Vì sao phải rèn kĩ năng kể chuyên

Trường Tiểu học Trần Phú: Một số biện pháp rèn kĩ năng kể chuyện cho học sinh lớp 2

Ngày đăng 22/08/2019 | 17:00 |View count: 7619

Sáng kiến kinh nghiệm: Một số biện pháp rèn kĩ năng kể chuyện cho học sinh lớp 2

PHẦN I. ĐẶT VẤN ĐỀ

“Vì lợi ích mười năm trồng cây

Vì lợi ích trăm năm trồng người”.

[Hồ Chí Minh]

Lời dạy của vị cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc còn vang vọng mãi, như lời nhắn nhủ tha thiết với mỗi người dân Việt Nam hãy quan tâm tới sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Lời dạy đó càng thấm thía hơn với mỗi người giáo viên, những người đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp trồng người.

Vậy làm thế nào để mỗi giáo viên hoàn thành tốt nhiện vụ vẻ vang của mình, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài là nguyên khí của mỗi quốc gia. Đó là niềm trăn trở của các cấp, các ngành lãnh đạo và bao thế hệ giáo viên.

Trong thời đại ngày nay, chúng ta đều biết tri thức đã và đang trở thành cơ sở, nền tảng quan trọng nhất, sự phồn vinh của một quốc gia trong thế kỉ XXI.

Vì vậy Đảng chỉ rõ: “Giáo dục đào tạo cùng Ủy ban khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu”. Muốn hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình là đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, mỗi giáo viên phải yêu nghề, mến trẻ thì mới sáng tạo và có cống hiến giá trị cho giáo dục. Mỗi giáo viên đều là một kĩ sư tâm hồn của con trẻ, mỗi người thầy cần phải tâm huyết với nghề, say mê giảng dạy và không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ, luôn cập nhật tri thức hiện đại và đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Vì đổi mới phương pháp dạy là con đường ngắn nhất để đạt được chất lượng và hiệu quả dạy học cao.

Từ đó hình thành cho học sinh kĩ năng giao tiếp, tư tưởng, tình cảm, nhân cách tốt đẹp, khả năng tư duy, sáng tạo, tinh thần tự học - học để biết - học để sống - học để hành - học để làm người, đáp ứng thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Muốn vậy, người giáo viên cần nắm vững mục tiêu giáo dục Tiểu học: “Giáo dục Tiểu học nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về mặt đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và các kĩ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học Trung học cơ sở”.

Là giáo viên dạy lớp 2 đầu cấp Tiểu học, tôi thấy việc rèn các kĩ năng cơ bản về nghe - nói - đọc - viết là phần trọng tâm trong việc giảng dạy và luyện tập giúp học sinh học tập tốt hơn trong suốt bậc Tiểu học.

Kĩ năng sử dụng Tiếng Việt là một hệ thống đặc biệt, mang tính hệ thống cao, nó gắn liến với văn hóa ứng xử đậm tính dân tộc, gắn với vốn kinh nghiệm và sự hiểu biết cá nhân. Như vậy để nâng cao chất lượng học tập của học sinh, việc rèn cho các em kĩ năng nghe - nói - đọc - viết trong môn Tiếng Việt là vô cùng quan trọng giúp các em học tập tốt. Trong đó phân môn kể chuyện chiếm ưu thế trong việc rèn kĩ năng nghe - nói cho học sinh. Qua tiết kể chuyện, học sinh được rèn luyện kĩ năng nghe đúng, chính xác và hiểu nội dung câu chuyện để thuật lại câu chuyện bằng ngôn ngữ của mình. Điều này giúp các em khám phá thế giới đầy màu sắc của hiện thực đời sống được phản ánh qua mỗi câu chuyện. Có thể nói, mỗi tiết kể chuyện là sự kết tinh khả năng sử dụng ngôn ngữ trong nhiều lĩnh vực giáo tiếp, cảm nhận được sự tinh tế của Tiếng Việt, không chỉ giúp các em học tập mà còn giao tiếp tốt hơn. Như vậy, nếu kĩ năng nghe không tốt thì học sinh không thể hiểu và nhớ bài trong quá trình học tập, gặp khó khăn khi giao tiếp, diễn đạt không rõ ràng, chính xác sẽ hạn chế sự giao tiếp, ứng xử trong cuộc sống của trẻ và ảnh hưởng lớn đến quá trình học tập.

Để rèn kĩ năng kể chuyện hiệu quả cho học sinh, bản thân tôi luôn cập nhật thông tin, trau dồi tri thức, tích lũy kinh nghiệm, đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, tìm cách tạo hứng thú, say mê khám phá trong học sinh để các em tích cực học tập. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức dạy học, tôi nhận thấy một số em bộc lộ những hạn chế trong các tiết kể chuyện như kể chuyện chưa hay, chưa lưu loát do thiếu tự tin, vốn từ hạn chế hay chưa biết lắng nghe, học hỏi từ cách kể của bạn.

Vậy làm thế nào để rèn kĩ năng kể chuyện tốt cho học sinh?

Đó là điều tôi vẫn băn khoăn trong mỗi tiết dạy. Trong hai năm học vừa qua, với sự nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ từ đồng nghiệp, tôi mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy học và đã áp dụng thành công “Một số biện pháp rèn kĩ năng kể chuyện cho học sinh lớp 2.”

Để áp dụng thành công các biện pháp rèn kĩ năng kể chuyện cho học sinh lớp 2 tôi đã nghiên cức thực trạng dạy kể chuyện lớp 2 và đề xuất các giải pháp với các giáo viên trong tổ, khối nhằm nâng cao chất lượng dạy kể chuyện lớp 2. Để cập nhật thông tin, tôi tìm tòi, đọc tài liệu liên quan, nghiên cứu sách giáo khoa, chương trình, nội dung môn Tiếng Việt và phân môn kể chuyện, đối chiếu, so sánh với thực tế giảng dạy ở trường.

Sau khi nghiên cứu, tôi đã áp dụng phương pháp mới, dạy thử nghiệm ở khối, tổ chuyên môn và đánh giá kết quả dạy học theo phương pháp mới trong năm học 2016 -2017; 2017 – 2018; 2018 – 2019.

PHẦN II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

1. Cơ sở lí luận của vấn đề rèn kĩ năng kể chuyện cho học sinh ở trường Tiểu học

1.1. Một số khái niệm cơ bản của đề tài rèn kĩ năng kể chuyện cho học sinh Tiểu học.

Đất nước ta đang bước vào thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đã có nhiều đổi thay về mọi lĩnh vực qua từng ngày, từng giờ. Hiện nay, sự bùng nổ công nghệ thông tin, xu hướng toàn cầu hóa thì vấn đề “hòa nhập nhưng không hòa tan” - phát triển cùng thế giới mà vẫn giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc dân tộc đòi hỏi nền giáo dục phải có những đổi mới đột phá để đào tạo ra thế hệ tương lai tài giỏi cho đất nước. Từ những yêu cầu trên giáo dục cần đổi mới trong quá trình dạy tiếng nói chung và tiếng mẹ đẻ nói riêng để Tiếng Việt trở thành công cụ đắc lực không chỉ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, mà còn đóng góp cho chính sự phát triển của ngành Giáo dục.

Như vậy, việc dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh một cách cẩn thận, khoa học có vai trò vô cùng quan trọng giúp trẻ có thể sử dụng công cụ này để học tập, chiếm lĩnh tri thức, có kĩ năng ứng xử, giao tiếp trong suốt quá trình học tập và cả cuộc đời.

Muốn vậy, việc dạy Tiếng Việt cần chú trọng rèn cả bốn kĩ năng nghe - nói - đọc - viết, phải hướng tới sự giao tiếp và sử dụng phương pháp giao tiếp. Việc rèn các kĩ năng sử dụng Tiếng Việt được dạy ở tất cả các môn học. Phân môn kể chuyện có nhiệm vụ rất quan trọng là rèn kĩ năng kể chuyện - một trình độ cao hơn của kĩ năng nói thông thường, mang tính nghệ thuật và rèn kĩ năng nghe đúng và chính xác. Qua phân môn kể chuyện là một dịp rất tốt để bồi dưỡng học sinh về ngôn ngữ nói giúp các em biết nói năng lịch sự, thể hiện sự văn minh trong giao tiếp. Để rèn kĩ năng kể chuyện hiệu quả, mỗi giáo viên cần hiểu bản chất của quá trình nghe và nói.

- Nghe là hoạt động tiếp nhận thông tin nhờ cơ quan thính giác. Đầu tiên,người nghe cần chú ý để nghe chính xác, đầy đủ thông tin, sau đó, bộ não giúp ta tư duy để hiểu được nội dung các thông tin vừa được truyền tải. Có hai hình thức nghe là: nghe đối thoại và nghe độc thoại.

- Nói là hoạt động phát tin nhờ sử dụng bộ máy phát âm. Đầu tiên người nói phải xác định nội dung lời nói, lựa chọn ngôn ngữ để diễn tả nội dung đó. Sau đó người nói sử dụng bộ máy phát âm để truyền đạt chuỗi lời nói đã được xác định. Có hai dạng nói là: đối thoại và độc thoại.

Kể chuyện là lời độc thoại mang tính nghệ thuật nhằm truyền đến người nghe một văn bản nghệ thuật. Sự thành công của việc kể chuyện do nhiều yếu tố tạo nên: nội dung câu chuyện, nghệ thuật kể chuyện, khả năng cảm nhận của người kể, cách sử dụng ngữ điệu, ngôn ngữ hình thể để hỗ trợ giúp người kể làm sống lại câu chuyện.

1.2. Mục tiêu, ý nghĩa, vai trò của việc rèn kĩ năng kể chuyện cho học sinh

Dạy kể chuyện góp phần thỏa mãn nhu cầu nghe kể chuyện của học sinh Tiểu học đồng thời là một phương tiện giáo dục có sức mạnh hình thành nhân cách, góp phần đem lại cảm xúc thẩm mĩ lành mạnh, niềm vui cho học sinh.

Kể chuyện giúp học sinh tiếp xúc sớm nhất với các tác phẩm văn học nghệ thuật có sức lôi cuốn kì lạ với nhiều thể loại làm giàu vốn sống và vốn văn học cho trẻ. Mỗi câu chuyện giúp học sinh khám phá thế giới muôn màu sắc, góp phần quan trọng để hình thành nhân cách cho trẻ qua các nhân vật trong truyện. Từ đó các em có nhận thức đúng đắn về thế giới xung quanh, có trách nhiệm của bản thân, giáo dục kĩ năng sống giúp các em biết ứng xử phù hợp với mọi tình huống giao tiếp trong cuộc sống.

Mỗi câu chuyện còn mở rộng hiểu biết và chắp cánh cho trí tưởng tượng của các em được bay bổng. Sự phát triển trí tưởng tượng là phẩm chất quý giá của con người, là bệ phóng cho hoài bão, ước mơ cao đẹp, là hành trang quý báu giúp các em vững bước vào đời. Không những thích nghe kể chuyện mà học sinh Tiểu học còn có nhu cầu rất lớn trong việc giao lưu, chia sẻ với thầy cô, bạn bè, thích kể chuyện cho mọi người nghe.Vì khi kể chuyện học sinh cần huy động tư duy lô-gíc, trí nhớ để được hòa nhập vào toàn bộ câu chuyện để thể hiện là người dẫn chuyện, là các nhân vật, khi thể hiện sự sung sướng hả hê, lúc buồn rầu lo lắng theo diễn biến câu chuyện.

Như vậy phân môn Kể chuyện có vai trò rất lớn trong việc rèn kĩ năng sử dụng ngôn ngữ nói có tính nghệ thuật. Đó là kĩ năng dùng từ, đặt câu, kĩ năng nghe-nói Tiếng Việt, kĩ năng mạnh dạn, tự tin trình bày trước công chúng mà giáo viên cần rèn cho học sinh ở mỗi tiết học.

1.3. Những yêu cầu cần đạt của vấn đề rèn kĩ năng kể chuyện cho học sinh lớp 2.

Trong chương trình Tiếng Việt 2 có 31 tiết kể chuyện. Các bài học kể chuyện dạy tích hợp với phân môn Tập đọc. Đó là những văn bản truyện có nhiều tình tiết hấp dẫn với học sinh. Các văn bản dạy 2 tiết Tập đọc đầu tuần, bố cục rõ ràng, phân đoạn cụ thể nên học sinh dễ nhớ, dễ kể lại từng đoạn, cả câu chuyện. Chính sự tích hợp này tạo điều kiện để rèn cho các em kĩ năng nghe, nói và các kĩ năng khác hiệu quả hơn.

Nhiệm vụ của phân môn kể chuyện lớp 2 là:

1.3.1. Phát triển kĩ năng nói và nghe cho học sinh.

- Kĩ năng độc thoại: Kĩ năng độc thoại được rèn luyện qua bài tập kể lại câu chuyện đã học với mức độ khác nhau:

+ Kể từng đoạn và toàn bộ câu chuyện.

+ Kể theo lời trong văn bản và kể bằng lời của mình.

- Kĩ năng đối thoại: Rèn cho học sinh tập dựng lại câu chuyện theo các vai, biết sử dụng các yếu tố phụ trợ trong giao tiếp [nét mặt,cử chỉ,điệu bộ…]

- Kĩ năng nghe: Học sinh theo dõi được câu chuyện bạn kể và kể tiếp lời bạn hoặc nêu ý kiến nhận xét, bổ sung.

1.3.2. Củng cố, mở rộng và tích cực hóa vốn từ ngữ, phát triển tư duy hình tượng, tư duy lô- gíc, nâng cao cảm nhận về hiện thực đời sống thông qua nội dung câu chuyện.

1.3.3. Bồi dưỡng tình cảm tốt đẹp, trau dồi hứng thú đọc và kể chuyện, đem lại niềm vui tuổi thơ trong hoạt động học tập.

Như vậy kể chuyện là phân môn thực hành rèn kĩ năng: nghe - nói - đọc cho học sinh. Bản thân tôi luôn nghiên cứu để nắm vững vị trí, vai trò, nhiệm vụ của môn học để tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy kể chuyện một cách hiệu quả và hệ thống.

2. Thực trạng việc rèn kĩ năng kể chuyện cho học sinh lớp 2.

Chương trình thay sách giáo khoa mới đã lâu, bản thân tôi luôn vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học đổi mới hiệu quả ở các môn học, đặc biệt là phân môn Kể chuyện được đồng nghiệp đánh giá cao. Tôi đã nghiên cứu viết nhiều sáng kiến kinh nghiệm dạy môn Tiếng Việt đạt loại C cấp Thành phố nhiều năm liên tục. Nhưng qua thực tế giảng dạy tôi thấy có học sinh chưa hứng thú, chưa yêu thích phân môn kể chuyện do chưa thuộc nội dung chuyện nên không tự tin mạnh dạn trong học tập. Có em chưa biết chuẩn bị bài, vốn từ hạn chế, kể chưa thành câu, cố nhớ máy móc từng từ của truyện nên kể như đọc, không lưu loát. Kĩ năng đối thoại [kể phân vai] còn hạn chế do chưa phân biệt được các vai nên kể còn nhầm lẫn các vai với lời dẫn chuyện. Có một số học sinh chưa có kĩ năng sử dụng các yếu tố phụ trợ nên hiệu quả kể chuyện chưa cao. Khả năng duy trì sự chú ý lắng nghe bạn kể và nhận xét cách kể của bạn kể tiếp lời bạn còn hạn chế.

Hứng thú kể chuyện

Tỉ lệ

Chưa hứng thú kể chuyện

Tỉ lệ

SS 42

15

35,7 %

27

64,3 %

Từ bất cập và thực trạng kể chuyện của học sinh tôi đã học tập, tích lũy kinh nghiệm, nghiên cứu tài liệu nâng cao chuyên môn, áp dụng đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao kĩ năng kể chuyện cho học sinh.

3.Các biện pháp rèn luyện kĩ năng kể chuyện.

3.1 . Biện pháp 1: Khảo sát, phân loại chất lượng kể chuyện của học sinh.

* Mục tiêu: Việc khảo sát chất chất lượng kể chuyện của học sinh là vô cùng quan trọng để giáo viên lựa chọn phương pháp và tổ chức các hình thức rèn luyện kĩ năng kể chuyện cho phù hợp với từng đối tượng học sinh. Vì qua đó, giáo viên nắm bắt được những điểm mạnh để phát huy và điểm yếu của từng em để có biện pháp giúp đỡ kịp thời, phù hợp hiệu quả ở mỗi tiết học.

* Cách thực hiện:

Ngay từ tháng đầu năm học qua các tiết kể chuyện tôi đã kiểm tra kĩ năng kể chuyện của học sinh để nắm bắt được nguyên nhân kể chưa tốt và phân loại nhóm như sau:

- Nhóm kể hay, biết thay đổi giọng kể phù hợp tình tiết nội dung câu chuyện, phối hợp tốt với các yếu tố phụ trợ.

- Nhóm kể chưa tốt do chưa thuộc truyện.

- Nhóm kể chưa lưu loát do vốn từ hạn chế nên kể chưa thành công, kể quá nhỏ, rụt rè thiếu tự tin.

- Nhóm kể kĩ năng độc thoại và đối thoại chưa tốt.

Sau khi phân loại chất lượng kể chuyện tôi đã thành lập các đôi bạn, nhóm bạn cùng tiến giúp đỡ nhau trong giờ truy bài, tiết hướng dẫn học những em có kĩ năng kể chuyện tốt giúp các em chưa tốt. Ngay trong tiết học tôi nêu gương tốt gọi các em kể tốt kể mẫu, tôi luôn động viên khích lệ các em còn rụt rè khi có tiến bộ để các em tự tin kể chuyện.

Trong các cuộc họp phụ huynh tôi gặp gỡ, trao đổi riêng với phụ huynh về chất lượng kể chuyện, khả năng diễn đạt của học sinh để phụ huynh có biện pháp kết hợp với giáo viên cùng kèm cặp động viên, khích lệ học sinh hứng thú đọc sách kể chuyện cho người thân, bạn bè nghe để việc rèn luyện kĩ năng kể chuyện đạt hiệu quả cao và tạo đà cho các em học tập tốt các môn khác.

3.2. Biện pháp 2: Chuẩn bị bài chu đáo của giáo viên và học sinh.

3.2.1. Chuẩn bị của giáo viên

* Mục tiêu: Muốn dạy học hiệu quả thì sự chuẩn bị bài của giáo viên có vai trò quyết định vô cùng quan trọng bởi vì có nắm vững nội dung, mục tiêu của mỗi bài kể chuyện và hiểu sâu sắc về “ vốn kể chuyện” của học sinh thì giáo viên mới tổ chức dạy học thành công. Như vậy muốn đạt hiệu quả cao trong quá trình dạy học giáo viên cần nghiên cứu kĩ chương trình sách giáo khoa. Việc nghiên cứu chương trình giúp giáo viên nắm vững nội dung, mục tiêu môn học, hiểu rõ kĩ năng kể chuyện cần rèn cho học sinh, thấy rõ sự tích hợp giữa các môn học để lựa chọn phương pháp, hình thức tổ chức dạy học linh hoạt, phù hợp nhằm khơi gợi sự hứng thú, tích cực học tập cho học sinh.

* Cách thực hiện:

Với mỗi bài kể chuyện tôi thường nghiên cứu, đọc hiểu nội dung văn bản, mục tiêu từng bài để lựa chọn phương pháp, hình thức gợi mở, dẫn dắt học sinh kể chuyện.

Với phương pháp đổi mới dạy học hiện nay phần kể mẫu của giáo viên không nhiều nhưng tôi luôn trau dồi kĩ năng kể chuyện để kể mẫu cho học sinh một đoạn, một chi tiết, một câu nói của nhân vật như sống với khung cảnh câu chuyện để lôi cuốn học sinh. Đó là bí quyết giúp các em học tập được kĩ năng kể chuyện tốt.

Để dạy thành công tiết kể chuyện tôi tìm hiểu kĩ trình độ kể chuyện của mỗi học sinh để nắm vững điểm mạnh cần phát huy, mặt hạn chế để rèn luyện trong tiết học. Chính sự hiểu biết này giúp tôi tổ chức dạy phân hóa để tạo điều kiện cho tất cả các đối tượng học sinh đều được kể chuyện trong mỗi tiết học.

Sau khi xác định nội dung, mục tiêu mỗi tiết học tôi xây dựng kế hoạch dạy học chi tiết, thể hiện rõ hoạt động của giáo viên và học sinh. Tôi dự kiến các tình huống xảy ra trong tiết học để xử lí linh hoạt, phân bố thời gian từng hoạt động hợp lí, lựa chọn đồ dùng, phương tiện, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phù hợp, hiệu quả. Bởi vì: “Muốn dạy học có kết quả cần thiết kế thành công”.

Ví dụ : Khi dạy bài: “Chiếc bút mực .”[TV2-Tập 1-Trang 41] tôi thiết kế bài dạy như sau:[Theo phụ lục]

3.2.2. Chuẩn bị của học sinh:

* Mục tiêu: Muốn tiết học thành công thì sự chuẩn bị bài của học sinh là một nhân tố rất quan trọng. Chính vì vậy tôi luôn hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài chu đáo.

* Cách thực hiện:

Sau tiết Tập đọc tôi dặn dò, yêu cầu học sinh về nhà đọc lại câu chuyện nhiều lần, tóm tắt nội dung từng đoạn câu chuyện, nhớ lời các nhân vật, nhớ lại ý nghĩa câu chuyện, tập kể cho người thân nghe, chuẩn bị phục trang, đồ dùng sắm vai.

Ví dụ: Bài: Bác sĩ Sói [trang 42,sách TV tập 2]

- Tôi yêu cầu học sinh đọc kĩ câu chuyện từ 3->5 lần; Tóm tắt từng đoạn câu chuyện theo bốn tranh minh họa.

- Tập kể cho bố mẹ nghe từng đoạn, cả câu chuyện.

- Tìm hiểu ý nghĩa câu chuyện.

- Nêu các tình huống con đã biết ứng phó phù hợp với những căng thẳng trong cuộc sống [rèn kĩ năng sống].

- Chuẩn bị trang phục: Kính, mũ, áo bác sĩ, ống nghe để sắm vai.

Với sự chuẩn bị chu đáo như vậy học sinh lớp tôi đều yêu thích, hứng thú mong đợi tiết kể chuyện để được kể cho cô giáo và các bạn nghe. Giáo viên sẽ dành nhiều thời gian hướng dẫn học sinh kể, quan tâm đến các đối tượng học sinh trong lớp, rèn kĩ năng giao tiếp,nghe nói tự tin, hiệu quả cho các em trong một tiết học.

3.2.3. Hướng dẫn HS tìm hiểu kĩ nội dung bài tập đọc từ đó biết làm sống động các nhân vật qua phần luyện đọc lại .

* Mục tiêu: Văn bản kể chuyện chính là các văn bản đã được dạy trong hai tiết tập đọc đầu tuần. Vì vậy học tốt văn bản Tập đọc sẽ giúp học sinh kể chuyện tốt.

* Cách thực hiện:

Theo quan điểm dạy tích hợp giữa các phân môn Tiếng Việt giúp việc rèn kĩ năng sử dụng Tiếng Việt hiệu quả cao với học sinh. Nên khi dạy văn bản Tập đọc tôi đã nghiên cứu kĩ nội dung văn bản và các câu hỏi để thiết kế, bổ sung hệ thống câu hỏi phù hợp, sát các đối tượng học sinh giúp các em tích cực học tập. Qua hệ thống câu hỏi dưới sự gợi mở của giáo viên sẽ rèn kĩ năng đọc thầm câu, đoạn, bài để nhớ văn bản trả lời đúng câu hỏi, cảm thụ sâu sắc văn bản. Khi hiểu văn bản sâu sắc thì các em mới lĩnh hội tri thức, tư tưởng, tình cảm văn bản giúp các em hóa thân vào tác giả, nhân vật để kể chuyện tốt. Đó là cả một nghệ thuật dạy học của mỗi giáo viên trong quá trình dạy học.

Ví dụ : Khi dạy bài: “Người mẹ hiền”tôi thiết kế hệ thống câu hỏi theo sách giáo khoa và bổ sung khai thác nội dung bài như sau:

Câu 1: Giờ ra chơi, Minh rủ Nam đi đâu?

Câu hỏi bổ sung: Minh nói với Nam điều gì?

Câu 2: Các bạn ấy ra phố bằng cách nào?

Câu hỏi bổ sung: Chuyện gì xảy ra với hai bạn?

Câu 3: Cô giáo làm gì khi Nam bị bác bảo vệ giữ lại?

Câu hỏi thêm: Việc làm của cô giúp con hiểu thêm điều gì ?

Câu 4: Cô giáo làm gì khi Nam khóc?

Câu 5: Vì sao gọi cô giáo là mẹ hiền?

Để giúp học sinh trả lời đúng câu hỏi tôi yêu cầu các em đọc thầm từng đoạn ứng với nội dung câu hỏi, nhớ lại các chi tiết của văn bản, lời nhân vật từ đó các em cảm thụ tốt nội dung văn bản để đọc và kể tốt câu chuyện.

Khi hiểu sâu sắc nội dung, ý nghĩa văn bản học sinh sẽ nêu giọng đọc toàn bài qua phần đọc mẫu của giáo viên. Trước khi đọc mẫu tôi định hướng để các em lắng nghe, tự phát hiện giọng đọc toàn bài, giọng đọc các nhân vật và hóa thân vào các nhân vật đọc đúng giọng của từng vai.

Ví dụ: Bài “Người mẹ hiền

Trước khi đọc phân vai tôi yêu cầu học sinh xác định câu chuyện có mấy vai? Đó là các vai nào? Giọng đọc từng vai thế nào?

Khi học sinh xác định được giọng đọc các vai tôi nhấn mạnh lại giọng đọc 5 vai trong câu chuyện như sau:

Lời cô giáo khi ân cần lúc trìu mến: “Bác nhẹ tay kẻo cháu đau. Cháu này là học sinh lớp tôi.” Khi nghiêm khắc: “Từ nay các em có trốn học đi chơi nữa không?”

Lời bác bảo vệ: Khi nghiêm khắc lúc nhẹ nhàng: “Cậu nào đây? Trốn học đi chơi hả?” Lời Minh đoạn đầu háo hức: “Ngoài phố có gánh xiếc. Bọn mình ra xem đi.”

Lời Minh và Nam đoạn cuối rụt rè, hối lỗi: “Thưa cô, không ạ. Chúng em xin lỗi cô.”

Với sự hướng dẫn tỉ mỉ như trên học sinh lớp tôi chia nhóm tự đọc phân vai trong nhóm và thi đọc thành công. Qua phần thi đọc phân vai rèn khả năng đọc thoại và đối thoại cho các em hiệu quả. Những em giỏi biết bộc lộ cảm xúc, kết hợp nét mặt, ánh mắt, nụ cười đọc truyền cảm đến người nghe theo từng vai.

Với phương pháp tổ chức dạy học như trên tôi thấy học sinh rất hứng thú, say mê đọc và nhớ nội dung văn bản, cảm thụ sâu sắc văn bản, rèn kĩ năng sử dụng Tiếng Việt hiệu quả. Từ đó, các em biết hóa thân vào tác giả, nhân vật để đọc phân biệt ngôn ngữ tác giả và nhân vật. Ngôn ngữ tác giả thường là lời dẫn chuyện, kể, tả khi đọc cần nhấn từ gợi tả, thay đổi cảm xúc theo diễn biến nội dung truyện và biết ngắt giọng biểu cảm. Với ngôn ngữ nhân vật là ngôn ngữ đối thoại cần đọc với ngôn ngữ nói để bộc lộ cảm xúc buồn, vui, của nhân vật làm sống động các nhân vật.

Như vậy khi hiểu kĩ nội dung văn bản, ý nghĩa câu chuyện và tính cách nhân vật sẽ giúp các em biết đọc hay đó là bước hỗ trợ vô cùng quan trọng giúp các em kể chuyện thành công.

3.3. Biện pháp 3: Vận dụng sáng tạo, linh hoạt các phương pháp kể rèn kĩ năng nghe- nói hiệu quả cho học sinh. [Biện pháp trọng tâm].

Muốn tổ chức dạy học hiệu quả thì mỗi giáo viên cần nắm vững nội dung, chương trình, phương pháp dạy học đặc trưng từng môn học. Trong quá trình dạy học Tiếng Việt giáo viên sử dụng kết hợp nhiều phương pháp: Thực hành giao tiếp, hỏi đáp, nêu và giải quyết vấn đề, hoạt động nhóm, thực hành, trò chơi. Dù sử dụng phương pháp nào, nguyên tắc quan trọng nhất là phát huy tính tích cực, sáng tạo của học sinh nhằm tạo điều kiện cho các em tự chiếm lĩnh tri thức mới, kĩ năng sử dụng Tiếng Việt.

Bởi vì không có phương pháp dạy học nào là “ vạn năng” nên ở mỗi bài học giáo viên cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp dạy học, thực hiện tốt quy trình dạy học, đảm bảo đúng chuẩn kiến thức, kĩ năng từng môn học. Đó là nghệ thuật sư phạm mang tính quyết định nhằm nâng cao chất lượng dạy học.

Chúng ta đã biết nhiệm vụ chính của phân môn kể chuyện là rèn kĩ năng nghe - nói cho học sinh nên ở mỗi bài học tôi luôn quan tâm rèn cho học sinh kĩ năng nghe - nói hiệu quả ở các hoạt động dạy học.

3 .3.1. Kiểm tra bài cũ:

* Mục tiêu:

Thời gian kiểm tra bài cũ không nhiều nhưng giúp giáo viên nắm được thông tin ngược về kĩ năng kể chuyện của học sinh. Chính vì vậy tôi luôn lựa chọn nội dung, yêu cầu kể chuyện phù hợp, sát đối tượng học sinh để nắm bắt được chất lượng kể chuyện của các em qua mỗi tiết học.

* Cách thực hiện:

Tùy từng đối tượng mà tôi yêu cầu các em kể một đoạn hay cả câu chuyện hoặc phân vai. Dựng lại câu chuyện để khuyến khích, động viên học sinh kể chuyện. Khi học sinh kể xong tôi yêu cầu các em nêu ý nghĩa câu chuyện giúp học sinh khắc sâu nội dung văn bản. Như vậy trong thời gian ngắn tôi đã nắm được kĩ năng kể chuyện của học sinh.

Ví dụ: Khi kiểm tra bài: Người thầy cũ

Tôi kiểm tra kĩ năng kể chuyện của các đối tượng học sinh với mức độ khác nhau. Tôi yêu cầu học sinh đại trà kể một đoạn câu chuyện. Với học sinh năng khiếu tôi yêu cầu ba học sinh phân vai kể lại đoạn hai của câu chuyện, sau đó trả lời câu hỏi

H:Qua câu chuyện giúp con hiểu được điều gì?

Sau đó tôi gọi học sinh nhận xét cách thể hiện của bạn; giáo viên nhận xét tuyên dương cách kể của học sinh.

3.3.2. Giới thiệu bài :

* Mục tiêu:

Việc giới thiệu bài hấp dẫn sẽ giúp học sinh mạnh dạn, tự tin say mê kể chuyện thì điều tôi tâm đắc nhất là tạo tâm thế hứng thú, yêu thích, chờ đợi được học tiết kể chuyện của các em. Bí quyết thành công của giáo viên là tạo không khí lớp học tự nhiên để lôi cuốn tất cả học sinh hào hứng mong muốn, hòa nhập vào câu chuyện ngay từ khi mở đầu tiết học.

* Cách thực hiện:

Như vậy sự tài ba khéo léo của giáo viên để dẫn dắt, gợi mở phần giới thiệu mỗi bài học có ý nghĩa quyết định rất lớn đến hiệu quả tiết học nên tôi luôn chuẩn bị rất kĩ phương tiện, đồ dùng dạy học để dẫn mở đầu tiết học sao cho thật sinh động hấp dẫn .

Trong các tiết học của tôi luôn luôn thay đổi hình thức giới thiệu bài phù hợp để thu hút học sinh như: sử dụng tranh ảnh; đặt câu hỏi gợi mở khám phá, nêu tình hình có vấn đề, giới thiệu mục tiêu tiết học nhằm gợi sự tò mò, kích thích hứng thú của các em .

Ví dụ : Khi dạy bài : Quả tim khỉ [TV2-Tập 2-Trang 52] tôi chuẩn bị tranh minh họa bài học và giới thiệu bài như sau :

Tôi treo tranh minh họa và hỏi : Bức tranh vẽ gì? [Khỉ ngồi trên lưng Cá Sấu để đến nhà Cá Sấu chơi]

-H: Con hãy đoán xem Khỉ có tính nết thế nào?[thông minh, nhanh trí, tốt bụng, …]

-H: Còn Cá Sấu thì sao?[giả dối , độc ác , bộc bạc , …]

Sau đó tôi dẫn dắt vào bài để lôi cuốn học sinh như sau: “Vậy những kẻ dối trá trong cuộc sống sẽ ra sao? Còn những người thật thà, thông minh sẽ ứng phó thế nào với tình huống căng thẳng để thoát nạn chúng mình cùng khám phá qua câu chuyện: “Quả tim khỉ” nhé !”

3.3.3. Hướng dẫn học sinh các kĩ năng kể chuyện phù hợp với từng dạng bài tập .

So với phương pháp dạy kể chuyện trước đây trong một tiết học giáo viên dành một nửa thời gian để kể mẫu và tìm hiểu nội dung câu chuyện nên thời gian dành cơ hội kể chuyện cho học sinh rất hạn chế.

Dạy kể chuyện theo phương pháp mới tất cả học sinh trong lớp đều được rèn kĩ năng nghe nói dựa vào hệ thống bài tập yêu cầu kể chuyện ở sách giáo khoa như: Dựa vào tranh, câu gợi ý hoặc tóm tắt nội dung để kể lại từng đoạn truyện; thêm chi tiết cho truyện; kể mở đầu và kết thúc câu chuyện theo nhiều cách.

Những yêu cầu trên đã góp phần phát triển kĩ năng quan sát, phân tích, tổng hợp, so sánh, mô phỏng, tưởng tượng cho học sinh. Đó là kĩ năng đặc trưng của phân môn kể chuyện và các kĩ năng cần thiết khác giúp học sinh học tập tốt.

Để giúp học sinh có kĩ năng kể chuyện tốt tôi hướng dẫn các em tập kể từ mức độ đơn giản đến khó dần ở mỗi tiết học để tạo điều kiện cho cả lớp được kể chuyện.

Sau đây là một số biện pháp rèn kĩ năng kể chuyện cho học sinh tôi thường xuyên áp dụng hiệu quả ở các tiết học.

3.3.3.1. Rèn kĩ năng kể từng đoạn và cả câu chuyện theo tranh .

* Mục tiêu:

Rèn học sinh kĩ năng kể chuyện dựa vào các bức tranh minh họa để kể từng đoạn câu chuyện. Cũng có bài yêu cầu học sinh sắp xếp lại các bức tranh minh họa cho đúng với diễn biến câu chuyện rồi kể. Mỗi bức tranh minh họa đều được thể hiện một đặc điểm hay một hành động, sự việc nào đó của nhân vật hoặc một cảnh tượng có trong truyện đã đọc làm điểm tựa giúp các em nhớ lại nội dung từng đoạn câu chuyện kết nối thành mạch truyện rồi kể.

* Cách thực hiện:

Để giúp học sinh dựa vào tranh rèn kĩ năng kể hiệu quả tôi luôn khai thác triệt để tranh minh họa SGK và tranh phóng to. Tôi yêu cầu các em quan sát kĩ mỗi bức tranh và nêu câu hỏi định hướng quan sát, giúp học sinh tìm ra mối liên hệ giữa kênh hình và kênh chữ để các em lần lượt nhớ lại nội dung truyện đã học ở tiết tập đọc và kể lại câu chuyện. Khi học sinh nắm vững nội dung các bức tranh tôi gọi học sinh năng khiếu kể mẫu một đoạn theo tranh giúp học sinh học tập cách kể của bạn để kể tốt. Sau đó tôi tổ chức cho học sinh thực hành kể từng đoạn truyện tương ứng theo tranh minh họa trong nhóm và trước lớp. Để các nhóm kể chuyện hiệu quả tôi luôn phân nhóm có các học sinh có trình độ kể khác nhau sao cho học sinh khá giỏi giúp đỡ được học sinh trung bình kể được truyện. Tôi bao quát lớp giúp những học sinh lúng túng và lưu ý học sinh khi kể chỉ cần đúng nội dung chính không nên nhớ nguyên văn lời trong văn bản truyện đã đọc giúp học sinh mở rộng, tích cực hóa vốn từ, để rèn kĩ năng nói cho học sinh.

Khi học sinh kể trong nhóm tôi luôn rèn các em biết kể giọng phù hợp vừa đủ nghe trong nhóm để không ảnh hưởng đến nhóm khác và lắng nghe bạn kể để sửa cho bạn. Còn khi kể trước lớp tôi rèn cho học sinh nói thành câu, nói to để cả lớp cùng nghe và nhận xét lời kể. Khi kể cần mạnh dạn, tự tin, biết thay đổi ngữ điệu tự nhiên và nhìn vào bạn để kể chuyện sẽ lôi cuốn người nghe.

Ví dụ 1: Khi dạy bài : Mẩu giấy vụn [TV2_tập1 _trang 49]

Bài tập 1 tôi tổ chức hướng dẫn học sinh kể như sau:

Tôi yêu cầu học sinh nêu yêu cầu bài 1: Dựa theo tranh, kể lại câu chuyện mẩu giấy vụn.

Sau đó tôi yêu cầu học sinh quan sát 4 tranh minh họa SGK và các bức tranh phóng to đính trên bảng và nêu hỏi gợi mở để học sinh nêu nội dung mỗi bức tranh giúp học sinh nhớ nội dung từng đoạn câu chuyện.

H: Tranh một vẽ gì? [Cô giáo khen lớp học sạch sẽ và nói: Các em có nghe thấy mẩu giấy nói gì không? Hãy cho cô biết mẩu giấy nói gì?]

H:Tranh hai bạn trai đang nói gì? [Thưa cô mẩu giấy không biết nói ạ.]

H: Bạn gái đang làm gì ở tranh 3? [Bạn gái nhặt mẩu giấy bỏ vào thùng rác.]

H: Còn tranh 4 bạn gái nói gì? [Mẩu giấy bảo: Các bạn ơi hãy bỏ tôi vào sọt rác!]

Sau khi học sinh nêu nội dung từng bức tranh tôi gọi học sinh năng khiếu kể mẫu tranh một. Tôi hướng dẫn các em đứng trước lớp kể kết hợp chỉ tranh minh họa phù hợp. Vì mỗi tranh chỉ minh họa một tình tiết trong một đoạn truyện. Nên chỉ khi kể tới tình tiết có trong tranh người kể mới kết hợp chỉ tranh [mà chỉ đúng vào hình ảnh thể hiện trong tranh], để minh họa cho lời kể của mình và thuyết phục người nghe hiểu, nhớ sâu hơn nội dung truyện. Khi học sinh giỏi kể mẫu đoạn một tôi hướng dẫn các em kết hợp chỉ tranh khi kể đến chi tiết cô giáo nói: “Nào các em hãy lắng nghe và cho cô biết mẩu giấy nói gì nhé!” Còn các chi tiết khác của đoạn một không cần chỉ vào tranh mà chỉ bằng điệu bộ sẽ thu hút người nghe.

Khi học sinh kể mẫu tôi yêu cầu cả lớp lắng nghe cách kể của bạn để biết cách kể đúng nội dung từng đoạn theo tranh và học cách kể hay. Sau đó tôi cho cả lớp tập kể theo nhóm 4 để tất cả học sinh được rèn luyện kĩ năng kể và thi kể trước lớp, nhận xét, bình chọn nhóm kể hay tạo không khí thi đua sôi nổi giữa các nhóm và sự cố gắng nỗ lực của mỗi thành viên trong nhóm.

Ví dụ 2: Bài: Chiếc rễ đa tròn.[TV2-tập 2-trang 109]

Bài tập 1: Sắp xếp lại trật tự các tranh dưới đây theo đúng diễn biến câu chuyện Chiếc rễ đa tròn.

Đây là bài tập các tranh đã bị đảo không đúng trình tự câu chuyện nên yêu cầu học sinh dựa vào tranh minh họa nêu nội dung từng tranh, nhớ thứ tự từng đoạn câu chuyện rồi xếp lại cho đúng diễn biến câu chuyện. Mỗi đoạn truyện được thể hiện bằng một hoặc hai tranh. Các hình vẽ trong tranh chỉ là tình tiết có trong đoạn truyện. Nếu nắm được đúng các hình ảnh trong tranh thể hiện nội dung nào của truyện thì các em sẽ sắp xếp đúng trình tự diễn biến câu chuyện.

Chính vì vậy tôi hướng dẫn học sinh quan sát kĩ các bức tranh sách giáo khoa và tranh phóng to treo trên bảng và đưa hệ thống câu hỏi gợi ý giúp học sinh nêu được nội dung từng tranh như sau:

H: Tranh 1 vẽ gì? [Bác Hồ đang hướng dẫn chú cần vụ trồng chiếc rễ đa tròn ]

H: Các bạn nhỏ đang làm gì trong tranh 2?[Các bạn như đang thích thú chơi trò chui qua chui lại cây đa có vòng tròn]

H: Còn tranh 3 Bác Hồ yêu cầu chú cần vụ làm gì? [Bác Hồ chỉ vào chiếc rễ đa trên mặt đất và bảo chú cận vụ đem trồng nó ]

Khi học sinh đã nêu được nội dung từng đoạn ứng với các tranh theo trình tự câu chuyện tôi cho học sinh thảo luận nhóm 3, suy nghĩ xếp lại thứ tự các tranh và gọi một nhóm lên sắp xếp lại thứ tự các tranh trên bảng theo diễn biến câu chuyện 3-1-2. Hoạt động sắp xếp tranh tuy rất đơn giản nhưng có tác dụng rất tốt bởi học sinh bước đầu nhớ lại nội dung chính của mỗi đoạn. Từ đó giáo viên gợi mở để học sinh nhớ lại nội dung của đoạn truyện và dễ dàng kể tốt từng đoạn .

3.3.3.2. Rèn kĩ năng kể theo dàn ý hoặc gợi ý.

* Mục tiêu:

Rèn học sinh kể chuyện dựa vào các ý được tóm tắt theo từng đoạn của truyện vì không có tranh nên các em phải huy động trí tưởng tượng, tư duy lô- gíc để nhớ lại câu chuyện và kể đúng nội dung .

* Cách thực hiện:

Để giúp học sinh thực hành tốt yêu cầu của bài tôi đã dẫn dắt bằng hệ thống câu hỏi gợi ý hoặc gợi dần từng sự việc, chi tết thể hiện ý chính đó giúp học sinh triển khai các ý tóm tắt đã cho thành từng đoạn truyện và kể lại tốt câu chuyện theo gợi ý.

Ví dụ :Bài : Hai anh em –[ TV2-T1-trang 120]

Yêu cầu 1: Kể lại từng phần câu chuyện Hai anh em theo gợi ý sau:

a- Mở đầu câu chuyện.

b- Ý nghĩ và việc làm của người em.

c- Ýnghĩ và việc làm của người anh.

d- Kết thúc câu chuyện. Sau khi học sinh nêu yêu cầu tôi nhấn mạnh lại để học sinh nắm vững mỗi gợi ý trên ứng với nội dung diễn biến một đoạn truyện. Tôi nêu câu hỏi gợi ý giúp học sinh nhớ lại đoạn mở đầu câu chuyện như sau:

H: Hai anh em cùng làm việc gì, ở đâu? [Hai anh em cùng cày chung đám ruộng, ngày mùa họ gặt lúa và để thành hai đống bằng nhau ]

Khi đã hướng dẫn giúp học sinh nhớ lại phần mở đầu câu chuyện tôi gọi một học sinh năng khiếu kể mẫu sau đó tôi tổ chức cho cả lớp tập kể nhóm 4 và gọi các nhóm thi kể trước lớp. Sau mỗi lần các nhóm kể tôi yêu cầu cả lớp học sinh nhận xét, đánh giá rút kinh nhiệm để phát huy mặt mạnh về nội dung, cách diễn đạt câu, từ cách thể hiện và bình chọn nhóm kể hay .

Trong quá trình học sinh thi kể cũng có học sinh lúng túng tôi xử lí khéo léo tế nhị giúp các em bình tĩnh, tự tin nhớ lại diễn biến nội dung câu chuyện bằng các câu hỏi tiếp theo như :

H: Khi chia lúa xong người em nghĩ gì và đã làm gì? [Thương anh vất vả nuôi vợ con nên lấy lúa của mình bỏ vào phần của anh ]

H: Còn người anh nghĩ gì và làm gì? [Thương em sống một mình vất vả nên buổi đêm lấy lúa của mình bỏ thêm vào phần của người em]

H: Câu chuyện kết thúc ra sao? [Hai anh em gặp nhau khi mỗi người ôm một bó lúa định bỏ thêm cho người kia. Cả hai xúc động ôm chầm lấy nhau ]

Với cách gợi mở, dẫn dắt như trên học sinh lớp tôi hào hứng thi đua kể chuyện hiệu quả. Những em chưa thuộc truyện khi được gợi ý, khích lệ động viên cũng nhớ nội dung câu chuyện và kể chuyện tiến bộ rõ rệt .

3.3.3.3. Rèn kĩ năng tự tóm tắt nội dung và kể lại từng đoạn truyện.

* Mục tiêu:

Rèn luyện học sinh kĩ năng tổng hợp ở mức đơn giản để nhớ lại câu chuyện biết tóm tắt nội dung từng đoạn và kể.

* Cách thực hiện:

Để học sinh thực hiện yêu cầu của bài kể chuyện này tôi cho các em đọc thầm lại câu chuyện trong văn bản tập đọc giúp các em nhớ lại câu chuyện. Sau đó giáo viên nêu câu hỏi gợi ý làm chỗ dựa cho học sinh tự nêu ý chính của mỗi đoạn. Để rèn luyện kĩ năng tổng hợp ở mức đơn giản cho học sinh có những đoạn truyện giáo viên nên cho học sinh nêu các cách tóm tắt nội dung mỗi đoạn bằng câu nói khác nhau sao cho vẫn nêu nội dung chính của đoạn.

Ví dụ: Bài: Những quả đào [TV2-T2-trang 92]

Bài 1+2: Hãy tóm tắt nội dung mỗi đoạn của câu chuyện “Những quả đào” bằng một cụm từ hoặc một câu. Dựa vào kết quả bài tập 1 kể lại từng đoạn

Mẫu đoạn 1: Chia đào ; đoạn 2: Chuyện của Xuân

Khi học sinh nêu yêu cầu bài tập để giúp học sinh tóm tắt được đúng nội dung từng đoạn tôi gọi một học sinh năng khiếu đọc lại câu chuyện “ Những quả đào”, lớp đọc thầm giúp các em nhớ lại câu chuyện.

Sau đó tôi treo tranh minh họa 4 đoạn câu chuyện cho học sinh quan sát kĩ các bức tranh, nêu nội dung từng bức tranh, đọc mẫu tóm tắt SGK và đưa hệ thống câu hỏi gợi ý như sau :

H: Tranh 1 vẽ gì? [Ông đang chia quà cho bà và các cháu

H: Ngoài cách tóm tắt của SGK ai có cách tóm tắt khác? [Quà của ông/Ông chia đào cho bà và ba cháu nhỏ]

H: Xuân làm gì ở tranh 2? [Xuân đang trồng hạt đào,ông xoa đầu Xuân]

H: Dựa vào mẫu hãy tóm tắt nội dung đoạn 2? [Việc làm của Xuân/Người trồng vườn tương lai/Xuân làm gì với những quả đào…]

H: Tranh 3 vẽ ai? [Vân ăn đào xong vứt hạt ra cửa sổ]

H: Hãy nêu nội dung đoạn 3? [Vân ăn đào thế nào/Cô bé ngây thơ/Chuyện của Vân…]

H: Việt đang làm gì ở tranh 4?[Việt mang đào cho bạn Sơn đang bị ốm]

H: Vậy nội dung đoạn cuối là gì? [Cậu bé tốt bụng/Tấm lòng nhân hậu của Việt/Việt làm gì với quả đào…]

Với mỗi ý tóm tắt nội dung mỗi đoạn tôi cho học sinh nhận xét, chốt ý đúng và viết câu tóm tắt tương ứng dưới mỗi tranh. Sau đó tôi cho học sinh đọc thầm lại các câu tóm tắt và tập kể nhóm 4 rồi thi kể trước lớp để nhận xét bình chọn nhóm kể hay nhất để rèn kĩ năng nghe, nói cho các em.

Với phương pháp gợi mở, dẫn dắt như trên gặp bài yêu cầu tương tự học sinh lớp tôi rất tích cực, chủ động, sáng tạo trong cách tóm tắt nội dung từng đoạn truyện và hào hứng tham gia thi kể từng đoạn, cả câu chuyện đạt hiệu quả cao.

3.3.3.4. Rèn kĩ năng kể một đoạn truyện bằng lời của mình .

* Mục tiêu:

Rèn học sinh kĩ năng kể chuyện sinh động bằng lời của mình không cần lặp lại nguyên văn từng từ ngữ trong văn bản mà chỉ cần kể đúng cốt truyện.

* Cách thực hiện:

Để học sinh kể tốt giáo viên cần hướng dẫn học sinh biết cách dùng từ, nói câu sao cho sáng tạo nhằm diễn đạt rõ văn bản qua sự tưởng tượng của mình có thể diễn tả thêm các hoạt động, tâm trạng nhân vật kể như sống trong khung cảnh của câu chuyện để lôi cuốn người nghe. Đó là bí quyết thành công của người kể chuyện.

Muốn kể bằng lời của mình thì học sinh phải nhớ câu chuyện.Vì vậy tôi luôn gợi mở, dẫn dắt giúp các em nhớ lại nội dung truyện thông qua tranh minh họa hoặc những lời gợi ý.

Trong quá trình học sinh kể chuyện tôi luôn tạo bầu không khí thân mật, tin cậy và động viên, khích lệ các em kể chuyện tự nhiên, thoải mái kết hợp với nét mặt, cử chỉ phù hợp như đang kể cho bạn bè, người thân nghe nhằm tạo sự giao cảm, gần gũi giữa người kể và người nghe.

Ví dụ: Bài: Bông hoa Niềm Vui[TV2-T1-Tr 105]

Bài tập 2: Dựa vào tranh kể lại nội dung chính của câu chuyện[đoạn 2+3] bằng lời của em.

Sau khi học sinh nêu yêu cầu tôi cho các em quan sát kĩ tranh minh họa SGK và tranh phóng to trên bảng, khai thác yêu cầu của bài và nội dung tranh giúp các em nhớ lại nội dung truyện bằng hệ thống câu hỏi gợi ý sau:

Hỏi: Con hiểu thế nào là kể bằng lời của em?[Kể đúng nội dung câu chuyện, có thể thêm, bớt một số từ ngữ, kết hợp cử chỉ, nét mặt…]

H: Tranh 1 vẽ cảnh gì? [Chi đang ở vườn hoa của trường muốn hái bông hoa Niềm Vui, Chi chần chừ không dám hái hoa.]

H: Vì sao Chi không dám hái hoa? [Theo nội quy nhà trường, hoa của trường mọi người cùng chăm sóc và ngắm vẻ đẹp của hoa.]

H: Thế còn tranh 2 có những ai? [Cô giáo và bạn Chi]

H: Cô giáo và Chi đang trò chuyện với nhau điều gì? [Chi xin cô cho hái một bông hoa Niềm Vui để tặng bố. Cô giáo cho Chi hái ba bông hoa để tặng bố, mẹ và Chi vì em là một cô bé hiếu thảo.]

Khi học sinh đã nắm vững yêu cầu và nội dung tranh tôi lưu ý các em kể bằng lời của mình thật tự nhiên không kể như đọc và cố nhớ từng chữ trong truyện .

Trước khi học sinh tập kể tôi gọi một học sinh năng khiếu kể mẫu đoạn 2 và kết hợp chỉ tranh và làm động tác ở chi tiết Chi giơ tay định hái hoa nhưng em chần chừ không dám hái hoa. Sau đó tôi cho lớp nhận xét, hiểu rõ cách kể bằng lời của mình và học tập cách kể sáng tạo của bạn. Tiếp theo tôi tổ chức cho học sinh tập kể nhóm đôi và thi kể trước lớp để bình chọn, tuyên dương nhóm kể hay.

Với cách tổ chức, hướng dẫn kể chuyện tỉ mỉ như trên học sinh lớp tôi đã nhớ và kể đúng cốt truyện, kể tự nhiên bằng lời của mình. Đặc biệt nhiều em kể sáng tạo, biết thêm một số từ ngữ phù hợp như câu nói của Chi: “ Thưa cô, xin cô cho em được hái một bông hoa Niềm Vui để tặng bố vì bố em đang ốm nặng để bố em mau khỏi bệnh.” Và các em biết sử dụng yếu tố phụ trợ để kể như làm động tác khi kể đến chi tiết cô giáo ôm Chi vào lòng, biết thay đổi giọng kể phù hợp nhân vật, lời Chi cầu khẩn, lời cô giáo dịu dàng, trìu mến.

3.3.3.5. Rèn kĩ năng kể một chi tiết trong truyện theo tưởng tượng.

* Mục tiêu:

Rèn học sinh kĩ năng kể sáng tạo ở mức độ cao hơn nhằm phát triển năng lực ngôn ngữ vì các em phải tưởng tượng thêm cả ý để kể và nói được một ý nghĩ, một hành động của nhân vật.

* Cách thực hiện:

Để khuyến khích khả năng tưởng tượng phong phú của các em trong tiết học tôi luôn tạo không khí thoải mái lựa chọn riêng của mỗi học sinh nhằm phát triển tư duy, sự sáng tạo, rèn kĩ năng nói cho các em. Như vậy với mỗi yêu cầu của một bài học sinh sẽ sáng tạo tưởng tượng được nhiều tình huống khác nhau và kể lại. Giáo viên tránh áp đặt máy móc một cách diễn đạt chung cho cả lớp.

Ví dụ: Bài: Sự tích cây vú sữa [TV 2-T1-Trang 37]

Bài 3: Em mong muốn câu chuyện kết thúc như thế nào? Hãy kể lại đoạn cuối câu chuyện theo ý đó.

Để giúp học sinh thực hiện tốt yêu cầu tôi gọi một em đọc yêu cầu, cả lớp đọc thầm và khai thác nội dung bài tập giúp học sinh nắm vững hai yêu cầu qua câu hỏi:

H: Bài có những yêu cầu gì?[Mong muốn câu chuyện kết thúc ra sao và kể lại đoạn cuối theo ý đó]

Để học sinh tưởng tượng phong phú tôi gọi một em đọc phần kết thúc văn bản truyện ở SGK: “Trái cây thơm ngon ở vườn nhà cậu bé, ai cũng thích. Họ đem hạt gieo trồng khắp nơi và gọi đó là cây vú sữa.” Sau đó tôi dẫn dắt, gợi mở để học sinh tưởng tượng phần kết thúc bằng cách gợi ý về các hướng kết thúc câu chuyện theo diễn biến tâm lí nhân vật mẹ hoặc con; kết quả của việc gieo trồng cây vú sữa; ấn tượng của mọi người mỗi khi ăn quả vú sữa…Khi các em đã có điểm tựa từ những gợi ý tôi đặt câu hỏi phát huy trí lực của học sinh như sau:

H: Con mong muốn câu chuyện kết thúc ra sao?

Với câu hỏi gợi mở này học sinh lớp tôi rất sôi nổi nêu ý kiến của mình về kết câu chuyện:

[Mẹ cậu bé hiện ra từ cây vú sữa, hai mẹ con ôm chầm lấy nhau và vui vẻ sống bên nhau/ Mẹ cậu bé hiện ra vỗ về, an ủi cậu bé rồi biến mất/ Cậu bé quyết ra đi tìm mẹ để xin lỗi/ Bà tiên hiện ra vỗ về, dặn dò cậu bé muốn gặp lại mẹ cần chăm ngoan, học giỏi/ Mỗi lần ăn quả vú sữa mọi người lại nhớ câu chuyện cậu bé ham chơi không nghe lời mẹ/…]

Khi học sinh nêu ý tưởng của mình tôi gọi học sinh năng khiếu kể mẫu và nhận xét cách kể. Sau đó tôi dành thời gian để cả lớp tập kể nhóm đôi, thi kể trước lớp, nhận xét và bình chọn, tuyên dương những em kể hay.

Với sự hướng dẫn, gợi mở như trên học sinh lớp tôi hào hứng học tập, nảy nở nhiều ý tưởng hay, bất ngờ, khơi gợi trí tưởng tượng phong phú và rèn kĩ năng diễn đạt, phát triển tư duy, vốn từ cho các em. Từ đó chắp cánh cho các em có sự tưởng tượng sáng tạo khi gặp bài kể chuyện có yêu cầu tương tự.

3.3.3.6. Rèn kĩ năng phân vai dựng lại một đoạn hoặc cả câu chuyện .

* Mục tiêu:

Rèn kĩ năng kể chuyện phân vai là dựa vào lời nói của nhân vật trong truyện để kể lại câu chuyện theo trật tự cốt truyện và thể hiện sự sáng tạo của học sinh sao cho câu chuyện vừa đảm bảo tính lô- gíc vừa thể hiện tính riêng biệt. Xuất phát từ đặc điểm tâm lí học sinh Tiểu học rất thích đóng kịch, dù đó không phải là những câu chuyện có tính xung đột, có diễn biến phức tạp. Đây là hình thức đặc trưng để rèn kĩ năng nói, kĩ năng kể, kĩ năng đối thoại, hợp tác, phân công đảm nhận trách nhiệm cùng thực hiện một hoạt động cho học sinh. Đồng thời giúp các em hiểu sâu hơn tính cách, tình cảm của nhân vật trong câu chuyện.

* Cách thực hiện:

Muốn học sinh kể phân vai tốt cần có sự gợi mở và làm mẫu của giáo viên hoặc học sinh giỏi. Chính sự dẫn dắt của giáo viên giúp học sinh biết được câu chuyện có mấy vai, đặc điểm nổi bật của từng vai thể hiện trong giọng kể, điệu bộ, cử chỉ. Phần làm mẫu của giáo viên, hay học sinh năng khiếu là một phần hay toàn bộ vai khó giúp các em phỏng theo.

Ví dụ: Bài: Bạn của Nai Nhỏ [TV 2-Tập 1-Trang 24]

Bài tập 3: Phân vai, dựng lại câu chuyện [các vai: người dẫn chuyện, Nai Nhỏ, cha Nai Nhỏ]

Đây là bài kể chuyện đầu tiên trong chương trình có yêu cầu phân vai dựng lại câu chuyện nên tương đối khó với học sinh vì vậy tôi gợi ý giúp học sinh nhớ lại sự khác nhau trong giọng kể của các vai đã học qua tiết Tập đọc như sau:

H: Để kể phân vai cần có mấy vai? Đó là các vai nào? [Ba vai : Người dẫn chuyện, Nai Nhỏ, cha Nai Nhỏ.]

H: Giọng kể của các vai ra sao? [Lời dẫn chuyện rõ ràng, rành mạch, biết thay đổi giọng phù hợp diễn biến câu chuyện; lời Nai Nhỏ hồn nhiên, ngây thơ; lời cha Nai Nhỏ lúc đầu lo lắng, sau vui vẻ, hài lòng.]

Khi học sinh nêu được giọng kể các vai để giúp các em kể tốt tôi nhận vai người dẫn chuyện và lưu ý học sinh người dẫn chuyện phải nhớ cả câu chuyện, kể từ đầu đến cuối, một học sinh năng khiếu nhận vai cha Nai Nhỏ, một em vai Nai Nhỏ và kể mẫu lần một. Học sinh lắng nghe, nhận xét cách thể hiện các vai. Khi học sinh nắm vững cách phân vai tôi tổ chức cho các em tập kể nhóm ba và thi kể giữa các nhóm, bình chọn nhóm kể tự nhiên nhất.

Với các bài kể chuyện tương tự khi học sinh đã nắm vững cách kể phân vai tôi đẩy dần vai trò làm mẫu cho học sinh năng khiếu để phát huy tính sáng tạo của học sinh. Cũng có bài kể chuyện phân vai cách thể hiện tính cách nhân vật khó thể hiện tôi làm mẫu một phần, một chi tiết để học sinh rút kinh nghiệm kể phân vai thành công.

Ví dụ : Bài: Quả tim khỉ [TV2-Tập 2-Trang 52]

Bài tập 2: Phân vai dựng lại câu chuyện.

Đây là câu chuyện khi kể phân vai giọng kể cần thay đổi phù hợp với diễn biến câu chuyện khi thể hiện vai của Khỉ và Cá Sấu tương đối khó với học sinh nên tôi làm mẫu giọng kể vai Khỉ và Cá Sấu để các em học tập như sau:

Với vai Khỉ lần đầu tiên nhìn thấy Cá Sấu thể hiện giọng ngạc nhiên, lo lắng, quan tâm: “Bạn là ai? Vì sao bạn khóc?”;Giọng bình tĩnh, tự tin khi bị Cá Sấu lừa: “Chuyện quan trọng vậy mà bạn chẳng bảo trước. Quả tim tôi để ở nhà. Mau mau đưa tôi về, tôi sẽ lấy tim dâng lên vua của bạn.” Giọng phẫn nộ khi mắng Cá Sấu: “Con vật bội bạc kia! Đi đi! Chẳng ai thèm kết bạn với những kẻ giả dối như mi đâu.”

Còn vai Cá Sấu cần thể hiện giọng giả dối vừa nói vừa khóc: “Tôi là Cá Sấu. Tôi khóc vì chả ai chơi với tôi. Vua của chúng tôi đang ốm nặng, phải ăn một quả tim khỉ mới khỏi. Tôi cần quả tim của bạn.”

Qua phương pháp hướng dẫn tỉ mỉ như trên tôi thấy học sinh cả lớp rất hào hứng sắm vai và nhập vai rất tốt nhiều em biết diễn xuất bằng ngữ điệu, động tác phù hợp. Qua phần kể phân vai các em được phát triển năng lực hợp tác, hỗ trợ trong nhóm tạo ra sự mạnh dạn, tự tin khi kể trước lớp để gây sự chú ý, lôi cuốn người nghe. Các em thực hành sắm vai tốt ở các tiết kể chuyện khác.

3.3.3.7. Rèn kĩ năng kể chuyện sáng tạo, phát triển năng lực ngôn ngữ và lồng ghép rèn kĩ năng sống cho học sinh.

3.3.3.7.1. Rèn học sinh kĩ năng kể chuyện sáng tạo, , phát triển năng lực ngôn ngữ:

* Mục tiêu: Việc rèn kĩ năng kể chuyện sáng tạo cho học sinh là các em chỉ cần nhớ truyện, từ đó ngôn ngữ văn học thấm vào các em một cách tự nhiên, giúp các em đưa được cảm xúc riêng của mình vào câu chuyện để kể tự nhiên như sống với câu chuyện. Các em kể bằng ngôn ngữ, giọng điệu của mình có thể thêm bớt một số từ, câu phù hợp làm cho câu chuyện trở nên sống động. Khi kể cần thay đổi ngữ điệu phù hợp diễn biến câu chuyện, biết ngừng, nghỉ hợp lí những điểm nút của cốt truyện, ở chỗ có sự thay đổi đột ngột diễn biến câu chuyện hoặc thái độ tính cách nhân vật để thu hút người nghe. Đó là cả một nghệ thuật, một bí quyết thành công khi kể chuyện.

* Cách thực hiện:

Để rèn kĩ năng kể chuyện sáng tạo, phát triển năng lực ngôn ngữ cho học sinh trong mỗi tiết học tôi luôn động viên, khuyến khích các em tập kể bằng lời của mình, không kể máy móc, cố nhớ từng chữ như đọc truyện, biết đưa vào câu chuyện vừa phải một số từ làm cụ thể thêm nhân vật trong câu chuyện. Qua mỗi phần kể của học sinh tôi cho cả lớp nhận xét, phát hiện những từ, câu mà khi kể bạn đã sáng tạo đưa vào làm sống động câu chuyện dể mở rộng vốn từ, tích cực hóa vốn từ, rèn kĩ năng nghe, nói hiệu quả cho học sinh.

Ví dụ: Bài: Bông hoa Niềm Vui[TV 2-tập 1-Trang 105]

Bài tập 3: Kể lại đoạn cuối câu chuyện đoạn 4 trong đó có lời lời cảm ơn của bố Chi do em tưởng tượng ra.

Để giúp các em thực hiện tốt bài tập này tôi gọi học sinh nêu yêu cầu và gợi mở để các em phát huy tính sáng tạo, rèn trí tưởng tượng, mở rộng vốn từ ngữ, nói câu chính xác, biết đưa vào câu chuyện vừa phải câu chữ của mình để kể tự nhiên như sống với câu chuyện.

Muốn kể sáng tạo học sinh phải nhớ truyện nên tôi gọi một em đọc lại đoạn 4 của văn bản truyện, lớp đọc thầm. Sau đó tôi gợi mở để học sinh tưởng tượng lời bố Chi.

H: Nếu con là bố bạn Chi con sẽ nói thế nào để cảm ơn cô giáo?

Với câu hỏi gợi mở như vậy học sinh lớp tôi đã sôi nổi phát biểu nêu được nhiều ý tưởng khác nhau.

[Tôi cảm ơn cô giáo đã cho cháu Chi hái hoa, nhờ bông hoa tôi mau khỏi bệnh/ Gia đình tôi vô cùng biết ơn cô đã dạy dỗ bé Chi thành người con hiếu thảo. Tôi xin tặng nhà trường khóm hoa này để làm kỉ niệm/ Cảm ơn cô giáo đã cho cháu Chi hái bông hoa quý của trường giúp tôi chóng bình phục. Gia đình tôi xin biếu nhà trường một khóm hoa cúc đại đóa/ Gia đình tôi rất biết ơn cô giáo đã cho cháu Chi hái bông cúc màu xanh vì sức khỏe của tôi/…]

Khi học sinh đã nêu được các ý tưởng tôi tổ chức cho các em thi kể nối tiếp và nhận xét nêu rõ những từ, câu bạn đã kể sáng tạo so với văn bản để học tập kinh nghiệm, bình chọn người kể hay. Với phương pháp hướng dẫn như trên học sinh lớp tôi đã biết kể chuyện sáng tạo, tự nhiên, biết thực hành nói lời cảm ơn phù hợp hoàn cảnh, tình huống giao tiếp trong cuộc sống.

3.3.3.7.2. Rèn kĩ năng sống phù hợp cho học sinh .

* Mục tiêu:

Khi rèn kĩ năng sống cho học sinh là rèn các kĩ năng: Học để biết, học để làm, học để tự khẳng định mình và học để cùng chung sống. Như vậy việc rèn kĩ năng sống sẽ giúp các em nhận biết được giá trị tốt đẹp của cuộc sống, biết đánh giá đúng về bản thân, biết ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xung quanh nhằm đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ ở thế kỉ XXI.

* Cách thực hiện: Hiểu rõ tầm quan trọng của việc rèn kĩ năng sống cho học sinh nên tôi luôn nghiên cứu mục tiêu mỗi bài dạy để lồng ghép giáo dục kĩ năng sống phù hợp, nhẹ nhàng, thiết thực đạt hiệu quả cao.

Ví dụ 1 : Bài: Ai ngoan sẽ được thưởng [TV 2-Tập 2-Trang 102]

Trong tiết kể chuyện này các kĩ năng sống được giáo dục trong bài là: Giúp học sinh tự nhận thức về bản thân và ra quyết định giải quyết vấn đề.

Sau khi hướng dẫn học sinh thực hành kể chuyện phần củng cố tôi đưa ra hệ thống câu hỏi gợi mở giúp học sinh nêu được ý nghĩa câu chuyện và rèn kĩ năng sống như sau:

H: Qua câu chuyện con học tập được đức tính tốt nào của bạn Tộ? [Thật thà, dũng cảm nhận lỗi.]

H: Hãy nêu các tình huống con đã làm thể hiện tính thật thà, dũng cảm trong cuộc sống?

Với câu hỏi liên hệ này học sinh lớp tôi rất sôi nổi, hào hứng kể các tình huống thể hiện tính thật thà và cách giải quyết vấn đề phù hợp đồng thời rút ra cách ứng xử linh hoạt trong giao tiếp hàng ngày như:

[Nhặt được tiền, bút, sách trả người bị mất/ Bị điểm kém về nhà nói với bố, mẹ để bố, mẹ giúp đỡ phương pháp học tập tiến bộ/ Khi mắc lỗi nhận và sửa lỗi/…]

Ví dụ 2: Bài: Người làm đồ chơi [TV2-Tập 2-Trang 134]

Kĩ năng sống được giáo dục trong bài là:

Kĩ năng giao tiếp./Kĩ năng thể hiện sự tự tin./Kĩ năng ra quyết định.

Để giúp các em rèn kĩ năng giao tiếp và thể hiện sự tự tin trong quá trình kể chuyện phân vai tôi gợi mở giúp các em nhớ lại giọng kể của các nhân vật, đặc biệt giọng nói của bạn nhỏ thể hiện sự thông sâu sắc, cách an ủi tế nhị của bạn nhỏ với bác bán hàng. Khi hiểu được tâm trạng nhân vật trong lúc kể các em sẽ thể hiện đúng giọng bạn nhỏ xúc động, cầu khẩn khi giữ bác bán hàng ở lại, giọng sôi nổi khi hứa mua đồ chơi của bác và quyết định đập con lợn đất tiết kiệm chia nhỏ món tiền nhờ các bạn mua đồ chơi giúp bác bán hàng. Như vậy qua phần diễn xuất học sinh hiểu thêm nội dung, ý nghĩa câu chuyện và rèn kĩ năng sống nhẹ nhàng, hiệu quả.

Phần củng cố, liên hệ tôi cho học sinh thảo luận, chia sẻ hiểu ý nghĩa câu chuyện bằng hệ thống câu hỏi sau:

H: Qua câu chuyện giúp con hiểu điều gì? [Bạn nhỏ là người nhân hậu, thương người/ Bạn nhỏ tốt bụng muốn mang niềm vui đến cho người khác/ Bạn nhỏ hiểu, thông cảm, biết chia sẻ, an ủi bác hàng xóm/…]

H: Con học tập bạn nhỏ đức tính tốt nào? [Tấm lòng nhân hậu, sự cảm thông sâu sắc của bạn nhỏ với bác bán hàng/ Bạn nhỏ biết quý lao động, biết an ủi người khác một cách tế nhị/ Luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn/…]

H: Hãy kể những việc con làm thể hiện sự cảm thông, chia sẻ với người khác lúc gặp khó khăn?

Với câu hỏi liên hệ này học sinh lớp tôi rất sôi nổi, hào hứng kể các tình huống bản thân quyết định giúp đỡ bạn lúc gặp khó khăn.

[Bạn buồn vì bị điểm kém an ủi, động viên, chia sẻ với bạn/ Bạn không hiểu bài giảng bài giúp bạn/ Bạn không mang bút, màu vẽ, sách cho bạn mượn/…]

Như vậy qua mỗi tiết học giáo viên cần nghiên cứu kĩ mục tiêu bài dạy để lựa chọn phương pháp, hình thức tổ chức dạy học hiệu quả và liên hệ thực tế, lồng ghép giáo dục kĩ năng sống nhẹ nhàng nhưng sâu sắc cho học sinh qua nội dung bài học để các em có kĩ năng giao tiếp, ứng xử phù hợp với các tình huống giao tiếp trong cuộc sống.

4. Thực nghiệm khoa học và kết quả thực nghiệm.

So với trước đây khi chưa áp dụng phương pháp đổi mới rèn kĩ năng kể chuyện tôi thấy học sinh rất sợ tiết kể chuyện, nhiều em nhút nhát, chưa tự tin, kể chuyện như đọc thuộc, chưa mạnh dạn trong giao tiếp, nói nhỏ nên tiết học căng thẳng.

Sau khi nghiên cứu và áp dụng các biện pháp đổi mới rèn kĩ năng kể chuyện tôi thấy tiết học rất nhẹ nhàng, hiệu quả. Học sinh lớp tôi hào hứng, tích cực học tập, tiết học rất sôi nổi. Các em luôn háo hức chờ đợi tiết kể chuyện để được thi kể chuyện, được sắm vai thể hiện tâm trạng các vai diễn.

Trong mỗi tiết học tất cả học sinh đều tích cực tham gia các hoạt động kể chuyện trong nhóm, kể trước lớp rất sôi nổi, hiệu quả. Các em tự tin, mạnh dạn kể chuyện bằng lời của mình. Đặc biệt nhiều em biết kết hợp chỉ tranh minh họa, thay đổi ngữ điệu phù hợp diễn biến câu chuyện và kết hợp cử chỉ, điệu bộ để làm sống động nhân vật trong văn bản như em: Mai Phương, Ngọc Diệp, Anh Tú, Đức Thiện, Nam Anh, Anh Đức, Minh Phú. Các em kể chưa lưu loát, kể như đọc, chưa tự tin từ đầu năm đã tiến bộ rất nhiều, các em đã biết kể bằng lời của mình, kể to, rõ ràng, lưu loát như: Xuân Bách, Khánh Ngọc, Tiến Minh, Trung Hiếu, Ngọc Lan.

Trong tiết học các em biết lắng nghe bạn kể, kể tiếp lời bạn, biết kể phân vai tốt và nhận xét cách kể của bạn. Các em hào hứng chuẩn bị trang phục, đồ dùng để sắm vai hiệu quả. Qua tiết kể chuyện các em được trau dồi vốn ngôn ngữ phong phú giúp các em mạnh dạn tự tin trong giao tiếp hằng ngày và diễn đạt tốt trong các tiết học khác như: Toán, Tập đọc, Luyện từ và câu, Tập làm văn, Tự nhiên và Xã hội, tiết sinh hoạt tập thể. Các em được giáo dục kĩ năng sống nhẹ nhàng và biết liên hệ thực hành trong các tình huống giao tiếp hiệu quả. Từ đó chất lượng học tập được nâng cao rõ rệt đặc biệt là môn Tiếng Việt.

Kết quả phân môn Tiếng Việt cuối học kì I của lớp 2A3 có 42 học sinh đạt hoàn thành tốt là 61 %. Qua các bài khảo sát chất lượng kể chuyện của học sinh cuối năm có tiến bộ rõ rệt như sau:

Hứng thú kể chuyện

Tỉ lệ

Chưa hứng thú kể chuyện

Tỉ lệ

SS: 42

31

73,8%

11

26,9 %

Với phương pháp rèn kĩ năng kể chuyện như trên tôi trao đổi để dạy thực nghiệm ở khối, tổ chuyên môn được các đồng nghiệp và Ban giám hiệu đánh giá có tính khả thi cao, được áp dụng rộng rãi để rèn kĩ năng kể chuyện ở các lớp đạt hiệu quả cao. Đặc biệt trong tổ 1+2+3 và giúp các đồng nghiệp trẻ trong việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao nghiệp vụ Sư phạm.

Trong các tiết Hội thi giáo viên giỏi ở trường và thanh tra hoạt động Sư phạm tôi đều đạt tiết tốt với điểm số cao. Trong năm học vừa qua tôi đã dạy thành công nhiều chuyên đề, trong đó có chuyên đề kể chuyện áp dụng phương pháp rèn kĩ năng kể chuyện mới dạy trên giáo án điện tử được đồng nghiệp đánh giá đạt hiệu quả cao, học sinh tích cực kể chuyện, hiểu ý nghĩa câu chuyện, giáo dục kĩ năng sống phù hợp, nhiều em kể phân vai tốt.

PHẦN III: KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

1. Kết luận

Đổi mới phương pháp dạy học có vai trò vô cùng quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục giúp học sinh tự giác, tích cực, chủ động, sáng tạo học tập để tự chiếm lĩnh kiến thức mới. Chính vì vậy trong quá trình giảng dạy tôi luôn đổi mới các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học. Tôi đã nghiên cứu và áp dụng thành công phương pháp rèn học sinh các kĩ năng kể chuyện theo tranh, kể theo gợi ý, kể bằng lời của mình, kể sáng tạo, kể phân vai nên chất lượng giảng dạy được nâng cao rõ rệt, giờ học nhẹ nhàng, hiệu quả, học sinh hứng thú, tự tin kể chuyện. Muốn đổi mới phương pháp dạy học thành công mỗi giáo viên cần thực hiện tốt những điều sau:

1.1.Với giáo viên:

Giáo viên là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa có nhiệm vụ vẻ vang trong sự nghiệp trồng người là dìu dắt thế hệ mầm non tương lai của đất nước thành người vừa hồng vừa chuyên như nguyện ước của Bác Hồ nên cần không ngừng phấn đấu, trau dồi tri thức, tu dưỡng đạo đức, nhân cách nhà giáo để xứng đáng là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Bởi vì: “Nhà giáo như ngọn đuốc, không cháy sáng thì làm sao mồi được lửa cho những ngọn đuốc khác.”

Hiểu rõ được trách nhiệm to lớn của người giáo viên với lòng say mê nghề nghiệp tôi luôn cố gắng nỗ lực phấn đấu để tìm tòi, nghiên cứu, đọc chuyên san, tài liệu, học hỏi kinh nghiệm quý báu của đồng nghiệp, vận dụng sáng tạo phù hợp thực tế để đổi mới phương pháp rèn kĩ năng kể chuyện thành công. Tôi luôn trau dồi kiến thức chuyên môn sâu rộng, cập nhật thông tin hằng ngày, ghi những bất cập sau mỗi tiết dạy để rút kinh nghiệm nhằm nâng cao trình độ hiểu biết và nghiệp vụ Sư phạm.

Để dạy tốt với mỗi bài kể chuyện tôi luôn nghiên cứu kĩ mục tiêu, nội dung bài học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng, luyện tập kể mẫu và chuẩn bị chu đáo các phương tiện, đồ dùng dạy học vận dụng sáng tạo các phương pháp đổi mới dạy học. Trong tiết học áp dụng linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin để thiết kế giảng dạy phù hợp từng bài học, sử dụng triệt để, hiệu quả các đồ dùng dạy học nhằm khơi gợi sự hứng thú, trí tò mò, phát huy tính tích cực, sáng tạo, chủ động học tập của học sinh.Trong mỗi tiết dạy tôi vận dụng linh hoạt quan điểm dạy học tích hợp giữa các phân môn để giúp học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng mỗi bài học để học tốt các môn, đặc biệt là môn Tiếng Việt.

Ngay từ đầu năm học tôi khảo sát, phân loại trình độ kể chuyện của học sinh để tổ chức dạy học phân hóa nhằm phát huy khả năng sáng tạo của học sinh. Tôi luôn quan tâm đến các đối tượng học sinh để có biện pháp rèn kĩ năng kể chuyện cho học sinh yếu, trung bình và phát hiện bồi dưỡng các em có năng khiếu kể tốt sao cho 100% học sinh được kể chuyện trong một tiết học.

Mỗi tiết học là một hệ thống mở nhằm phát huy tối đa khả năng sáng tạo, nghệ thuật sư phạm của giáo viên nên tôi luôn lắng nghe, tôn trọng lời kể của học sinh. Tôi luôn gợi mở, khích lệ, khen ngợi, động viên các em dù có tiến bộ nhỏ giúp các em tự tin, mạnh dạn, hứng thú trong học tập.

Trong các tiết học tôi luôn tổ chức cho học sinh tập kể trong nhóm để các em giỏi giúp đỡ em yếu và thi kể trước lớp từng đoạn, cả câu chuyện, thi kể phân vai để tạo không khí thi đua sôi nổi, hứng thú kể chuyện, rèn kĩ năng giao tiếp, kĩ năng sống phù hợp cho học sinh.

1.2. Với học sinh:

Để học sinh kể chuyện tốt giáo viên cần hướng dẫn các em biết chuẩn bị bài chu đáo. Mỗi câu chuyện các em biết tóm tắt nội dung, nhớ phân biệt lời các vai trong truyện, tập kể cho người thân nghe từng đoạn, cả câu chuyện, chuẩn bị trang phục để sắm vai phù hợp. Trong tiết học cần tích cực tham gia kể chuyện trong nhóm, trước lớp. Các em cần mạnh dạn, tự tin kể chuyện, lắng nghe bạn kể, kể tiếp lời bạn, nhận xét cách kể của bạn.

Giáo viên cần hướng dẫn các em biết kể chuyện bằng lời của mình, kể tự nhiên kết hợp chỉ tranh minh họa, thay đổi ngữ điệu phù hợp diễn biến câu chuyện, kết hợp cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt để làm sống động câu chuyện.

2. Khuyến nghị :

* Với Phòng Giáo dục và Đào tạo:

Cần tổ chức chuyên đề, hội thảo các bài dạy khó để bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các giáo viên.

Quận Hoàng Mai

Các tin khác

  • Trường Mầm non Tương Mai tập huấn về phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ
  • Học sinh trường THCS Định Công tích cực, hào hứng tham gia các hoạt động hè
  • Trường Mầm non Thịnh Liệt tổ chức lễ kết nạp đảng viên cho các đồng chí quần chúng ưu tú
  • Chi bộ trường Mầm non Hoàng Văn Thụ tổ chức thành công Đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2022-2025
  • Trường Mầm non Thịnh Liệt: Tấm gương cô giáo Đặng Thị Hiền, nhiệt huyết, trách nhiệm, giàu lòng nhân ái
  • Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Yên Sở háo hức trong ngày tựu trường, năm học 2022 - 2023

Video liên quan

Chủ Đề