Xây dụng de cương nghiên cứu tình hình tội giết người

[Luận văn ] Tội giết người theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn TP. Hồ Chí Minh

THÔNG TIN LUẬN VĂN

  • Trường: Học viện Khoa học xã hội
  • Tác giả: ThS. Trịnh Văn Toản
  • Định dạng: PDF
  • Số trang: 80 trang
  • Năm: 2017

Xây dụng de cương nghiên cứu tình hình tội giết người
Xây dụng de cương nghiên cứu tình hình tội giết người

1. Tính cấp thiết của đề tài

Trong Tuyên Ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà (nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “… tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” và Tuyên ngôn nhân quyền thế giới ngày 10/12/1948, tại Điều 3 Quy định: “Mọi người đều có quyền sống, được tự do và bảo đảm an ninh”. Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam cũng đã quy định tại Chương II về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh “Mọi người đều có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật” (Điều 19).

Con người là vốn quý, là giá trị cao nhất của xã hội, quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội. Trong đó, quyền sống là quyền thiêng liêng và quan trọng nhất trong các quyền cơ bản của con người. Chính vì thế, pháp luật quốc tế và pháp luật các quốc gia đều ghi nhận và bảo vệ quyền sống của con người. Ở nước ta, từ khi Hiến pháp năm 1946 được ban hành đến nay, quyền sống luôn được ghi nhận là quyền thiêng liêng và quan trọng nhất trong các quyền cơ bản của con người. Theo pháp luật Việt Nam, hành vi trái pháp luật xâm phạm đến tính mạng con người, tước đi quyền được sống của họ luôn được coi là một tội ác cần phải trừng trị nghiêm khắc nhất và phải bị loại bỏ.

Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế – xã hội, quyền con người ở nước ta ngày càng được tôn trọng và đảm bảo. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế, đã nảy sinh nhiều vấn đề xã hội, trong đó có các vấn đề về việc làm, tệ nạn xã hội, quá trình đô thị hoá nhanh… ảnh hưởng đến sự gia tăng tội phạm nói chung và tội Giết người nói riêng.

Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh thời gian gần đây cũng có sự diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm nói chung và tình hình tội Giết người nói riêng. Trong vòng 5 năm từ 2012 đến 2016 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có đến 1195 số vụ khởi tố và 1163 số vụ xét xử với 1768 bị can phạm tội Giết người bị truy tố. Nhiều vụ án giết người xảy ra mang tính chất côn đồ, hung hãn và ảnh hưởng tiêu cực đến thái độ, tâm lý và đời sống của người dân.

Nghiên cứu các vấn đề từ thực tiễn để tổng kết thành kinh nghiệm, nêu lên một số tồn tại, bất cập trong quy định về tội giết người trong Bộ luật Hình sự. Để từ đó đưa một số đề xuất nhằm khắc phục hạn chế, bất cập.

Công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm nói chung và tội Giết người nói riêng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhằm góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng và chống tội phạm giết người hiện nay, tác giả chọn đề tài: “Tội Giết người theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh” làm đề tài nghiên cứu luận văn Thạc sĩ.

2. Tình hình nghiên cứu

Trong thời gian vừa qua, vấn đề đấu tranh phòng, chống tội Giết người đã được đề cập đến trong nhiều công trình khoa học, các bài viết tạp chí, bài nghiên cứu mà điển hình là:

Đồng Đại Lộc (2011), Đấu tranh phòng, chống tội phạm giết người của lực lượng cảnh sát nhân dân – Những vấn đề lý luận và thực tiễn: Sách chuyên khảo, Nxb Công an nhân dân. Cuốn sách trình bày lý luận, đánh giá thực trạng tình hình tội phạm giết người và hoạt động của lực lượng cảnh sát nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ở Việt Nam thời gian qua. Đề xuất giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.

Những đặc điểm tâm lý của bọn phạm tội giết người – cướp tài sản3 trong tình hình hiện nay và một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh: Đề tài khoa học cấp Bộ. Mã số: BC-1996 – T32B-022 do Đặng Văn Huệ (Chủ nhiệm đề tài), (2000) Nxb Công an nhân dân. Trong nghiên cứu đã nêu lên tình hình về tội phạm giết người – cướp tài sản và người phạm tội giết người – cướp tài sản từ 1986-1996. Đặc điểm tâm lý của những phạm nhân phạm tội giết người – cướp tài sản hiện đang thi hành án phạt tù tại các trại cải tạo. Những đặc điểm tâm lý gắn liền với hành động phạm tội của bọn phạm tội giết người – cướp. Những kiến nghị đề xuất về phòng ngừa, điều tra án giết người – cướp tài sản.

Đỗ Đức Hồng Hà, Tội giết người và đấu tranh phòng, chống tội phạm giết người ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Nxb: Tư pháp, H: 2009. Tác giả đã nêu lên một số vấn đề lý luận về tội giết người và tình hình tội phạm giết người. Tác giả đã nêu ra những nguyên nhân cơ bản của tội giết người và tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm giết người. Bên cạnh dự báo về tình hình tội phạm giết người, tác giả đã đưa ra một số giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm giết người.

Điều tra các vụ án giết người chưa rõ thủ phạm ở Việt Nam hiện nay cửa tác giả Triệu Quốc Kế. Nxb: Công an nhân dân, 1998, Hà Nội. Tác giả Thực trạng về tội phạm giết người và công tác điều tra án giết người ở Việt Nam. Phương pháp điều tra, các giải pháp cơ bản để nâng cao hiệu quả công tác điều tra và phòng ngừa tội phạm giết người ở Việt Nam.

Bài viết của tác giả Nguyễn Đức Dũng (2007): “Nguyễn Công, Đoàn Minh Hợp phạm tội giết người” đăng trên Số 11. Tr.33-35 Tạp chí Toà án nhân dân; tác giả Nguyễn Văn Lam (2007): Về bài “Hồ Ngọc Sang, Nguyễn Công, Đoàn Minh Hợp phạm tội giết người hay tội cố ý gây thương tích” đăng trên Số 7. Tr.44-45. Tạp chí Toà án nhân dân;

– Luận án Tiến sĩ Luật học với đề tài: “Tội Giết người trong Luật hình4 sự Việt Nam và đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này” của tác giả Đỗ Đức Hồng Hà, Trường Đại học Luật Hà Nội, năm 2006. Tác giả đã nêu lên một số vấn đề lý luận về tội giết người và tình hình tội phạm giết người trong giai đoạn 1996 – 2005. Từ thực tiễn đó, tác giả đã nêu ra những nguyên nhân cơ bản của tội giết người và tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm giết người. Bên cạnh dự báo về tình hình tội phạm giết người, tác giả đã đưa ra một số giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm giết người.

– Luận văn Thạc sĩ Luật học với đề tài: “Đấu tranh phòng, chống tội Giết người trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa” của tác giả Lê Thúy Phượng, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, năm 2009;

– Luận văn Thạc sĩ luật học đề tài: “Đấu tranh phòng, chống tội Giết người trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh” của tác giả Tô Mạnh Hà, Học viện Khoa học xã hội, năm 2013.

Các công trình nghiên cứu trên đã góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận cơ bản về tội Giết người, lịch sử lập pháp hình sự về tội Giết người, dấu hiệu pháp lý cấu thành và đường lối xử lý đối với tội Giết người theo quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời làm rõ nhiều nội dung liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội Giết người như: Tình hình tội Giết người, nguyên nhân, điều kiện, giải pháp phòng, chống tội Giết người…

Các công trình trên đã có nhiều đóng góp nhưng chưa có công trình nào đi sâu nghiên cứu về tội giết người theo Luật Hình sự hiện hành, đăc biệt là đi sâu vào nghiên cứu cả lý luận và thực tiễn qua các vụ án đã được xét xử để phân tích những tình tiết định tội danh, quyết định hình phạt… trên một địa bàn cụ thể. Đề tài “Tội Giết người theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh” trong những năm gần đây đã có cái nhìn xuyên suốt từ lý luận và thông qua thực tiễn đã đưa ra những giải pháp cơ bản trong đấu tranh phòng chống tội giết người từ thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu

Luận văn nghiên cứu những vấn đề lý luận, những quy định pháp lý về tội Giết người, tổng kết thực tiễn định tội danh và quyết định hình phạt đối với tội phạm này từ đó đưa ra những đề xuất để hoàn thiện những quy định về tội danh này trong Bộ luật Hình sự.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Để đạt được mục đích nghiên cứu nêu trên, luận văn đặt ra các nhiệm vụ nghiên cứu sau đây:

– Nêu và phân tích, làm rõ những vấn đề lý luận và pháp luật về tội Giết người theo pháp luật Hình sự Việt Nam.

– Thực tiễn định tội danh và quyết định hình phạt đối với tội Giết người trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

– Từ thực trạng việc áp dụng các quy định về tội Giết người, tác giả đưa ra một số giải pháp đảm bảo áp dụng đúng các quy định của pháp luật hình sự về tội Giết người.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận văn là tội Giết người dưới góc độ pháp luật hình sự.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi nghiên cứu của luận văn là những quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tội giết người và thực tiễn xét xử tại thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2012 đến nay (2017).

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

5.1. Phương pháp luận

Trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử cũng như lý luận về luật hình sự và tội phạm học.

5.2. Phương pháp nghiên cứu

Tác giả sử dụng các phương pháp nghiên cứu như phân tích, so sánh, đánh giá, tổng hợp, thống kê… để thực hiện các nhiệm vụ của luận văn.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn

6.1. Ý nghĩa lý luận

Luận văn góp phần làm sáng tỏ các vấn đề lý luận về luật hình sự và tội phạm học đối với tội Giết người. Luận văn có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho sinh viên, học viên trong các trường Đại học, Học viện chuyên về Luật.

6.2. Ý nghĩa thực tiễn của luận văn

Luận văn cũng cung cấp thông tin hữu ích cho việc nghiên cứu thực tiễn định tội danh và quyết định hình phạt tội Giết người trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, có giá trị trong việc nghiên cứu đề xuất giải pháp hoàn thiện Bộ luật Hình sự hiện hành.

7. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm ba chương, cụ thể là:

– Chương 1: Những vấn đề lý luận về tội Giết người theo pháp luật hình sự Việt Nam.

– Chương 2: Thực tiễn định tội danh và quyết định hình phạt đối với tội Giết người trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

– Chương 3: Các giải pháp bảo đảm đúng quy định của pháp luật hình sự về tội giết người trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.