Trong chiến dịch Việt Bắc ta có những trận thắng lớn não

Chiến thắng Việt Bắc (7-10 đến 22-12-1947) Ngày 7-10-1947, giặc Pháp huy động hơn hai vạn quân tinh nhuệ, có máy bay, tàu chiến hỗ trợ mở cuộc tiến công lớn lên Việt Bắc, hòng tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta, kết thúc “chớp nhoáng” cuộc chiến tranh xâm lược. Chúng cho quân nhảy dù xuống Bắc Cạn, đồng thời huy động một cánh từ Lạng Sơn tiến lên Cao Bằng, Bắc Cạn; một cánh ngược sông Hồng, sông Lô lên Tuyên Quang, Chiêm Hóa, hình thành hai gọng kìm khép chặt căn cứ địa Việt Bắc. Quân và dân Việt Bắc đã liên tiếp đánh chặn và phản công tiêu diệt địch ở khắp nơi, nổi bật là các trận: Bình Ca (Tuyên Quang), Bông Lau (Cao Bằng), Đoan Hùng, Khu Lau trên sông Lô… Sau hơn hai tháng chiến đấu, ta loại khỏi vòng chiến đấu gần 7.500 tên địch, bắn rơi 18 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 50 tàu chiến và ca nô; phá hủy 255 xe cơ giới, thu hàng nghìn súng các loại.

Chiến thắng Việt Bắc là một thắng lợi lớn đầu tiên của quân và dân ta, làm phá sản chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, đưa cuộc kháng chiến chuyển sang một giai đoạn mới.

Chiến thắng Biên giới (16-9 đến 14-10-1950) Tháng 6-1950, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới. Ngày 7-7-1950, Bộ Tổng Tư lệnh ra mệnh lệnh về chiến dịch Biên giới Cao-Lạng (chiến dịch Lê Hồng Phong II). Mục đích là tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới, mở đường thông với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Ngày 16-9-1950, quân ta đánh trận mở đầu, diệt cụm cứ điểm Đông Khê. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 3-10-1950, địch vội ra lệnh cho quân ở Cao Bằng rút chạy, đồng thời huy động quân ở Thất Khê lên ứng cứu. Bộ đội ta liên tiếp đánh chặn trong hai ngày 7 và 8-10-1950, lần lượt tiêu diệt hai binh đoàn Lơ-pa-giơ và Sác-tông ở núi Cốc Xá và điểm cao 477. Thừa thắng, quân ta chuyển sang tiến công giải phóng một dải biên giới dài 100 km từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến Đình Lập, An Châu, Tiên Yên (Quảng Yên). Kết quả, ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 8.000 tên địch (bắt sống 3.500 tên, trong đó có toàn bộ cơ quan chỉ huy của hai binh đoàn), gồm tám tiểu đoàn, trong đó có năm tiểu đoàn ứng chiến, chiếm hơn một nửa lực lượng cơ động chiến lược của địch ở Bắc Bộ; phá vỡ hệ thống phòng ngự đường số 4 của địch, giải phóng năm thị xã, 13 thị trấn với 35 vạn dân; củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc, nối liền nước ta với các nước xã hội chủ nghĩa.

Chiến dịch Biên giới là chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên, là một chiến dịch đánh vận động, đánh tiêu diệt xuất sắc, đạt hiệu suất chiến đấu cao của quân và dân ta. Chiến thắng Biên giới đã phá tan kế hoạch của địch bao vây chia cắt Bắc Bộ, bao vây căn cứ địa Việt Bắc và phong tỏa biên giới Việt – Hoa, tạo ra bước phát triển mới của cuộc kháng chiến.

Còn nữa

THU HUYỀN-VÂN ANH (Sưu tầm, giới thiệu)

Sau khi được tăng viện lực lượng, kế hoạch mở chiến dịch tiến công lên Việt Bắc, được Bộ chỉ huy Pháp vạch ra cụ thể từ tháng 7-1947 và được Chính phủ Pháp thông qua, bắt đầu mở màn, nhằm: tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến, đánh quỵ chủ lực ta, thúc đẩy việc thành lập chính phủ bù nhìn toàn quốc, hoàn thành công cuộc tái xâm lược Việt Nam.

Bộ chỉ huy Pháp đã huy động một lực lượng lớn gồm 12.000 quân, chia làm ba hướng đường không, đường bộ, đường thủy bất ngờ tiến công căn cứ địa Việt Bắc.

Ngày 7-10-1947, hàng đoàn máy bay vận tải chở quân Pháp nhảy dù xuống thị xã Bắc Cạn. Ðồng thời, cánh quân đường bộ xuất phát từ Lạng Sơn, theo  quốc lộ số 4 tiến lên Cao Bằng, rồi sẽ từ Cao Bằng tiến xuống Bắc Cạn theo quốc lộ 3 và hội quân với hướng tiến công theo đường thủy từ sông Hồng lên sông Lô, sông Gâm tại Ðài Thị, Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Bộ chỉ huy  quân Pháp cho rằng với hai gọng kìm đường bộ (dài 420 km), đường thủy (dài 250 km), kết hợp binh đoàn dù bất ngờ đổ bộ từ trên không xuống trung tâm căn cứ địa, toàn bộ Việt Bắc sẽ bị bao vây chặt và bị khuấy đánh từ bên trong, Chính phủ và quân đội Việt Minh sẽ nhanh chóng tan rã và bị bắt gọn.

Tuy nhiên, Bộ chỉ huy quân Pháp đã tỏ ra quá chủ quan trước sức mạnh quân sự của chúng mà không tính đến sức chiến đấu kiên cường của quân và dân ta, đặc biệt là các lực lượng vũ trang, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy có bị bất ngờ lúc đầu do việc lính dù Pháp nhảy xuống sâu trong hậu phương căn cứ địa, nơi chúng nghi ngờ có cơ quan đầu não kháng chiến, nhưng nhìn chung, quân và dân Việt Bắc đã có sự chuẩn bị sẵn sàng đánh bại cuộc tiến công của kẻ thù.

Ngay trong đêm 7-10-1947, Thường vụ Trung ương Ðảng đã điện cho các khu ủy, quân khu ủy: "7 tháng 10, Pháp nhảy dù chiếm Bắc Cạn, Chợ Mới mưu tiến công Việt Bắc. Vậy đoàn thể ra lệnh: khu ủy và quân khu ủy chỉ huy bộ đội đánh mạnh để chia xẻ lực lượng địch và phá kế hoạch của chúng." (1)

Ngày 8-10, Bộ Tổng chỉ huy ra nhật lệnh và quân lệnh kêu gọi bộ đội và dân quân chiến đấu phá tan cuộc tiến công của địch, bảo vệ Việt Bắc đồng thời chỉ thị những nhiệm vụ cụ thể cho Vệ quốc quân, du kích, dân quân tự vệ, ủy ban kháng chiến các cấp và toàn thể nhân dân cả nước phá kế hoạch Thu Ðông của địch "chiến đấu theo mệnh lệnh đã định để phối hợp với Việt Bắc".

Một điều ngẫu nhiên tình cờ nhưng cũng phù hợp lô gích là ngày 9-10, bộ đội phòng không bố trí ở phía nam thị xã Cao Bằng đã bắn rơi chiếc máy bay chở viên sĩ quan tham mưu Pháp tên là Lăm-be, thu được kế hoạch và bản đồ cuộc tiến công Việt Bắc của địch. Tài liệu quan trọng này, đã được chiến sĩ Nguyễn Doanh Lộc chạy bộ suốt mấy ngày đêm từ Cao Bằng về khu vực núi Hồng (huyện Ðịnh Hóa, Thái Nguyên), giao cho Bộ Tổng chỉ huy, đã tạo cơ sở để Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng, Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy nhanh chóng đề ra kế hoạch phản công.

Ngày 15-10, Chủ tịch Hồ Chí Minh  gửi thư kêu gọi bộ đội, dân quân, du kích và toàn thể đồng bào ra sức tiêu diệt địch. Người phân tích âm mưu địch hội quân ở Bắc Cạn, tạo thành cái ô bọc lấy Việt Bắc, rồi chúng cụp ô lại, dưới đánh lên, trên đánh xuống, phá cho được cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến. Sau đó chúng bình định các vùng khác. Người cho rằng: địch chỉ mạnh ở hai gọng kìm, gọng kìm mà gẫy thì cái ô cụp xuống sẽ thành ô rách.

Cùng ngày, sau cuộc họp, Ban Thường vụ Trung ương ra Chỉ thị "Phải phá tan cuộc tiến công mùa Ðông của giặc Pháp", vạch rõ phương hướng hành động cụ thể của quân và dân ta: giam chân địch tại các căn cứ của chúng vừa chiếm; triệt để làm vườn không nhà trống; chặt đứt giao thông liên lạc không cho chúng tiếp ứng và tiếp tế; bảo toàn chủ lực nhưng đồng thời phải nhằm những chỗ yếu của địch để tiêu diệt, buộc chúng phải rút.

Ngay khi địch khởi sự cuộc tiến công, bộ đội và dân quân, du kích trên các hướng đã kiên cường đánh trả, khiến quân Pháp không thể thực hiện theo đúng kế hoạch thời gian đã định, không thể hội quân tại địa điểm đã dự kiến, trái lại bị tổn thất khá nặng.

Chấp hành Chỉ thị của Thường vụ Trung ương Ðảng, trong quá trình chỉ đạo cuộc phản công, Bộ Tổng chỉ huy đã linh hoạt, tích cực điều động, bố trí lực lượng theo yêu cầu tác chiến. Hàng chục tiểu đoàn và đại đội độc lập của các Liên khu 1, 10 nhanh chóng được thành lập. Nhiệm vụ và cách đánh của đại đội độc lập được xác định là "cùng với du kích phát triển chiến tranh nhân dân, dùng chiến thuật du kích quấy rối, tiêu hao địch... đối với những vị trí nhỏ, bao vây tiêu diệt, nếu không có điều kiện thì luôn luôn uy hiếp để bức rút, bức hàng, tăng cường địa lôi chiến, phục kích các đường rừng, đánh đường sông." (2)

Trên các mặt trận, Bộ Tổng chỉ huy đã mau lẹ thực hiện tổ chức chiến trường, hình thành thế bố trí đánh địch liên hoàn.

 Mặt trận đường số 3: tiểu đoàn tập trung và 7 đại đội độc lập của Trung đoàn 121 bố trí đánh địch ở Ðông Anh, Ða Phúc, Kim Anh, Yên Lãng, Phú Bình, Võ Nhai, Chợ Chu, Ðại Từ, Ðồng Hỷ. Các đơn vị của Trung đoàn 72 và Trung đoàn 165 hoạt động ở khu vực Bắc Cạn, Nguyên Bình, Chợ Ðồn, Chợ Rã, Ngân Sơn, Na Rì, Phủ Thông.

 Mặt trận đường số 4: các đơn vị của Trung đoàn 74 hoạt động trên đoạn đường Ðông Khê - Cao Bằng và các địa phương thuộc Nguyên Bình, Hòa An, Quảng Uyên, Phục Hòa. Trung đoàn 11 đánh địch trên đoạn đường Lạng Sơn - Ðông Khê, Lạng Sơn - Ðồng Mỏ và các địa phương thuộc Thất Khê, Na Sầm, Ðồng Ðăng, Ðiềm He, Lộc Bình.

 Mặt trận sông Lô: Trung đoàn chủ lực của Khu 10 và một tiểu đoàn chủ lực của Bộ đánh địch trên sông Lô, đoạn từ Việt Trì tới Tuyên Quang. Trung đoàn 147 bố trí bảo vệ phía nam đường liên tỉnh Tuyên Quang - Thái Nguyên. Các đồng chí Tổng chỉ huy trực tiếp phụ trách chỉ đạo mặt trận đường số 4; Tổng tham mưu trưởng - mặt trận đường số 3; Tổng thanh tra quân đội - mặt trận sông Lô.

Trong giai đoạn đầu của chiến dịch phản công, Bộ Tổng chỉ huy và chỉ huy các đơn vị đã triệt để khai thác điểm yếu chí mạng của địch là khâu tiếp tế, vận chuyển bởi địa bàn Việt Bắc rộng lớn, giao thông chưa phát triển, lại xa hậu phương nên chúng sẽ gặp khó khăn rất lớn trong việc bảo đảm hậu cần, kỹ thuật. Các đơn vị tập trung chặn đánh địch trên cả đường sông, đường bộ.

Ngày 24-10, pháo binh ta bố trí trận địa ngay sát bờ sông tại Ðoan Hùng, nổ súng bắn chìm hai tàu địch, làm bị thương hai chiếc khác.

Ngày 30-10, trên đường số 4, Trung đoàn 11 tổ chức phục kích trên đoạn Bản Sao - đèo Bông Lau, phá hủy 27 xe quân sự, diệt và bắt hàng trăm địch. Tiếp đó, cán bộ, chiến sĩ trung đoàn tiến công tiêu diệt vị trí Văn Mịch. Ngày 8-11, chặn đánh địch tại Áng Mò, diệt nhiều tên. Ðường số 4 trở thành "con đường chết" của giặc Pháp.

Hơn một vạn quân bị ném lọt thỏm vào khu vực núi rừng rộng lớn Việt Bắc đã không gây được khó khăn cho ta, không chụp bắt được cơ quan đầu não, không đánh quỵ được chủ lực đối phương, ngoài việc phá được một số kho tàng, công xưởng, trái lại còn bị bộ đội, du kích bám đánh, quấy rối, tiêu hao liên tục, bị nhân dân bất hợp tác, làm vườn không nhà trống... đã khiến Bộ chỉ huy Pháp phải tính đến việc rút lui cục bộ ở một số nơi mà chúng mới chiếm như Bản Thi, Yên Thịnh (28-10); Chợ Ðồn (13-11); Chợ Rã, Ngân Sơn (16-11), v.v. Bước một kế hoạch tiến công Việt Bắc mang tên Lê-a của Pháp đã thất bại sau một tháng rưỡi triển khai tập trung càn quét khu vực phía bắc và tây bắc căn cứ địa. Hai gọng kìm của địch đã bị bẻ gẫy, khiến cái ô chụp xuống Việt Bắc trở thành ô rách.

Không cam chịu thất bại nhanh chóng, ngày 20-11-1947, Bộ chỉ huy Pháp quyết định chuyển sang thực hiện bước hai kế hoạch mang tên Xanh-tuya (vành đai) nhằm càn quét, truy bắt các cơ quan lãnh đạo kháng chiến, tiêu diệt chủ lực ta đang đóng quân trong phạm vi khu tứ giác Tuyên Quang - Thái Nguyên - Việt Trì - Phủ Lạng Thương, rộng khoảng 8.000 km2.

Nắm được âm mưu và hành động rút bỏ một số nơi của địch, Bộ Tổng chỉ huy lệnh cho các mặt trận bố trí lại lực lượng, bám địch, không để lỡ thời cơ diệt địch, không ham đánh trận to, phát động phong trào đánh địch rộng rãi, khiến quân Pháp đi đến đâu cũng bị đánh.

Hai trung đoàn 147 và 165 (chủ lực Bộ) làm nhiệm vụ cơ động. Trung đoàn Hà Tuyên và bộ đội pháo binh chặn địch khu vực Sơn Dương, Vĩnh Yên và trên sông Lô. Trung đoàn 66 phối hợp bộ đội Khu 10 hoạt động ở Vĩnh Phúc. Tiểu đoàn 160 đánh địch ở khu vực Chợ Chu, Chợ Mới, Ðại Từ. Tiểu đoàn 103 hoạt động ở Quảng Nạp, Phú Minh, Ðồn Ðu, v.v.

Ðêm 22-11, quân Pháp bí mật rút khỏi thị xã Tuyên Quang theo đường sông, đường bộ về Bình Ca. Bộ đội và du kích bám đánh địch rút trên đoạn Bình Ca-Sơn Dương, diệt hàng trăm tên. Ở phía tây nam, địch từ Hòa Bình đưa quân ra càn quét khu vực Hưng Hóa, Thu Cúc. Một bộ phận từ Hưng Hóa vượt sông Hồng đánh chiếm Việt Trì. Ở phía đông, ngày 25-11, quân Pháp từ Phả Lại theo đường bộ và sông Thương tiến lên Bắc Giang, đánh chiếm Phủ Lạng Thương, tổ chức càn quét Nhã Nam, Bố Hạ, Yên Thế, Việt Yên. Ở hướng đường số 3, ngày 25-11, quân Pháp từ Bắc Cạn rút xuống Chợ Mới, Quán Vuông, Chợ Chu, rồi tiếp tục rút khỏi Chợ  Chu, ngày 26-11, về La Hiên, Tràng Xá, Cù Vân và khu vực chung quanh thị xã Thái Nguyên...

Ðịch đi đến đâu cũng bị quân dân ta bám đánh liên tục. Ngày 28-11, chúng bị chặn đánh ở Kam Tra; ngày 29-11, bị tiêu hao ở Lục Rã; ngày 1-12, bị phục kích ở khu vực quán ông Già. Ngày 30-11, Tiểu đoàn 130 và một đại đội độc lập phối hợp trung đội du kích Bắc Cạn tập kích vị trí Phủ Thông, diệt 50 địch. Ðây là lần đầu trên mặt trận đường số 3, quân địch bị diệt ngay tại vị trí có công sự kiên cố, khiến hệ thống đồn bốt của chúng ở khu vực này rung chuyển.

Ngày 6-12, quân Pháp rút khỏi Ðịnh Hóa. Ngày 7-12, rút khỏi Võ Nhai... Ngày 15-12, bộ đội ta phục kích tại Ðèo Giàng (đường số 3), phá hủy  17 xe, diệt 60 tên địch.

Như vậy, sau hơn hai tháng tung quân lên Việt Bắc nhằm đánh một đòn quyết định kết thúc chiến tranh trong thời gian ngắn, quân Pháp đã nếm trải một thất bại chiến lược nặng nề nhất kể từ đầu chiến tranh, không thực hiện được bất cứ mục tiêu chủ yếu nào của cuộc tiến công. Ngày 19-12-1947, lực lượng Pháp còn lại phải rút khỏi Việt Bắc. Quân và dân ta đã thực hành một chiến dịch phản công thắng lợi, vừa bảo vệ được cơ quan đầu não, bảo toàn được chủ lực và cơ sở kháng chiến vừa tiêu hao, tiêu diệt được bộ phận lớn quân địch, phá tan cuộc tiến công chiến lược của địch, làm phá sản hoàn toàn chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh" của thực dân Pháp.

---------------------

(1). Ðiện số 228 ÐMB của Thường vụ Trung ương. Tập mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy năm 1947-Lưu trữ Bộ Quốc phòng.

(2). Những tài liệu chỉ đạo các chiến dịch của Trung ương Ðảng, Tổng quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh. Bộ Tổng tham mưu xuất bản, 1963, tập 1, tr.52.

Ðại tá, TS NGUYỄN MẠNH HÀ (Viện Lịch sử quân sự Vi