Tại sao nhà nước phải can thiệp vào thị trường

Nhiều người ủng hộ thị trường tự do cho rằng nhà nước không nên can thiệp vào giá khẩu trang mà hãy để cho thị trường tự điều chỉnh. Họ muốn để cho “bàn tay vô hình” của thị trường sắp xếp lại mọi thứ, thay vì nhìn thấy “bàn tay hữu hình” của nhà nước nhúng vào.

Tôi cho rằng đây là cách tiếp cận theo hướng cực đoan hóa chủ nghĩa thị trường tự do. Đến cuối cùng, sau hàng thế kỷ phát triển của nhà nước và pháp luật, đã không ai, kể cả những nhà kinh tế học hàng đầu, còn tin vào thị trường tự do tuyệt đối. 

Thị trường chỉ có thể tự điều chỉnh nếu thị trường còn lý tính, thường được biết đến trong tiếng Anh với tên gọi Rational Market Theory (hay đôi khi là Efficient Markets Hypothesis). Nói ngắn gọn, thuyết thể hiện một niềm tin mạnh mẽ vào khả năng tiếp cận thông tin và khả năng đưa ra các quyết định hoàn toàn lý tính của những chủ thể tự do tham gia vào thị trường.

Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết những nhà kinh tế học đều buộc phải thừa nhận rằng thị trường sẽ lý tính và làm rất tốt nhiệm vụ điều chỉnh giá cả của mình chỉ khi tồn tại những điều kiện nhất định như về tài nguyên, thời gian, sự ổn định chính trị và quan trọng nhất là giả định về một môi trường thông tin hoàn hảo tuyệt đối. 

Những yếu tố này có thể được duy trì không khi đang diễn ra một căn đại dịch khiến cả thế giới lo lắng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo động mức độ cấp cao, di chuyển và giao thương vào vùng dịch bị cô lập hoàn toàn, và Việt Nam thì nằm sát “ổ dịch”? 

Tôi dám cá là không.

Một số người cho rằng chỉ cần nhà nước cung cấp đầy đủ thông tin về số lượng khẩu trang có thể sản xuất được, chứng minh năng lực cung cấp khẩu trang dồi dào, người bán tự sẽ mất động cơ để đầu cơ, còn người mua tự mất cơ sở để hốt hoảng, thị trường khẩu trang lại “nên thơ” như thuở ban đầu. Đó chính là một giả định về sự lý tính của các chủ thể trong thị trường.

Nhưng nhu cầu và điều thúc đẩy những chủ thể này hành động như họ đang hành động hiện nay, xin thưa không phải vì thông tin từ chính phủ Việt Nam đưa ra. Có trời mới biết còn bao nhiêu người Việt Nam tin tưởng vào những gì chính phủ tuyên bố. Thứ khiến họ nháo nhào, chen chúc nhau đi mua khẩu trang là thông tin về dịch bệnh ở tầm quốc tế, là kỳ vọng và nỗi lo sợ của họ về tình hình và thời gian kéo dài của dịch bệnh. 

Chỉ cần tại Vũ Hán có thông tin số lượng người tử vong gia tăng, chỉ cần con số bệnh nhân ở Singapore tăng lên vài người, chỉ cần xuất hiện thông tin rằng có hiện tượng xuất khẩu vài triệu khẩu trang cho Trung Quốc, không chỉ thị trường Việt Nam, mà thị trường nào trong tình thế địa chính trị tương tự Việt Nam cũng sẽ mất hết lý tính. Kỳ vọng các chủ thể thị trường hành động như những con chữ trong học thuyết cũng đã là phi lý tính rồi.  

Câu trích này có vẻ sẽ không công tâm, vì Keynes là người đứng đầu của chủ nghĩa can thiệp Tây phương, nhưng như ông từng nói: “Thị trường có thể duy trì sự phi lý tính của nó lâu hơn bạn có thể chịu đựng”. Đây là một nhận định hoàn toàn có cơ sở. 

Tôi hoàn toàn tin rằng ở một thời điểm nào đó trong tương lai, thị trường khẩu trang tại Việt Nam sẽ tự điều chỉnh mình. Nhưng tương lai đó chưa được xác định. Và mức giá khẩu trang “tự do” hiện tại đang là một thất bại tạm thời của thị trường. Mà đã là thất bại thì cần được điều chỉnh. Sự can thiệp của nhà nước về giá, như vậy, là cần thiết. 

Tôi xin được phép dẫn chứng một nghiên cứu rất gần và rất thiết thực với vấn đề dịch tễ hiện nay, mang tên “Hàng hóa y tế công cộng: Lý luận kinh tế và các công cụ ưu tiên hóa” (Common Goods for Health: Economic Rationale and Tools for Prioritization) của nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Giáo sư Kinh tế về y tế cộng đồng Peter C. Smith của trường Imperial College London. Nghiên cứu này tập trung vào việc xác định danh nghĩa các loại hàng hóa cần phải được nhà nước ưu tiên can thiệp và kiểm soát, đặc biệt sau khi họ quan sát những thất bại của thị trường trong những nạn đại dịch trước đây như Ebola, SARS, Zika, và các loại bệnh truyền nhiễm khác.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu tin rằng, trong những trường hợp cụ thể khi mà một loại hàng hóa y tế nhất định gây ảnh hưởng đến một số lượng lớn người tiêu dùng, nhà nước có thể can thiệp để quản lý quyền thống lĩnh thị trường, và bằng nhiều biện pháp dân sự hay hành chính khác, kể cả bơm tiền và tạo dựng các dịch vụ nhà nước. Theo họ, can thiệp vào thị trường là cách tốt nhất để tối đa hóa lợi ích xã hội.

Trong đó, có hai điều kiện quan trọng liên quan (trong số bốn điều kiện mà chúng ta không đủ thời gian xem xét ở đây) để xem xét loại hàng hóa nào có thể được xác định là hàng hóa sức khỏe công cộng và cần nhà nước can thiệp:

  • Hàng hóa đó phải là hàng hóa công (public goods). Đây là loại hàng hóa (hoặc dịch vụ) mà việc sử dụng chúng không mang tính loại trừ, tức việc sử dụng của người này không nên và không thể bị giới hạn bởi việc sử dụng của một người khác. Với trường hợp của khẩu trang, quyền tiếp cận khẩu trang trong mùa dịch phải được liệt kê là dạng hàng hóa không mang tính loại trừ.
  • Có tình trạng bất cân xứng thông tin (information asymmetries). Tức khi người dùng tiềm năng không có đủ thông tin để tận dụng dịch vụ, giá trị hàng hóa một cách tối ưu. Khi mà đỉnh điểm của dịch còn chưa bùng phát, và thông tin về sự nghiêm trọng của dịch có thể vẫn còn bị chính phủ Trung Quốc che giấu, thời gian kéo dài bệnh dịch là vô định, và người sử dụng gần như không còn lựa chọn nào khác là phải chấp nhận mua và dự trữ loại hàng hóa dùng một lần này. 

Nếu bạn không cảm thấy thỏa mãn vì nghiên cứu trên chưa nói về giá, một báo cáo hoàn thiện được kết hợp thực hiện bởi nhóm các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và WHO cũng chỉ rõ sự cần thiết của kiểm soát giá đối với các mặt hàng y tế. Trả lời cho câu hỏi vì sao nhà nước nên can thiệp vào việc định giá mặt hàng này, nhóm nghiên cứu khẳng định rằng trong môi trường y tế thông thường, người bán và người cung cấp dịch vụ nắm nhiều thông tin hơn người mua. Và người mua, vì lý do áp lực sức khỏe, không bao giờ có đủ năng lực để đàm phán và đánh giá giá trị dịch vụ, hàng hóa ngang bằng trong xã hội. Khi tình huống này diễn ra, và khẩu trang trở thành một mặt hàng y tế thiết yếu, việc chính phủ can thiệp giá là hoàn toàn phù hợp. 

Hiển nhiên, tôi thừa nhận rằng việc định giá là không đơn giản, báo cáo được đề cập cũng phải dành rất nhiều thời lượng để bàn về việc chính phủ nên định giá như thế nào nhằm bảo đảm công bằng và khuyến khích đầu tư (Mục 6.1. Adjustments and add-ons to ensure payment adequacy and fairness), song thẩm quyền can thiệp của nhà nước đã được các nhà nghiên cứu thừa nhận một cách hiển nhiên. Và đối với mặt hàng sản xuất đơn giản như khẩu trang, việc duy trì khung lợi nhuận hợp lý cho các nhà sản xuất và phân phối, đồng thời bình ổn và bảo vệ trật tự thị trường là vô cùng dễ dàng. 

Đến đây, tôi cần khẳng định rằng mình không ủng hộ sự hù dọa và những bình luận có phần hơi dân túy của các chính trị gia, nhưng việc kiểm soát giá khẩu trang hiện nay không phải là một hành vi thừa, hay trái khoa học, như đã chứng minh ở trên. Đến cuối cùng, khi mà các quốc gia có năng lực quản lý kinh tế cao như Thái Lan, Malaysia, Đài Loan và Nhật Bản đều đã áp dụng các biện pháp can thiệp và kiểm soát giá khẩu trang, cho rằng những người ủng hộ chính sách này là độc tài như một số nhà bình luận phân tích rõ ràng không công bằng cho lắm.

Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi về địa chỉ .

Mục lục bài viết

  • 1. Khái quát chung về mối quan hệ Nhà nước và thị trường
  • 2.Vai trò của Nhà nước trong quốc phòng và trong việc sản xuất, tiêu dùng các hàng hoá công cộng.
  • 3.Vai trò của Nhà nước đối với các yếu tố ngoại vi
  • 4. Vai trò của Nhà nước đối với vấn đề thu nhập và phúc lợi
  • 5. Vai trò của Nhà nước trong các chính sách tài chính và tiền tệ

1. Khái quát chung về mối quan hệ Nhà nước và thị trường

Quan hệ nhà nước và thị trường là mối quan hệ cơ bản trong nền kinh tế thị trường.Trên bề mặt xã hội, biểu hiện dễ nhận thấy nhất của chính trị là nhà nước với cấu trúc tương ứng của nó. Về phương diện kinh tế, trong điều kiện kinh tế thị trường, biểu hiện tập trung của mặt kinh tế là hoạt động của thị trường với các quy luật kinh tế đặc trưng của nó như quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu…. Do đó trong thực tiễn, ở một góc độ nhất định,việc xử lý mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị biểu hiện tập trung thành mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Bên cạnh đó, bản thân thị trường, cơ chế thị trường là phương tiện hiệu quả nhất mà loài người đã phát hiện để huy động và khai thác các nguồn lực cho phát triển, cho hiện thực hóa nền tảng kinh tế của một xã hội. Khi nhà nước xuất hiện với tư cách chủ thể có chức năng kiến tạo xây dựng nền tảng kinh tế của một xã hội, thì việc xử lý quan hệ mục tiêu và phương tiện được biểu hiện thành mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường.

Mối quan hệ nhà nước và thị trường còn được thể hiện ra là mối quan hệ giữa chủ thể với khách thể, khi nhà nước đóng vai trò là chủ thể quản lý nền kinh tế thị trường; hay đó là mối quan hệ giữa các chủ thể trong nền kinh tế, khi nhà nước xuất hiện với tư cách là một chủ thể trên thị trường, sẽ quan hệ bình đẳng với các chủ thể khác theo luật định. Quan hệ nhà nước và thị trường cũng phản ánh mối quan hệ giữa cái chủ quan với khách quan, bởi lẽ thị trường luôn vận động theo các quy luật khách quan và chịu sự điều tiết của nhà nước, lúc đó nhà nước xuất hiện là các quy định, luật lệ, và các công cụ điều tiết khác. Các công cụ này là sản phẩm chủ quan để định hướng thị trường, tạo luật chơi cho thị trường. Thị trường sẽ hiệu quả khi các công cụ này hợp lý, không làm méo mó thị trường.

2.Vai trò của Nhà nước trong quốc phòng và trong việc sản xuất, tiêu dùng các hàng hoá công cộng.

Với chức năng kinh tế, nhà nước không chỉ là người quản lý, người ban hành các quy định, các luật chơi trên thị trường, mà còn đóng vai trò chủ thể hoạt động sản xuất (nhất là các hàng hóa và dịch vụ công), là người mua và bán các hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Như vậy lúc này quan hệ giữa nhà nước và thị trường biểu hiện ra là quan hệ giữa các chủ thể trên thị trường, quan hệ giữa những người mua và người bán hàng hóa và dịch vụchịu sự tương tác, giàng buộc của các quy luật kinh tế trên thị trường, cũng như sự quản lý điều hành của nhà nước thông qua hệ thống quy định luật pháp và các công cụ quản lý.

Quốc phòng là một ví dụ chứng tỏ vai trò tối quan trọng của Nhà nước. Điều đó được quyết định bởi quốc phòng là một kiểu hàng hoá hoàn toàn khác hẳn với các loại hàng hoá vật thể khác ở chỗ, người ta không trả tiền cho mỗi đơn vị sử dụng mà mua nó như một tổng thể nhằm mục đích bảo vệ an ninh của cả một quốc gia. Ở đây, bảo vệ cho một cá nhân không có nghĩa là giảm bảo vệ cho người khác, bởi tất cả mọi người tiêu thụ các dịch vụ quốc phòng một cách đồng thời.

Các loại hàng hoá kiểu như vậy được gọi là hàng hoá công cộng, bởi không một doanh nghiệp tư nhân nào có thể bán quốc phòng của toàn dân cho các công dân riêng lẻ và coi đó là nghề kinh doanh thu lãi. Đơn giản là không thể có chuyện dịch vụ quốc phòng lại được đem rao bán cho những người cần hoặc không thực hiện bảo vệ an ninh quốc gia, cho những người từ chối chi trả kinh phí cho quốc phòng. Hơn nữa, hàng hoá công cộng là thứ hàng hoá không thể định giá chính xác được, cho nên tư nhân không thể cung cấp. Đấy là nguyên nhân chính giải thích vì sao quốc phòng phải do Nhà nước điều hành và chi phí cho quốc phòng phải được lấy từ nguồn tài chính công, từ ngân sách Nhà nước có được thông qua thuế.

Hàng hoá công cộng có ba đặc tính: tính không kình địch trong tiêu dùng, tính không loại trừ (nonexcluđability) và tính không thể không tiêu dùng mà tựu trung lại, tất cả mọi người đều có nghĩa vụ và quyền lợi tiêu dùng hàng hoá công cộng như nhau. Có nhiều ví dụ về hàng hoá công cộng, từ các biện pháp chống lũ lụt cho đến việc phòng chống vũ khí nguyên tử, nhưng hai ví dụ có thể thấy rõ vai trò của Nhà nước một cách trực tiếp và thường xuyên nhất, đó là xây dựng cơ sở hạ tầng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Một nền kinh tế không thể "cất cánh" được trừ phi nó có được một cơ sở hạ tầng vững chắc. Nhưng cũng do tính không thể phân chia của hàng hoá công cộng mà các tư nhân thấy rằng đầu tư vào đây không có lợi. Vì thế, ở hầu hết các nước, Nhà nước bỏ vốn vào đầu tư cơ sở hạ tầng, ổn định kinh tế vĩ mô cũng có thể xem như là hàng hoá công cộng. Đặc điểm của nền kinh tế thị trường là sự bất ổn định do các cuộc khủng hoảng chu kỳ. Sự ổn định kinh tế rõ ràng là điều mà mọi Nhà nước đều mong muốn và nó có lợi cho tất cả mọi người. Do vậy, chính Nhà nước phải chịu trách nhiệm duy trì sự ổn định đó trên tầm vĩ mô.

3.Vai trò của Nhà nước đối với các yếu tố ngoại vi

Yếu tố ngoại vi được hiểu như là những hoạt động của một chủ thể nhất định nào đó gây tác động đến các đối tượng này không được đền bù hoặc không phải bị đền bù.

Các chủ thể và đối tượng tác động ở đây có thể là cá nhân hoặc các đơn vị sản xuất kinh doanh. Sự tác động của các chủ thể này là sự tác động tốt hoặc tác động xấu. Các chủ thể này không chịu bất cứ một trách nhiệm kinh tế nào về sự tác động của họ, cũng như họ không đòi hỏi một sự đền bù nào.

Như vậy, yếu tố ngoại vi là một sự thể hiện mối quan hệ sản xuất – sản xuất, sản xuất – tiêu dùng, tiêu dùng – tiêu dùng, tiêu dùng – sản xuất. Hoạt động của người này tác động đến hoạt động của người khác. Kết quả hoạt động của người này chịu ảnh hưởng bởi kết quả hoạt động của người khác.

Tóm lại, khi có sự tương tác giữa các hoạt động của các chủ thể và đối tượng khác nhau trong nền kinh tế, có thể tạo ra sự khác biệt giữa giá trị xã hội và giá trị thị trường, lợi ích và chi phí xã hội khác biệt với lợi ích và chi phí tư nhân.

Yếu tố ngoại vi là các ảnh hưởng tốt hay không tốt do các yếu tố bên ngoài gây nên cho hoạt động của công ty hay cho xã hội nói chung. Yếu tố ngoại vi xảy ra khi có sự khác biệt về phí tổn hoặc lợi ích giữa cá nhân và xã hội.

Những chi phí ngoại vi cho sản xuất bao gồm: sự tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường mà nhà máy hoặc xí nghiệp sản xuất tạo ra... Những yếu tố này gây nên sự giảm sút về phúc lợi của những người dân sống xung quanh hoặc có thể buộc những nhà máy khác gần đó phải tốn kém thêm chi phí để làm sạch nước sông đã bị ô nhiễm mà mình phải sử dụng trong sản xuất. Vì phía thứ ba không được đền bù cho những khoản chi phí ngoại vi, nên các phí tổn sản xuất không được tính đến trong hệ thống giá. Trong nền kinh tế thị trường tự do, người ta chỉ mưu toan sử dụng tối đa những phương tiện hay lợi nhuận riêng của mình, và nhưng chi phí hay lợi ích ngoại vi sẽ không được phản ánh trong giá cả của các đồ vật. Ví dụ, trường hợp một nhà máy có thể làm ra một loại sản phẩm rất rẻ nhưng lại làm ô nhiễm môi trường, gây ra sự giảm sút về phúc lợi cho nhưng người khác. Và do vậy, vai trò kinh tế của Nhà nước là điều chỉnh lại sự bất hợp lý này. Bằng sự can thiệp, Nhà nước buộc tất cả những ai hưởng lợi từ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đều phải trả toàn bộ chi phí sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ấy.

Nhà nước không dễ dàng quyết định chính xác chi phí ấy là bao nhiêu, vì không thể định lượng một cách chính xác tác hại mà sự ô nhiễm ấy có thể gây ra cho xã hội. Vì những khó khăn này, Nhà nước cần phải đảm bảo chi phí giảm ô nhiễm không được cao hơn so với chi phí mà ô nhiễm gây ra cho xã hội. Nếu không các nguồn lực sẽ không được phân bố hiệu qua.

Nhà nước có thể sử đụng một hệ thống thuế, luật pháp, điều lệ, mức hình phạt, thậm chí cả mức truy tố để nhằm giảm ô nhiễm. Ngoài ra, Nhà nước còn sử dụng cả chính sách quyền sở hữu công khai nguồn tài nguyên, người sử dụng nguồn tài nguyên này nếu gây ô nhiễm sẽ phải chịu chi phí theo giá thị trường. Các khoản thuế hay biện pháp trợ cấp tối ưu đều được coi là phương thức để Nhà nước xứ lý những yếu tố ngoại vi. Do chỗ toàn bộ chi phí xã hội là cái quan trọng quyết định sự phân bố tài nguyên một cách có hiệu quả, còn những chi phí tư nhân quyết định giá hàng, cho nên vai trò của Nhà nước là tạo ra sự thăng bằng giữa cá nhân và xã hội thông qua việc điều chỉnh sản xuất thừa hoặc tiêu dùng thừa vào chi phí ngoại vi. Nhà nước cần can thiệp xem xét giá trị của các yếu tố ngoại vi.

4. Vai trò của Nhà nước đối với vấn đề thu nhập và phúc lợi

Phúc lợi xã hội là một bộ phận thu nhập quốc dân được sử dụng nhằm thỏa mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần của các thành viên trong xã hội, chủ yếu được phân phối lại, ngoài phân phối theo lao động. Bảo đảm phúc lợi xã hội cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng. Đại hội XIII của Đảng đã có bước phát triển mới về nhận thức lý luận và định hướng chính sách đối với vấn đề phúc lợi xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong nền kinh tế thị trường, khả năng kiếm sống ở một số người là rất hạn chế, trong khi đó, số khác lại có nguồn thu nhập rất lớn. Vai trò của Nhà nước là không thể thiếu được trong việc phân phối lại thu nhập để trong chừng mực cho phép, có thể thu hẹp lại khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội. Trên thực tế, các chính phủ đều luôn thực hiện điều đó thông qua chính sách thuế, đặc biệt là thuế thu nhập nhằm tạo ra sự công bằng hơn trong phân phối.

. Trong hầu hết các nền kinh tế thị trường, Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao phúc lợi công cộng, xoá đói, giảm nghèo. Các vấn đề như việc làm, sức khoẻ, bảo hiểm y tế, lương hưu, trợ cấp khó khăn… luôn là những vấn đề rất cần đến sự quan tâm của Nhà nước. Rõ ràng, điều bàn cãi không còn là ở chỗ Nhà nước có nên tạo ra quỹ phúc lợi hay không, có nên thực hiện phân phối lại thông qua thuế thu nhập hay không... mà là mức độ thực hiện ra sao để vẫn có thể khích lệ được mọi thành phần lao động trong việc tạo ra của cải và tiết kiệm trong việc chi dùng những của cải ấy.

5. Vai trò của Nhà nước trong các chính sách tài chính và tiền tệ

Nhà nước trong các nền kinh tế thị trường đóng một vai trò rất lớn trong việc tạo ra các điều kiện kinh tế để thị trường tư nhân có thể phát huy hết hiệu quả hoạt động của mình.

Một trong các vai trò đó là tạo ra một thị trường tiền tệ ổn định, được chấp nhận rộng rãi, có khả năng loại bỏ hệ thống giao dịch cồng kềnh, kém hiệu quả và đồng thời có khả năng duy trì giá trị tiền tệ thông qua các chính sách hạn chế lạm phát.

Khi tăng chi tiêu vào thời điểm thất nghiệp cao và lạm phát thấp, Nhà nước đã tăng cung ứng tiền, dẫn tới giảm lãi suất (tức giám giá đồng tiền), nhờ đó ngân hàng mới có nhiều điều kiện cho vay và chi tiêu cho tiêu dùng được tăng lên. Điều đó có nghĩa là kích cầu vì tiêu dùng là bộ phận cấu thành lớn nhất và ổn định nhất của tổng cầu. Lãi suất thấp, đồng thời khuyến khích đầu tư, các chủ doanh nghiệp có thể mở rộng sản xuất, thuê thêm công nhân. Trong thời kỳ lạm phát cao và thất nghiệp thấp thì ngược lại, Nhà nước “làm nguội" nền kinh tế bằng cách tăng lãi suất, giảm cung ứng tiền. Cùng với việc giảm tiền và tăng lãi suất, cả chỉ tiêu lẫn giá cả đều có xu hướng giảm hoặc ít nhất, nếu có tăng thì cũng rất chậm, và kết quả là thu hẹp lại sản lượng và việc làm.

Khi cả thất nghiệp và lạm phát xảy ra đồng thời, chính phủ có thể rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Bởi vì, các chính sách tài chính và tiền tệ đều điều chỉnh lại mức chi tiêu của cả một nền kinh tế quốc dân, nhưng lại không thể đối phó với sự giảm đột ngột về cung - một nhân tố có thể đẩy nhanh cả lạm phát lẫn thất nghiệp. Tình trạng này đã xảy ra vào những năm 70 của thế kỷ XX, khi có lệnh đình chỉ xuất khẩu đầu của các nước sản xuất dầu, dẫn tới giá cả tăng nhanh trong nền kinh tế các nước công nghiệp hoá. Như vậy, sự giảm cung sẽ dẫn đến tình trạng giá cả tăng nhanh trong khi đó thì sản xuất và việc làm lại giảm. Để đối phó với cú sốc cung này đối với nền kinh tế quốc dân, Nhà nước có thể tăng cường các biện pháp khuyến khích sản xuất, tiết kiệm và đầu tư, tăng hiệu quả cạnh tranh băng cách giảm sự độc quyền, khắc phục sự trì trệ và kìm hãm của các nguồn lực quan trọng.

Như vậy, có thể nói, dẫu Nhà nước không thể cung cấp phương thuốc bách bệnh trong cuộc đấu tranh muôn thuở với lạm phát và thất nghiệp trong các nền kinh tế thị trường thì nó vẫn được coi là nhân tố tích cực trong việc điều hoà các ảnh hưởng của chúng. Hầu hết các nhà kinh tế hiện nay đều thừa nhận tầm quan trọng của Nhà nước trong cuộc đấu tranh chống lạm phát và thất nghiệp thông qua các chính sách ồn định dài hạn.

Luật Minh Khuê (biên tập và sưu tầm)