Can thiệp thị trường nông sản bằng cách nào

(ĐCSVN) - Năm 2016, sản xuất nông nghiệp diễn ra trong bối cảnh thiên tai khắc nghiệt, tốc độ tăng trưởng toàn ngành tăng 1,2%. Tuy trồng trọt giảm 0,9%, nhưng giá trị sản xuất vẫn tăng 1,44%, xuất khẩu tăng khá.

Can thiệp thị trường nông sản bằng cách nào

Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đ.H)

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoại trừ trồng trọt giảm, nhưng chăn nuôi tăng 5,4%, lâm nghiệp tăng 6,17%, thuỷ sản tăng 2,91%. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt khoảng 32,1 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2015. Điểm đáng chú ý, năm 2016 tiếp tục duy trì được 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên. Năm 2017 được ngành nông nghiệp coi là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2016 - 2020 với mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 2,5 - 2,8%, giá trị sản xuất tăng 3-3,2%, kim ngạch xuất khẩu khoảng 32-32,5 tỷ USD. Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề đặt ra là làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục được điều chỉnh phù hợp với định hướng tái cơ cấu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, khi thuế quan tiến tới xoá bỏ theo tinh thần các hiệp định thương mại tự do, ngành nông nghiệp cần tăng cường hơn nữa việc xây dựng chuỗi giá trị cạnh tranh. Theo đó, Chính phủ có thể hỗ trợ các tổ chức người tiêu dùng hoặc nhà sản xuất và các hiệp hội ngành hàng theo hai hướng giúp tăng cường năng lực tổ chức và thông qua các công cụ pháp lý.

Hiện nay một số hiệp hội thực ra đang làm đầu mối cho Chính phủ, nhưng trong tương lai, các tổ chức đó cần giữ vai trò lớn hơn về kỹ thuật hoặc thương mại. Tuy hợp đồng nông sản chủ yếu liên quan đến doanh nghiệp tư nhân, nhưng không hiếm trường hợp Chính phủ có thể tham gia hỗ trợ nhằm thực hiện các mục tiêu rộng hơn, ví dụ tăng trưởng bao trùm, an ninh lương thực hoặc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (tuy cách làm này vẫn có nhược điểm của nó). Trong một số ngành, ví dụ nuôi trồng thủy sản, gạo đặc sản, trái cây, rau hoa, có thể xem xét hình thành các cụm liên kết ngành và Nhà nước có thể can thiệp giúp đỡ. Tăng cường năng lực cả khu vực công và khu vực tư nhân nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm. Để đối phó với các thách thức về an toàn thực phẩm, Việt Nam đã tiến hành sửa đổi các quy định trên lĩnh vực này, đầu tư vào các phòng thí nghiệm, đổi mới cơ cấu tổ chức, ví dụ giảm số bộ phụ trách an toàn thực phẩm từ 6 xuống còn 3.

Việt Nam cũng chuyển hướng tập trung từ an toàn thực phẩm cho xuất khẩu sang thị trường trong nước. Để thực hiện những thay đổi này, Chính phủ cần giải quyết vấn đề nhân lực và tài chính một cách sáng tạo. Ví dụ, Chính phủ có thể xem xét mô hình đồng quản lý mà theo đó khu vực tư nhân sẽ giữ vai trò lớn hơn để cùng nhau giải quyết những hạn chế gặp phải. Nhưng dù thế nào cũng cần có hỗ trợ kỹ thuật và các hình thức hỗ trợ khác để giúp doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp chế biến thực phẩm quy mô vừa và nhỏ và mạng lưới phân phối phi chính thức, để họ nâng cao năng lực quản lý an toàn thực phẩm. Cần áp dụng cách tiếp cận dựa trên rủi ro để xây dựng các biện pháp can thiệp rõ ràng.

Xác định lại vị thế và xây dựng lại hình ảnh của nông nghiệp Việt Nam nhằm thúc đẩy thương mại trong ngành thực phẩm và các ngành nông nghiệp khác. Trước tình trạng hàng xuất khẩu Việt Nam ít được biết đến và giá trị thấp tại thị trường nước ngoài, Chính phủ cần thực hiện một số biện pháp nhằm khẳng định lại vị thế và xây dựng thương hiệu. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm những nước khác trong lĩnh vực này. Tại một số nước, những chiến lược như vậy cùng với áp lực cạnh tranh và cơ hội thị trường đã dẫn đến sự phát triển các sản phẩm riêng biệt và tạo thêm giá trị gia tăng. Trên thực tế, thương hiệu sản phẩm quốc gia hoặc vùng (là sự kết hợp giữa các yếu tố marketing, bảo vệ pháp lý, quản lý chất lượng) có thể tạo ra sự phát triển mạnh mẽ trên thị trường trong nước và quốc tế. Nâng cao thương hiệu quốc gia trong một số ngành có thể giúp thu hút đầu tư nước ngoài, khách du lịch, hỗ trợ phát triển thị trường trong nước và quốc tế.

Nhìn chung, trong thời gian tới, việc cần làm đầu tiên là giải quyết thách thức dài hạn về năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững nông nghiệp, đòi hỏi phải có sự can thiệp đa ngành của Chính phủ và phối hợp hành động của các bộ. Các biện pháp cải cách chính (ví dụ trong đất của doanh nghiệp nhà nước, khoa học công nghệ, phân cấp và phối hợp quản lý nhà nước) không thể chỉ được thực hiện riêng bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thứ hai, để hiện thực hóa khát vọng, Chính phủ cần đầu tư có lựa chọn vào một số hàng hóa và dịch vụ công, đồng thời khuyến khích nông dân và các doanh nghiệp tư nhân đầu tư và phát huy sáng kiến. Nói ngắn gọn, Chính phủ cần giảm chỉ đạo và tăng kiến tạo.