Doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa năm 2024

Dự thảo Nghị định bổ sung Điều 25b (Tiêu chí tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa), Điều 25c (Cấp Văn bản chấp thuận), Điều 25d (Thu hồi Văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa), Điều 25đ (Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa), Điều 25e (Cho hưởng ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu có chứng từ tự chứng nhận xuất xứ) sau Điều 25.

Trong đó, về tiêu chí tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, dự thảo Nghị định nêu rõ, thương nhân được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải đáp ứng đủ các tiêu chí sau:

  1. Là nhà sản xuất, nhà xuất khẩu hàng hóa. Trong trường hợp nhà xuất khẩu không phải là nhà sản xuất, nhà xuất khẩu phải có cam kết bằng văn bản của nhà sản xuất về xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu và sẵn sàng hợp tác trong trường hợp kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa và kiểm tra, xác minh tại cơ sở sản xuất.
  1. Không vi phạm quy định về xuất xứ trong 2 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Văn bản chấp thuận Tự chứng nhận xuất xứ.
  1. Có hệ thống lưu trữ hồ sơ (hồ sơ giấy và hồ sơ điện tử) đầy đủ để đảm bảo chứng minh tính xác thực của chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn lưu trữ theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP;
  1. Có cán bộ được đào tạo, được cấp chứng nhận hoặc chứng chỉ về xuất xứ hàng hóa do đơn vị đào tạo được Bộ Công Thương chỉ định cấp.
  1. Đã được cấp ít nhất 30 bộ C/O ưu đãi/năm và thực hiện quy trình khai báo C/O điện tử qua Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử (www.ecosys.gov.vn) đối với hàng hóa cùng nhóm HS (4 số) trong 2 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Văn bản chấp thuận.

Cơ quan có thẩm quyền tham khảo, ưu tiên xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp Văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ trong trường hợp: Thương nhân được Bộ Công Thương công nhận là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín; thương nhân được Bộ Tài chính công nhận là doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan.

Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu) là cơ quan có thẩm quyền cấp Văn bản chấp thuận để Nhà xuất khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Thương nhân đáp ứng quy định đề nghị cấp Văn bản chấp thuận và đính kèm hồ sơ qua Hệ thống www.ecosys.gov.vn.

Giả mạo hồ sơ sẽ bị thu hồi Văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa bị thu hồi trong những trường hợp sau đây:

a- Giả mạo chứng từ, gian lận kê khai khi đề nghị cấp Văn bản chấp thuận.

b- Giả mạo hồ sơ, chứng từ để tự chứng nhận xuất xứ.

c- Không thực hiện trách nhiệm của Nhà xuất khẩu đủ điều kiện quy định tại Nghị định này.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) không xem xét cấp Văn bản chấp thuận cho thương nhân trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày Nhà xuất khẩu đủ điều kiện đó bị thu hồi Văn bản chấp thuận.

Thương nhân bị thu hồi Văn bản chấp thuận sẽ được công bố thông tin trên cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương tại địa chỉ www.moit.gov.vn.

Ngoài việc thu hồi Văn bản chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thương nhân có hành vi vi phạm nêu trên sẽ bị áp dụng các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xuất xứ theo quy định hiện hành.

Cho đến nay, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đàm phán và ký kết trong những năm gần đây đều có điều khoản quy định về cơ chế Tự chứng nhận xuất xứ (TCNXX) hàng hóa, mặc dù có thể ở các cấp độ khác nhau. Với mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại giữa các nước thành viên, Hiệp định CPTPP hướng tới cơ chế TCNXX là cơ chế chứng nhận cốt lõi tại Hiệp định, áp dụng cho ba đối tượng là nhà xuất khẩu, nhà sản xuất và nhà nhập khẩu.

Doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa năm 2024

Tự chứng nhận xuất xứ là một cơ chế chứng nhận xuất xứ phổ biến và được áp dụng tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới trong những năm trở lại đây. Nhiều hiệp định thương mại tự do giữa các quốc gia trên thế giới đã đưa quy định để áp dụng cơ chế này đối với hàng hoá xuất nhập khẩu lưu thông trong khu vực mậu dịch tự do đó, nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp cũng như thúc đẩy hoạt động thương mại giữa các quốc gia. Tuy nhiên, cơ chế TCNXX còn tương đối mới mẻ với Việt Nam. Việt Nam mới chỉ biết đến cơ chế này trong thời gian 10 năm trở lại đây khi các nước thành viên ASEAN bắt đầu đàm phán và thực hiện chương trình thí điểm về TCNXX đối với nhà xuất khẩu đủ điều kiện trong khuôn khổ Hiệp định ATIGA. Cho đến nay, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đàm phán và ký kết trong những năm gần đây đều có điều khoản quy định về cơ chế TCNXX, mặc dù có thể ở các cấp độ khác nhau. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một trong những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có điều khoản về cơ chế chứng nhận xuất xứ này. Với mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại giữa các nước thành viên, Hiệp định CPTPP hướng tới cơ chế TCNXX là cơ chế chứng nhận cốt lõi tại Hiệp định, áp dụng cho ba đối tượng là nhà xuất khẩu, nhà sản xuất và nhà nhập khẩu.

Theo đó, Hiệp định quy định bất kỳ nhà xuất khẩu, nhà sản xuất nào cũng được tự chứng nhận xuất xứ. Còn đối với nhà nhập khẩu, Hiệp định CPTPP cho phép các nước thành viên có thể đưa ra các quy định trong nội luật về điều kiện cụ thể để nhà nhập khẩu được tự chứng nhận xuất xứ. Tuy nhiên, do có sự khác nhau trong nhu cầu cũng như mức độ sẵn sàng để áp dụng cơ chế TCNXX hàng hoá ngay khi Hiệp định có hiệu lực, Hiệp định CPTPP cũng cho phép các nước thành viên được áp dụng cơ chế này sau một thời gian chuyển đổi nhất định.

Trong thời gian chuyển đổi, các nước thành viên CPTPP được linh hoạt áp dụng song song hai cơ chế chứng nhận xuất xứ gồm: Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hang hoá (C/O); Nhà xuất khẩu đủ điều kiện được TCNXX. Trong số các nước thành viên CPTPP đã phê chuẩn và thực thi Hiệp định đến nay, Việt Nam hiện là nước thành viên duy nhất áp dụng thời gian bảo lưu cho cơ chế TCNXX. Trong thời gian đó, Việt Nam áp dụng cơ chế cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (hay gọi là C/O mẫu CPTPP) cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước thành viên CPTPP. Theo lộ trình được quy định tại Hiệp định CPTPP, sau khi hết thời gian bảo lưu, tức là ngày 14 tháng 01 năm 2024, Việt Nam sẽ áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá, ít nhất là đối với nhà nhập khẩu. Do vậy, việc chuẩn bị hành trang, kiến thức cho khối doanh nghiệp cũng như các cơ quan nhà nước liên quan về quy tắc xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định CPTPP là hết sức cần thiết và quan trọng.

Nhằm giúp các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu có thông tin một cách đầy đủ và có hệ thống về cơ chế TCNXX trong Hiệp định CPTPP, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã biên soạn cuốn sách “Giới thiệu về cơ chế Tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)”. Đây là cuốn sách được biên soạn bởi các chuyên gia là những người trực tiếp tham gia đàm phán nội dung quy tắc xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định CPTPP và trực tiếp hướng dẫn, dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật trong nước liên quan đến lĩnh vực này. Với nguồn thông tin phong phú và được phân tích chuyên sâu, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, cuốn sách được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về cơ chế TCNXX nói chung và hiểu thêm về cơ chế TCNXX trong CPTPP nói riêng, từ đó làm kim chỉ nam cho doanh nghiệp chuẩn bị kiến thức, đào tạo nhân viên để sẵn sàng tham gia vào cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo cam kết tại Hiệp định CPTPP. Đồng thời, đây cũng là tài liệu tham khảo để các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng trong công việc xây dựng chính sách và quản lý thực thi TCNXX theo Hiệp định CPTPP.