hút thuốc lá thụ động.
  • Tập thể thao hợp lý: Tập các bài tập yoga, các động tác kéo duỗi chân có tác dụng hỗ trợ khả năng hoạt động của thận.

Xem thêm >> Các bài tập tốt cho thận

Để tránh phải chạy thận, bạn cần có kế hoạch kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe của bản thân. Nếu có bệnh về thận cần kiểm soát để tránh bệnh tiến triển sang suy thận giai đoạn cuối. Qua bài viết này, hỵ vọng bạn đã nắm được những nguyên nhân suy thận thường gặp để hiểu nguy cơ của bản thân. Ngoài ra, hãy đi khám sức khỏe định kỳ bởi việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời các chứng bệnh liên quan đến thận là cách hữu hiệu nhất để tránh khỏi phải chạy thận hoặc ghép thận.