So sánh phim hoạt hình các nước năm 2024

Phim hoạt hình (animation) là một thể loại phim ra đời từ đầu thế kỷ 20. Đến năm 2001, với việc trở thành một hạng mục chính trong các đề cử của Giải thưởng Oscar - Giải thưởng điện ảnh lớn và danh giá của thế giới, có thể nói vị trí của phim hoạt hình chính thức được khẳng định. Nhắc đến thể loại phim hoạt hình, hẳn không thể không nhắc đến “đế chế” Pixar (hãng phim hoạt hình nổi tiếng của Mỹ) với nhiều bộ phim tạo dấu ấn khó quên trong lòng khán giả. Những tựa phim như: The Toy Story (Câu chuyện đồ chơi), Finding Nemo (Đi tìm Nemo), The Incredibles (Gia đình siêu nhân), Up (Vút bay)... hay Brave (Công chúa tóc xù), Inside Out (Những mảnh ghép cảm xúc)... không còn xa lạ với khán giả mọi lứa tuổi trên toàn thế giới cũng như Việt Nam. Đặc biệt, những con số kỷ lục về doanh thu cộng với sự hài lòng của hầu hết các nhà phê bình khó tính khiến hãng phim Pixar trở thành một trong những tên tuổi lâu đời và nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực sản xuất phim hoạt hình. Nhiều bộ phim của Pixar nhận được các giải thưởng danh giá như Oscar, Quả cầu vàng, Grammy..., trong đó đã đoạt tới tám giải Oscar cho hạng mục phim hoạt hình hay nhất. Cùng với Pixar, Walt Disney cũng là một hãng sản xuất phim hoạt hình hàng đầu thế giới, được thành lập từ năm 1923 bởi hai anh em Walt và Roy Disney. Tên tuổi của hãng này được gắn với nhiều tuyệt phẩm như: Snow White and The Seven Dwarfs (Bạch Tuyết và Bảy chú lùn), Alice in Wonderland (Alice ở xứ sở thần tiên), 101 Dalmatians (101 chú chó đốm), The Little Mermaid (Nàng tiên cá), The Lion King (Vua Sư tử), The Jungle Book (Cậu bé rừng xanh) hay Aladdin (Aladin và Cây đèn thần)...

Những bộ phim “bom tấn” gần đây đã góp phần đưa Walt Disney trở thành hãng phim có doanh thu cả năm cao nhất mọi thời đại trong năm 2016 như: Frozen (Công chúa băng giá), Moana (Hành trình của Moana), Big Hero 6 (Biệt đội anh hùng 6)... Chưa kể, chuột Mickey, vịt Donald, Goofy và Pluto - những nhân vật trong loạt phim hoạt hình ngắn của hãng này đã trở thành những nhân vật được công nhận trong nền văn hóa đại chúng... Tại khu vực châu Á, Nhật Bản được đánh giá là một “cường quốc” trong lĩnh vực phim hoạt hình với những “anime” đặc sắc, riêng biệt và ăn khách (anime là chữ rút gọn từ chữ tiếng Anh animation, chỉ những bộ phim hoạt hình sản xuất theo phong cách Nhật Bản, mang đậm dấu ấn văn hóa Nhật Bản) như: Spirited Away (Sen và Chihiro ở Vùng đất linh hồn, nhận giải Oscar lần thứ 75 cho hạng mục phim hoạt hình hay nhất và giải Gấu vàng Liên hoan phim Berlin năm 2002), Tonari no Totoro (Hàng xóm của tôi là Totoro), A letter to Momo (Thư gửi Momo), The Wind Rise (Gió nổi)... Những nhân vật từ các anime như: Totoro, Pokemon... cũng trở thành những nhân vật biểu tượng nổi tiếng của Nhật Bản và quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả Việt Nam.

Tại thị trường Việt Nam, hầu hết các bộ phim hoạt hình nổi tiếng nêu trên đều đã ra mắt tại các rạp chiếu với lượng người xem rất đáng mơ ước. Thậm chí doanh thu một số phim đạt được lớn không thua kém các phim giải trí “bom tấn”. Bởi không chỉ đơn thuần là những nhân vật phù hợp với lứa tuổi nhỏ, hình ảnh, âm thanh sống động được thực hiện bằng những kỹ xảo mới, hiện đại, mỗi bộ phim còn đầy ắp những câu chuyện giàu ý nghĩa về tình yêu, tình cảm gia đình, hấp dẫn khán giả ở mọi lứa tuổi. Từ năm 2010 đến nay, hằng năm, phim hoạt hình luôn có mặt trong top 10 phim Mỹ đạt doanh thu cao nhất tại Việt Nam. Thành công vang dội của Frozen trên khắp thế giới đã đưa Công chúa băng giá tới Việt Nam và trong một thời gian dài có lẽ trở thành từ khóa được nói nhiều nhất của các bé gái. Tương tự, bộ phim Coco cũng đã lập kỷ lục phòng vé năm 2017 tại Việt Nam. Điều này cũng phần nào cho thấy, Việt Nam là một thị trường giàu tiềm năng, khán giả yêu thích và sẵn sàng bỏ tiền đến rạp xem những bộ phim hoạt hình có chất lượng. Tuy nhiên, nghịch lý là chưa có bộ phim hoạt hình Việt Nam nào đủ tự tin ra rạp mà hầu hết mới ở dạng chiếu kèm miễn phí. Đây cũng là một thách thức với phim hoạt hình Việt Nam sau 59 năm tồn tại và phát triển, kể từ bộ phim đầu tiên là Đáng đời thằng Cáo được thực hiện năm 1959. Cũng đã có những thời điểm, hoạt hình Việt Nam sản xuất được một số phim có giá trị, đạt nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế như: Mèo con (giải Bạc Liên hoan phim Rumani 1966, bằng khen tại Liên hoan phim ở Đức năm 1967); Chuyện ông Gióng (giải Vàng tại Liên hoan phim ở Đức năm 1971, bằng khen tại Liên hoan phim Mát-xcơ-va 1971)... Sau này, với nhiều bước tiến về công nghệ và kỹ xảo, một số phim khác cũng ra đời, được đánh giá tích cực như: Xe đạp (2001), Xe đạp và ô-tô (2002), Chuyện hai chiếc bình (2003), Cuộc phiêu lưu của Ong Vàng (2003), Ve Vàng và Dế Lửa (2003), Tít và Mít (2005), Giấc mơ của Ếch Xanh (2005), Hiệp sĩ Trán Dô (2006), Chú bé đánh giày (2007), Lu và Bun (2009), Thỏ và Rùa (2009)... nhưng chưa đủ sức thu hút công chúng, chưa tạo được dấu ấn đậm nét.

Có nhiều nguyên nhân cũng như các giải pháp được đưa ra nhằm giải quyết tình trạng phim hoạt hình Việt Nam mất chỗ đứng trên chính “sân nhà”. Nhưng dường như những dấu hiệu cho thấy sự khởi sắc trong lĩnh vực này vẫn chưa rõ nét. Một trong những bất cập chính về mặt cơ chế là phim hoạt hình chỉ sản xuất theo đặt hàng của Nhà nước mà chủ yếu do Hãng phim Hoạt hình Việt Nam (giai đoạn trước đây), và hiện nay là Công ty cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam thực hiện. Mỗi năm, số lượng phim sản xuất được thường chỉ dừng ở khoảng mười phim. Đáng nói là, những bộ phim này sản xuất xong chủ yếu được mang đi tranh giải tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế, ít khi được phổ biến rộng rãi trong nước. Khán giả Việt Nam hầu như biết rất ít thông tin về các bộ phim hoạt hình trong nước sản xuất, cũng như các kênh để có thể xem thường bị hạn chế. Đơn cử, trên website của Công ty cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cho biết: trong năm 2017, công ty sản xuất được 14 phim, tiêu biểu như: Hải âu bé bỏng (10 phút), Đôi cánh thiên thần (10 phút), Hành trình của Bi (10 phút)... Phim có thời lượng dài nhất là Người anh hùng áo vải với 30 phút. Tuy nhiên, khán giả gần như không biết đến các bộ phim này. Một hạn chế lớn nữa của phim hoạt hình Việt Nam là sự thiếu vắng những kịch bản hay, hấp dẫn, giàu tính sáng tạo, nội dung phù hợp tâm, sinh lý trẻ em, gần gũi với cuộc sống đương đại. Những khó khăn về tài chính cũng ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất phim hoạt hình, từ việc xây dựng kịch bản, lựa chọn nhân lực đến các thiết bị, kỹ thuật... Mặc dù khó khăn về tài chính là khó khăn chung của các hãng phim nhưng phải thừa nhận rằng, đầu tư cho phim hoạt hình thật sự khiêm tốn hơn rất nhiều so với các thể loại khác, trong khi để sản xuất một bộ phim hoạt hình rất công phu, kỹ lưỡng, tốn nhiều thời gian.

Số lượng phim ít, nội dung chưa hấp dẫn, những hạn chế về mặt phương tiện, kỹ thuật, truyền thông... là những lý do khiến hoạt hình Việt Nam không đến được với công chúng. Tuy nhiên, gần đây, sự vào cuộc của các nhà sản xuất tư nhân là một trong các yếu tố mới mẻ, được ví như làn gió mới cho thị trường phim hoạt hình Việt Nam. Bộ phim Con rồng cháu tiên 2017 của Hãng phim hoạt hình tư nhân VinTaTa được đầu tư hai tỷ đồng, dài 23 phút, chiếu trên Youtube thu hút hơn năm triệu người xem và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía khán giả. Tuy mới chỉ dừng ở việc chiếu trên mạng nhưng ít nhiều, bộ phim cũng đã đến được với khán giả và tạo được hiệu ứng tốt. Dù số lượng các công ty tư nhân tham gia chưa đông đảo song đã từng bước góp phần tạo nên diện mạo phong phú, đa dạng trong lĩnh vực sản xuất phim hoạt hình. Được biết, ngoài những công ty tư nhân, hiện đang xuất hiện nhiều nhóm yêu thích phim hoạt hình, đã tự đầu tư sản xuất những bộ phim ngắn và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về phim hoạt hình như các nhóm: Colory Animation, Bamboo Animation, Smile - AD hay Đoàn Gia Film. Có những bộ phim sản xuất theo dạng này được phát trên in-tơ-nét và thu hút được nhiều lượt xem, thậm chí có những bộ phim được đầu tư lên đến cả tỷ đồng. Theo bà Trần Thị Thu Hiền, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, việc các đơn vị tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này sẽ mang lại cho khán giả những món ăn tinh thần thú vị cũng như những cảm nhận phong phú hơn bởi mỗi đơn vị sẽ có cách khai thác đề tài, áp dụng công nghệ riêng cho sản phẩm phim hoạt hình. Mới đây, cuộc thi tìm kiếm ý tưởng kịch bản “Tác giả lừng danh” do Hãng phim hoạt hình tư nhân VinTaTa phát động cuối năm 2017 đã tìm ra ý tưởng xuất sắc nhất dành cho nhóm The Whale Hunters với kịch bản “Monta trong dải ngân hà kỳ cục”. Kịch bản này đã được VinTaTa đưa vào kế hoạch sản xuất và dự kiến ra mắt trong cuối năm 2018.

Sản xuất phim hoạt hình chiếu rạp là một trong những mục tiêu lớn của những nhà làm phim hoạt hình Việt Nam và cũng là mơ ước của bất kỳ nhóm sản xuất phim hoạt hình nào. Để thực hiện mục tiêu này, còn rất nhiều thách thức về cả kinh phí lẫn các nhân tố như: quy trình làm việc với các rạp, đổi mới kịch bản, kỹ thuật, phương tiện, con người... Tuy nhiên, các nhà sản xuất và đơn vị kinh doanh đều khẳng định đây là hướng đi lâu dài và cần thiết để hoạt hình Việt Nam có thể phát triển, đáp ứng thị trường trong nước cũng như cạnh tranh với phim hoạt hình do nước ngoài sản xuất. Hy vọng rằng, bên cạnh sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách từ phía Nhà nước và ngành văn hóa, với việc đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực sản xuất phim, những nỗ lực đổi mới của những người làm nghề, diện mạo của phim hoạt hình Việt Nam sẽ từng bước khởi sắc và tìm được chỗ đứng xứng đáng trong lòng người hâm mộ.