Sự khác nhau giữa đường máu mao mạch và tĩnh mạch

Để điều trị thường cần làm một số xét nghiệm để kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường. Sau đây là những xét nghiệm cần làm cho bệnh nhân đái tháo đường.

Sự khác nhau giữa đường máu mao mạch và tĩnh mạch

Xét nghiệm đường huyết mao mạch

Những xét nghiệm cần làm cho bệnh nhân đái tháo đường

Đường huyết

Đường huyết (ĐH) tĩnh mạch (phải làm ở phòng xét nghiệm). ĐH mao mạch (lấy một giọt máu ở đầu ngón tay, có thể tự thử ở nhà).

Đường niệu, HbA1c; ceton huyết, niệu; tổng phân tích nước tiểu, lipid máu.

Theo dõi ĐH lúc đói (trước ăn sáng), ĐH trước bữa ăn (trưa, tối), ĐH 2 giờ sau ăn. HbA1c mỗi 3 tháng 1 lần. Lipid máu lúc đói lúc chẩn đoán ĐTĐ nếu bình thường thì đo hàng năm. Đạm niệu mỗi năm một lần.

ĐH như thế nào thì gọi là ĐTĐ?

Để xác định có đái tháo đường, cần phải thử ĐH tĩnh mạch. Ở người bình thường: ĐH tĩnh mạch lúc đói 70 - 100mg/dl (được gọi là đói khi nhịn ăn ít nhất 8 giờ trước khi lấy máu). Người bị ĐTĐ khi ĐH lúc đói hơn hay bằng 126mg/dl (ít nhất 2 lần thử vào 2 ngày khác nhau).

Chú ý: không được dùng kết quả ĐH đo bằng máy thử ĐH ở đầu ngón tay để chẩn đoán ĐTĐ.

Khi điều trị ĐTĐ, ĐH bao nhiêu thì tốt?

Bảng dưới đây là mức ĐH cần phải đạt được khi điều trị.

Sự khác nhau giữa đường máu mao mạch và tĩnh mạch

Với một số người dễ bị hạ ĐH (người cao tuổi, rối loạn tri giác, ăn uống kém) không nên cố gắng đạt tới mức ĐH lý tưởng, chỉ cần giữ ở mức chấp nhận được.

Có cần phải thử đường trong nước tiểu hay không?

Hiện nay, thử đường niệu không còn được dùng phổ biến để theo dõi đái tháo đường nữa, vì nó có nhược điểm là không đánh giá được trường hợp ĐH không cao nhiều (từ 120 -180mg/dl). Thử đường niệu cũng không phát hiện được tình trạng hạ ĐH. Que thử đường niệu có ưu điểm là giá rẻ. Cách tốt nhất để tự theo dõi ĐH hiện nay là dùng máy đo ĐH ở đầu ngón tay. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn có thể dùng que thử đường trong nước tiểu để theo dõi tình trạng bệnh ĐTĐ nếu không có điều kiện mua máy đo ĐH.

Lời khuyên cho bệnh nhân đái tháo đường thử đường huyết tại nhà

Có thể thử ĐH ở nhà hay không?

Ở nhà có thể dùng máy thử ĐH ở đầu ngón tay để tự theo dõi ĐH. Đây là cách theo dõi điều trị ĐTĐ thuận tiện và thường được dùng hiện nay, nó giúp đánh giá tình trạng ĐTĐ tốt hay xấu. Kết quả được đo tại nhà nhanh sẽ giúp cho bác sĩ điều trị ĐTĐ tốt hơn cho người bệnh.

Nếu có máy thử ĐH ở nhà, nên thử ĐH mấy lần trong ngày và thử vào lúc nào?

Nên thử ĐH ở nhà tại những thời điểm sau đây:

ĐH lúc đói (trước ăn sáng), ĐH trước bữa ăn (trưa, tối), ĐH 2 giờ sau ăn (sau khi bắt đầu ăn), ĐH lúc đi ngủ (10 - 11g đêm).

Với ĐTĐ týp 1: có thể thử mỗi ngày từ 2 - 4 lần tùy trường hợp. Cần phải thử nhiều lần trong ngày khi đang cần điều chỉnh liều tiêm insulin để kiểm soát tốt ĐH.

Với ĐTĐ týp 2: không cần thường xuyên như ĐTĐ typ 1 mà chỉ cần 2 – 3 lần/tuần.

Với bệnh nhân ĐTĐ nói chung, cần thử ĐH khi có biểu hiện hạ ĐH (hồi hộp, vã mồ hôi, chân tay lạnh…), gọi là hạ ĐH khi chỉ số ĐH < 60mg/dl.

Huyết sắc tố A1c (HbA1c) là gì? Bao lâu thì phải thử lại?

Đường glucose trong máu sẽ gắn vào huyết sắc tố (Hb) trong hồng cầu. Đo HbA1c cho biết ĐH trung bình trong vòng 2 - 3 tháng trước đó. Bình thường thì HbA1c khoảng 4 -6% của tổng số Hb trong máu. Nếu HbA1c tăng cao hơn bình thường chứng tỏ ĐH không kiểm soát tốt trong thời gian 2 - 3 tháng trước khi đo. Chỉ cần đo HbA1c 3 tháng 1 lần, vì đời sống hồng cầu là 2 - 3 tháng mới thay hồng cầu mới.

Khi nào thì cần phải thử ceton trong máu và nước tiểu?

Nếu ĐTĐ không được điều trị tốt, ĐH tăng cao thì trong cơ thể có thể sinh ra ceton. Thể ceton mang tính acid sẽ có hại cho cơ thể. Tình trạng này cho biết trong cơ thể người bệnh đang thiếu insulin, bệnh nhân cần phải đến gặp bác sĩ để được điều trị gấp. Nên dùng que thử ceton niệu khi gặp các tình huống sau đây: bị cảm cúm hay sốt; ĐH cao >250mg/dl, buồn nôn, nôn, đau bụng; có thai.

Có cần thử đạm niệu không?

Khi bệnh nhân ĐTĐ có nhiều đạm trong nước tiểu là dấu hiệu cho biết thận đã bị tổn thương. Có hai mức độ tiểu ra đạm (albumin): tiểu albumin vi lượng là lượng albumin trong nước tiểu ít từ 30 - 300mg/24 giờ. Tiểu đạm đại lượng là lượng đạm trong nước tiểu nhiều > 300mg/24 giờ. Khi có đạm niệu, bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa điều trị theo dõi để tránh bị suy thận.

Dùng phương pháp nào đo đạm niệu?

Đo đạm niệu tại bệnh viện hay các trung tâm xét nghiệm sẽ cho biết chính xác lượng đạm trong nước tiểu hàng ngày để đánh giá tiểu đạm nhiều hay ít (chú ý không đo đạm niệu khi mới vận động, nhiễm toan ceton, sốt, nhiễm trùng vì kết quả đo sẽ không chính xác).

Tại sao bị ĐTĐ mà phải thử mỡ trong máu?

Bệnh nhân ĐTĐ thường hay có mỡ trong máu tăng cao. Khi mỡ trong máu tăng cao sẽ làm bệnh nhân dễ mắc bệnh tim mạch: nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.

Thử mỡ máu khi nào? Cần phải nhịn đói trước khi đi thử mỡ máu.

Thử những chỉ số gì? Thường có 4 yếu tố cần phải đo gồm: lipid máu, HDL - cholesterol, LDL - cholesterol, triglycerid .

ThS.BS. TRẦN QUANG NAM


Xét nghiệm nồng độ đường trong máu (hay còn gọi là xét nghiệm đường huyết) là loại xét nghiệm đo nồng độ một loại đường gọi là glucose có trong máu. Loại đường này là thành phần chính trong các thức ăn có chứa tinh bột như gạo, bánh mỳ. Đây là nguồn năng lượng chủ yếu cho cơ thể. Insulin là loại hóc-môn giúp các tế bào trong cơ thể sử dụng glucose. Insulin do tuyến tuỵ tiết ra và giải phóng vào máu khi nồng độ glucose trong máu tăng.

Thông thường, nồng độ glucose trong máu tăng sau khi ăn. Điều này khiến tuyến tuỵ giải phóng insulin vào máu, giúp điều chỉnh để nồng độ glucose không tăng quá cao. Nồng độ glucose cao trong thời gian dài có thể làm hại mắt, thận, đầu dây thần kinh, và mạch máu.

Có nhiều loại xét nghiệm đường huyết

  • Xét nghiệm đường huyết lúc đói: xét nghiệm này được tiến hành sau khi nhịn ăn ít nhất 8 tiếng. Thông thường đây là xét nghiệm đầu tiên để chẩn đoán tiền tiểu đường và tiểu đường.
  • Xét nghiệm đường huyết 2 giờ sau khi ăn: xét nghiệm này được tiến hành đúng 2 giờ sau khi ăn. Đây không phải là xét nghiệm để chẩn đoán tiểu đường mà là xét nghiệm để xem người bị tiểu đường có dùng đúng lượng insulin cần thiết tương ứng với các bữa ăn hay không.
  • Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên: xét nghiệm này được tiến hành vào bất cứ lúc nào trong ngày, không liên quan đến bữa ăn. Xét nghiệm này có thể được tiến hành vài lần trong ngày. Ở người khoẻ mạnh nồng độ glucose trong máu không thay đổi nhiều trong ngày. Nếu nồng độ glucose biến động lớn trong ngày thì có nghĩa là có điều gì đó không bình thường.
  • Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống: đây là một loại xét nghiệm khác để chẩn đoán tiền tiểu đường và tiểu đường. Khi tiến hành xét nghiệm này, mẫu máu được lấy vài lần sau khi uống chất lỏng có chứa glucose. Xét nghiệm này thường được dùng để chẩn đoán tiểu đường thai kỳ. Thai phụ nếu có đường huyết cao trong thai kỳ có thể cần phải làm nghiệm pháp này sau khi sinh.
  • Xét nghiệm HbA1c máu: xét nghiệm này đo lượng đường glucose ở dạng kết hợp với hồng cầu trong máu. Xét nghiệm này cũng có thể dùng để chẩn đoán tiểu đường, hoặc để kiểm tra xem bệnh tiểu đường có được kiểm soát tốt hay không và liệu có phải điều chỉnh cách điều trị hay không. Kết quả định lượng HbA1c có thể dùng để tiên đoán nồng độ glucose trong máu trung bình, còn được gọi là đường huyết ước đoán.

Tại sao phải làm xét nghiệm đường huyết?

Xét nghiệm này được dùng để:

  • Chẩn đoán tiền tiểu đường và tiểu đường.
  • Theo dõi kết quả điều trị tiểu đường.
  • Chẩn đoán tiểu đường khi mang thai hay còn gọi là tiểu đường thai kỳ.
  • Chẩn đoán hạ đường huyết. Xét nghiệm định lượng insulin và xét nghiệm định lượng một loại protein gọi là peptide-C có thể sẽ được tiến hành bổ sung để xác định nguyên nhân hạ đường huyết. Xem bài “Peptide-C” để biết thêm chi tiết.

Chuẩn bị trước khi làm xét nghiệm

Xét nghiệm đường huyết khi đói

Đây là một trong những xét nghiệm được dùng để chẩn đoán tiểu đường. Khi làm xét nghiệm này không được ăn và uống gì trừ nước lọc trong vòng ít nhất 8 tiếng trước khi tiến hành xét nghiệm.

Đối với những trường hợp đã được chẩn đoán tiểu đường, bệnh nhân có thể sẽ phải chờ sau khi lấy mẫu máu mới dùng insulin hoặc các thuốc khác mà hàng ngày vẫn uống. Bệnh nhân tiểu đường cũng có thể sẽ được xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên chứ không nhất thiết phải chờ 8 tiếng.

Xét nghiệm đường huyết 2 giờ sau khi ăn

Để tiến hành xét nghiệm này, bệnh nhân cần bắt đầu bữa ăn đúng 2 giờ trước khi lấy mẫu máu. Xét nghiệm này có thể được tiến hành ở nhà bằng cách dùng thiết bị đo đường huyết cá nhân.

Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên và xét nghiệm HbA1c máu

Không cần phải chuẩn bị gì đặc biệt trước khi tiến hành hai loại xét nghiệm này.

Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống

Để tiến hành xét nghiệm này, bệnh nhân phải ăn một chế độ dinh dưỡng đặc biệt trong vòng 3 ngày trước khi làm xét nghiệm. Không được ăn, uống, hút thuốc và tập thể thao quá sức trong vòng ít nhất 8 tiếng trước khi lấy mẫu máu đầu tiên.

Xem bài “Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống” để biết thêm chi tiết.

Nên hỏi bác sĩ nếu có bất kỳ thắc mắc nào về việc có cần làm xét nghiệm hay không, rủi ro khi làm xét nghiệm, tiến trình làm xét nghiệm, hoặc ý nghĩa của kết quả xét nghiệm.

Có thể sử dụng danh sách các câu hỏi này để hỏi khi gặp bác sĩ.

Tiến trình xét nghiệm

Y tá lấy mẫu máu sẽ tiến hành các bước sau:

  • Quấn một dây đàn hồi quanh phần trên của bắp tay để ngăn máu lưu thông. Việc này khiến cho tĩnh mạch phía dưới chỗ dây quấn phình to ra để dễ chích kim vào tĩnh mạch.
  • Khử trùng chỗ sẽ chích kim bằng cồn.
  • Chích kim tiêm vào tĩnh mạch. Một số trường hợp khó, y tá có thể phải chích vài lần kim mới vào tĩnh mạch.
  • Lấy máu vào ống xilanh hoặc ống nghiệm gắn liền.
  • Tháo dây nhựa khỏi bắp tay khi đã lấy đủ máu.
  • Ấn gạc hoặc bông vào chỗ chích kim sau khi rút kim ra.
  • Tiếp tục ấn/đè bông vào chỗ đã chích kim để cầm máu và băng lại.

Cảm giác khi lấy mẫu máu

Mẫu máu được lấy từ tĩnh mạch ở khuỷu tay. Khi quấn dây đàn hồi trên cánh tay để chuẩn bị lấy máu, bạn có thể cảm thấy bị thít chặt. Có người không cảm thấy gì khi y tá chích kim vào tay, nhưng cũng có người cảm thấy nhói đau.

Rủi ro khi lấy mẫu máu

Có rất ít rủi ro khi bị lấy mẫu máu.

  • Chỗ lấy máu sẽ có thể xuất hiện vết bầm nhỏ. Đó là do chảy máu trong (xuất huyết trong) và nguy cơ này có thể giảm bớt bằng cách ấn mạnh vào chỗ lấy máu vài phút sau khi rút kim.
  • Tĩnh mạch ở chỗ lấy máu có thể bị nóng đỏ, sưng tấy. Hiện tượng này gọi là viêm tĩnh mạch, rất hiếm khi xảy ra và có thể chữa bằng cách chườm nóng vài lần trong ngày.
  • Chảy máu kéo dài có thể xảy ra ở các bệnh nhân bị rối loạn đông máu. Việc dùng một số thuốc như aspirin, warfarin (tên thương mại là coumadin) và một số thuốc làm máu khó đông khác có thể dễ gây chảy máu. Hãy thông báo cho y tá hoặc bác sĩ trước khi lấy máu nếu bạn có các vấn đề về đông máu.

Kết quả

Kết quả có thể biết sau 1 hay 2 giờ. Nồng độ glucose trong máu lấy từ tĩnh mạch (còn gọi là nồng độ trong huyết tương) có thể khác với nồng độ glucose đo từ đầu ngón tay.

Nồng độ đường huyết bình thường

Bảng thống kê dưới đây liệt kê ra các giá trị được coi là bình thường. Tuy nhiên số liệu này chỉ mang tính chất tham khảo vì các trung tâm xét nghiệm khác nhau có thể có các tiêu chuẩn khác nhau. Trong bảng kết quả nhận được thông thường sẽ có ghi khoảng giá trị nào là bình thường đối với nơi xét nghiệm đó. Ngoài ra bác sĩ sẽ đánh giá kết quả dựa trên sức khoẻ bệnh nhân và nhiều yếu tố khác. Vì thế kết quả nằm ngoài số liệu bình thường nêu dưới đây vẫn có thể là bình thường đối với phòng xét nghiệm đó hoặc bệnh nhân đó.

Nồng độ glucose trong máu bình thường ở người khoẻ mạnh

Nồng độ glucose trong máu khi đói ≤100 mili-gram/deci-lit (mg/dL) (hoặc 5.6 mili-mol/lit, mmol/L)
Nồng độ glucose trong máu 2 giờ sau khi ăn < 140 mg/dL (7.8 mmol/L) đối với người dưới 50 tuổi, < 150 mg/dL (8.3 mmol/L) đối với người 50-60 tuổi, < 160 mg/dL (8.9 mmol/L) đối với người trên 60 tuổi.
Nồng độ glucose trong máu ngẫu nhiên Giá trị này thay đổi tuỳ thuộc thời điểm và lượng thức ăn trong bữa ăn cuối trước khi lấy máu. Thông thường vào khoảng  80-120 mg/dL (4.4-6.6 mmol/L) trước bữa ăn hoặc khi mới thức dậy, 100-140 mg/dL (5.5-7.7 mmol/L) trước khi đi ngủ.

Có rất nhiều nguyên nhân có thể làm thay đổi nồng độ glucose trong máu. Bác sĩ sẽ nói chuyện với bệnh nhân nếu có kết quả nào bất thường và kết quả đó có liên quan gì với các triệu chứng đã gặp và sức khoẻ trước đây.

Để biết thêm chi tiết về xét nghiệm dung nạp glucose đường uống và xét nghiệm HbA1c máu hãy xem các bài sau:

“Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống“

“Xét nghiệm HbA1c máu“

Nồng độ đường huyết cao

Nếu bạn có nồng độ glucose trong máu cao thì có thể bạn đang bị tiểu đường. Để biết tiểu đường được chẩn đoán như thế nào có thể tham khảo các tiêu chuẩn của Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ.

  • Một số trường hợp có thể làm tăng đường huyết bao gồm: Sang chấn tâm lý nặng
  • Nhồi máu cơ tim
  • Tai biến mạch máu não
  • Hội chứng Cushing
  • Việc sử dụng một số loại thuốc có chứa corticosteroid
  • Sản xuất quá mức hóc-môn sinh trưởng (bệnh to đầu chi)

Nồng độ đường huyết thấp

Nồng độ glucose trong máu khi đói nếu nhỏ hơn 40 mg/dL (2.2 mmol/L) ở phụ nữ và nhỏ hơn 50 mg/dL (2.8 mmol/L) ở nam giới kèm theo các triệu chứng hạ đường huyết có thể gợi ý u tế bào tiểu đảo tụy, một loại u gây nên tình trạng sản xuất quá mức insulin.

Nồng độ glucose trong máu thấp cũng có thể do các nguyên nhân sau gây ra:

  • Bệnh Addison
  • Nồng độ hóc-môn tuyến giáp thấp
  • Ung thư tuyến yên
  • Bệnh liên quan đến gan, như xơ gan
  • Suy thận
  • Suy dinh dưỡng, hoặc rối loạn ăn uống như chứng biếng ăn
  • Đang sử dụng thuốc chữa bệnh tiểu đường

Những yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm

Sau đây là các nguyên nhân khiến bệnh nhân không thể tiến hành xét nghiệm hoặc kết quả xét nghiệm không đáng tin tưởng:

  • Ăn hoặc uống trong vòng 8 tiếng trước khi làm xét nghiệm đường huyết khi đói, hoặc trong vòng 2 giờ trước khi làm xét nghiệm đường huyết 2 giờ sau khi ăn.
  • Uống đồ uống có cồn một vài ngày trước khi làm xét nghiệm.
  • Bị ốm hoặc căng thẳng thần kinh, hút thuốc, và uống nhiều caffeine.
  • Đang sử dụng các thuốc khác. Cần thông báo cho bác sĩ biết các loại thuốc đang uống và liều uống.

Lưu ý

Có thể đo nồng độ đường glucose trong nước tiểu. Nhiều người bị tiểu đường có nồng độ glucose cao trong nước tiểu. Tuy nhiên nồng độ đường huyết phải rất cao mới có thể phát hiện ra glucose trong nước tiểu. Vì thế xét nghiệm glucose trong nước tiểu không được dùng để chẩn đoán hoặc theo dõi bệnh tiểu đường. Xem thêm bài “Xét nghiệm nước tiểu” để biết thêm chi tiết.

Nếu bạn bị tiểu đường, bạn có thể đo nồng độ glucose trong máu tại nhà. Xem thêm bài “Theo dõi đường huyết tại nhà” để biết thêm chi tiết.

Tài liệu tham khảo

http://www.webmd.com/diabetes/guide/blood-glucose